Nghĩa tình đồng đội trải ấm ở những khu di tích linh thiêng

Đăng lúc: 02-01-2018 9:56 Sáng - Đã xem: 106 lượt xem In bài viết

Hội Cựu cán bộ Đoàn TN của Trung ương Đoàn TNCS HCM Việt Nam có gần 300 hội viên. Trong đó có tới 60% là cựu TNXP đã phục vụ hai cuộc kháng chiến đánh đuổi bọn thực dân Pháp và đánh đế quốc Mỹ đến xâm lược nước ta.

Từ gắn kết tình đồng đội ấy nên mấy năm nay Hội Cựu cán bộ Đoàn thanh niên đã tự nguyện thực hiện một thông lệ “Cứ mùa xuân về, cứ đến ngày tết, ngày lễ kỷ niệm truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP 15/7 hàng năm, Hội tổ chức về nguồn về thăm những địa chỉ đỏ trong cả nước”.

Mùa xuân này chúng tôi về thăm một số địa chỉ đỏ ở miền Trung – nơi oằn mình chống chọi những cơn bão số 12, 13, 14 đã liên tiếp ập vào vùng đất nghèo nhưng rất kiên cường và dũng cảm.

Xe ô tô từ Hà Nội chạy tròn một ngày đường, chúng tôi mới đến hang Tám Cô ở đường 12A – con đường 20 Quyết Thắng vùng đất miền tây tỉnh Quảng Bình.

Đến nơi, nhìn bãi đỗ xe ô tô tuy rất rộng nhưng nhiều đoàn xe nối đuôi nhau đã đỗ kín. Đi qua một con dốc thoai thoải, cả đoàn người đều dừng chân trước một bia đá có khắc tên tám đội viên TNXP dũng cảm bám đường Trường Sơn đánh giặc Mỹ, đã bị bom đạn chôn sống trong hang đó là:

  1. Nguyễn Văn Khuê
  2. Nguyễn Văn Phương
  3. Nguyễn Mậu Kỳ
  4. Nguyễn Văn Vu
  5. Nguyễn Thị Tơ
  6. Lê Thị Mai
  7. Đỗ Thị Loan
  8. Lê Thị Lương

Ban quản trị hang Tám Cô nói với chúng tôi: “Cả tám đội viên TNXP bị chôn sống trong hang này đều có cùng một mẫu số chung”

  • Cùng quê hương Thanh Hóa
  • Cùng lứa tuổi mười chín đôi mươi
  • Cùng tình nguyện nhập đội TNXP một đợt
  • Cùng dũng cảm bám đường đánh trả giặc máy bay giặc Mỹ
  • Cùng bị bom đạn chôn sống trong hang
  • Cùng một ngày 14/11/1968

Nghe xong câu chuyện dã man của bọn giặc Mỹ, chúng tôi sắp vội mâm lễ có đủ hương hoa đặt lên bàn thờ trước cửa hang vừa thắp tám nén hương thơm thì bỗng có một làn gió ào tới rồi bay vèo trên đầu chúng tôi. Tôi luống cuống nắm vội tay chị Trần Thị Tám, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhi Đồng Việt Nam.

Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn theo làn gió vừa bay qua, một thanh niên trẻ bận quân phục, tay đeo bang đỏ có ghi hai chữ “Bảo vệ” bước đến nói vội: “Đừng sợ, đó là làn gió đưa linh hồn của tám liệt sỹ bị chôn trong hang này ra chào các chị đấy!”

Nghe câu chuyện tưởng như kỳ bí ấy, mọi người ngồi nghiêm trang kính cẩn bái phục vào hang, bái phục vào chốn linh thiêng cả tấm lòng vì nghĩa tình đồng đội, để ấm lòng những người đã khuất

Kính lễ xong, chúng tôi lặng lẽ rời chốn hang thiêng này. Khi đi qua võng gác, tôi hỏi anh bảo vệ có khuôn mặt điềm đạm: “Những ngày này có bao nhiêu  người đến chốn linh thiêng dâng hương để tỏ lòng thương nhớ?

Anh bảo vệ chỉ tay về phía những đoàn xe mang số biển 62, 68, 65, 37, 25, 21, 14… nói với tôi: “Nhiều lắm chị ạ, nhiều xe ô tô chở người vô đây dâng hương. Nhiều nhất là những ngày lễ, ngày tết, những ngày kỷ niệm… tôi không sao đếm nổi dòng người về đây đông đảo đến thế”.

Vẫy chào những đoàn xe đang lăn bánh về hướng Nam, xe ô tô của chúng tôi cũng bám đuôi xe ô tô mang biển số 38 chạy ra hướng Bắc.

Đến đất Hà Tĩnh, chúng tôi có mặt ngay ở khu di tích “Ngã ba Đồng Lộc”, nơi có 10 mộ chí của 10 cô gái là liệt sỹ TNXP dũng cảm bảo vệ an toàn cho đoàn xe ra trận đã bị bom đạn của máy bay giặc Mỹ giết hại.

Chúng tôi đã đến thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nhiều lần. Mỗi lần đến thăm, tôi được biết thêm nét duyên, nét đẹp… mà tuổi trẻ cả nước, cả bà con cô bác khắp mọi miền đã mang về tô điểm cho nơi linh thiêng này. Đó là hình dáng mười chiếc nón lá đội đầu làm duyên ở thời con gái nao nức đi nhập ngũ. Lần thứ hai đến thăm khu mộ, tôi được ngắm những cây bồ kết đang đơm hoa kết trái để mười cô gái TNXP ở khu di tích này hàng ngày tắm gội, tô điểm cho những suối tóc óng mượt thêm xuân. Và lần thứ ba tôi được nghe thấy tiếng chuông thiêng ngân nga vang cả bầu trời Đồng Lộc như mời mười cô gái trẻ về họp mặt giao lưu.

Và hôm nay lần thứ tư này tôi càng cảm động khi nhìn thấy những đoàn người rất đông có đủ gương mặt già, trẻ, gái, trai đang kính cẩn dâng hương để tỏ lòng thương nhớ mười cô gái đã hy sinh cả tuổi xuân vì nền độc lập thống nhất của tổ quốc.

Nhìn dòng người đang đổ về khu di tích ngã ba Đồng Lộc, tôi hỏi ông Võ Công Tứ (trong ban quản lý di tích): “Những ngày này có bao nhiêu người mang tấm lòng nhân thương nhớ đồng đội về dâng hương ở đây?”

Ông Võ Công Tứ chỉ tay về phía người mộ chí đang tỏa hương thơm và nói: “Nhiều lắm! Nhiều đoàn xe chở nhiều người từ tận Mũi Cà Mau, Lạng Sơn, Đắc Lắc… về khu di tích này dâng hương để tỏ lòng thương nhớ”.

Ông Tứ còn nói thêm: “Cho tới nay ban quản lý di tích chúng tôi vẫn nhớ nhiều câu chuyện cảm động. Chuyện má Tư Hồng ở tận tỉnh Tiền Giang. Má Tư Hồng đã ở tuổi xưa nay hiếm, vậy mà má cùng bà con cô bác, cùng đồng đội TNXP tận thành phố Mỹ Tho vượt gần ngàn cây số đường dài để về dâng hương khu di tích này. Đến khu mộ má thắp hương cho cả mười mộ chí xong, má Tư Hồng lưu lại lâu hơn ở mộ chí của liệt sỹ Nguyễn Thị Cúc. Má lấy trong túi chiếc khăn trắng tinh lặng lẽ lau di ảnh của Cúc đặt trên mộ chí và rủ rỉ nói: “Cúc à! Má về thăm con và mang cả quà đây nè”. Má Tư Hồng lấy trong túi xách một gói bồ kết rồi đặt lên mộ của Cúc mà cả hai hàng nước mắt của má cứ tuôn trào. Sau mười phút lặng lẽ nhìn chằm chặp vào 10 di ảnh đặt trên mộ, má quay lại nắm tay tôi rủ rỉ: “Cảm ơn ban quản lý đã ngày đêm chăm sóc, bảo quản tốt khu di tích này!”. Má Hồng lau vội hai hàng nước mắt đang lăn trên gò má đã nhăn nheo rồi nói tiếp: “Về đây, má được tận mắt ngắm cả mười di ảnh của mười liệt sỹ. cả mười di ảnh này được các anh, các chị lưu giữ, bảo quản đưọc nét duyên, nết tươi trẻ còn đọng lại trong mười di ảnh của mười liệt sỹ TNXP ở thời con gái. Càng ngắm di ảnh, má càng ấm lòng vì giữ được thế này là má vui lắm!”

Nhắc đến nét duyên, nét tươi trẻ… còn đọng lại ở mười di ảnh của mười liệt sỹ TNXP ở khu di tích ngã ba Đồng Lộc, tôi lại nhớ đến bài thơ đặt ở phòng truyền thống mà nhà thơ Trần Ninh Quỳ đã viết tặng mười cô gái – 10 liệt sỹ TNXP ở khu di tích ngã ba Đồng Lộc.

Đồng Lộc có mười bông hoa tím

Đến muôn đời sắc tím vẫn tinh khôi

Giữa bom thù chợt tiếng mẹ đưa nôi

Dịu dàng đưa sắc hoa vào lòng đất

Các em đi lúc tuổi đời đẹp nhất

Làn tóc mây xơ xác gió Lào trưa

Vũng nước nào tắm mát lúc không mưa?

Và bồ kết lúc gội đầu tìm không thấy.

Các em ơi! Bình minh rồi, thức dậy!

Đồng đội về trồng bồ kết cho em

Mười chị em hớn hở chạy ra xem

Nhường nhau hái gội đầu cho thơm tóc

Các em cười để mẹ già bớt khóc

Cho non song cho thế giới quây quần

Các em cười, mãi mãi nụ cười xuân

Hồn trinh nữ cho quê hương bất tử.

Những nét duyên, nét tươi trẻ còn lưu lại trên mười di ảnh của mười cô gái – mười liệt sỹ TNXP ở khu di tích ngã ba Đồng Lộc – cứ theo mãi trong tâm trí chúng tôi, theo mãi trên đường về đất Nghệ An, nơi quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đến thành phố Vinh, nắng mặt trời đã chạm đến chân núi Quyết đã trải khắp mặt sông Lam, nhưng ô tô của chúng tôi vẫn chạy thêm hai mươi cây số nữa để đến đất Mỹ Sơn (huyện Đô Lương). Đến nơi, tuy đã chiều muộn nhưng tất cả các đoàn đều được ban quản lý di tích Truông Bồn tiếp đón chu đáo. Đồng chí giám đốc Chu Vĩnh Hiệp đưa đoàn chúng tôi vào nhà thờ. Ở đây, có một bia đá khắc tên mười ba liệt sỹ TNXP đó là: Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Đinh Thị Vinh, Phan Thị Phúc, Vũ Thị Hiên…

Về thăm khu di tích Truông Bồn lần này chúng tôi được ông Nguyễn Tâm Cớn – chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành, nguyên là tổ trưởng tổ phá bom nổ chậm của C317 năm xưa kể lại: “Truông Bồn là một cái đèo rất dốc chạy quanh co gần 5 km giữa vách núi hiểm trở. Sau những trận bom ác liệt của máy bay giặc Mỹ trút xuống cầu Bùng, cầu Cấm để chặt đứt con đường 1A thì Truông Bồn lúc bấy giờ (1968) là huyết mạch giao thong độc đạo quan trọng bậc nhất vì Truông Bồn nằm trên đường chiến lược 1A chạy qua ba địa phận huyện Thanh Chương – Đô Lương – Nam Đàn rồi chạy tới ngã ba Đồng Lộc đổ vào đường Trường Sơn, chạy tới mặt trận phía Nam để qua chiến trường B-C. Trước tình thế giao thông cực kỳ khó khăn, lúc bấy giờ tổng đội TNXP tỉnh Nghệ An đã cử đội C317 – đơn vị làm đường, bảo vệ đường giỏi nhất về chốt ở Truông Bồn này. Gần 21 tháng bám và bảo vệ cung đường huyết mạch đại đội C317 chúng tôi đã hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của máy bay giặc Mỹ trút xuống nhằm hủy diệt con đường độc đạo. Ác liệt nhất là trận dội bom sang ngày 31/9/1968 ở dốc Kỳ Lừa. Những quả bom tấn nổ ầm ầm vừa dứt, cả đại đội C317, cả đoàn công binh, bộ đội địa phương, dân quân du kích của Mỹ Sơn khẩn trương đào bới đến kiệt sức mới tìm thấy 6 thi thể còn nguyên vẹn, 7 đội viên TNXP còn lại đã xương rơi, thịt vụn trong lòng đất Mỹ Sơn này. Chị tiểu đội trưởng Phạm Thị Thông may mắn còn sống sót. Nén đau thương thành sức mạnh, cả đại đội chúng tôi bừng bừng khí thế “Đứt đường như đứt ruột”! “Sống kiên cường, chết bám đường dũng cảm!””.

Nghe xong câu chuyện mà người dũng cảm phá bom nổ chậm năm xưa kể, chúng tôi đứng xúm quanh ngôi mộ chôn chung cả bảy đội viên TNXP ngậm ngùi thương nhớ đến trào nước mắt khi nghe cô thuyết minh kể: “Ở Tiểu đội 2 thuộc Đại đội C317 có năm đội viên cùng lứa tuổi đôi mươi cùng quê ở huyện Yên Thành. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc cả năm đội viên – năm bạn gái trẻ ấy rất vui khi nhận được năm giấy gọi nhập học ở trường trung cấp chuyên nghiệp. Đội viên Vũ Thị Hiên giơ tờ giấy gọi nhập học khoe với đồng đội: “Chỉ còn 5 ngày nữa là mình được cấp sách đến trường trung cấp. Hôm nay mình xung phong đi lao động lần cuối với các bạn để kỷ niệm những ngày chúng mình cùng nhau lao động, bảo vệ cung đường cho đoàn xe an toàn ra mặt trận”. Nhưng buổi lao động cuối ấy (31/10/1968) thật nghiệt ngã, bi thương vì bom đạn của máy bay giặc Mỹ đã cướp ước mơ của 13 đội viên và của Hiên mãi mãi, không còn cắp sách đến trường nữa.

Chôn cất mười ba đội viên xong, chị tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 chạy nhanh về lán và khi lục trong ba lô của đội viên Vũ Thị Hiên thấy tờ giấy gọi nhập học, chị Phạm Thị Thông ôm gọn vào lòng rồi nức nở gọi lớn: “Đồng đội ơi! Hiên ơi! Vinh ơi! Phúc ơi! Cả đại đội của chúng mình đã cầm chắc tay cuốc, tay sung để trả thù cho đồng đội, trả thù cho đồng đội, đồng đội thương nhớ vô vàn của tôi ơi…!

Ghi chép của Bích Hậu

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến