PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH QUA NHỮNG VẦN THƠ CHÚC TẾT CỦA BÁC

Đăng lúc: 04-01-2022 2:16 Chiều - Đã xem: 215 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

 

 “Bác ơi tết đến giao thừa đó

 Vẫn đón nghe thơ bác mọi lần”[i]

 

 Cứ mỗi khi mùa xuân đến, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến những vần thơ chúc tết của Bác. Càng đọc lại nhiều lần, ta càng thấy thấm thía hơn phong cách Hồ Chí Minh. Đó là sự giản dị.

 Nói về Người, một nhà văn đã viết: ” Sự giản dị là tột cùng của sự sâu sắc và vĩ đại!”. Còn một nhà thơ khác thì viết:” Người giản dị nên Người thành vĩ đại”.

 Sinh thời Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ chúc tết. Bài nào cũng chỉ có 4-10 câu. Với Bác, văn hay thơ, nghệ thuật hay tuyên truyền đều vì mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thơ ca chính là con người. Vì vậy những bài thơ chúc tết của Bác luôn giản dị và trân thành, tràn đầy tình cảm gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân như chính cuộc đời của Bác.

 Một nhà triết học Ấn Độ khi nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đức tính giản dị là một trạng thái trong sáng nhất của một tâm hồn. Bác Hồ mặc bộ quần áo giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị với vẻ mặt tươi cười làm tỏa ra sự trong sáng của một tâm hồn giản dị…”.

 Với những bài thơ chúc tết, Bác đã nói rõ rằng:

 “Mấy lời thành thật nôm na

 Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân[ii].

 Kêu gọi vì Bác là lãnh tụ của dân tộc, Bác chúc tết đồng bào vì những tình cảm yêu thương quý trọng mà người đã suốt đời dành cho nhân dân yêu quý của mình.

 Như mọi người đã biết, sau ngày Bác đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không lâu thực dân Pháp đã quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946 Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22 tháng chạp năm ấy bác đã bí mật chuyển đến ở một địa điểm mới thuộc huyện Thạch Thất – Sơn Tây. Là người đứng đầu chính phủ, chèo lái con thuyền cách mạng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, ít ai có thể ngờ rằng đúng giao thừa năm ấy (sau khi họp Hội đồng Chính phủ để bàn những công việc cấp bách của kháng chiến) Bác đã có mặt ở Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam (Sơ tán ở chùa Trầm, huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Đông cũ) để đọc thơ chúc tết. Đó là bài: Mừng Xuân Đinh Hợi 1947:

 “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

 Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông 

 Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

 Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

 Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào

 Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

 Trường kỳ kháng chiến nhất định thành công.”

 Bài thơ chính là tiếng kèn xung trận, là lời hiệu triệu của Bác Hồ gửi đến đồng bào chiến sĩ cả nước, thể hiện niềm tin tất thắng của Người. Sau này, Giáo sư Hà Minh Đức đã viết: “Đây là một trong những bài thơ chúc tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đâu của chiến thắng”.

 Còn nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì viết: “Cả bài thơ phơi phới như buồm căng trước gió. Nó là một bài thơ của niềm tin vững chắc, tiếng nói của những người chiến thắng”

 Bài thơ chúc tết cuối cùng Bác để lại cho nhân dân ta là bài Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969:

 “Năm qua thắng lợi vẻ vang

 Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

 Vì độc lập, vì tự do

 Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào

 Tiến lên chiến sĩ đồng bào

 Bắc nam xum họp xuân nào vui hơn.”

 

 Mùa thu năm ấy (mồng 2/9/1969) Bác đã vĩnh viễn ra đi để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào chiến sĩ cả nước. Bác đi xa khi nước nhà còn chia cắt, bài thơ chúc mừng năm mới năm ấy, Bác như dành ưu tiên cho cách mạng miền Nam. Và Bác đã nói đến niềm vui xum họp.

 Chỉ 6 năm sau, ngày 30/4/1975 quân và dân cả nước đã thực hiện được mơ ước của người, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc.

 Thơ chúc tết là tình cảm thân thương Bác gửi đến toàn dân. Đó là phong cách Hồ Chí Minh trong sáng mà giản dị. Người sẽ sống mãi trong lòng dân tộc như mùa xuân đất nước.

 Nguyễn Minh Xuân

 Hội quán đông y Lương Tài


[i] (Theo chân Bác -Tố Hữu)

[ii] Thơ Bác chúc Tết Nhâm Thìn 1952