NGHỊ ĐỊNH 131/2021/NĐ-CP HƯỚNG DẪN PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Đăng lúc: 14-08-2022 8:33 Sáng - Đã xem: 128 lượt xem In bài viết

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 131/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về việc công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và các biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh(sau đây gọi là người có công).
  2. Thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh(sau đây gọi là thân nhân).
  3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với chính sách ưu đãi người có công theo quy định của Pháp lệnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người làm nghĩa vụ quốc tế là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở nước ngoài hoặc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo các mốc thời gian như sau:

a) Làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào: thời gian từ tháng 5 năm 1975 đến 31 tháng 12 năm 1988.

b) Làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia: thời gian từ tháng 01 năm 1979 đến 31 tháng 8 năm 1989.

c) Làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài: thời gian từ tháng 5 năm 2014 trở về sau.

2.Đại diện thân nhân là cá nhân hoặc pháp nhân được các thân nhân giao đại diện theo quy định của pháp luật dân sự.

3. Con của người có công nếu còn tiếp tục đi học là người đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc phổ thông đến trình độ đại học.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, HỒ SƠ CÔNG NHẬN, GIẢI QUYẾT
VÀ THỜI ĐIỂM HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Mục 1. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945

Điều 4. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh là người được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận khi có một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

  1. Đã tham gia một tổ chức cách mạng hoặc đã thực sự hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.
  2. Được kết nạp hoặc được kết nạp lại vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước ngày 19 tháng Tám năm 1945.

Việc công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) “Về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm”, Thông tri số 07-TT/TC ngày 21 tháng 3 năm 1979 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng được hưởng chính sách, chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945”.

Điều 5. Căn cứ lập hồ sơ

1. Người còn sống hoặc người đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ vào bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III).

c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 hoặc người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Người đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Bản sao được chứng thực từ lý lịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, từ hồ sơ khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hoặc từ hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, bảo tàng lịch sử từ cấp huyện trở lên.

b) Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.

c) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép xuất bản.

Điều 6. Thẩm quyền ban hành quyết định công nhận

  1. Người hoạt động cách mạng thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương quản lý thì Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Nếu không có Ban cán sự đảng, Đảng đoàn thì Đảng ủy cấp trên (trực thuộc Trung ương) xem xét, quyết định.

Trường hợp người hoạt động cách mạng chỉ thuộc cấp ủy địa phương quản lý thì Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nơi người đó hoạt động cách mạng trước năm 1945 xem xét, quyết định.

  1. Người hoạt động cách mạng thuộc quân đội thì Tổng cục Chính trị xem xét, quyết định.
  2. Người hoạt động cách mạng thuộc công an thì Ban thường vụ Đảng ủy công an Trung ương xem xét, quyết định.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi

  1. Cá nhân viết bản khai theo Mẫu số 01 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại Điều 5 Nghị định này.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xác nhận bản khai và gửi đầy đủ giấy tờ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.
  3. Cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định công nhận theo Mẫu số 49 Phụ lục INghị định này và chuyển hồ sơ đến Sở Lao động -Thương binh và Xã hội nơi người hưởng trợ cấp thường trú để giải quyết chế độ ưu đãi.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 50 Phụ lục INghị định này; đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.
  5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 thuộc quân đội, công an.

Điều 8. Thời điểm hưởng

  1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 còn sống được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng ban hành quyết định công nhận.
  2. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Mục 2. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TỪ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 ĐẾN NGÀY KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM NĂM 1945

Điều 9. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

  1. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh.
  2. Danh mục ngày khởi nghĩa tại các địa phương theo quy định tại Phụ lục IINghị định này.

Điều 10. Căn cứ lập hồ sơ

1. Người còn sống hoặc người đã hy sinh, từ trần từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về sau thì căn cứ vào bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1969 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

b) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng do cơ quan, tổ chức để thất lạc lý lịch khai từ năm 1969 trở về trước hoặc người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 hoặc người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Người đã hy sinh, từ trần từ trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì căn cứ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Bản sao được chứng thực từ lý lịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, từ hồ sơ khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hoặc từ hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, bảo tàng lịch sử từ cấp huyện trở lên.

b) Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.

c) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép xuất bản.

Điều 11. Thẩm quyền ban hành quyết định công nhận

  1. Người hoạt động cách mạng thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương quản lý thì ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Nếu không có ban cán sự đảng, đảng đoàn thì đảng ủy cấp trên (trực thuộc Trung ương) xem xét, quyết định.

Trường hợp người hoạt động cách mạng chỉ thuộc cấp ủy địa phương quản lý thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nơi người đó hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 xem xét, quyết định.

  1. Người hoạt động cách mạng thuộc quân đội thì Tổng cục Chính trị xem xét, quyết định.
  2. Người hoạt động cách mạng thuộc công an thì Ban thường vụ Đảng ủy công an Trung ương xem xét, quyết định.

Điều 12. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi

  1. Cá nhân viết bản khai theo Mẫu số 02 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại Điều 10 Nghị định này.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xác nhận bản khai và gửi đầy đủ giấy tờ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Nghị định này.
  3. Cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định công nhận theo Mẫu số 49 Phụ lục INghị định này và chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người hưởng trợ cấp thường trú để giải quyết chế độ ưu đãi.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 50 Phụ lục INghị định này; đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.
  5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thuộc quân đội, công an.

Điều 13. Thời điểm hưởng

  1. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống được hưởng trợ cấp hằng tháng từ tháng quyết định công nhận được ban hành.
  2. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần kể từ tháng quyết định trợ cấp ưu đãi được ban hành.

Mục 3. LIỆT SĨ VÀ THÂN NHÂN LIỆT SĨ

Điều 14. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ

  1. Trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhđược xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
  2. Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhđược xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
  3. Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhđược xác định như sau:

a) Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập có tính chất nguy hiểm trong các trường hợp sau: bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.

b) Làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm khi: chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; thực hiện nhiệm vụ của kiểm ngư, cảnh sát biển; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; rà phá, xử lý, tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển thuốc phóng, thuốc nổ, vũ khí, đạn dược; xây dựng công trình ngầm quốc phòng, an ninh.

Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh(sau đây gọi là địa bàn đặc biệt khó khăn) là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn dễ xảy ra tai nạn, ốm đau, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định này.

Không xem xét công nhận đối với các trường hợp ốm đau tại địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng đã được đưa đi chữa trị ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên hoặc ốm đau ở nơi khác và đã được điều trị nhưng không chữa khỏi mà vẫn chuyển công tác về địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.

  1. Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhlà trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
  2. Xem xét công nhận liệt sĩ đối với trường hợp quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhgồm các yếu tố sau:

a) Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.

b) Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.

c) Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

d) Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

7. Các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại các điểm c, d, đ, e, l, m khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh.

Điều 15. Trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ

  1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.
  2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phát hiện hoặc lưu trữ các thông tin, tài liệu liên quan đến người hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ có trách nhiệm cung cấp tới cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.

Điều 16. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh

Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cá nhân tại thời điểm hy sinh có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh như sau:

  1. Người hy sinh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng do thủ trưởng trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp giấy chứng nhận; người hy sinh là người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do thủ trưởng đơn vị trực thuộc Ban trở lên cấp giấy chứng nhận.
  2. Người hy sinh là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách thuộc công an do thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận.
  3. Người hy sinh thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương cấp giấy chứng nhận.
  4. Người hy sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận.
  5. Người hy sinh thuộc cơ quan cấp huyện, cấp xã và các trường hợp không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận.

Điều 17. Căn cứ cấp giấy chứng nhận hy sinh

  1. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh, việc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở giấy xác nhận của các cơ quan, đơn vị sau:

a) Người hy sinh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng do thủ trưởng cấp tiểu đoàn và tương đương cấp; người hy sinh là người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trực thuộc Ban cấp.

b) Người hy sinh là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách trong công an do thủ trưởng công an cấp huyện hoặc tương đương cấp.

c) Người hy sinh thuộc các cơ quan trung ương do thủ trưởng cấp vụ hoặc cấp tương đương cấp.

d) Người hy sinh không thuộc quy định tại các điểm a, b, c khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.

2. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở các giấy tờ sau:

a) Quyết định cử đi làm nghĩa vụ quốc tế do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp.

b) Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh lập; trường hợp không có biên bản xảy ra sự việc thì phải có giấy xác nhận trường hợp hy sinh do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này cấp.

3. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải trên cơ sở biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh lập.

4. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải trên cơ sở văn bản giao làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm kèm biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh lập.

5. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở các giấy tờ sau:

a) Quyết định phân công nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.

b) Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn đặc biệt khó khăn như sau: lý lịch cán bộ; lý lịch quân nhân; lý lịch đảng viên; hồ sơ bảo hiểm xã hội.

c) Biên bản xảy ra sự việc đối với trường hợp tai nạn hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện mắc bệnh trong thời gian công tác tại địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.

6. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở bản kế hoạch công tác hoặc quyết định, danh sách phân công làm nhiệm vụ hoặc giấy xác nhận giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh; biên bản họp cấp ủy, lãnh đạo, cơ quan đơn vị quản lý người hy sinh thống nhất việc đề nghị công nhận liệt sĩ; bản án hoặc bản kết luận điều tra vụ án hình sự của cơ quan điều tra.

Trường hợp không có bản án, bản kết luận vụ án của cơ quan điều tra thì phải kèm báo cáo kết thúc điều tra vụ việc hoặc báo cáo kết quả điều tra vụ việc của cơ quan điều tra có thẩm quyền và một trong các giấy tờ sau: Quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với trường hợp không xác định được đối tượng phạm tội; Quyết định truy nã bị can đối với trường hợp đối tượng phạm tội bỏ trốn hoặc không xác định được nơi đối tượng thường trú; Quyết định gia hạn điều tra; Quyết định không khởi tố vụ án, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc đã chết.

Trường hợp bản án, bản kết luận vụ án, báo cáo kết thúc điều tra vụ việc hoặc báo cáo kết quả điều tra vụ việc không thể hiện rõ trường hợp hy sinh thì phải kèm theo biên bản xảy ra sự việc và báo cáo vụ việc của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh.

  1. Đối với trường hợp hy sinh quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở các giấy tờ sau:

a) Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập; đối với việc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội phải có kết luận của cơ quan điều tra cấp huyện trở lên.

b) Bản sao được chứng thực từ Quyết định tặng thưởng Huân chương và Quyết định tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

8. Đối với trường hợp thương binh chết do vết thương tái phát quy định tại điểm l khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải căn cứ trên cơ sở bản tóm tắt hồ sơ bệnh án và biên bản kiểm thảo tử vong xác định nguyên nhân chính gây tử vong là do vết thương cũ tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an).

9. Đối với trường hợp mất tích theo quy định tại các điểm e, g, i, k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhviệc cấp giấy chứng nhận hy sinh phải trên cơ sở căn cứ cấp giấy chứng nhận hy sinh quy định tại các khoản 3, 4 hoặc khoản 6, 7 Điều này, kèm theo quyết định của tòa án tuyên mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự.

10.Đối với trường hợp hy sinh hoặc mất tích trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, truy quét Ful rô quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhthì việc cấp giấy chứng nhận hy sinh thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 12 Chương II Nghị định này.

Điều 18. Hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ

1. Người khi hy sinh đang thuộc quân đội, công an quản lý thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm:

a) Hướng dẫn về quy trình lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo quy định.

b) Có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định trong thời gian không quá 50 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh xác lập, hoàn thiện các giấy tờ quy định tại Điều 17 Nghị định này.

2. Người khi hy sinh không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ thực hiện như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 16 Nghị định này.

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh quy định tại các khoản 3, 4 Điều 16 Nghị định này trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận hy sinh theo Mẫu số 34 Phụ lục INghị định này; có văn bản kèm theo các giấy tờ quy định tại Điều 17 Nghị định này chuyển đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định này trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận hy sinh; có văn bản kèm theo các giấy tờ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và gửi văn bản kèm theo các giấy tờ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

  1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm thẩm định, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

b) Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp bằng, có trách nhiệm in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển hồ sơ kèm bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để chuyển về cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh.

  1. Cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” kèm hồ sơ, có trách nhiệm:

a) Thông báo cho thân nhân của liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ) và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đại diện thân nhân liệt sĩ thường trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Trường hợp không còn thân nhân thì tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, bàn giao Bằng “Tổ quốc ghi công” về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sĩ thường trú trước khi hy sinh.

b) Bàn giao hồ sơ kèm bản sao quyết định cấp Bằng về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ.

Điều 19. Hồ sơ, thủ tục tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước đối với trường hợp hy sinh, bị thương quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 và điểm k khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh

  1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh, bị thương trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 17 Nghị định này và bản sao quyết định tặng thưởng Huân chương, có văn bản đề nghị kèm các giấy tờ nêu trên gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận hy sinh hoặc cấp giấy chứng nhận bị thương.

  1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước và chuyển quyết định về cơ quan đề nghị.

Điều 20. Hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ đối với trường hợp quy định tại điểm l khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh

  1. Trường hợp đang sống tại gia đình:

a) Đại diện thân nhân có đơn đề nghị kèm giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thường trú trước khi chết.

Trường hợp không còn thân nhân thì cá nhân có đơn kèm giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thường trú trước khi chết.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ có trách nhiệm xác nhận đơn đề nghị, có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị cấp giấy chứng nhận hy sinh.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ có văn bản đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận hy sinh. Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận bản trích lục hồ thương binh, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Cấp bản trích lục hồ sơ thương binh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh thực hiện theo trách nhiệm quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 18 Nghị định này.

2. Trường hợp đang nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công:

a) Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công có văn bản kèm giấy tờ quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ cung cấp bản trích lục hồ sơ thương binh.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm cung cấp trích lục hồ sơ thương binh và gửi kèm các giấy tờ quy định điểm a khoản này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đặt trụ sở.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận bản trích lục hồ sơ thương binh, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đặt trụ sở kèm theo các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm thẩm định, nếu đủ điều kiện thì có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo các giấy tờ quy định tại điểm c khoản này.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh thực hiện theo trách nhiệm quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 18 Nghị định này.

Điều 21. Hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước

  1. Căn cứ để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” như sau:

a) Một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi: Quyết định hưởng trợ cấp; sổ nhận trợ cấp ưu đãi; danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần khi báo tử có ký nhận của người hưởng trợ cấp; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận được lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

b) Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có:

Một trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận là liệt sĩ, hy sinh; trường hợp có tên trong danh sách, sổ quản lý liệt sĩ không có dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập, ghi sổ nhưng đang do cơ quan chức năng địa phương quản lý thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tập hợp, chốt số lượng người và xác nhận danh sách, sổ quản lý liệt sĩ đang do cơ quan chức năng địa phương quản lý, hoàn thành trước ngày 01 tháng 5 năm 2022 và báo cáo số liệu theo Mẫu số 101 Phụ lục I Nghị định này về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 6 năm 2022.

c) Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có một trong các giấy tờ: giấy báo tử, giấy báo tử trận, giấy chứng nhận hy sinh hoặc có hồ sơ đang lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có giấy xác nhận thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh liệt sĩ từ cấp xã trở lên kèm theo các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc xác nhận để khắc bia của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt bia ghi danh liệt sĩ.

2. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này như sau:

a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục INghị định này kèm theo một trong các giấy tờ quy định điểm a khoản 1 Điều này (nếu có) gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đã thực hiện chế độ ưu đãi.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thực hiện theo quy định trên.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu đang quản lý, nếu có một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà không thuộc các trường hợp bị chấm dứt chế độ ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Pháp lệnhthì thực hiện như sau:

Lập danh sách kèm bản sao giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ ưu đãi để niêm yết công khai tại thôn, xã lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong thời gian tối thiểu 40 ngày.

Có văn bản kèm bản sao các giấy tờ sau: giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, các giấy tờ của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16 Nghị định này để cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; có văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận hy sinh.

Đối với trường hợp chưa xác định được cơ quan, đơn vị quản lý liệt sĩ khi hy sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xác minh để kết luận, giao cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hy sinh theo thẩm quyền (Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh đối với quân nhân, Công an cấp tỉnh đối với công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với dân quân du kích hoặc cán bộ dân chính đảng).

Thành phần Hội đồng xác minh bao gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh, đại diện các sở, ngành, hội có liên quan.

c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ ưu đãi trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách và bản sao các giấy tờ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến, có trách nhiệm niêm yết công khai tại thôn, xã lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong thời gian tối thiểu 40 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai. Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản họp xét duyệt và có văn bản đề nghị kèm biên bản kết quả niêm yết công khai và biên bản họp xét duyệt của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hội đồng xác nhận người có công cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chủ tịch hội đồng; các thành viên gồm: cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quân sự, công an, y tế; đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi; Hội Cựu thanh niên xung phong.

d) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và gửi văn bản kèm theo các giấy tờ theo quy định đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

e) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định này. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp bằng, có trách nhiệm in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển hồ sơ kèm bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này như sau:

a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục INghị định này kèm theo các giấy tờ quy định điểm b khoản 1 Điều này (nếu có) gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đã thực hiện chế độ ưu đãi.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thực hiện theo quy định trên.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu đang quản lý, nếu có đủ giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà không thuộc các trường hợp bị chấm dứt chế độ ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Pháp lệnhthì có văn bản kèm bản sao giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16 Nghị định này để cấp giấy chứng nhận hy sinh; có văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận hy sinh.

Đối với trường hợp chưa xác định được cơ quan, đơn vị quản lý liệt sĩ khi hy sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xác minh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực) để kết luận, giao cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hy sinh theo thẩm quyền (Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh đối với quân nhân, Công an cấp tỉnh đối với công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với dân quân du kích hoặc cán bộ dân chính đảng).

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này.

4. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này như sau:

a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục INghị định này kèm theo các giấy tờ quy định điểm c khoản 1 Điều này (nếu có) gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đã thực hiện chế độ ưu đãi.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thực hiện theo quy định trên.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu đang quản lý, nếu có đủ giấy tờ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này mà không thuộc các trường hợp bị chấm dứt chế độ ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Pháp lệnhthì có văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này.

5. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này như sau:

a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục INghị định này kèm theo các giấy tờ quy định điểm a khoản 1 Điều này (nếu có) gửi Ủy ban nhân dân xã nơi thường trú.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự thực hiện theo quy định trên.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị thường trú trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, rà soát tài liệu, bia ghi danh liệt sĩ đang quản lý, nếu đủ căn cứ thì cấp giấy xác nhận có thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh liệt sĩ kèm căn cứ để khắc bia; có văn bản kèm giấy tờ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp bia ghi danh liệt sĩ đang đặt tại địa phương khác thì có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt bia đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh liệt sĩ kèm căn cứ để khắc bia. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy xác nhận, có văn bản kèm giấy tờ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận danh sách và bản sao các giấy tờ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến, có trách nhiệm niêm yết công khai tại thôn, xã lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong thời gian tối thiểu 40 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai. Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản họp xét duyệt và có văn bản đề nghị kèm biên bản kết quả niêm yết công khai và biên bản họp xét duyệt của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ủy ban nhân dân cấp  nơi đặt bia ghi danh liệt sĩ có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ nhận được văn bản đề nghị cấp giấy xác nhận.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn kèm đầy đủ giấy tờ, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu đang quản lý, nếu đủ giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này mà không thuộc các trường hợp bị chấm dứt chế độ ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Pháp lệnhthì thực hiện như sau:

Lập danh sách kèm bản sao giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị thường trú để niêm yết công khai tại thôn, xã lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong thời gian tối thiểu 40 ngày.

Có văn bản kèm bản sao các giấy tờ sau: giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, các giấy tờ của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16 Nghị định này để cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; có văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận hy sinh.

Đối với trường hợp chưa xác định được cơ quan, đơn vị quản lý liệt sĩ khi hy sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xác minh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực) để kết luận, giao cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hy sinh theo thẩm quyền (Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh đối với quân nhân, Công an cấp tỉnh đối với công an, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với dân quân du kích hoặc cán bộ dân chính đảng).

d) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này.

Điều 22. Hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh thuộc các trường hợp quy định tại Điều 14 Pháp lệnh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006

  1. Căn cứ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”: Hồ sơ công nhận và hưởng chế độ ưu đãi được xác lập đủ và đúng quy định tại từng thời điểm hiện đang lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, kèm danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần có ký nhận của người hưởng trợ cấp.
  2. Hồ sơ, thủ tục:

a) Đại diện thân nhân người hy sinh làm đơn đề nghị theo Mẫu số 15 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi.

Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự (nếu không xác định được người đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đề nghị công nhận liệt sĩ) thực hiện theo quy định trên.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu đang quản lý, nếu không thuộc các trường hợp bị chấm dứt chế độ ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 của Pháp lệnhvà hồ sơ đúng quy định thì có văn bản kèm hồ sơ và bản sao y danh sách chi trả trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều 21 Nghị định này.

Điều 23. Cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”

  1. Điều kiện cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”:

a) Người hy sinh đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng “Tổ quốc ghi ơncủa Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh chưa được đổi thành Bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Chính phủ cấp.

b) Thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

2. Căn cứ để cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” như sau:

a) Bản gốc Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh.

b) Một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi: Quyết định hưởng trợ cấp; sổ nhận trợ cấp ưu đãi; danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần khi báo tử có ký nhận của người hưởng trợ cấp; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận được lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

3. Hồ sơ, thủ tục:

a) Cá nhân đang giữ bản gốc Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh, làm đơn đề nghị theo Mẫu số 16 Phụ lục INghị định này kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người hy sinh thường trú trước khi tham gia cách mạng hoặc nhập ngũ.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình kèm theo bằng gốc gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp bằng gốc không thể hiện được thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai tại thôn, xã lấy ý kiến nhân dân, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương trong thời gian tối thiểu 40 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai. Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản họp xét duyệt và có văn bản đề nghị kèm biên bản kết quả niêm yết công khai và biên bản họp xét duyệt của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kèm bằng gốc.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ phải kiểm tra, rà soát, lập danh sách đối với những trường hợp đủ căn cứ theo Mẫu số 83 Phụ lục I Nghị định này, có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo bằng gốc; trường hợp bằng gốc không thể hiện được thông tin làm căn cứ để cấp đổi do mờ chữ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị trưng cầu giám định.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, nếu có đủ căn cứ thì Sở có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo Bằng gốc và kết quả giám định.

Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp đổi có trách nhiệm cho số quản lý, lập trích lục hồ sơ liệt sĩ, lưu giữ bằng cũ và các giấy tờ liên quan trong hồ sơ, gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.

d) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp, lập danh sách kèm tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp đổi bằng có trách nhiệm in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công”, gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 24. Cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”

  1. Cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” trong các trường hợp sau: bị mất; bị thiếu thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại.
  2. Hồ sơ, thủ tục cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ làm đơn đề nghị theo Mẫu số 16 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú (kèm theo bằng cũ nếu còn).

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm lập và gửi danh sách kèm các giấy tờ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ liệt sĩ, lập danh sách cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Mẫu số 83 Phụ lục I Nghị định này đối với những trường hợp đủ điều kiện và có đầy đủ thông tin ghi theo giấy báo tử của liệt sĩ kèm văn bản đề nghị gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp lại, gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.

đ) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

Điều 25. Hồ sơ, thủ tục thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”

1. Thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công” trong các trường hợp sau:

a) Công nhận liệt sĩ không đúng quy định theo kết luận của thanh tra.

b) Người được công nhận liệt sĩ vẫn còn sống sau ngày cấp bằng.

c) Bằng “Tổ quốc ghi công” đã cấp trùng.

2. Hồ sơ, thủ tục:

a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được kết luận của thanh tra về sai phạm trong việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này.

Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 20 ngày kể từ ngày phát hiện người được công nhận liệt sĩ vẫn còn sống sau ngày cấp bằng, có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc phát hiện trường hợp đã cấp trùng bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm xác minh, kết luận, có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp đã hưởng không đúng quy định.

c) Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, có trách nhiệm xem xét, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Mẫu số 51 Phụ lục INghị định này và chuyển về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày có văn bản kèm theo bản sao Quyết định thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công” chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cư trú.

đ) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm thông báo cho đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, thực hiện việc thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và chuyển Bằng “Tổ quốc ghi công” về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để lưu hồ sơ.

Điều 26. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ

  1. Cá nhân lập bản khai có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú theo Mẫu số 05 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ kèm bản sao được chứng thực từ Bằng “Tổ quốc ghi công” và một trong các giấy tờ sau:

a) Trường hợp thân nhân là người có công nuôi liệt sĩ phải có văn bản đồng thuận của các thân nhân liệt sĩ; trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thì phải có văn bản đồng thuận của những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự. Văn bản đồng thuận do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về chữ ký, nơi thường trú và nội dung đồng thuận.

Người có công nuôi liệt sĩ phải là người đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng lao động hoặc kinh tế để nuôi liệt sĩ.

b) Trường hợp thân nhân là con chưa đủ 18 tuổi phải có thêm bản sao được chứng thực từ giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.

c) Trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên đang đi học phải có thêm giấy xác nhận của cơ sở giáo dục nơi đang theo học.

d) Trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng trước khi đủ 18 tuổi phải có thêm giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.

đ) Trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi mà không có thu nhập hằng tháng hoặc có thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn phải có thêm giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, giấy xác nhận thu nhập theo Mẫu số 47 Phụ lục I Nghị định này của Ủy ban nhân dân cấp xã.

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm lập danh sách tình hình thân nhân liệt sĩ; ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ và trợ cấp một lần khi báo tử theo Mẫu số 52 Phụ lục INghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục INghị định này; ban hành quyết định trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ theo Mẫu số 53 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp đủ điều kiện.

Trợ cấp một lần khi báo tử thực hiện theo mức quy định tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

b) Trường hợp quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi người đó thường trú kèm giấy xác nhận tình trạng khuyết tật. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa, ban hành quyết định trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ theo Mẫu số 53 Phụ lục INghị định này.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ đã được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ thì trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, có trách nhiệm căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý để cấp cho thân nhân.

Trường hợp thương binh chết do vết thương tái phát được công nhận liệt sĩ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định chấm dứt trợ cấp tuất của người có công từ trần theo quy định tại Mẫu số 72 Phụ lục I Nghị định này và ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ và trợ cấp một lần khi báo tử theo Mẫu số 52 Phụ lục I Nghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này; ban hành quyết định trợ cấp hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ theo Mẫu số 53 Phụ lục I Nghị định này; thực hiện việc ghép hồ sơ hưởng trợ cấp tuất người có công từ trần vào hồ sơ liệt sĩ và truy trả khoản tiền chênh lệch giữa trợ cấp tuất hằng tháng của người có công từ trần và trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ đủ điều kiện hưởng.

c) Trường hợp thân nhân liệt sĩ đang thường trú ở các địa phương khác nhau thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị tiếp nhận ghi rõ thời điểm hưởng trợ cấp kèm bản trích lục hồ sơ liệt sĩ, quyết định trợ cấp hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân thường trú để thực hiện trợ cấp ưu đãi.

d) Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sĩ đang hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ mà lấy chồng hoặc vợ khác thì ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này từ tháng có đăng ký kết hôn và thu hồi trợ cấp đã hưởng sai.

Điều 27. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 17 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú kèm một trong các giấy tờ sau:

a) Ý kiến đồng thuận bằng văn bản của con liệt sĩ có xác nhận về chữ ký và nơi thường trú của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành.

b) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bố mẹ liệt sĩ thường trú khi còn sống và biên bản họp đồng thuận có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản theo Mẫu số 80 Phụ lục INghị định này của thân nhân liệt sĩ hoặc của những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, trường hợp những người này không còn thì của những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sựđối với trường hợp chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống. Trường hợp không đủ thành viên dự họp thì phải có ý kiến đồng thuận của người vắng mặt bằng văn bản, có xác nhận về chữ ký và nơi thường trú của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp không chăm sóc được bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống phải kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ chứng minh được lý do là vì hoạt động cách mạng: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; hồ sơ bảo hiểm xã hội; các giấy tờ, tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trong thời gian tham gia cách mạng.

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cá nhân thường trú trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác theo Mẫu số 54 Phụ lục INghị định này.

Trường hợp hồ sơ của liệt sĩ do địa phương khác quản lý thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú có văn bản đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc cung cấp bản trích lục hồ sơ liệt sĩ kèm văn bản xác nhận chưa giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi.

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, có trách nhiệm cung cấp bản trích lục hồ sơ liệt sĩ theo Mẫu số 95 Phụ lục INghị định này kèm văn bản xác nhận chưa giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi.

Điều 28. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

  1. Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Pháp lệnhthì cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 18 Phụ lục I Nghị định này kèm văn bản ủy quyền của những người quy định tại điểm a, b, c khoản 6 Điều này và bản sao được chứng thực từ Bằng “Tổ quốc ghi công” gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đơn đề nghị, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy tờ, có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách gửi các giấy tờ theo quy định đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ của liệt sĩ đang quản lý, ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo Mẫu số 55 Phụ lục INghị định này. Quyết định này được thực hiện liên tục nếu không có sự thay đổi về người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ hoặc về mức trợ cấp. Người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp hằng năm kể từ năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định.

Trường hợp hồ sơ gốc của liệt sĩ do địa phương khác quản lý thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị nơi quản lý hồ sơ thực hiện di chuyển hồ sơ liệt sĩ kèm văn bản xác nhận chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

  1. Trường hợp người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ chết hoặc không có điều kiện tiếp tục thờ cúng liệt sĩ thì cá nhân khác được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ thực hiện thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này, trợ cấp thờ cúng được thực hiện kể từ năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định.

Trường hợp người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ chết trong năm nhưng trước thời điểm chi trả trợ cấp thì trợ cấp thờ cúng liệt sĩ của năm đó được chi trả cho người hưởng trợ cấp thờ cúng khác.

  1. Người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ hoặc cơ quan, đơn vị được giao thờ cúng liệt sĩ xác định như sau:

a) Trường hợp liệt sĩ còn thân nhân thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được các thân nhân liệt sĩ ủy quyền bằng văn bản đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ và nhận trợ cấp theo quy định của Pháp lệnh.

b) Trường hợp thân nhân liệt sĩ chỉ còn con, nếu liệt sĩ có nhiều con thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải làm văn bản ủy quyền.

Trường hợp con liệt sĩ giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

c) Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân hoặc chỉ còn một thân nhân duy nhất nhưng người đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sựủy quyền. Trường hợp những người này không còn thì được những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sựủy quyền.

d) Trường hợp không xác định được người ủy quyền thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo Mẫu số 55 Phụ lục INghị định này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng. Nếu không xác định được xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng thì giao cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh để thực hiện nghi thức dâng hương liệt sĩ theo phong tục địa phương.

Điều 29. Hồ sơ, thủ tục bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ

  1. Cá nhân đề nghị bổ sung thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ làm bản khai theo Mẫu số 06 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với liệt sĩ như sau:

a) Đối với đề nghị bổ sung là cha đẻ mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ:

Căn cước công dân, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Các giấy tờ, tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận.

Văn bản đồng thuận của thân nhân liệt sĩ hoặc của những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự. Trường hợp những người này không còn thì phải được những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự có văn bản đồng thuận.

b) Đối với đề nghị bổ sung là con liệt sĩ: Giấy khai sinh, trích lục khai sinh, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật; lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân; các giấy tờ, tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này, gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày có trách nhiệm kiểm tra, ban hành quyết định bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ và trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 56 Phụ lục INghị định này và bổ sung thông tin trong hồ sơ liệt sĩ.

Mục 4. BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Điều 30. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 03 Phụ lục INghị định này kèm bản sao được chứng thực từ quyết định tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” hoặc bản sao được chứng thực từ Bằng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Trường hợp “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản khai của cá nhân có trách nhiệm xác nhận bản khai kèm theo các giấy tờ nêu trên gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc có trách nhiệm lập danh sách giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp, phụ cấp theo Mẫu số 57 Phụ lục INghị định này.

Điều 31. Thời điểm hưởng

  1. Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng Chủ tịch nước ký quyết định.
  2. Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo mức quy định tại thời điểm Chủ tịch nước ký quyết định.

Mục 5. ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, ANH HÙNG LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN

Điều 32. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 04 Phụ lục INghị định này kèm bản sao được chứng thực từ quyết định phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu anh hùng hoặc bản sao được chứng thực từ Bằng anh hùng gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú; trường hợp đang phục vụ trong quân đội, công an thì gửi cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý.

Trường hợp được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xác nhận bản khai, gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc có trách nhiệm lập danh sách giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 58 Phụ lục INghị định này.
  4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ ưu đãi đối với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đang công tác trong quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được bản khai.

Điều 33. Thời điểm hưởng

  1. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Chủ tịch nước ký quyết định.
  2. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo mức quy định tại thời điểm Chủ tịch nước ký quyết định.

Mục 6. THƯƠNG BINH, NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

Điều 34. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh)

  1. Trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhđược xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
  2. Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhđược xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
  3. Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhđược xác định như sau:

a) Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập có tính chất nguy hiểm trong các trường hợp sau: bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.

b) Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm khi: chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; thực hiện nhiệm vụ của kiểm ngư, cảnh sát biển; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; rà phá, xử lý, tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển thuốc phóng, thuốc nổ, vũ khí, đạn dược; xây dựng công trình ngầm quốc phòng, an ninh.

4. Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh(sau đây gọi là địa bàn đặc biệt khó khăn) là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn để xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định này.

5. Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhlà trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

6. Xem xét công nhận thương binh theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhbao gồm các yếu tố sau:

a) Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.

b) Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.

c) Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

d) Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.

7. Các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại các điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh.

Điều 35. Trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh.

Điều 36. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương

Cơ quan, đơn vị quản lý cá nhân tại thời điểm bị thương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương như sau:

  1. Người khi bị thương là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng do thủ trưởng trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên; người bị thương là người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do thủ trưởng đơn vị trực thuộc ban trở lên.
  2. Người khi bị thương là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, lao động hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách thuộc công an do thủ trưởng đơn vị trực thuộc bộ hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh.
  3. Người khi bị thương thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương.
  4. Người khi bị thương thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  5. Người khi bị thương thuộc cơ quan cấp huyện, cấp xã; thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các trường hợp không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 37. Các giấy tờ làm căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương và thẩm quyền cấp

Người bị thương quy định tại khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh phải có bản tóm tắt bệnh án điều trị vết thương của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) kèm một trong các giấy tờ sau:

  1. Trường hợp bị thương quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Pháp lệnhphải có giấy xác nhận trường hợp bị thương do các cơ quan, đơn vị đã được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này cấp.
  2. Trường hợp bị thương quy định tại điểm đ, e, g, i, k khoản 1 Điều 23 của Pháp lệnhthì phải có các giấy tờ theo quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 6, 7 Điều 17 Nghị định này.
  3. Trường hợp bị thương quy định tại điểm h khoản 1 Điều 23 của Pháp lệnhphải có quyết định phân công nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, biên bản xảy ra sự việc kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn đặc biệt khó khăn như sau: lý lịch cán bộ; lý lịch quân nhân; lý lịch đảng viên; hồ sơ bảo hiểm xã hội.
  4. Trường hợp bị thương trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, truy quét Ful rô quy định tại một trong các khoản a, b, c, d, đ Điều 23 Pháp lệnhthì thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 12 Chương II Nghị định này.

Điều 38. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và quyết định trợ cấp, phụ cấp

  1. Đối với người khi bị thương thuộc quân đội:

a) Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần đối với đối tượng thuộc quyền quản lý và đối tượng đã chuyển ra ngoài quân đội thuộc địa bàn quân khu.

b) Cục trưởng Cục Chính sách ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần đối với đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại và đối tượng đã chuyển ra ngoài quân đội thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối với người khi bị thương thuộc công an:

Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần đối với các trường hợp bị thương khi đang công tác trong Công an.

3. Đối với người khi bị thương không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần.

Điều 39. Hồ sơ, thủ tục công nhận thương binh

  1. Đối với người khi bị thương thuộc quân đội, công an quản lý:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn về quy trình công nhận theo quy định, ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo Mẫu số 61 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5% đến 20%. Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt thì được hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh.

Đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận thương binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này và di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người bị thương thường trú đối với trường hợp đã phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc, nghỉ hưu.

Thời gian xem xét, giải quyết không quá 70 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị vị trực tiếp quản lý người bị thương xác lập, hoàn thiện các giấy tờ quy định tại Điều 37 Nghị định này.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện tiếp chế độ ưu đãi.

2. Đối với người khi bị thương không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người bị thương có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định tại Điều 37 Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 36 Nghị định này.

b) Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bị thương theo Mẫu số 35 Phụ lục INghị định này và chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người bị thương thường trú.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục 1Nghị định này gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật.

d) Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định thương tật, gửi biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

đ) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm:

Ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục I Nghị định này đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo Mẫu số 61 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5% đến 20%. Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt thì được hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh. Đồng thời cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

  1. Người bị thương đã được giám định sau đó bị thương tiếp thì thực hiện thủ tục theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

Điều 40. Điều kiện khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể

  1. Thương binh có vết thương đặc biệt sau đây, nay bị tái phát dẫn đến các tình trạng sau thì được khám giám định lại:

a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt.

b) Vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi.

c) Vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật.

d) Vết thương ổ bụng: Dạ dày hoặc ruột gây biến chứng ở dạ dày hoặc ruột hoặc dính tắc ruột phải phẫu thuật giải quyết biến chứng.

đ) Vết thương ở gan; mật, lách; tụy hoặc thận hoặc bàng quang phải phẫu thuật giải quyết biến chứng.

e) Vết thương ở cột sống gây biến chứng liệt hoặc rối loạn cơ tròn đại tiểu tiện không tự chủ.

g) Các vết thương ở tay hoặc ở chân tái phát phải phẫu thuật cắt đoạn chi.

h) Vết thương ở mắt tái phát dẫn đến mù mắt hoàn toàn; vết thương ở tai gây mất hoàn toàn sức nghe hai tai.

2. Người bị thương đã được khám giám định kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời thì sau 03 năm được giới thiệu giám định lại để kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể vĩnh viễn.

3. Người bị thương đã được khám giám định nhưng còn sót vết thương hoặc còn sót mảnh kim khí.

4. Người bị thương nhiều lần, đã có giấy chứng nhận bị thương của từng lần và đã được khám giám định nhưng còn thiếu lần bị thương chưa khám giám định thì được khám bổ sung vết thương.

Điều 41. Hồ sơ, thủ tục khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với trường hợp vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh chế độ

  1. Trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục INghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương kèm bản tóm tắt bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an), nếu đã phẫu thuật phải có thêm phiếu phẫu thuật.

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình khám giám định lại, điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp và cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 115 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

2. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục INghị định này kèm các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ nêu trên có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang lưu tại sở, nếu đủ điều kiện thì gửi các giấy tờ, bản trích lục hồ sơ thương binh, bản sao giấy chứng nhận bị thương, bản sao biên bản của các lần giám định trước kèm văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định, thông báo kết quả kèm hồ sơ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp đủ điều kiện gửi đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền theo quy định tại Điều 161 Nghị định này kèm bản sao hồ sơ đã thẩm định.

đ) Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp chưa ban hành biên bản phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

e) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 60 Phụ lục INghị định này.

Điều 42. Hồ sơ, thủ tục khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với trường hợp còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời hoặc khám giám định bổ sung vết thương và điều chỉnh chế độ

1. Trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục INghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương. Trường hợp người bị thương còn sót mảnh kim khí phải kèm theo kết quả chụp, chiếu và chẩn đoán của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an); Trường hợp đã phẫu thuật lấy dị vật thì phải kèm theo phiếu phẫu thuật hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận nội dung này.

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình khám giám định lại, điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp và cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 75 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

2. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ nêu trên có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ, cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp đủ điều kiện gửi đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kèm bản trích lục hồ sơ thương binh.

Trường hợp người bị thương nhiều lần, đã được khám giám định nhưng còn thiếu lần bị thương chưa khám giám định mà không có giấy chứng nhận bị thương lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì yêu cầu cá nhân bổ sung thêm giấy chứng nhận bị thương của lần bị thương đó.

Trường hợp người bị thương không có hồ sơ lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì yêu cầu cá nhân bổ sung thêm giấy chứng nhận bị thương, biên bản của các lần giám định trước.

c) Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định thương tật, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp chưa ban hành biên bản phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 60 Phụ lục INghị định này hoặc quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí hoặc có tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời sau khi giám định lại có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên. Đồng thời cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 43. Hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ đang quản lý để ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục INghị định này. Trợ cấp, phụ cấp đối với thương binh được xác định theo biên bản giám định thương tật cuối cùng.

Trường hợp hồ sơ thương binh được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không còn giấy tờ thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật hoặc thất lạc thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng trong quân đội) hoặc thủ trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an) cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để giải quyết chế độ.

Điều 44. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ đối với thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 19 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đang thường trú.
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Đối với hồ sơ thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đang quản lý để ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục INghị định này.

b) Đối với hồ sơ thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động mà không có hồ sơ lưu ở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc hồ sơ lưu không còn giấy tờ thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có văn bản đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động; kiểm tra đối chiếu, nếu đủ căn cứ thì trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được bản sao hồ sơ, ban hành quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 62 Phụ lục INghị định này.

2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm cung cấp bản sao hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Trường hợp bản sao hồ sơ hưởng chế độ mất sức lao động không thể hiện rõ tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật thì Sở Lao động – Thương binh và có văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng trong quân đội) hoặc thủ trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an) cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để giải quyết chế độ.

Điều 45. Thời điểm hưởng

  1. Người bị thương được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật từ 21% trở lên thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng như sau:

a) Người bị thương từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật.

b) Người bị thương trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Các ưu đãi khác theo khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh được hưởng từ tháng ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp nếu đủ điều kiện.

c) Trường hợp thương binh được giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 39, Điều 41, Điều 42 Nghị định này, các chế độ ưu đãi đang hưởng được điều chỉnh kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể sau khi giám định lại.

2. Người bị thương được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật từ 5% đến 20% thì hưởng trợ cấp thương tật một lần kể từ tháng cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định.

Trường hợp được giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định tại khoản 3 Điều 39, Điều 42 Nghị định này mà được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật từ 21% trở lên thì được hưởng chế độ ưu đãi đối với thương binh kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể.

3. Đối với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Mục 7. BỆNH BINH

Điều 46. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận bệnh binh

Nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh là thực hiện các nhiệm vụ sau: chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; thực hiện nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm khi: đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; trực tiếp trấn áp, bắt giữ tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; ứng cứu thảm họa thiên tai.

Điều 47. Nguyên tắc thực hiện

  1. Bệnh binh đã được công nhận và đang hưởng chế độ ưu đãi trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi theo quy định.
  2. Bệnh binh được giám định lại trước 01 tháng 01 năm 1995 và đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ bệnh binh thì trợ cấp ưu đãi được xác định theo biên bản giám định bệnh tật lần đầu.

Điều 48. Căn cứ cấp giấy chứng nhận bị bệnh

  1. Kế hoạch công tác hoặc quyết định, danh sách phân công làm nhiệm vụ hoặc Giấy xác nhận giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người bị bệnh.
  2. Báo cáo xảy ra vụ việc của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người bị bệnh.
  3. Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án trong ngày hoặc ngay sau ngày thực hiện nhiệm vụ thể hiện quá trình điều trị bệnh do có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an).

Trường hợp chưa điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có phiếu khám sức khỏe định kỳ hoặc phiếu kiểm tra sức khỏe được xác nhận trong thời gian 01 năm sau khi thực hiện nhiệm vụ có ghi nhận tình trạng bệnh có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm.

Điều 49. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị bệnh

  1. Người bị bệnh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên.
  2. Người bị bệnh là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an do thủ trưởng đơn vị trực thuộc bộ hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Điều 50. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bệnh binh và quyết định trợ cấp, phụ cấp

  1. Người bị bệnh thuộc quân đội:

a) Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người thuộc quyền quản lý.

b) Cục trưởng Cục Chính sách ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại.

2. Người bị bệnh thuộc công an do Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Điều 51. Quy trình công nhận bệnh binh

  1. Cá nhân có đơn đề nghị gửi cơ quan, đơn vị đang công tác kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này.
  2. Cơ quan, đơn vị đang công tác trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 63 Phụ lục INghị định này. Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên với bệnh tật đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh.

Đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận bệnh binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này và di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh thường trú.

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi.
  2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận bệnh binh, thời gian xem xét, giải quyết không quá 70 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

Điều 52. Thời điểm hưởng

Bệnh binh được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật.

Mục 8. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC

Điều 53. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

  1. Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác định như sau:

a) Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội.

b) Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc công an.

c) Cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

d) Thanh niên xung phong tập trung.

đ) Công an xã; dân quân; du kích; tự vệ; dân công; cán bộ thôn, ấp, xã, phường.

  1. Địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước quy định tại khoản 2 Điều 29 Pháp lệnhbao gồm các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy.
  2. Danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học quy định tại khoản 2 Điều 29 Pháp lệnhđược quy định tại Phụ lục V Nghị định này và có phạm vi áp dụng như sau:

a) Các bệnh quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Phụ lục VNghị định này chỉ áp dụng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học.

b) Các dị dạng, dị tật bẩm sinh quy định tại khoản 16 Phụ lục VNghị định này và tật gai sống chẻ đôi quy định tại khoản 17 Phụ lục VNghị định này chỉ áp dụng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học.

Điều 54. Căn cứ lập hồ sơ

  1. Một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học sau:

a) Giấy X Y Z.

b) Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng; hồ sơ khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến, hồ sơ người có công được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2000.

b) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trước ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Trường hợp danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương mà chưa có xác nhận thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tập hợp, chốt số lượng người và xác nhận danh sách, sổ quản lý đang do cơ quan, đơn vị quản lý, hoàn thành trước ngày 01 tháng 5 năm 2022 và gửi số liệu theo Mẫu số 101 Phụ lục I Nghị định này về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 6 năm 2022.

Trường hợp các giấy tờ quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều này chỉ thể hiện phiên hiệu, ký hiệu đơn vị thì kèm theo giấy xác nhận thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị theo Mẫu số 37 Phụ lục I Nghị định này.

  1. Một trong các giấy tờ ghi nhận mắc bệnh hoặc dị dạng, dị tật như sau:

a) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

b) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án ngoại trú của Phòng khám Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

c) Giấy xác nhận dị dạng, dị tật bẩm sinh của các cơ sở y tế cấp xã trở lên đối với con đẻ chưa khám bệnh, chữa bệnh về các dị dạng, dị tật theo Mẫu số 39 Phụ lục INghị định này.

d) Giấy tờ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành được xác lập từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước ghi nhận mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên trong thời gian từ một đến năm tuần sau phơi nhiễm đối với trường hợp mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính theo quy định tại Phụ lục VNghị định này.

đ) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của lần điều trị cuối cùng ghi nhận quá trình điều trị về bệnh rối loạn tâm thần liên tiếp trong 03 năm trở lên của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) với các bệnh rối loạn tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định tại khoản 15 Phụ lục V Nghị định này.

e) Giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến có vợ hoặc có chồng nhưng không có con đẻ của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 55. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị

  1. Cá nhân làm đơn gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 54 Nghị định này.
  2. Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và giấy tờ, có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động theo quy định tại Mẫu số 37 Phụ lục INghị định này.
  3. Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình tra cứu, xác minh và trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quy định tại Điều này.

Điều 56. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

  1. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì hồ sơ, thủ tục như sau:

a) Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 09 Phụ lục INghị định này kèm các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Nghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại điểm a khoản này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp đủ điều kiện gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh kèm bản sao giấy tờ ghi nhận mắc bệnh.

Trường hợp người hoạt động kháng chiến không mắc bệnh quy định tại điểm a khoản 3 Điều 53 Nghị định này mà sinh con dị dạng, dị tật quy định tại điểm b khoản 3 Điều 53 Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Nghị định này.

Trường hợp bệnh binh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để khám giám định tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể.

đ) Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục I Nghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

e) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục INghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục INghị định này.

2. Người hoạt động kháng chiến có con đẻ bị dị dạng, dị tật đã được hưởng chế độ ưu đãi đối với con đẻ mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì hồ sơ, thủ tục như sau:

a) Cá nhân lập bản khai theo quy định tại Mẫu số 09 Phụ lục INghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai và lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, đối chiếu dị dạng dị tật của con ghi trong các giấy tờ: văn bản của Trạm trưởng trạm y tế xã, trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện; biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; giấy xác nhận tình trạng dị dạng, dị tật của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Biên bản giám định y khoa đang lưu trong hồ sơ với danh mục dị dạng, dị tật theo quy định tại Phụ lục VNghị định này.

Trường hợp hồ sơ có giấy tờ đúng quy định, tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ đúng theo danh mục theo quy định tại Mục III Phụ lục V Nghị định này thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy nhận chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục I Nghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

Trường hợp còn vướng mắc về tình trạng dị dạng, dị tật, nếu con đẻ còn sống thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh. Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được giấy giới thiệu, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục I Nghị định này, kết luận có bị dị dạng, dị tật theo quy định tại Mục III Phụ lục V Nghị định này, không ghi tỷ lệ tổn thương cơ thể gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định cấp giấy nhận chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục I Nghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

  1. Trường hợp có vợ hoặc có chồng nhưng không có con đẻ thì hồ sơ, thủ tục thực hiện như sau:

a) Cá nhân lập bản khai theo quy định tại Mẫu số 09 Phụ lục INghị định này kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 54 gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận bản khai, cấp giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến có vợ hoặc có chồng nhưng không có con đẻ, lập danh sách những trường hợp đủ giấy tờ gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục INghị định này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục INghị định này.

Điều 57. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

  1. Cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật lập bản khai theo Mẫu số 09 Phụ lục INghị định này kèm bản sao được chứng thực từ giấy khai sinh, trích lục khai sinh và một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Nghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu những trường hợp đủ điều kiện gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này kèm bản sao giấy tờ ghi nhận bị dị dạng, dị tật.
  5. Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  6. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Mẫu số 65 Phụ lục INghị định này; quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 64 Phụ lục I Nghị định này đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 58. Nguyên tắc hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

  1. Trường hợp đang hưởng trợ cấp thương binh nếu đủ điều kiện thì được hưởng thêm trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
  2. Trường hợp đang hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh nếu đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh.
  3. Trường hợp đang hưởng trợ cấp hằng tháng tương ứng với mức có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên mà hồ sơ không có biên bản giám định y khoa hoặc biên bản giám định y khoa không đúng quy định thì không hưởng chế độ trợ cấp người phục vụ, phụ cấp đặc biệt; các chế độ ưu đãi khác hưởng như người có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

Điều 59. Thời điểm hưởng

  1. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền ban hành biên bản giám định y khoa.
  2. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 56 Nghị định này được hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Mục 9. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, KHÁNG CHIẾN, BẢO VỆ TỔ QUỐC, LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ BỊ ĐỊCH BẮT TÙ, ĐÀY

Điều 60. Căn cứ lập hồ sơ

1. Một trong các giấy tờ chứng minh có tham gia cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và thời gian, địa điểm bị tù, đày như sau:

a) Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, lý lịch công an; hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; các giấy tờ, tài liệu khác.

b) Bản sao được chứng thực từ hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội.

c) Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.

d) Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về thời gian tù và nơi bị tù.

2. Địa điểm bị tù, đày để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày được quy định tại Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Điều 61. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 60 Nghị định này

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị cấp giấy xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù gửi một trong các cơ quan sau:

a) Trường hợp vào thời điểm bị địch bắt tù, đày do quân đội quản lý; người đã chuyển ra ngoài quân đội gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cư trú; người đang tại ngũ gửi cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý.

b) Các trường hợp khác gửi Công an cấp tỉnh nơi cư trú.

2. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong thời gian 20 ngày, trường hợp đặc biệt trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền và quy trình cấp giấy xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù quy định tại Điều này.

Điều 62. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 10 Phụ lục INghị định này kèm một trong các giấy tờ quy định tại Điều 60 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Trường hợp chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai và lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, ban hành quyết định công nhận và trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 66 Phụ lục INghị định này.

Điều 63. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 10 Phụ lục INghị định này kèm một trong các giấy tờ quy định tại Điều 60 Nghị định này gửi cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
  2. Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đang tại ngũ, công tác trong quân đội. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được bản khai.

Điều 64. Thời điểm hưởng

  1. Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày được hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.
  2. Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Mục 10. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

Điều 65. Căn cứ giải quyết chế độ

Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:

  1. Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng hoặc giấy chứng nhận đeo huân chương, huy chương.
  2. Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến, Huy chương Chiến thắng.
  3. Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến thực tế của cơ quan Thi đua – Khen thưởng cấp huyện trở lên.

Điều 66. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 11 Phụ lục INghị định này kèm một trong các giấy tờ quy định tại Điều 65 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Trường hợp chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai, lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 67 Phụ lục INghị định này.

Điều 67. Thời điểm hưởng

  1. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được hưởng trợ cấp một lần từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.
  2. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã chết mà chưa được hưởng chế độ thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Mục 11. NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

Điều 68. Căn cứ giải quyết chế độ

Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:

  1. Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945; Huân chương Kháng chiến; Huy chương Kháng chiến.
  2. Quyết định tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến.
  3. Giấy xác nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và quá trình tham gia giúp đỡ cách mạng của cơ quan Thi đua – Khen thưởng cấp huyện trở lên đối với trường hợp không có tên trong các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có tên trong hồ sơ khen thưởng.

Điều 69. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ

  1. Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 11 Phụ lục INghị định này kèm một trong các giấy tờ quy định tại Điều 68 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Trường hợp chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản khai, lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 67 Phụ lục I Nghị định này.

Điều 70. Thời điểm hưởng

  1. Người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Pháp lệnhđược hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.
  2. Người có công quy định tại khoản 3 Điều 38 Pháp lệnhđược hưởng trợ cấp một lần kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.
  3. Người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Mục 12. CÔNG NHẬN LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH ĐỐI VỚI NGƯỜI HY SINH, BỊ THƯƠNG TRONG CHIẾN TRANH

Điều 71. Đối tượng

  1. Người tham gia cách mạng hy sinh, bị thương, mất tích thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhvà các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, truy quét Ful rô, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Thời gian cụ thể của các cuộc chiến tranh được quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
  2. Không áp dụng xem xét công nhận đối với những trường hợp sau:

a) Chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.

b) Bị thương từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện công nhận thương binh hoặc đã giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Đối với trường hợp hy sinh, bị thương có cơ sở, căn cứ xác nhận đủ điều kiện theo quy định thì thực hiện việc xem xét công nhận đối với từng hồ sơ cụ thể.

Điều 72. Căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ

  1. Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước có liên quan đến trường hợp hy sinh:

a) Giấy báo tử trận; danh sách liệt sĩ, sổ quản lý liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, trường hợp danh sách, sổ quản lý liệt sĩ không có dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập, ghi sổ thì cơ quan, đơn vị đang quản lý có trách nhiệm chuyển đến sư đoàn hoặc cấp tương đương trở lên để tập hợp chốt số lượng người, xác nhận danh sách, sổ quản lý và gửi số liệu theo Mẫu số 101 Phụ lục INghị định này về Bộ Quốc phòng trước ngày 01 tháng 5 năm 2022.

b) Các giấy tờ, tài liệu khác có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh.

2. Một trong các căn cứ sau:

a) Người hy sinh trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnhđã được chính quyền và nhân dân đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

b) Được ghi nhận là liệt sĩ tại một trong các giấy tờ sau: Huân chương; Huy chương; Giấy chứng nhận đeo Huân chương; Giấy chứng nhận đeo Huy chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định bằng văn bản và đã xuất bản; lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên của thân nhân được xác lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước; nếu được ghi nhận trong nhà bia ghi tên liệt sĩ thì phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi quản lý nhà bia và căn cứ để khắc tên liệt sĩ.

3. Phiếu xác minh theo Mẫu số 90 Phụ lục INghị định này của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Công an cấp tỉnh đối với trường hợp mất tích theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh.

Điều 73. Thủ tục cấp phiếu xác minh đối với người mất tích

  1. Đại diện thân nhân người mất tích, trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sựcó đơn gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với người mất tích thuộc quân đội) hoặc Công an cấp tỉnh (đối với người mất tích không thuộc quân đội) để được cấp phiếu xác minh.
  2. Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu, tàng thư lưu để cấp phiếu xác minh theo Mẫu số 90 Phụ lục INghị định này nếu đủ căn cứ. Trường hợp không đủ căn cứ thì có văn bản trả lời cho người đề nghị.

Trường hợp phức tạp thì Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh trực tiếp hoặc báo cáo, đề nghị cấp trên tổ chức xác minh, kết luận rõ về đơn vị, trường hợp mất tích; có hay chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

  1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình xác minh, kết luận.

Điều 74. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người hy sinh hoặc mất tích thuộc quân đội, công an

1. Đại diện thân nhân người hy sinh hoặc mất tích có trách nhiệm gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người hy sinh thường trú ngay trước khi tham gia quân đội, công an các giấy tờ sau:

a) Đối với trường hợp hy sinh: Bản khai theo Mẫu số 13 Phụ lục INghị định này kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 72 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp mất tích: Bản khai theo Mẫu số 14 Phụ lục INghị định này kèm theo phiếu xác minh quy định tại khoản 3 Điều 72 Nghị định này.

c) Trường hợp không còn thân nhân thì đại diện của những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sựthực hiện theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, xác nhận bản khai; trường hợp người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, có văn bản đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ cấp giấy xác nhận mộ liệt sĩ; niêm yết công khai danh sách tại thôn, xã; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để lấy ý kiến của nhân dân. Thời hạn niêm yết thông báo tối thiểu là 40 ngày. Lập biên bản kết quả niêm yết công khai.

b) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này.

Hội đồng xác nhận người có công cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Chủ tịch hội đồng; các thành viên gồm: cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quân sự, công an, y tế; đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi; Hội Cựu thanh niên xung phong.

c) Gửi biên bản họp Hội đồng đề nghị xác nhận liệt sĩ, biên bản niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện (đối với người hy sinh, mất tích thuộc quân đội) hoặc Công an cấp huyện (đối với người hy sinh, mất tích thuộc công an).

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu quản lý mộ liệt sĩ của địa phương để cấp giấy xác nhận mộ liệt sĩ theo Mẫu số 48 Phụ lục I Nghị định này; tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ và có văn bản thông báo nếu trường hợp đề nghị đã được công nhận liệt sĩ.

4. Cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quy trình đề nghị công nhận liệt sĩ; có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thẩm định.

5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này.

6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 70 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến.

7. Cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh có trách nhiệm thực hiện thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định này.

Điều 75. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người hy sinh hoặc mất tích không thuộc quân đội, công an

  1. Đại diện thân nhân người hy sinh hoặc mất tích thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Nghị định này.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 74 Nghị định này.

b) Gửi giấy tờ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau:

a) Giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức họp Ban Chỉ đạo xác nhận người có công để xét duyệt từng hồ sơ; lập biên bản xét duyệt theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này.

Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, 02 Phó trưởng ban là Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện; các thành viên là đại diện cơ quan Quân sự, Công an, Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Tù yêu nước hoặc Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

b) Cấp giấy chứng nhận hy sinh đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền; chuyển toàn bộ hồ sơ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 16 Nghị định này.

Trường hợp người hy sinh là Thanh niên xung phong, nếu thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý thì chuyển hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải để cấp giấy chứng nhận hy sinh, nếu thuộc các cơ quan, đơn vị khác quản lý thì chuyển đến Sở Nội vụ để xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận hy sinh.

Đối với trường hợp chưa xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xác minh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực) để kết luận, giao cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận hy sinh theo thẩm quyền.

  1. Bộ trưởng hoặc cấp tương đương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Bộ trưởng hoặc cấp tương đương: cấp giấy chứng nhận hy sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ; có công văn kèm theo giấy tờ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

Cấp giấy chứng nhận hy sinh theo thẩm quyền trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có công văn kèm theo giấy tờ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

Đối với trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận hy sinh thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có công văn kèm theo giấy tờ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

c) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” kèm hồ sơ, chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đại diện thân nhân liệt sĩ thường trú tổ chức lễ truy điệu và trao Bằng; bàn giao hồ sơ liệt sĩ kèm bản sao quyết định cấp bằng về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đại diện thân nhân liệt sĩ thường trú.

Trường hợp không còn thân nhân thì bàn giao Bằng “Tổ quốc ghi công” về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ thường trú để trao Bằng cho người được ủy quyền thờ cúng.

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, có trách nhiệm rà soát hồ sơ, tài liệu quản lý mộ liệt sĩ của địa phương để cấp giấy xác nhận mộ liệt sĩ theo Mẫu số 48 Phụ lục INghị định này; tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ và có văn bản thông báo nếu trường hợp đề nghị đã được công nhận liệt sĩ.

b) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến, có trách nhiệm kiểm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Tiếp nhận hồ sơ liệt sĩ để quản lý và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định này.

6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này.

Điều 76. Căn cứ lập hồ sơ công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh

  1. Căn cứ chứng minh người bị thương có ghi nhận quá trình tham gia cách mạng cụ thể như sau:

a) Người tham gia cách mạng sau đó tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước phải có bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước.

b) Người tham gia cách mạng sau đó không tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan nhà nước thì phải có bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến hoặc một trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người tham gia kháng chiến chống Pháp; chống Mỹ; tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào.

Căn cứ chứng minh bị thương trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh:

a) Có bản sao được chứng thực từ một trong những giấy tờ liên quan đến trường hợp bị thương như sau: danh sách quân nhân bị thương do cơ quan, đơn vị quản lý có ghi tên người bị thương hoặc các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, đơn vị lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước có ghi nhận người bị thương trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh.

Trường hợp danh sách quân nhân bị thương không có dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập thì cơ quan, đơn vị đang quản lý có trách nhiệm chuyển đến sư đoàn hoặc cấp tương đương trở lên để tập hợp chốt số lượng người và xác nhận danh sách, sổ quản lý và gửi số liệu theo Mẫu số 101 Phụ lục I Nghị định này về Bộ Quốc phòng trước ngày 01 tháng 5 năm 2022 để làm căn cứ thẩm định hồ sơ công nhận thương binh.

b) Trường hợp không còn một trong các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này thì căn cứ vết thương còn mảnh kim khí trong cơ thể.

Điều 77. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người bị thương thuộc quân đội đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành, nghỉ hưu

  1. Người bị thương lập bản khai theo Mẫu số 08 Phụ lục INghị định này kèm theo giấy tờ chứng minh quá trình tham gia cách mạng quy định khoản 1 tại Điều 76 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú và tùy từng trường hợp kèm theo một trong các giấy tờ sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 Nghị định này kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương.

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Nghị định này thì kèm theo kết quả chụp phim và kết luận của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an). Nếu đã phẫu thuật lấy dị vật thì phải kèm theo phiếu phẫu thuật hoặc giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận nội dung này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, xác nhận bản khai, niêm yết công khai danh sách tại thôn, xã nơi người bị thương thường trú trước khi nhập ngũ; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để lấy ý kiến của nhân dân. Thời hạn niêm yết thông báo tối thiểu là 40 ngày. Lập Biên bản kết quả niêm yết công khai.

b) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này; gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

c) Trường hợp người bị thương trước khi nhập ngũ thường trú ở địa phương khác thì trong thời gian 03 ngày làm việc có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú trước khi nhập ngũ thực hiện các thủ tục quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú, gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú trước khi nhập ngũ có trách nhiệm thực hiện các thủ tục quy định tại điểm a, điểm b khoản này; gửi biên bản kết quả niêm yết công khai và biên bản Hội đồng đề nghị xác nhận người có công theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú.
  2. Cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quy trình đề nghị công nhận thương binh; ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo quy định tại Mẫu số 61 Phụ lục I Nghị định này. Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt thì được hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh; cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này, di chuyển hồ sơ người bị thương đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người bị thương thường trú.
  3. Bộ Quốc phòng hướng dẫn các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 155 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện tiếp chế độ ưu đãi.

Điều 78. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người bị thương thuộc quân đội hiện đang tại ngũ

  1. Người bị thương lập bản khai theo Mẫu số 08 Phụ lục INghị định này và tùy từng trường hợp để kèm theo giấy tờ quy định tại Điều 76 Nghị định này gửi cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc trung đoàn và tương đương).
  2. Bộ Quốc phòng hướng dẫn quy trình tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo quy định tại Mẫu số 61 Phụ lục I Nghị định này. Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt thì được hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh; cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này, di chuyển hồ sơ người bị thương về cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để quản lý và thực hiện chế độ. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 115 ngày kể từ ngày nhận được bản khai.

Điều 79. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người bị thương thuộc lực lượng công an đã chuyển ngành, xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu

  1. Người bị thương lập bản khai theo Mẫu số 08 Phụ lục INghị định này kèm theo giấy tờ chứng minh quá trình tham gia cách mạng quy định tại khoản 1 Điều 75 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú và tùy từng trường hợp kèm theo một trong các giấy tờ sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 Nghị định này kèm theo giấy tờ, tài liệu chứng minh bị thương.

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Nghị định này thì kèm theo kết quả chụp phim và kết luận của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an). Nếu đã phẫu thuật lấy dị vật thì phải kèm theo phiếu phẫu thuật hoặc giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận nội dung này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, xác nhận bản khai, niêm yết công khai danh sách tại thôn, xã nơi người bị thương thường trú trước khi tham gia công an; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để lấy ý kiến của nhân dân. Thời hạn niêm yết thông báo tối thiểu là 40 ngày. Lập Biên bản kết quả niêm yết công khai.

b) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này; gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Công an cấp huyện.

c) Trường hợp người bị thương trước khi tham gia công an thường trú ở địa phương khác thì trong thời gian 03 ngày làm việc có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú trước khi tham gia công an thực hiện các thủ tục quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú; gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Công an cấp huyện.

  1. Cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quy trình đề nghị công nhận thương binh; ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo quy định tại Mẫu số 61 Phụ lục I Nghị định này. Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt thì được hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh; cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này, di chuyển hồ sơ người bị thương đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người bị thương thường trú.
  2. Bộ Công an hướng dẫn các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 115 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện tiếp chế độ ưu đãi.

Điều 80. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người bị thương thuộc công an hiện đang công tác

  1. Người bị thương lập bản khai theo Mẫu số 08 Phụ lục INghị định này và tùy từng trường hợp để kèm theo giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định này gửi cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (Công an cấp huyện hoặc tương đương).
  2. Bộ Công an hướng dẫn quy trình tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo quy định tại Mẫu số 61 Phụ lục I Nghị định này, cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này, di chuyển hồ sơ người bị thương về Công an cấp tỉnh hoặc tương đương. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 115 ngày kể từ ngày nhận được bản khai.

Điều 81. Hồ sơ, thủ tục công nhận đối với người bị thương không thuộc quân đội, công an

  1. Người bị thương làm thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định này.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, xác nhận bản khai, niêm yết công khai danh sách tại thôn, xã nơi người bị thương thường trú trước khi bị thương; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để lấy ý kiến của nhân dân. Thời hạn niêm yết thông báo tối thiểu là 40 ngày. Lập biên bản kết quả niêm yết công khai.

b) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày có kết quả niêm yết công khai phải tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để xem xét đối với các trường hợp không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lập biên bản theo Mẫu số 79 Phụ lục INghị định này; gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Trường hợp người bị thương trước khi bị thương thường trú ở địa phương khác thì trong thời gian 03 ngày làm việc có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú trước khi bị thương thực hiện các thủ tục quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ giấy tờ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thương thường trú; gửi biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, biên bản kết quả niêm yết công khai, kèm theo giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

  1. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau:

a) Giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức họp Ban Chỉ đạo xác nhận người có công để xét duyệt từng hồ sơ; lập biên bản xét duyệt.

Chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra vết thương thực thể và lập biên bản theo Mẫu số 46 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 76 Nghị định này không ghi nhận các vết thương cụ thể hoặc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Nghị định này mà có khai thêm các vết thương khác.

b) Cấp giấy chứng nhận bị thương đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền; chuyển toàn bộ hồ sơ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có công văn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định.

c) Trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 hoặc 4 Điều 36 Nghị định này.

Người bị thương là Thanh niên xung phong nếu thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý thì chuyển hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải để cấp giấy chứng nhận bị thương. Người bị thương là Thanh niên xung phong nếu thuộc các cơ quan, đơn vị khác quản lý thì chuyển đến Sở Nội vụ để xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương.

  1. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận bị thương và chuyển hồ sơ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người bị thương thường trú.
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao giấy chứng nhận bị thương gửi đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật.

b) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận biên bản giám định y khoa có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 59 Phụ lục INghị định này hoặc ban hành quyết định trợ cấp thương tật một lần theo quy định tại Mẫu số 61 Phụ lục INghị định này, cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

  1. Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Chương III

HỒ SƠ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VÀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG, THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG

Mục 1. BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 82. Nguyên tắc

  1. Người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của đối tượng có mức hưởng cao nhất.
  2. Đối tượng hưởng bảo hiểm y tế được xác định căn cứ vào giấy tờ, hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.
  3. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Điều 83. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ

  1. Quy trình lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ bảo hiểm y tế thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế.

Mục 2. ĐIỀU DƯỠNG PHỤC HỒI SỨC KHỎE

Điều 84. Đối tượng và nguyên tắc hưởng

  1. Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3, khoản 1, khoản 2 Điều 38và thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh.
  2. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ mức cao nhất của một đối tượng.

Điều 85. Chế độ, hình thức điều dưỡng phục hồi sức khỏe

  1. Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm hoặc hai năm một lần.
  2. Hình thức điều dưỡng tập trung tại cơ sở điều dưỡng hoặc điều dưỡng tại nhà.

Điều 86. Thủ tục, quy trình giải quyết chế độ

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ tình trạng sức khỏe của đối tượng để lập danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà theo Mẫu số 86 Phụ lục INghị định này trong quý I của năm gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được danh sách của Ủy ban nhân dân cấp xã, có trách nhiệm tổng hợp danh sách theo Mẫu số 86 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách tổng hợp của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, căn cứ dự toán được giao và danh sách để phê duyệt danh sách người điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà và ban hành quyết định theo Mẫu số 68 Phụ lục INghị định này.
  4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với các trường hợp đang quản lý thuộc quân đội, công an phù hợp với điều kiện thực tế. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được danh sách của cơ quan, đơn vị đề nghị.

Điều 87. Tổ chức thực hiện

  1. Điều dưỡng tại nhà thực hiện chi trực tiếp cho đối tượng được hưởng.
  2. Điều dưỡng tập trung thực hiện như sau:

a) Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể (một đợt từ 05 ngày đến 10 ngày không kể thời gian đi và về); tổ chức thực hiện hoặc phân cấp cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện điều dưỡng tập trung.

b) Đối với trường hợp đối tượng không tiếp tục thực hiện điều dưỡng tập trung vì lý do khách quan thì cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội thanh quyết toán cho cơ sở điều dưỡng tiền ăn, các khoản chi phí theo số ngày thực tế đối tượng điều dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, trừ các khoản chi tiền thuốc, quà tặng được thanh quyết toán như đối tượng đi cả đợt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thu hồi số kinh phí còn lại nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp đối tượng đã điều dưỡng dưới 30% thời gian một đợt điều dưỡng thì Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định hoặc phân cấp phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định đối tượng đi điều dưỡng vào đợt kế tiếp.

c) Căn cứ quy mô điều dưỡng của cơ sở điều dưỡng trực thuộc, số lượng đối tượng điều dưỡng tập trung, mức chi hiện hành, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ điều dưỡng tập trung, phân bổ và giao dự toán cho các cơ sở điều dưỡng trực thuộc để thực hiện đối với kinh phí điều dưỡng tập trung tại địa phương.

d) Trường hợp điều dưỡng tập trung tại địa phương nhưng do cơ sở lưu trú ngoài ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện hoặc điều dưỡng tập trung tại địa phương khác thì cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện rút dự toán để thanh toán theo hợp đồng cho các cơ sở điều dưỡng hoặc cơ sở lưu trú theo số lượng đối tượng điều dưỡng từng đợt và theo mức chi hiện hành.

3. Trường hợp người có công, thân nhân liệt sĩ có tên trong danh sách điều dưỡng đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện mà đã chết thì vẫn được cấp tiền điều dưỡng theo mức chi điều dưỡng tại gia đình đối với thân nhân.

Mục 3. CẤP PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Điều 88. Đối tượng và nguyên tắc hưởng

  1. Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3; khoản 1 Điều 38; thân nhân người có công quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 và khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh.
  2. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Điều 89. Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

  1. Cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc bệnh viện cấp tỉnh trở lên cấp (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an), cụ thể như sau:

a) Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i, k khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được cấp xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc.

b) Các đối tượng quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 3 Pháp lệnhđược cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật ghi trong hồ sơ thương binh, bệnh binh, cụ thể như sau:

Tay giả; Máng nhựa tay;

Chân giả; Máng nhựa chân; Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình; Nẹp đùi, nẹp căng chân; Nạng; Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc. Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng của mỗi phương tiện là 06 năm;

Áo chỉnh hình;

Máy trợ thính;

Mắt giả (tiền lắp mắt giả thanh toán theo chứng từ của bệnh viện cấp tỉnh trở lên); kính râm, gậy dò đường;

Răng giả theo số răng bị mất ghi tại hồ sơ thương binh;

Hàm giả đối với thương binh hỏng hàm do thương tật ghi tại hồ sơ thương binh;

Các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với thương binh, bệnh binh bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động hoặc thương binh, bệnh binh vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn.

c) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnhđược cấp: xe lăn; kính râm, gậy dò đường.

2. Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần.

Trường hợp người có tên trong danh sách các trường hợp được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt nhưng chưa thực hiện mà chết thì vẫn chi trả tiền cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với thân nhân.

  1. Hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

Điều 90. Hồ sơ, thủ tục, quy trình lập sổ theo dõi, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

  1. Cá nhân có đơn đề nghị theo Mẫu số 21 Phụ lục INghị định này kèm giấy khám và chỉ định việc sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng do cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc bệnh viện cấp tỉnh trở lên cấp (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) theo Mẫu số 40 Phụ lục I Nghị định này gửi một trong các cơ quan sau:

a) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đối với các trường hợp đang sống tại gia đình.

b) Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đối với các trường hợp đang được nuôi dưỡng tập trung.

c) Cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý đối với các trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an.

2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng do địa phương quản lý có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, lập danh sách người được cấp sổ theo dõi phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 87 Phụ lục INghị định này kèm các giấy tờ liên quan gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

b) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Sổ theo dõi, có trách nhiệm giao sổ và chi trả cho người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

c) Lập, cập nhật Sổ quản lý người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 89 Phụ lục INghị định này.

d) Hằng năm, căn cứ Sổ quản lý để lập danh sách người đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để phê duyệt.

đ) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đã phê duyệt, có trách nhiệm chi cho người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được giấy tờ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, ban hành quyết định cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 69 Phụ lục INghị định này và lập Sổ theo dõi của từng đối tượng theo Mẫu số 88 Phụ lục INghị định này chuyển về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

b) Lập, cập nhật Sổ quản lý người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 89 Phụ lục INghị định này.

c) Hằng năm, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách quy định tại điểm d khoản 2 Điều này, có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt danh sách và gửi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng để thực hiện.

4. Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý:

a) Căn cứ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời gian 02 ngày làm việc ban hành quyết định cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 69 Phụ lục INghị định này và lập, giao Sổ theo dõi và chi trả cho từng đối tượng.

b) Lập Sổ quản lý người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng theo Mẫu số 89 Phụ lục INghị định này.

c) Hằng năm, căn cứ Sổ quản lý, lập danh sách và thực hiện chi trả cho người đến niên hạn được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng.

d) Gửi danh sách các trường hợp được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng hằng năm về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để báo cáo.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với các trường hợp đang quản lý thuộc quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

Mục 4. ƯU TIÊN TRONG TUYỂN SINH, TẠO VIỆC LÀM

Điều 91. Đối tượng hưởng

  1. Người có công quy định tại các điểm đ, e khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh.
  2. Con của người có công quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ.

Điều 92. Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm

  1. Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
  2. Chế độ ưu tiên trong tạo việc làm thực hiện theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức; viên chức; việc làm; người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc theo quy chế của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị.

Điều 93. Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ

  1. Cá nhân gửi bản sao được chứng thực từ các giấy tờ sau đến nơi đăng ký tuyển sinh, tuyển dụng:

a) Quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi (đối với người có công).

b) Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ hoặc giấy xác nhận thân nhân người có công của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 45 Phụ lục INghị định này (đối với thân nhân liệt sĩ hoặc thân nhân người có công).

2. Trình tự, thủ tục xem xét thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết chế độ ưu tiên trong tạo việc làm thực hiện theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức; viên chức; việc làm; người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc theo quy chế của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị.

Mục 5. HỖ TRỢ ĐỂ THEO HỌC ĐẾN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

Điều 94. Đối tượng hưởng

  1. Đối tượng hưởng theo quy định tại Pháp lệnh như sau:

a) Người có công quy định tại các điểm d, đ, e khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh.

b) Con của người có công quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ.

2. Người học thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi được quy định như sau:

a) Con người có công đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (đối với người học đang theo học Chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông), phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật (sau đây gọi là cơ sở giáo dục phổ thông).

b) Người có công và con của họ đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học).

Điều 95. Chế độ hỗ trợ

  1. Hỗ trợ học phí theo quy định của Luật Giáo dục.
  2. Trợ cấp mỗi năm học một lần.
  3. Trợ cấp hằng tháng.

Điều 96. Nguyên tắc

  1. Người học thuộc nhiều diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, đại học thì chỉ hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất.
  2. Người học cùng một lúc học ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc nhiều khoa, nhiều ngành thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.
  3. Thời gian hưởng chế độ ưu đãi là thời gian của khung đào tạo theo quy định tại quy chế đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông, kể cả thời gian ngừng học do ốm đau, tai nạn mà chưa có quyết định thôi học.
  4. Người học chưa hưởng chế độ ưu đãi đủ thời gian theo quy định mà chuyển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì được giải quyết tiếp chế độ ưu đãi tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học mới sau khi trừ đi thời gian đã được hưởng chế độ ưu đãi.
  5. Chế độ ưu đãi chỉ được thực hiện đối với người học đã được tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi trong thời gian theo học của cấp học, khóa học.
  6. Các trường hợp không áp dụng:

a) Không áp dụng chế độ ưu đãi đối với người học đã hưởng chế độ ưu đãi đủ thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều này tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học cùng trình độ đào tạo.

b) Không áp dụng trợ cấp hằng tháng đối với trường hợp đang hưởng lương hoặc chi phí sinh hoạt khi đi học.

7. Thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp đủ 12 tháng cho một năm học.

8. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Điều 97. Hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi

  1. Trường hợp hồ sơ người có công đang do quân đội, công an quản lý thực hiện như sau:

a) Cá nhân gửi đơn đề nghị theo Mẫu số 20 Phụ lục INghị định này kèm giấy xác nhận theo Mẫu số 41 Phụ lục INghị định này gửi đến cơ quan, đơn vị quản lý người có công vào đầu năm học đầu tiên của giáo dục phổ thông hoặc đầu khóa học của giáo dục nghề nghiệp, đại học.

b) Cơ quan, đơn vị quản lý người có công thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, có trách nhiệm đề nghị cơ quan quản lý hồ sơ xác nhận và gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người học thường trú kèm theo bản sao hồ sơ người có công.

c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn khoản này. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

2. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Cá nhân gửi đơn đề nghị theo Mẫu số 20 Phụ lục INghị định này kèm giấy xác nhận theo Mẫu số 41 Phụ lục INghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý hồ sơ người có công vào đầu năm học đầu tiên của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoặc đầu khóa học của giáo dục nghề nghiệp, đại học.

Trường hợp người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý thì cơ quan này chịu trách nhiệm xác nhận trong thời gian 03 ngày làm việc và gửi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người học thường trú.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đơn và lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ người có công, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo theo Mẫu số 70 Phụ lục INghị định này đối với các trường hợp đủ điều kiện và lưu ghép cùng hồ sơ người có công.

Điều 98. Thực hiện chi trả

  1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện chi trả chế độ ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, đại học theo phương thức trực tiếp hoặc qua tài khoản cá nhân theo yêu cầu của người học.
  2. Thời gian chi trả:

a) Trợ cấp ưu đãi hằng năm thực hiện chi trả vào đầu năm học hoặc đầu khóa học, cụ thể: chi trả vào tháng 10, tháng 11 đối với người học quy định tại điểm a khoản 2 Điều 94 Nghị định này; chi trả vào tháng 11, tháng 12 đối với người học quy định tại điểm b khoản 2 Điều 94 Nghị định này.

b) Trợ cấp ưu đãi hằng tháng thực hiện chi trả 02 lần trong năm, cụ thể: lần 1 chi trả vào tháng 10, tháng 11 đối với người học quy định tại điểm a khoản 2 Điều 94 Nghị định này hoặc tháng 11, tháng 12 đối với người học quy định tại điểm b khoản 2 Điều 94 Nghị định này; lần 2 chi trả vào tháng 3, tháng 4.

c) Trường hợp người học chưa hưởng chế độ ưu đãi theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

3. Trường hợp người học bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự ý bỏ học thì cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi đang học trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định buộc thôi học, có trách nhiệm gửi thông báo đến cơ quan thực hiện chi trả để dừng thực hiện chế độ ưu đãi.

Khi người học được nhập học lại thì cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi đang học trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định nhập học lại, có trách nhiệm gửi thông báo đến cơ quan thực hiện chi trả để tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi.

  1. Trường hợp người học không được thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 Điều 54 và khoản 1, khoản 2 Điều 55 Pháp lệnhthì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo đến cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi người học đang học.

Mục 6. HỖ TRỢ CẢI THIỆN NHÀ Ở

Điều 99. Đối tượng, hình thức và nguyên tắc hỗ trợ

  1. Đối tượng được hỗ trợ

Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ.

  1. Các hình thức hỗ trợ nhà ở

a) Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

b) Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều 100 Nghị định này.

c) Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở.

d) Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở.

đ) Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

e) Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở theo các nguyên tắc sau:

a) Căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

b) Kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương, địa phương và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp.

c) Bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

d) Phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Điều 100. Hỗ trợ khi thuê nhà  xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước

  1. Điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
  2. Đối tượng được miễn tiền thuê nhà ở

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

b) Các đối tượng thuộc diện được giảm tiền thuê nhà ở quy định tại khoản 3 Điều này hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở thuê).

3. Đối tượng và mức giảm tiền thuê nhà ở

a) Giảm 90% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%.

b) Giảm 80% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng: Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%.

c) Giảm 70% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng:

– Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.

– Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

– Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến.

– Thân nhân liệt sĩ.

d) Giảm 65% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng sau:

– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

– Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến.

Điều 101. Hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết

  1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 99 và Điều 100 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
  2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 99 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.

Điều 102. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng

  1. Điều kiện hỗ trợ

Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở) với các mức độ như sau:

a) Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

b) Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

2. Mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Yêu cầu về chất lượng nhà ở

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

b) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì sau khi được hỗ trợ, nhà ở mới được xây dựng phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; trường hợp hộ độc thân thì diện tích xây dựng nhà ở nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2. Nhà ở xây dựng mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng), độ bền tối thiểu 20 năm.

c) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn “2 cứng” (khung – tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định tại điểm b khoản này.

4. Nguồn vốn thực hiện

a) Ngân sách nhà nước, gồm: ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

b) Vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.

5. Phương thức thực hiện

a) Việc lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở (sau đây gọi là Đề án) do Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án trên địa bàn tỉnh theo trình tự quy định tại khoản 6 Điều này; việc tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt Đề án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Việc cấp vốn

Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

c) Sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định, các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật…) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vận động việc thực hiện xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định của Nghị định này. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung – tường nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo Mẫu số 05 Phụ lục IXNghị định này; khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo Mẫu số 06 Phụ lục IXNghị định này.

6. Trình tự lập và phê duyệt Đề án

a) Các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở làm đơn đề nghị theo Mẫu số 01 Phụ lục IXNghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ của xã, gồm đại diện chính quyền cấp xã, đại diện Mặt trận tổ quốc cấp xã, đại diện Hội Cựu chiến binh cấp xã để tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng đối tượng có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở.

Sau khi kiểm tra, Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn theo Mẫu số 02 Phụ lục IX Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, kiểm tra, đối chiếu, tổng hợp và phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn theo Mẫu số 03 Phụ lục IXNghị định này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

d) Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, đối chiếu, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án.

Trong Đề án phân định rõ số lượng người được hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và dự toán kinh phí các nguồn vốn thực hiện trong từng năm. Đối tượng hỗ trợ được theo thứ tự ưu tiên sau đây:

– Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.

– Hộ gia đình mà người có công cao tuổi.

– Hộ gia đình người có công là dân tộc thiểu số.

– Hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn.

– Hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo theo Mẫu số 04 Phụ lục IX Nghị định này gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo Đề án. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

  1. Chi phí quản lý

a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách với mức tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách theo quy định.

b) Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hằng năm để ngân sách trung ương cấp bổ sung vào kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Xây dựng để thực hiện công tác tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng kết thực hiện việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Mục 7. MIỄN HOẶC GIẢM TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 103. Đối tượng hưởng

Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh.

Điều 104. Chế độ miễn tiền sử dụng đất

  1. Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

b) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

d) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

đ) Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

  1. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Điều 105. Chế độ giảm tiền sử dụng đất

Giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:

  1. Giảm 90% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%.
  2. Giảm 80% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%.
  3. Giảm 70% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:

a) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.

b) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

c) Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến.

d) Thân nhân liệt sĩ.

4. Giảm 65% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với:

a) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

b) Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến.

Điều 106. Nguyên tắc

  1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại Điều 104 và Điều 105 Nghị định này được thực hiện quy định tại Điều 6 Pháp lệnhvà theo nguyên tắc quy định tại pháp luật về thu tiền sử dụng đất.
  2. Chế độ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với người có công chỉ áp dụng một lần cho một hộ gia đình và mức hỗ trợ tiền sử dụng đất được tính theo diện tích đất thực tế được giao nhưng tối đa không vượt quá định mức đất ở cho một hộ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
  3. Trường hợp một hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được ưu đãi thì mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 100%.
  4. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Điều 107. Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết miễn, giảm tiền sử dụng đất

Thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất và pháp luật về quản lý thuế.

Mục 8. ƯU TIÊN GIAO ĐẤT HOẶC CHO THUÊ ĐẤT, MẶT NƯỚC, KHU VỰC BIỂN; GIAO KHOÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG; VAY VỐN ƯU ĐÃI ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH; MIỄN HOẶC GIẢM THUẾ

Điều 108. Đối tượng và nguyên tắc hưởng

  1. Người có công quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh.
  2. Thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh.
  3. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.

Điều 109. Các nội dung ưu đãi

  1. Ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển, giao khoán bảo vệ và phát triển rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, biển, hải đảo, tài nguyên, bảo vệ và phát triển rừng.
  2. Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng.
  3. Miễn hoặc giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Điều 110. Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ

  1. Cá nhân có đơn đề nghị kèm bản sao được chứng thực từ một trong những giấy tờ sau gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận:

a) Giấy chứng nhận người có công hoặc quyết định hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi (đối với người có công).

b) Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ (đối với thân nhân liệt sĩ).

2. Hồ sơ, thủ tục xem xét giải quyết đối với đối tượng hưởng chế độ ưu đãi thực hiện theo quy định của các pháp luật chuyên ngành.

Mục 9. NUÔI DƯỠNG TẬP TRUNG THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

Điều 111. Đối tượng áp dụng

Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng nếu sống cô đơn thì được Nhà nước nuôi dưỡng tập trung.

Điều 112. Nguyên tắc

  1. Việc tiếp nhận căn cứ vào cơ sở vật chất, tổ chức biên chế của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
  2. Đối tượng quy định tại Điều 111 Nghị định này được nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của địa phương.

Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận vào các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

  1. Đối tượng được nuôi dưỡng tập trung thì không hưởng chế độ trợ cấp người phục vụ.

Điều 113. Hồ sơ, thủ tục tiếp nhận người có công vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 22 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, xác nhận đơn đề nghị và có văn bản kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nếu đủ điều kiện thì có văn bản kèm các giấy tờ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ người có công.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ, xác minh:
  5. a) Ban hành quyết định tiếp nhận theo Mẫu số 71 Phụ lục INghị định này đối với trường hợp đề nghị vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do tỉnh quản lý.
  6. b) Lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp đề nghị vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.
  7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có văn bản đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
  8. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét và ban hành quyết định tiếp nhận theo Mẫu số 71 Phụ lục INghị định này đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 114. Hồ sơ, thủ tục đưa người có công về nuôi dưỡng tại gia đình

  1. Trường hợp đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do tỉnh quản lý:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 23 Phụ lục INghị định này gửi Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

b) Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong thời gian 05 ngày làm việc có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định đưa người có công về gia đình theo Mẫu số 71 Phụ lục INghị định này đối với người có công thuộc Sở quản lý. Trường hợp gia đình người có công ở địa phương khác thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện di chuyển hồ sơ người có công theo quy định; chỉ đạo cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công chuyển quyết định và tổ chức đưa người có công về gia đình.

2. Trường hợp đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 23 Phụ lục INghị định này gửi Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

b) Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong thời gian 05 ngày làm việc có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định đưa người có công về gia đình theo Mẫu số 71 Phụ lục INghị định này.

d) Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của bộ, có trách nhiệm chuyển quyết định và tổ chức đưa người có công về gia đình; thực hiện di chuyển hồ sơ người có công.

Chương IV

MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

Mục 1. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN, ĐIỀU CHỈNH PHỤ CẤP ĐẶC BIỆT HẰNG THÁNG

Điều 115. Hồ sơ, thủ tục cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận người có công và thân nhân liệt sĩ

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 25 Phụ lục INghị định này gửi:

a) Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đối với người có công đang phục vụ trong quân đội, công an.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú đối với người có công do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý hoặc thân nhân liệt sĩ.

2. Cơ quan đơn vị quản lý trực tiếp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận đơn đề nghị, lập danh sách kèm đơn gửi cơ quan quản lý hồ sơ.

3. Cơ quan quản lý hồ sơ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ người có công để cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận người có công đối với các trường hợp đang quản lý. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

5. Các giấy chứng nhận người có công hoặc thân nhân liệt sĩ đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 vẫn có giá trị thực hiện. Trường hợp cấp lại thực hiện theo Mẫu số 102 Phụ lục INghị định này.

Điều 116. Hồ sơ, thủ tục cấp giấy xác nhận thân nhân của người có công

  1. Người có công hoặc thân nhân người có công làm đơn đề nghị cấp giấy xác nhận thân nhân của người có công gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận người có công hoặc Kỷ niệm chương người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Huân chương, Huy chương kháng chiến; Huân chương, Huy chương chiến thắng; kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”; bằng “Có công với nước”.

b) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận mối quan hệ với người có công gồm: căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

2. Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thân nhân của người có công theo Mẫu số 45 Phụ lục INghị định này.

Điều 117. Hồ sơ, thủ tục giải quyết phụ cấp đặc biệt hằng tháng đối với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên

  1. Cá nhân làm đơn đề nghị gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú kèm bản tóm tắt bệnh án điều trị thể hiện cụt hoặc liệt hoàn toàn hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an).
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ nêu trên, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đang lưu tại Sở, thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 60 Phụ lục INghị định này và thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp đặc biệt hằng tháng.

Mục 2. TẠM ĐÌNH CHỈ, CHẤM DỨT VÀ PHỤC HỒI CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Điều 118. Thủ tục, thời điểm tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi

  1. Đối với những trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được bản án hoặc kết quả xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi có trách nhiệm ban hành quyết định tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này và thời điểm tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi như sau:

a) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm tạm đình chỉ chế độ ưu đãi kể từ tháng cơ quan có thẩm quyền kết luận.

c) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ tháng cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi.

d) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi của thân nhân người có công thực hiện theo quyết định tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công.

2. Đối với những trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 55 Pháp lệnh, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu khai man, giả mạo thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định tạm dừng chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục I Nghị định này và có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công xác minh, kết luận.

Trường hợp sau khi xác minh, kết luận đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ thì cơ quan cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công có trách nhiệm thu hồi giấy tờ đã cấp và chuyển các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật hiện hành; có văn bản thông báo kèm các giấy tờ làm căn cứ để cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định chấm dứt chế độ theo Mẫu số 72 Phụ lục I Nghị định này kể từ tháng có kết luận xác minh, thu hồi chế độ đã hưởng sai.

  1. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 Nghị định này thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này kể từ tháng có kết luận xác minh.
  2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình tạm đình chỉ, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này đối với trường hợp hồ sơ người có công do quân đội, công an xác lập và quản lý.

Điều 119. Hồ sơ, thủ tục hưởng lại chế độ ưu đãi

  1. Đối với những trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, người có công hoặc thân nhân làm đơn đề nghị hưởng lại chế độ theo Mẫu số 24 Phụ lục INghị định này gửi cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi kèm theo các giấy tờ quy định. Cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục I Nghị định này:

a) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 54 Pháp lệnhphải kèm theo các giấy tờ chứng minh đã chấp hành xong hình phạt tù, thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng liền kề sau tháng chấp hành xong hình phạt tù.

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Pháp lệnh, thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng liền kề sau tháng nhận được đơn:

Trường hợp người có công hoặc thân nhân xuất cảnh trái phép nay trở về nước thường trú thì phải có giấy tờ nhập cảnh. Nếu trong thời gian 01 tháng sau khi nhập cảnh không có đơn đề nghị hưởng lại chế độ thì phải kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.

Trường hợp người có công hoặc thân nhân mất tích nay trở về thì phải kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.

c) Đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 54 Pháp lệnhthời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi của thân nhân người có công thực hiện theo quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công.

2. Đối với những trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh:

a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 55 Pháp lệnhsau khi xác minh kết luận không giả mạo giấy tờ thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục INghị định này kể từ tháng bị tạm đình chỉ.

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh, cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi căn cứ kết quả xác minh, kết luận để ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo quy định tại Mẫu số 73 Phụ lục INghị định này đúng quy định kể từ tháng bị tạm đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi hưởng thêm do khai báo gian dối.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình hưởng lại chế độ ưu đãi quy định tại các khoản 1, 2 Điều này đối với trường hợp hồ sơ người có công do quân đội, công an quản lý.

4. Đối với trường hợp thương binh hiện chưa được hưởng chế độ ưu đãi do gửi sổ đi B thì thực hiện việc cấp lại hồ sơ và giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật, cụ thể như sau:

a) Cá nhân có đơn đề nghị hưởng lại chế độ theo Mẫu số 24 Phụ lục INghị định này gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh kèm các giấy tờ sau:

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định tại Luật Lý lịch tư pháp.

Bản sao được chứng thực từ một trong các quyết định: phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hưu trí; trường hợp không còn một trong các quyết định trên thì phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về thời gian công tác trong quân đội.

Một trong các giấy tờ sau: Sổ trợ cấp thương tật quy định tại Điều lệ ưu đãi quân nhân ban hành theo Nghị định số 161/CP ngày 30 tháng 10 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ; sổ thương binh ban hành theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 254/TT-LB ngày 10 tháng 11 năm 1967 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bản trích lục hồ sơ thương binh (theo sổ hoặc danh sách hiện đang quản lý) của cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị.

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận ghi nhận thời gian đi B. Trường hợp giấy tờ chỉ thể hiện phiên hiệu, ký hiệu đơn vị thì kèm theo giấy xác nhận thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị theo Mẫu số 37 Phụ lục I Nghị định này.

Trường hợp có tên trong danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương thì Bộ chỉ huy quân sự tỉnh căn cứ danh sách, sổ quản lý quân nhân, sổ chi trả trợ cấp quân nhân đi B đang lưu tại cơ quan chức năng của địa phương và đã được chốt số lượng (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Nghị định này) để cấp giấy xác nhận.

b) Cơ quan, đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi theo Mẫu số 73 Phụ lục INghị định này kể từ tháng liền kề, sau tháng gửi Sổ để đi B, thực hiện truy trả trợ cấp và di chuyển hồ sơ thương binh đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thương binh thường trú.

c) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn quy trình hưởng lại chế độ đối với trường hợp quy định tại khoản này. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

Điều 120. Các trường hợp không thực hiện chế độ ưu đãi đối với thân nhân và cá nhân có liên quan

  1. Đào ngũ, phản bội, chiêu hồi.
  2. Tham gia các hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước.
  3. Đang chấp hành án tù giam.
  4. Đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân, tử hình.

Mục 3. TRỢ CẤP KHI NGƯỜI CÓ CÔNG TỪ TRẦN

Điều 121. Điều kiện giải quyết trợ cấp khi người có công từ trần

  1. Trợ cấp mai táng thực hiện theo mức quy định tại thời điểm người có công hoặc người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là thân nhân liệt sĩ, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trần.
  2. Trợ cấp một lần với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng (không gồm trợ cấp người phục vụ) đối với đại diện thân nhân khi người có công hoặc người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là thân nhân liệt sĩ, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trần.
  3. Trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng được thực hiện đối với thân nhân của người có công còn sống.
  4. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng nếu đủ điều kiện sau:

a) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

b) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận, không có thu nhập hằng tháng hoặc tổng thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn.

5. Trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng đối với người quy định tại khoản 4 Điều này nếu dưới 18 tuổi mà mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc sau khi đủ 18 tuổi mà sống cô đơn.

Điều 122. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp mai táng

  1. Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện mai táng có trách nhiệm lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục INghị định này kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi địa phương quản lý hồ sơ người có công.

Trường hợp người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chưa hưởng trợ cấp một lần mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ quy định tại Điều 65 Nghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy báo tử.

Trường hợp người có công giúp đỡ cách mạng chưa hưởng trợ cấp ưu đãi mà chết thì kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ quy định tại Điều 68 Nghị định này gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp giấy báo tử.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm xác nhận bản khai và lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này; ban hành quyết định giải quyết trợ cấp mai táng theo Mẫu số 74 Phụ lục I Nghị định này; thực hiện ghép, lưu hồ sơ.

Điều 123. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp một lần khi người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi từ trần

  1. Đại diện thân nhân có trách nhiệm lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục INghị định này kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi địa phương quản lý hồ sơ người có công.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm xác nhận bản khai và lập danh sách gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
  3. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này; quyết định giải quyết trợ cấp một lần theo Mẫu số 74 Phụ lục I Nghị định này; thực hiện ghép, lưu hồ sơ.
  5. Trường hợp người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi trong quân đội, công an từ trần thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình giải quyết chế độ trợ cấp một lần trong thời gian 20 ngày kể từ ngày người có công từ trần; ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này; ban hành quyết định trợ cấp một lần theo Mẫu số 74 Phụ lục I Nghị định này; di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân người có công thường trú để thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng (nếu có).

Điều 124. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

  1. Thân nhân người có công có trách nhiệm lập bản khai theo Mẫu số 12 Phụ lục INghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.

Trường hợp thân nhân là con chưa đủ 18 tuổi phải có thêm bản sao được chứng thực từ giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.

Trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên đang đi học phải có thêm giấy xác nhận của cơ sở giáo dục nơi đang theo học; nếu đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học thì phải có thêm bản sao được chứng thực từ Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy xác nhận của cơ sở giáo dục trung học phổ thông về thời điểm kết thúc học.

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được bản khai và các giấy tờ kèm theo có trách nhiệm sau:

a) Xác nhận bản khai.

b) Cấp giấy xác nhận đối với trường hợp sống độc thân và không còn thân nhân; mồ côi cả cha lẫn mẹ.

c) Cấp giấy xác nhận thu nhập theo Mẫu số 47 Phụ lục INghị định này và chỉ đạo hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã cấp giấy xác nhận tình trạng khuyết tật đối với trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi mà không có thu nhập hằng tháng hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn.

d) Chỉ đạo hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã cấp giấy xác nhận đối với trường hợp thân nhân là con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ.

đ) Gửi các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c khoản này đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi người có công thường trú trước khi từ trần.

  1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng kèm đầy đủ các giấy tờ gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ.
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ có trách nhiệm sau:

a) Đối chiếu hồ sơ, ban hành quyết định chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công hoặc thân nhân theo Mẫu số 72 Phụ lục INghị định này, ban hành quyết định trợ cấp khi người có công từ trần theo Mẫu số 74 Phụ lục INghị định này, thực hiện ghép, lưu hồ sơ.

b) Đối với trường hợp con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng thì cấp giấy giới thiệu theo Mẫu số 38 Phụ lục INghị định này đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi con người có công thường trú kèm giấy xác nhận tình trạng khuyết tật. Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa, ban hành quyết định trợ cấp tuất hằng tháng theo Mẫu số 74 Phụ lục INghị định này, thực hiện ghép, lưu hồ sơ.

c) Trường hợp thân nhân ở địa phương khác thì gửi bản trích lục của từng diện đối tượng người có công và quyết định trợ cấp khi người có công từ trần theo Mẫu số 74 Phụ lục INghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thân nhân thường trú để thực hiện chế độ.

Điều 125. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

  1. Đối với thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 từ trần:

a) Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi, con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi người hoạt động cách mạng từ trần.

b) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được tiếp tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện.

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, không có thu nhập hằng tháng hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

c) Trường hợp người hoạt động cách mạng đã chết nhưng sau ngày 01 tháng 7 năm 2021 mới được công nhận thì thân nhân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ thời điểm ra quyết định công nhận.

Đối với thân nhân là con của người hoạt động cách mạng từ đủ 18 tuổi trở lên thì thời điểm hưởng theo quy định tại điểm b khoản này.

  1. Đối với thân nhân liệt sĩ:

a) Người hy sinh từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi liệt sĩ, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi liệt sĩ hy sinh.

b) Người hy sinh trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, người có công nuôi liệt sĩ, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngày 01 tháng 07 năm 2021.

c) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được tiếp tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng kể từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện.

Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, không có thu nhập hằng tháng hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

d) Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác quy định tại khoản 10 Điều 16 Pháp lệnhđược hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định.

đ) Trường hợp bổ sung thêm thân nhân liệt sĩ và được cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ thì thân nhân được bổ sung hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (nếu có) kể từ tháng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định.

  1. Đối với thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng liền kề khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chết.

b) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng từ nhỏ, sau khi đủ 18 tuổi trở lên nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

c) Con bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng sau khi đủ 18 tuổi nếu nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên không có thu nhập hằng tháng hoặc thu nhập hằng tháng thấp hơn 0,6 lần mức chuẩn được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.

d) Trường hợp khi thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết mà cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao độngthì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi đủ tuổi.

4. Đối với thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 01 tháng 7 năm 2021:

a) Trường hợp vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi tại thời điểm người có công chết thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, trừ quy định tại điểm b khoản này.

b) Trường hợp thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng trợ cấp hằng tháng theo mức bị mắc bệnh có tổn thương cơ thể từ 81% trở lên chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà vào thời điểm chết chồng đã đủ 60 tuổi, vợ đã đủ 55 tuổi thì được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

5. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng thực hiện như sau:

a) Trường hợp đủ điều kiện khi ban hành quyết định trợ cấp khi người có công từ trần thì thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

b) Trường hợp đủ điều kiện sau khi ban hành quyết định trợ cấp khi người có công từ trần thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng kể từ tháng đủ điều kiện.

Mục 4. QUẢN LÝ HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG

Điều 126. Nguyên tắc xác lập hồ sơ và thời hạn giải quyết

  1. Hồ sơ phải nộp của mỗi thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định này là 01 bộ.
  2. Giấy tờ trong hồ sơ đề nghị phải là bản chính, trường hợp được sử dụng bản sao hoặc bản sao có chứng thực thì theo quy định cụ thể tại từng thủ tục hành chính.
  3. Cách thức thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Nghị định này bằng hình thức trực tiếp hoặc bưu chính.
  4. Trong thời hạn quy định tại Nghị định, nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan thụ lý hồ sơ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
  5. Hồ sơ người có công do các cơ quan, đơn vị chuyển đến ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện chế độ ưu đãi và hồ sơ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người có công thường trú quản lý và thực hiện chế độ là 01 bộ hồ sơ gốc theo quy định.

Hồ sơ gốc là hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền lập hoặc xác nhận lần đầu khi làm thủ tục công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công.

Bản sao hồ sơ người có công đã được sử dụng làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất đối với thân nhân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn có giá trị thực hiện.

Điều 127. Ký hiệu hồ sơ

Ký hiệu hồ sơ ghi ở góc trên bên phải, viết bằng chữ in hoa. Ký hiệu địa phương hoặc cơ quan, đơn vị ghi trước, gạch chéo rồi ghi tiếp ký hiệu từng loại hồ sơ đối tượng, tiếp đến số quản lý của địa phương hoặc cơ quan đơn vị và ký hiệu thời kỳ theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Trường hợp hồ sơ do công an cấp tỉnh xác lập thì thêm ký hiệu “CA” và dấu gạch ngang vào trước ký hiệu địa phương.

Điều 128. Quản lý hồ sơ

  1. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Quản lý hồ sơ người có công đang tại ngũ, công tác.

b) Chỉ đạo việc cấp trích lục đối với trường hợp hồ sơ thương binh được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc).

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Quản lý Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

b) Chỉ đạo việc cấp trích lục đối với trường hợp hồ sơ liệt sĩ được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc).

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau:

a) Tiếp nhận, đăng ký quản lý hồ sơ người có công tại địa phương nơi thường trú.

b) Lập và cấp trích lục hồ sơ người có công theo quy định tại các Mẫu số 95, 96, 97, 98, 99.

c) Cập nhật thông tin về người có công và thân nhân đang quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo định kỳ hằng năm về số lượng người có công đang quản lý từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm theo Mẫu số 100 Phụ lục INghị định này gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

5. Công tác quản lý lưu trữ hồ sơ về người có công phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Luật Lưu trữ.

6. Hồ sơ người có công được bảo quản có thời hạn vĩnh viễn tại cơ quan có thẩm quyền quản lý tại Điều này.

Điều 129. Cấp trích lục hồ sơ người có công, sao hồ sơ người có công

  1. Phạm vi áp dụng:

a) Cấp trích lục hồ sơ người có công hoặc sao một số giấy tờ trong hồ sơ người có công theo đề nghị của người có công hoặc thân nhân để giải quyết chế độ có liên quan đến nội dung đề nghị.

Thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thay đổi nơi thường trú mà vẫn còn thân nhân khác đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tại nơi đi thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp bản trích lục hồ sơ người có công kèm bản sao y quyết định hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đến nơi thường trú mới.

b) Cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công theo đề nghị của cơ quan, tổ chức để giải quyết vụ việc có liên quan.

Trường hợp hồ sơ thương binh, liệt sĩ được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc) thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị trích lục hồ sơ gửi Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với trích lục hồ sơ thương binh); Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với trích lục hồ sơ liệt sĩ) làm căn cứ giải quyết chế độ.

  1. Nguyên tắc: việc sao hồ sơ người có công đang quản lý phải đảm bảo đúng quy định về sao, sao y, sao lục, trích sao.
  2. Hồ sơ, thủ tục:

a) Cá nhân có đơn nêu rõ lý do đề nghị cấp trích lục hoặc sao một số giấy tờ trong hồ sơ người có công gửi đến: Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị hoặc Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đối với trường hợp đang tại ngũ, công tác hoặc thương binh hiện chưa được hưởng chế độ ưu đãi do gửi sổ đi B; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với các trường hợp còn lại.

b) Cơ quan, tổ chức có văn bản nêu rõ lý do đề nghị cấp trích lục, sao một số giấy tờ hoặc toàn bộ hồ sơ người có công, gửi đến cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a khoản này.

c) Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a khoản này trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn hoặc văn bản đề nghị, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu lý do theo quy định để cấp trích lục hồ sơ, sao một số giấy tờ trong hồ sơ hoặc toàn bộ hồ sơ gửi đến nơi đề nghị; lập phiếu theo dõi theo Mẫu số 92 Phụ lục INghị định này.

Điều 130. Sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công

  1. Trường hợp áp dụng:

a) Người có công đề nghị sửa đổi, bổ sung những thông tin sau: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; quê quán của người có công hoặc thân nhân của họ ghi trong hồ sơ người có công để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.

b) Thân nhân liệt sĩ, thân nhân người có công, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, người hưởng chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đề nghị sửa đổi, bổ sung những thông tin sau của bản thân: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; quê quán để phù hợp với giấy tờ về hộ tịch.

c) Thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đề nghị sửa đổi, bổ sung những thông tin sau của liệt sĩ: họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm hy sinh; quê quán (theo địa danh khi xác lập hồ sơ công nhận liệt sĩ); cấp bậc, chức vụ; cơ quan, đơn vị khi hy sinh; trường hợp hy sinh; nơi hy sinh.

2. Nguyên tắc:

a) Cơ quan, đơn vị nào cấp giấy tờ thì cơ quan đó có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin.

b) Cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ căn cứ văn bản sửa đổi bổ sung, thông tin của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ đang quản lý.

c) Trường hợp không xác định được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thông tin thì cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung thông tin trong quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi.

3. Hồ sơ, thủ tục:

a) Đối với hồ sơ người có công do quân đội, công an đang quản lý thì thực hiện như sau:

Người có công làm đơn đề nghị theo Mẫu số 26 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao có chứng thực từ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 để đính chính thông tin gửi cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ người có công.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình sửa đổi, bổ sung thông tin cá nhân trong hồ sơ người có công. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

b) Đối với hồ sơ người có công do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý thì thủ tục giải quyết như sau:

Người có công; thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; thân nhân của người có công đã từ trần làm đơn đề nghị theo Mẫu số 26 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ của người có công kèm bản sao có chứng thực từ các giấy tờ sau:

Đối với người có công: căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, thân nhân của người có công đã từ trần: căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu đã được cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 của người được đề nghị đính chính thông tin.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin và có văn bản kèm giấy tờ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này và bản sao giấy tờ đề nghị được sửa đổi, bổ sung thông tin gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được văn bản sửa đổi, bổ sung thông tin của cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công theo Mẫu số 75 Phụ lục I Nghị định này và gửi thông báo điều chỉnh thông tin đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ liệt sĩ, nếu phải cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thông báo điều chỉnh thông tin kèm văn bản đề nghị gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm e khoản 2 Điều 21 Nghị định này.

Điều 131. Hồ sơ, thủ tục di chuyển hồ sơ khi người hưởng trợ cấp ưu đãi thay đổi nơi thường trú

  1. Nơi đi:

a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 27 Phụ lục INghị định này gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ kèm bản sao được chứng thực từ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận của cơ quan đăng ký cư trú.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra thông tin đề nghị di chuyển, lập phiếu báo di chuyển hồ sơ theo Mẫu số 93 Phụ lục INghị định này kèm hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi gửi bảo đảm qua đường bưu điện đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cá nhân thường trú.

Trường hợp thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thay đổi nơi thường trú mà vẫn còn thân nhân khác đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tại nơi đi thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp bản trích lục hồ sơ người có công kèm bản sao y quyết định hưởng trợ cấp tuất hằng tháng gửi đến nơi thường trú mới.

Trường hợp hồ sơ thương binh, liệt sĩ được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc) thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 129 Nghị định này.

  1. Nơi đến:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ có trách nhiệm: Thông báo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đi; kiểm tra hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, nếu không vướng mắc thì đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi.

Trường hợp hồ sơ có vướng mắc thì chuyển trả lại hồ sơ kèm công văn nêu rõ lý do chưa tiếp nhận, yêu cầu nơi chuyển hồ sơ giải quyết.

  1. Mọi vướng mắc về chế độ và hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển. Thời điểm tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp theo Phiếu báo di chuyển hồ sơ.

Điều 132. Thủ tục di chuyển hồ sơ người có công do quân đội, công an quản lý

  1. Di chuyển hồ sơ người có công trong nội bộ quân đội, công an

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình di chuyển hồ sơ người có công trong nội bộ quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày thuyên chuyển cơ quan, đơn vị.

  1. Di chuyển hồ sơ người có công ra ngoài quân đội, công an

a) Cơ quan quản lý hồ sơ có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ký phiếu báo di chuyển, có trách nhiệm gửi bảo đảm hồ sơ gốc kèm phiếu báo di chuyển qua đường bưu chính đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người có công thường trú. Mọi vướng mắc về chế độ hoặc hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển.

Trường hợp hồ sơ thương binh được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước do quân đội, công an quản lý mà không đủ theo quy định (do thất lạc) thì hồ sơ gồm: Phiếu báo di chuyển hồ sơ kèm 02 bản trích lục hồ sơ thương binh (theo sổ hoặc danh sách hiện đang quản lý) do thủ trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng trong quân đội) hoặc thủ trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an (đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an) ký tên và đóng dấu thay cho hồ sơ thương binh.

b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình di chuyển hồ sơ người có công khi chuyển ra ngoài quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 40 ngày kể từ ngày có quyết định chuyển ra ngoài quân đội, công an.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm: Thông báo đến cơ quan, đơn vị di chuyển hồ sơ; kiểm tra hồ sơ tiếp nhận, nếu hồ sơ đúng quy định thì đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi.

Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định thì chuyển trả lại hồ sơ kèm công văn nêu rõ lý do chưa tiếp nhận, yêu cầu nơi chuyển hồ sơ giải quyết.

Mục 5. CƠ SỞ NUÔI DƯỠNG, ĐIỀU DƯỠNG NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ BỘ PHẬN QUẢN LÝ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Điều 133. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công

  1. Cơ sở nuôi dưỡng người có công có chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.
  2. Cơ sở điều dưỡng người có công có chức năng, nhiệm vụ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công và thân nhân.
  3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc thẩm quyền quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 134. Chính sách, chế độ đối với cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công

  1. Về số người làm việc tại cơ sở do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định.
  2. Về cơ sở hạ tầng: Ngân sách nhà nước bảo đảm xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

a) Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

b) Các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải gửi hồ sơ về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự toán.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì: Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng từ 500 triệu đồng trở lên: Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý hoặc của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phân cấp ủy quyền phê duyệt đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kèm theo các tài liệu làm căn cứ phê duyệt theo quy định hiện hành. Đối với các công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng: Quyết định phê duyệt dự toán chi phí sửa chữa, bảo trì của Thủ trưởng đơn vị quản lý cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Trường hợp công trình bị hư hỏng do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng thì phải có Quyết định phê duyệt sửa chữa công trình của cấp có thẩm quyền theo quy định trên, trong đó có thuyết minh đầy đủ nội dung cần sửa chữa, khắc phục.

Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương; tổng hợp và gửi hồ sơ tài liệu được ban hành đúng thẩm quyền về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt theo quy định nêu trên và tổng hợp dự toán chung để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

c) Đối với kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ của các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công từ kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải được đề xuất trong dự toán hằng năm gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do địa phương quản lý: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập và tổng hợp dự toán kinh phí mua sắm vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đối với các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng chung trong dự toán hằng năm để đảm bảo cơ sở vật chất nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

Điều 135. Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công

Người làm việc tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 136. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, số người làm việc của bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ; số người chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ

  1. Nghĩa trang liệt sĩ an táng từ 500 mộ liệt sĩ trở lên thì có bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ.

a) Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

b) Số người làm việc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định.

2. Nghĩa trang liệt sĩ an táng dưới 500 mộ liệt sĩ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số người chăm sóc.

Điều 137. Chính sách đối với bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ, người chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ

  1. Người làm việc tại bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ được hưởng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, các phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
  2. Tiền công đối với người được thuê làm công tác chăm sóc nghĩa trang theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Chương V

TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ, XÁC ĐỊNH DANH TÍNH HÀI CỐT LIỆT SĨ CÒN THIẾU THÔNG TIN, QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ

Mục 1. TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ, XÁC ĐỊNH DANH TÍNH HÀI CỐT LIỆT SĨ CÒN THIẾU THÔNG TIN

Điều 138. Nguyên tắc

  1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ hoặc khả năng có hài cốt liệt sĩ và thông tin về mộ liệt sĩ có trách nhiệm thông báo với cơ quan chức năng để tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin (sau đây gọi chung là hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin).
  2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  3. Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin:

a) Bằng phương pháp thực chứng đối với hài cốt liệt sĩ khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ và mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ đối với trường hợp còn chưa đầy đủ thông tin.

b) Bằng phương pháp giám định ADN đối với hài cốt liệt sĩ khi quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ và mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ đối với trường hợp còn chưa đầy đủ hoặc chưa có thông tin.

Điều 139. Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

  1. Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thành lập ở cấp tỉnh, cấp quân khu và cấp quốc gia; chỉ đạo, hoạt động thống nhất từ trung ương đến địa phương.
  2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo quốc gia.
  3. Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia; chỉ đạo các quân khu thành lập Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cấp quân khu.
  4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cấp tỉnh; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thuộc quyền.
  5. Cục Chính trị các quân khu là cơ quan thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo cấp quân khu; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 140. Nội dung công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

  1. Tuyên truyền, tập huấn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  2. Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin; thu thập, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; tích hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
  3. Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
  4. Tổ chức lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  5. Tổ chức các hoạt động tìm kiếm, quy tập; lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
  6. Thực hiện các hoạt động bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  7. Bàn giao hài cốt liệt sĩ; tổ chức an táng và lập hồ sơ quản lý mộ liệt sĩ.
  8. Thu thập, xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.
  9. Thực hiện xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng giám định ADN.
  10. Chuẩn y kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thông báo kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; khắc bia ghi tên trên mộ liệt sĩ; báo tin phần mộ liệt sĩ đủ thông tin tới thân nhân liệt sĩ.
  11. Quan hệ, hợp tác quốc tế trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  12. Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Điều 141. Phân cấp quản lý công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

  1. Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  2. Các bộ, ngành trung ương phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
  3. Các quân khu có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn quân khu và ở ngoài nước theo địa bàn được giao.
  4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn.

Điều 142. Tổ chức lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

  1. Lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, gồm: lực lượng chuyên trách, lực lượng lâm thời trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và ngoài nước. Trường hợp cần thiết trưng dụng thêm lực lượng khác tham gia (dẫn đường, bảo vệ, đào bới, khai quật…).
  2. Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lực lượng chuyên trách, lực lượng lâm thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp tỉnh quyết định trưng dụng lực lượng khi cần thiết, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Điều 143. Bàn giao hài cốt liệt sĩ, mẫu hài cốt liệt sĩ

  1. Hài cốt liệt sĩ đã xác định được thông tin thì đơn vị quy tập có trách nhiệm bàn giao hài cốt liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương mà đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng đưa về.

Trường hợp đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ chưa có nguyện vọng đưa về thì bàn giao hài cốt liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quy tập hoặc nơi được giao đón nhận.

  1. Hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin thì đơn vị quy tập bàn giao hài cốt liệt sĩ và mẫu hài cốt liệt sĩ cùng các thông tin có liên quan đến thân nhân của liệt sĩ (nếu có) cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quy tập hoặc nơi được giao đón nhận.

Trường hợp có di vật mà chưa có cơ sở khẳng định thông tin của liệt sĩ thì đơn vị quy tập có trách nhiệm báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng để xác minh, kết luận về thông tin của liệt sĩ.

  1. Biên bản bàn giao thực hiện theo Mẫu số 81hoặc Mẫu số 82 Phụ lục I Nghị định này kèm theo thông tin quy tập, thông tin có liên quan đến liệt sĩ và thân nhân (nếu có).

Điều 144. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh

  1. Cá nhân làm đơn gửi một trong các cơ quan, đơn vị sau: cơ quan, đơn vị quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nơi nguyên quán của liệt sĩ; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nơi liệt sĩ hy sinh; Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
  2. Cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này trong thời gian 15 ngày có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy xác nhận theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này.

Điều 145. Quy trình, thủ tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng

  1. Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị theo Mẫu số 28 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm các giấy tờ sau:

a) Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này.

b) Các giấy tờ thể hiện thông tin mới được phát hiện, bao gồm:

Thông tin về mộ liệt sĩ gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh hoặc năm sinh; nguyên quán, cơ quan, đơn vị khi hy sinh; cấp bậc, chức vụ khi hy sinh; ngày tháng năm hy sinh hoặc năm hy sinh;

Thông tin về thân nhân của liệt sĩ gồm: họ và tên, mối quan hệ với liệt sĩ.

  1. Tổ chức, cá nhân có giấy đề nghị theo Mẫu số 29 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm các giấy tờ sau:

a) Văn bản ủy quyền của đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

b) Các giấy tờ quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này có trách nhiệm:

a) Đối chiếu thông tin mới phát hiện với hồ sơ liệt sĩ đang quản lý.

b) Trường hợp đủ thông tin và đủ căn cứ pháp lý để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thì ban hành văn bản kèm bản sao giấy báo tử hoặc giấy báo tử trận hoặc giấy chứng nhận hy sinh và các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sĩ hy sinh hoặc nơi an táng liệt sĩ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ để bổ sung thông tin trên bia mộ.

4. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm giấy tờ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên bia mộ liệt sĩ; ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Mẫu số 76 Phụ lục INghị định này gửi đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này (trường hợp được ủy quyền thực hiện); Cục Người có công (kèm theo bản sao đơn hoặc giấy đề nghị); Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc.

b) Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định quy định tại điểm a khoản này cập nhật dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở dữ liệu về liệt sĩ); cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ.

c) Thực hiện khắc lại bia mộ liệt sĩ.

Tổ chức, cá nhân có văn bản hoặc giấy đề nghị thanh toán gửi Cục Người có công.

Cục Người có công trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được quyết định có trách nhiệm thực hiện chi trả cho đối tượng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

Điều 146. Nguyên tắc thực hiện lấy mẫu để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

  1. Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trong các trường hợp sau:

a) Khi hài cốt liệt sĩ được quy tập mà chưa xác định được danh tính.

b) Khi di chuyển hoặc nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ có liên quan tới phần mộ liệt sĩ.

c) Khi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin nhưng có thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu trong các giấy tờ sau: giấy báo tử, giấy báo tử trận, giấy chứng nhận hy sinh, giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này và các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sĩ hy sinh hoặc nơi an táng liệt sĩ.

d) Khi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ không có thông tin nhưng danh sách liệt sĩ của cơ quan quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh có chung thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu và đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Trường hợp cơ quan quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh không còn tồn tại thì cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cung cấp danh sách.

đ) Khi một mộ liệt sĩ thiếu thông tin trong nghĩa trang liệt sĩ mà có nhiều đại diện thân nhân liệt sĩ cùng nhận.

  1. Không thực hiện việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trong các trường hợp sau:

a) Mộ liệt sĩ tập thể.

b) Mộ liệt sĩ đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ ban hành quyết định đính chính thông tin trên bia mộ.

c) Mộ liệt sĩ đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

d) Mộ liệt sĩ đã được lấy mẫu để giám định ADN, trừ trường hợp mẫu không phân tích được ADN thì được lấy mẫu lần hai.

3. Lấy mẫu để đối chứng ADN theo dòng mẹ của liệt sĩ (sau đây gọi chung là mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ) trong các trường hợp hài cốt liệt sĩ hoặc mộ liệt sĩ còn thiếu hoặc không có thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, có thông tin về nhân thân.

Điều 147. Quy trình, thủ tục lấy mẫu để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

  1. Đối với trường hợp đón nhận hài cốt liệt sĩ được quy tập mà chưa xác định được danh tính:

a) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm: tiếp nhận hài cốt và mẫu hài cốt liệt sĩ do đơn vị quy tập bàn giao; kiểm tra tình trạng hài cốt, ghi ký hiệu mẫu theo quy định tại Phụ lục số VIIIvà cập nhật vị trí mộ an táng hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) đề nghị giám định mẫu.

Trường hợp có thông tin về thân nhân liệt sĩ thì thông báo và hướng dẫn thân nhân gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ.

b) Cục Người có công trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đơn vị giám định ADN thông báo về việc tiếp nhận và giám định mẫu hài cốt liệt sĩ.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Người có công, có trách nhiệm gửi mẫu kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 82 Phụ lục INghị định này tới đơn vị giám định ADN và báo cáo Cục Người có công kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ. Trường hợp gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ thì kèm thông tin về ký hiệu mẫu của hài cốt liệt sĩ.

2. Đối với trường hợp di chuyển hoặc nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ có liên quan tới phần mộ liệt sĩ:

a) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ lập kế hoạch, dự toán kinh phí lấy mẫu hài cốt liệt sĩ gửi về Cục Người có công.

b) Cục Người có công trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí; chuyển kinh phí đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để triển khai thực hiện.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ:

Căn cứ Quyết định phê duyệt Kế hoạch lấy mẫu, trong vòng 20 ngày có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị giám định ADN tổ chức thực hiện lấy mẫu hài cốt liệt sĩ; lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 81 Phụ lục I Nghị định này; báo cáo Cục Người có công kèm biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ.

Thông báo và hướng dẫn thân nhân liệt sĩ gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ đối với trường hợp có thông tin về thân nhân liệt sĩ và gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ kèm thông tin về ký hiệu mẫu của hài cốt liệt sĩ về đơn vị giám định ADN.

  1. Đối với trường hợp quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 146 Nghị định này:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 30 Phụ lục INghị định này kèm theo bản sao được chứng thực từ: Bằng “Tổ quốc ghi công” và giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, có trách nhiệm rà soát, nếu hồ sơ đang quản lý có thông tin về liệt sĩ và thân nhân thì có văn bản thông báo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ kèm các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định tại điểm b khoản này, có trách nhiệm kiểm tra thông tin về vị trí mộ, thông tin khắc trên bia mộ, tình trạng hài cốt, thông tin quy tập; nếu đủ căn cứ thì thực hiện như sau:

Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, lập biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 82 Phụ lục I Nghị định này.

Thông báo và hướng dẫn thân nhân liệt sĩ gửi mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Gửi mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ kèm theo văn bản và sao toàn bộ giấy tờ quy định tại điểm a khoản này, biên bản lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ; văn bản đề nghị thanh toán chi phí lấy mẫu hài cốt liệt sĩ (nếu có) kèm theo chứng từ thanh toán gửi Cục Người có công.

d) Cục Người có công trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ, có trách nhiệm đánh số thứ tự tiếp nhận giám định ADN; chuyển mẫu tới đơn vị giám định ADN; lập biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 82 Phụ lục INghị định này và thanh toán chi phí lấy mẫu hài cốt liệt sĩ theo đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 146 Nghị định này:

a) Đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng của mỗi liệt sĩ thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Người có công thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều này.

Điều 148. Quy trình giám định ADN và thông báo kết quả

  1. Đơn vị giám định ADN trong thời gian 06 tháng kể từ ngày tiếp nhận mẫu có trách nhiệm:

a) Thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sĩ, mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ.

b) Lưu trữ và cập nhật kết quả giám định ADN vào trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN; so sánh, đối khớp ADN hài cốt liệt sĩ với ADN mẫu đối chứng thân nhân liệt sĩ.

c) Gửi mẫu hài cốt liệt sĩ đã giám định ADN về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ.

d) Gửi kết quả giám định ADN về Cục Người có công.

Cục Người có công trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định ADN, có trách nhiệm thông báo kết quả giám định ADN đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ (02 bản), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ có trách nhiệm:

a) Chuyển thông báo kết quả giám định ADN đến đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ và thực hiện việc hoàn trả mẫu hài cốt liệt sĩ đã giám định ADN vào mộ liệt sĩ trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giám định ADN.

b) Trường hợp xác định được thông tin về liệt sĩ thì ban hành quyết định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Mẫu số 76 Phụ lục INghị định này, cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc; khắc lại thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

Mục 2. TRUY ĐIỆU, AN TÁNG HÀI CỐT LIỆT SĨ

Điều 149. Trách nhiệm thực hiện

  1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện.
  2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ do các đơn vị tìm kiếm, quy tập trong nước.
  3. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Điều 150. Nghi thức thực hiện

  1. Việc tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu do chính quyền địa phương nơi an táng liệt sĩ thực hiện.
  2. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu thực hiện như sau:

a) Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh liệt sĩ (nếu có) và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc…”.

b) Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, hai bên bàn thờ đặt cố định 02 vòng hoa của chính quyền địa phương và gia đình, dưới lễ đài có lư hương.

c) Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.

d) Chính quyền địa phương đứng phía bên phải, gia đình đứng phía bên trái (theo hướng nhìn lên lễ đài) khi có các đoàn vào viếng.

3. Vòng hoa viếng thực hiện như sau:

Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 02 vòng hoa, có băng đen chữ trắng của chính quyền địa phương và gia đình đặt cố định hai bên bàn thờ.

  1. Lễ viếng thực hiện như sau:

a) Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

b) Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.

c) Trong quá trình viếng, cử nhạc “Hồn tử sĩ’.

5. Lễ truy điệu thực hiện như sau:

a) Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Tổ chức Lễ tang, chính quyền địa phương và gia đình, người thân.

b) Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu và thứ tự viếng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.

c) Đại diện Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu.

d) Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, tuyên bố phút mặc niệm và kết thúc Lễ truy điệu.

đ) Trong khi tiến hành Lễ truy điệu, cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

  1. Lễ đưa tang thực hiện như sau:

a) Thành phần dự Lễ đưa tang như thành phần dự Lễ truy điệu.

b) Khi chuyển linh cữu lên xe tang và vào phần mộ, các thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.

Đội phục vụ làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, vòng hoa ra xe tang và vào phần mộ.

c) Xe tang do chính quyền địa phương chuẩn bị.

7. Lễ hạ huyệt thực hiện như sau:

a) Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.

b) Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.

c) Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt, cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

Mục 3. QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ

Điều 151. Nguyên tắc

  1. Nghĩa trang liệt sĩ là nơi an táng thi hài, hài cốt liệt sĩ, được xây dựng trang nghiêm thể hiện lòng tôn kính đối với các liệt sĩ, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.
  2. Đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng ở trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trung tâm của huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có nghĩa trang liệt sĩ hoặc nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.
  3. Đền thờ liệt sĩ là nơi thờ và ghi danh các liệt sĩ được xây dựng ở nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.
  4. Nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận huyện không có nghĩa trang liệt sĩ.
  5. Không xây mới mộ không có hài cốt trong nghĩa trang liệt sĩ, trừ trường hợp xây mộ để đón nhận hài cốt liệt sĩ được quy tập về.

Điều 152. Quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ

  1. Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ được thường xuyên chăm sóc, quản lý, sửa chữa, tu bổ.
  2. Mộ liệt sĩ trong cùng một nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng thống nhất về kích thước, quy cách và nội dung như sau:

a) Vỏ mộ liệt sĩ được xây dựng bằng vật liệu bền, đẹp, đảm bảo việc gìn giữ lâu dài.

b) Khoảng cách giữa các mộ, hàng mộ, lô mộ, khu mộ phải thông thoáng, thuận tiện cho việc thăm viếng mộ liệt sĩ.

c) Trên bia mộ được ghi thống nhất như sau:

(Biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh)

LIỆT SĨ

Họ và tên:…

Sinh ngày…. tháng…. năm …..

Nguyên quán:… (xã, huyện, tỉnh)

Cấp bậc, chức vụ: …..……

Đơn vị: ………

Hy sinh ngày… tháng… năm…

Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin nêu trên thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

d) Mộ liệt sĩ sau khi di chuyển hài cốt phải sửa chữa lại vỏ mộ, trên bia mộ khắc thêm dòng chữ “Hài cốt liệt sĩ đã di chuyển” ở phía dưới cùng.

3. Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin là mộ có nội dung thông tin ghi trên bia mộ trùng khớp với thông tin trong giấy báo tử, giấy báo tử trận, giấy chứng nhận hy sinh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn.

5. Mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được chăm sóc, giữ gìn; khi công trình xuống cấp cần được sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; việc đầu tư xây dựng mới phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; việc di dời nghĩa trang liệt sĩ để phục vụ quy hoạch mới tại địa phương do địa phương bảo đảm nguồn lực thực hiện.

a) Các dự án xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ bố trí từ vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

b) Xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ, các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ đề nghị hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phải gửi hồ sơ về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự toán. Hồ sơ hỗ trợ gồm:

Đối với mộ liệt sĩ xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa không gắn với dự án xây dựng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp chung trong dự toán ngân sách hằng năm gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ gồm: Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền kèm theo các tài liệu làm căn cứ phê duyệt theo quy định hiện hành đối với các công trình ghi công liệt sĩ có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên hoặc có Quyết định phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa, bảo trì của cơ quan, đơn vị quản lý công trình đối với các công trình ghi công liệt sĩ có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng. Trường hợp công trình ghi công liệt sĩ bị hư hỏng do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng thì phải có Quyết định phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí sửa chữa công trình của cấp có thẩm quyền theo quy định trên, trong đó có thuyết minh đầy đủ nội dung cần sửa chữa, khắc phục.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: lập và tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện công tác mộ liệt sĩ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ vào dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của địa phương; tổng hợp và gửi hồ sơ tài liệu công tác mộ liệt sĩ và các dự án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì công trình ghi công liệt sĩ được ban hành đúng thẩm quyền về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước thời điểm phân bổ dự toán hằng năm; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt phân bổ kinh phí bảo đảm đúng dự toán và nội dung hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương; báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện công tác mộ liệt sĩ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tình hình phân bổ và thực hiện kinh phí hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn ngân sách trung ương tại các địa phương bảo đảm đúng quy định tại Nghị định này.

  1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc, giữ gìn công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Điều 153. Nội dung quản lý mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ

  1. Nghĩa trang liệt sĩ nơi an táng từ 500 mộ liệt sĩ trở lên thì có bộ phận quản lý nghĩa trang, bộ phận quản lý nghĩa trang có trách nhiệm:

a) Lập sơ đồ nghĩa trang và vị trí mộ, quản lý hồ sơ mộ liệt sĩ (bao gồm thông tin mộ, vị trí mộ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ và các giấy tờ có liên quan đến phần mộ), lập danh sách quản lý mộ trong nghĩa trang liệt sĩ theo Mẫu số 84 Phụ lục INghị định này, mộ liệt sĩ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ theo Mẫu số 85 Phụ lục INghị định này để lưu và gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

b) Cập nhật thông tin trong danh sách quản lý mộ và báo cáo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ di chuyển hoặc mới tiếp nhận.

c) Trường hợp nghĩa trang không có bộ phận quản lý nghĩa trang thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý nghĩa trang có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b khoản này.

2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Tổng hợp danh sách quản lý mộ trong nghĩa trang liệt sĩ theo Mẫu số 84 Phụ lục INghị định này, mộ liệt sĩ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ theo Mẫu số 85 Phụ lục INghị định này trên địa bàn.

b) Quản lý sơ đồ nghĩa trang và vị trí mộ, hồ sơ mộ liệt sĩ.

c) Cập nhật thông tin trong danh sách quản lý mộ và báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ di chuyển hoặc mới tiếp nhận.

d) Lưu và gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c khoản này.

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Tổng hợp danh sách quản lý mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ do gia đình quản lý trên địa bàn.

b) Quản lý, cập nhật sơ đồ nghĩa trang và vị trí mộ, hồ sơ mộ liệt sĩ khi có sự thay đổi về mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ.

c) Cập nhật thông tin vào danh sách quản lý mộ và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ khi có sự thay đổi về mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ.

d) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ.

đ) Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn vào hồi 20 giờ ngày 26 tháng 7.

Điều 154. Quy trình, thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ

Trường hợp hồ sơ liệt sĩ đã được sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định tại Điều 130 Nghị định này thì quy trình, thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ được thực hiện như sau:

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công, có trách nhiệm ban hành văn bản đề nghị đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ kèm bản sao y quyết định điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công.
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ có trách nhiệm:

a) Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về liệt sĩ; ban hành quyết định đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo Mẫu số 77 Phụ lục INghị định này; cập nhật dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở dữ liệu về liệt sĩ); cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân liệt sĩ và thông báo đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ.

b) Khắc lại thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

Mục 4. THĂM VIẾNG MỘ LIỆT SĨ, DI CHUYỂN HÀI CỐT LIỆT SĨ

Điều 155. Đối tượng

  1. Thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người, kể cả trường hợp đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ) hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ.
  2. Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (tối đa 03 người) được hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ.

Điều 156. Nguyên tắc

  1. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ: tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ mỗi năm một lần đối với 01 mộ liệt sĩ.
  2. Hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ theo nguyện vọng của đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ:

a) Trường hợp di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ đi nơi khác: tiền cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ; tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ; tiền xây vỏ mộ liệt sĩ đối với trường hợp an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ.

b) Trường hợp di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ: tiền cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ; tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi di chuyển đến nghĩa trang liệt sĩ nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ.

c) Chỉ hỗ trợ một lần khi di chuyển hài cốt liệt sĩ.

Điều 157. Điều kiện thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ

  1. Điều kiện thăm viếng mộ liệt sĩ

a) Liệt sĩ có tên trong danh sách liệt sĩ của nghĩa trang liệt sĩ trong nước.

b) Liệt sĩ có thông tin địa danh nơi hy sinh trong nước căn cứ một trong các giấy tờ sau: bản trích lục hồ sơ liệt sĩ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc cấp; bản sao được chứng thực từ giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này.

2. Điều kiện di chuyển hài cốt liệt sĩ

Chỉ áp dụng việc di chuyển hài cốt liệt sĩ đối với các trường hợp mộ liệt sĩ sau:

a) Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin đang an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

b) Mộ liệt sĩ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ nhưng có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ của cơ quan có thẩm quyền, nay đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

c) Mộ của thương binh chết do vết thương tái phát được công nhận là liệt sĩ nay đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

Điều 158. Hồ sơ, thủ tục thăm viếng mộ liệt sĩ

  1. Người đi thăm viếng mộ liệt sĩ gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ các giấy tờ sau:

a) Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ theo Mẫu số 31 Phụ lục INghị định này.

b) Bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân liệt sĩ; quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

c) Một trong các giấy tờ sau:

Đối với trường hợp mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin: giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ.

Đối với trường hợp chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ: giấy xác nhận do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ về việc có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang; bản trích lục hồ sơ liệt sĩ do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc cấp; bản sao được chứng thực từ giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này.

  1. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy giới thiệu thăm viếng mộ liệt sĩ theo Mẫu số 42 Phụ lục INghị định này trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.
  2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý mộ hoặc thuộc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh trong thời gian 01 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận vào giấy giới thiệu thăm viếng mộ liệt sĩ.
  3. Người đi thăm viếng mộ liệt sĩ gửi giấy giới thiệu thăm viếng mộ liệt sĩ đã được xác nhận đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ để nhận hỗ trợ.
  4. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ thực hiện chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận giấy giới thiệu có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thăm viếng mộ hoặc thuộc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh.

Điều 159. Hồ sơ, thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ đi nơi khác theo nguyện vọng của đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

  1. Trường hợp chưa được hỗ trợ:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ gửi đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 32 Phụ lục INghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc kèm giấy báo tin mộ liệt sĩ.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ thì kèm theo văn bản ủy quyền.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi nhận được đơn và giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 44 Phụ lục INghị định này trong thời gian 03 ngày làm việc; lưu đơn đề nghị.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ:

Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được giấy giới thiệu, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã để lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ; lập phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 94 Phụ lục I Nghị định này kèm theo biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ và nơi quản lý mộ liệt sĩ. Trường hợp hài cốt liệt sĩ không di chuyển về địa phương đang quản lý hồ sơ thì đồng thời gửi Sở, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ.

Thực hiện sửa chữa lại vỏ mộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 152 Nghị định này.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu báo di chuyển, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ, có trách nhiệm cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ.

đ) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận biên bản bàn giao và giấy giới thiệu, có trách nhiệm:

Lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ; tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ; có văn bản báo cáo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ kèm giấy giới thiệu và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

e) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm các giấy tờ, có trách nhiệm:

Chi hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn; tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Chi hỗ trợ tiền xây vỏ mộ liệt sĩ căn cứ vào nguyện vọng an táng hài cốt liệt sĩ ngoài nghĩa trang liệt sĩ theo đơn đề nghị.

Có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ và nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ kèm biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

g) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm căn cứ phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ và cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ theo Mẫu số 103 Phụ lục INghị định này trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định.

h) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc có trách nhiệm lưu phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ vào hồ sơ liệt sĩ, trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định.

2. Trường hợp đã được hỗ trợ:

a) Đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có nguyện vọng di chuyển hài cốt liệt sĩ gửi đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 32 Phụ lục INghị định này đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú kèm các giấy tờ sau:

Bản sao được chứng thực từ giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân liệt sĩ hoặc bản sao được chứng thực từ quyết định trợ cấp ưu đãi đối với người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; Giấy báo tin mộ liệt sĩ.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ thì kèm theo văn bản ủy quyền.

b) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi thường trú của người đề nghị trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra và cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 43 Phụ lục INghị định này; lưu đơn đề nghị.

c) Phòng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đón nhận thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều này.

d) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận trong thời gian 01 ngày làm việc có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ và nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ kèm biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

đ) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ và nơi quản lý hồ sơ thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại các điểm g, h khoản 1 Điều này.

Điều 160. Hồ sơ, thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của đại diện thân nhân hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

  1. Trường hợp chưa được hỗ trợ:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ gửi đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ theo quy định tại Mẫu số 32 Phụ lục INghị định này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc.

Trường hợp mộ liệt sĩ được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình quản lý thì kèm theo bản sao được chứng thực từ biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ ủy quyền di chuyển hài cốt liệt sĩ thì kèm theo văn bản ủy quyền.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 03 ngày làm việc sau khi nhận được đơn và giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 43 Phụ lục INghị định này.

c) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có trách nhiệm thông báo đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ về việc di chuyển hài cốt liệt sĩ.

d) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, có trách nhiệm lập phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Mẫu số 94 Phụ lục INghị định này gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ và nơi quản lý mộ liệt sĩ. Trường hợp hài cốt liệt sĩ không di chuyển về địa phương đang quản lý hồ sơ thì đồng thời gửi Sở, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ.

đ) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ, có trách nhiệm:

Lập biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ; tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ; có văn bản báo cáo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ kèm giấy giới thiệu và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

e) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm các giấy tờ, có trách nhiệm:

Chi hỗ trợ tiền cất bốc hài cốt liệt sĩ, tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi di chuyển đến nghĩa trang liệt sĩ nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

Có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ và nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

g) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được phiếu báo di chuyển và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ, có trách nhiệm cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ theo Mẫu số 103 Phụ lục INghị định này.

h) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm lưu phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ và biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ vào hồ sơ liệt sĩ.

2. Trường hợp đã được hỗ trợ:

a) Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc; đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ liệt sĩ; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều này.

c) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã kèm các giấy tờ có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ và nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đón nhận hài cốt liệt sĩ; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ thực hiện theo trách nhiệm được quy định tại các điểm g, h khoản 1 Điều này.

Chương VI

GIÁM ĐỊNH Y KHOA ĐỂ XEM XÉT CÔNG NHẬN, GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ THÂN NHÂN CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG

Mục 1. QUY ĐỊNH TRONG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Điều 161. Hoạt động khám giám định y khoa

  1. Hoạt động khám giám định làm cơ sở để xem xét công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công do Hội đồng giám định y khoa các cấp thực hiện gồm khám giám định lần đầu, khám giám định lại, khám giám định phúc quyết, khám giám định phúc quyết lần cuối.
  2. Hội đồng giám định y khoa các cấp là Hội đồng chuyên môn về y tế bao gồm các Hội đồng sau:

a) Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

b) Hội đồng giám định y khoa các Bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Giao thông vận tải.

c) Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương bao gồm: Hội đồng giám định y khoa Trung ương I, Hội đồng giám định y khoa Trung ương II, Hội đồng giám định y khoa Trung ương III.

d) Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối là Hội đồng cấp cao nhất và cuối cùng về giám định y khoa do Bộ Y tế thành lập.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các cấp gồm:

a) Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh là đơn vị có chức năng chuyên trách về giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

b) Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các bộ do Bộ trưởng các bộ quyết định.

c) Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương là đơn vị có chức năng chuyên trách về giám định y khoa do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định.

d) Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối là cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương đã khám đối với đối tượng.

4. Bộ Y tế quy định chi tiết về hoạt động và mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các cấp.

Điều 162. Thẩm quyền khám giám định y khoa

  1. Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh thực hiện khám giám định lần đầu, khám giám định lại.
  2. Hội đồng giám định y khoa các bộ thực hiện khám giám định lần đầu, khám giám định lại, khám giám định phúc quyết đối với người khi bị thương, bị bệnh thuộc quân đội, công an quản lý hoặc đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an do Bộ trưởng các bộ quy định.

Trường hợp cần thiết cơ quan quản lý đối tượng thuộc Bộ Công an có văn bản đề nghị Hội đồng giám định y khoa các cấp thuộc ngành y tế để khám giám định.

  1. Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương thực hiện khám giám định phúc quyết theo quy định của Bộ Y tế đối với các đối tượng khám giám định.
  2. Hội đồng khám giám định phúc quyết lần cuối khám giám định theo quy định của Bộ Y tế đối với trường hợp đối tượng khám giám định hoặc đại diện hợp pháp của đối tượng không đồng ý kết quả khám giám định của Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương hoặc kết quả khám giám định phúc quyết của Hội đồng giám định y khoa các bộ.

Điều 163. Chi phí giám định y khoa

  1. Cơ quan giới thiệu giám định y khoa có trách nhiệm trả chi phí giám định y khoa cho tổ chức thực hiện giám định theo quy định của pháp luật.
  2. Phí dịch vụ giám định y khoa theo quy định của Bộ Tài chính.
  3. Trường hợp Hội đồng giám định y khoa chưa khám giám định do vượt khả năng chuyên môn thì không thu phí giám định y khoa.
  4. Trường hợp Hội đồng giám định y khoa đã thực hiện khám giám định, họp Hội đồng và kết luận vượt khả năng chuyên môn hoặc trường hợp Hội đồng giám định y khoa đang thực hiện khám giám định nhưng đối tượng bỏ ngang không tiếp tục tham gia quá trình khám giám định thì thu phí giám định những nội dung đã thực hiện.
  5. Trường hợp khám giám định phúc quyết, khám giám định phúc quyết lần cuối theo đề nghị của đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng thì phí giám định y khoa do người đề nghị chi trả.

Điều 164. Chính sách của nhà nước đối với hoạt động giám định y khoa

  1. Nhà nước đầu tư, phát triển hệ thống giám định y khoa để đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định y khoa và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám định y khoa phát triển.
  2. Nhà nước có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kiến thức pháp luật đối với người giám định, có chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác giám định y khoa.

Mục 2. HỒ SƠ, THỦ TỤC KHÁM GIÁM ĐỊNH

Điều 165. Hồ sơ khám giám định do vượt khả năng chuyên môn của Hội đồng giám định y khoa và khám giám định theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

  1. Hồ sơ khám giám định do vượt khả năng chuyên môn của Hội đồng giám định y khoa

a) Văn bản đề nghị khám giám định do vượt khả năng chuyên môn của cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa kèm hồ sơ đề nghị khám giám định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

b) Biên bản họp hội chẩn chuyên môn trong trường hợp chưa khám giám định hoặc biên bản giám định y khoa trong trường hợp Hội đồng giám định y khoa đã khám giám định cho đối tượng.

     2. Hồ sơ khám giám định theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

a) Giấy giới thiệu khám giám định theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Mẫu số 38 Phụ lục I Nghị định này.

b) Bản sao các biên bản giám định y khoa (nếu có) hoặc bản sao hồ sơ đang hưởng chế độ

Điều 166. Hồ sơ, thủ tục đề nghị khám giám định phúc quyết của đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng

  1. Cá nhân trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được Biên bản giám định y khoa nếu không đồng ý phải có đơn đề nghị khám giám định phúc quyết kèm bản sao được chứng thực từ biên bản khám giám định y khoa gửi: Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh đã khám giám định cho đối tượng hoặc Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các bộ đã khám giám định cho đối tượng. Quá thời gian trên nêu trên, cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các cấp và các cơ quan có thẩm quyền không xem xét, giải quyết.
  2. Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn có văn bản đề nghị khám giám định phúc quyết kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ đề nghị khám giám định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền gửi cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương.
  3. Cơ quan thường trực và Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này và gửi biên bản giám định y khoa phúc quyết đến cá nhân có đơn đề nghị, cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh và cơ quan thực hiện chế độ ưu đãi để xem xét, giải quyết chế độ. Trường hợp quá thời gian trên chưa ban hành biên bản phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
  4. Cơ quan thường trực và Hội đồng giám định y khoa các bộ thực hiện khám giám định phúc quyết đối với trường hợp người khi bị thương, bị bệnh thuộc quân đội, công an quản lý hoặc đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết, tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa không quá 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

Điều 167. Hồ sơ, thủ tục đề nghị khám giám định phúc quyết lần cuối của đối tượng hoặc người đại diện hợp pháp của đối tượng

  1. Cá nhân trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được Biên bản giám định y khoa nếu không đồng ý phải có đơn đề nghị khám giám định phúc quyết lần cuối kèm bản sao được chứng thực từ biên bản khám giám định y khoa gửi: cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương đã khám giám định cho đối tượng hoặc cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa các Bộ đã khám giám định phúc quyết cho đối tượng. Quá thời gian trên nêu trên, cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp trung ương, các bộ và các cơ quan có thẩm quyền không xem xét, giải quyết.
  2. Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa đã khám cho đối tượng trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn có văn bản đề nghị khám giám định phúc quyết lần cuối kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ đề nghị khám giám định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
  3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị khám giám định phúc quyết lần cuối báo cáo và trình Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối.
  4. Cơ quan thường trực và Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối trong thời gian 60 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối tổ chức khám giám định, ban hành biên bản giám định y khoa theo Mẫu số 78 Phụ lục INghị định này và gửi biên bản giám định y khoa phúc quyết lần cuối đến cá nhân có đơn đề nghị, cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh và cơ quan thực hiện chế độ ưu đãi để xem xét, giải quyết chế độ. Trường hợp chưa ban hành biên bản phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
  5. Cá nhân trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được Biên bản giám định y khoa phúc quyết lần cuối, nếu không đồng ý với kết quả khám giám định phúc quyết lần cuối, thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Mục 3. NỘI DUNG KHÁM GIÁM ĐỊNH Y KHOA VÀ PHƯƠNG PHÁP TỔNG HỢP TỶ LỆ PHẦN TRĂM TỔN THƯƠNG CƠ THỂ

Điều 168. Nội dung khám giám định y khoa

  1. Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 39 (khám giám định lần đầu); Hội đồng giám định y khoa khám giám định tất cả các vết thương ghi trong giấy giới thiệu do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chuyển đến và xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
  2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định này (khám giám định vết thương tái phát): Hội đồng giám định y khoa khám giám định tất cả các vết thương ghi trong chứng nhận bị thương hoặc trích lục thương tật (bao gồm cả vết thương tái phát) được cơ quan đơn vị có thẩm quyền yêu cầu ghi trong giấy giới thiệu và xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
  3. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này (khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời): Hội đồng giám định y khoa khám giám định tất cả các vết thương ghi trong giấy giới thiệu do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chuyển đến và xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
  4. Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 39 và khoản 3, khoản 4 Điều 40 Nghị định này (khám giám định vết thương hoặc mảnh kim khí còn sót, bổ sung vết thương): Hội đồng giám định y khoa khám đúng, đủ các vết thương hoặc mảnh kim khí còn sót, bổ sung vết thương ghi trong ghi trong giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chuyển đến và xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
  5. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định này và con đẻ của họ, Hội đồng giám định y khoa khám giám định các bệnh, dị dạng, dị tật được ghi trong giấy giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Không khám giám định biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2.
  6. Đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 121 Nghị định này: Hội đồng giám định y khoa khám giám định tình trạng khuyết tật được ghi trong giấy giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến và xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.
  7. Đối với nội dung khám giám định “Sức ép” hoặc “Chấn thương do sóng nổ”:

a) Trường hợp giấy giới thiệu ghi “sức ép” hoặc “chấn thương do sóng nổ”, Hội đồng giám định y khoa chỉ khám giám định tổn thương tai, mắt, màng phổi và đánh giá chức năng tại thời điểm hiện tại, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.

b) Trường hợp giấy giới thiệu ghi cụ thể cơ quan, bộ phận bị ảnh hưởng bởi sức ép hoặc “chấn thương do sóng nổ” thì Hội đồng giám định y khoa khám giám định thêm tổn thương của cơ quan, bộ phận đó nếu không trùng với nội dung khám quy định tại điểm a khoản này để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể.

Đối với đối tượng khám giám định theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền: Hội đồng giám định y khoa khám giám định tình trạng hiện tại được ghi trong Giấy giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến và xác định đúng hoặc chưa đúng với tình trạng được ghi trong hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công của đối tượng. Đề nghị khám giám định quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hiện hoặc nghi ngờ hồ sơ hưởng chế độ của đối tượng chưa đúng quy định.

Đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 39 và các khoản 1, 3, 4 Điều 40 Nghị định này khi tổng hợp tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thì lấy tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của vết thương bổ sung hoặc vết thương còn sót (lấy tỷ lệ phần trăm cao nhất trong khung tỷ lệ tương ứng) cộng với tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể đã được xác định.

Trường hợp đối tượng là bệnh binh, nay mắc thêm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định tại Nghị định này, khi tổng hợp tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể thì lấy tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của bệnh (lấy tỷ lệ phần trăm cao nhất trong khung tỷ lệ tương ứng) cộng với tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể bệnh binh đã được xác định.

Phương pháp tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định của Bộ Y tế.

Chương VII

NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Mục 1. NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 169. Nguyên tắc quản lý, sử dụng các nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công

  1. Nguồn lực thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán và các quy định pháp luật liên quan.
  2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ủy quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương.
  3. Đối với chi thường xuyên phải bảo đảm đúng đối tượng, chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền quy định.
  4. Đối với chi đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
  5. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, biếu, tặng cho, ủng hộ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với các nhà tài trợ.
  6. Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Điều 170. Ngân sách trung ương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi sau đây:

  1. Chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, hằng năm, một lần.
  2. Đóng bảo hiểm y tế.
  3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
  4. Hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết.
  5. Chi giám định y khoa.
  6. Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
  7. Chi bảo đảm thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
  8. Chi bảo đảm thực hiện công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
  9. Hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ:

a) Hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình ghi công liệt sĩ có quy mô từ nhóm B trở lên từ vốn đầu tư công.

b) Hỗ trợ xây mới mộ liệt sĩ; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ từ kinh phí chi thường xuyên thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.

10. Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ.

11. Hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ.

12. Cấp tiền mua báo Nhân dân cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

13. Hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

14. Chế độ ưu đãi khác:

a) Quà tặng của Chủ tịch nước.

b) Hỗ trợ ăn thêm ngày lễ, tết đối với thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

c) Trợ cấp mai táng.

d) Hỗ trợ chi phí báo tử liệt sĩ; trợ cấp tuất một lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

đ) Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

e) Hỗ trợ người có công đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội: thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe; chi phí về thăm gia đình.

g) Hỗ trợ cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội: chi phí phục vụ công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công; chi phí phục vụ người có công điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, giám định thương tật; chi phí đón tiếp thân nhân của người có công đến thăm người có công.

h) Hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công:

Đầu tư xây dựng cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công và thân nhân do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý được bố trí từ vốn đầu tư công do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, cơ sở đón tiếp người có công và thân nhân do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý từ kinh phí chi thường xuyên thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công.

i) Chi quà tặng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương đối với các cơ sở nuôi dưỡng người có công, người có công và gia đình người có công. Đối với quà tặng người có công nhân dịp tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước thì mức chi quà tặng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định trong phạm vi dự toán đã được giao hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

k) Đón tiếp đoàn đại biểu người có công và thân nhân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức đến thăm cơ quan trung ương.

  1. Chi phí quản lý bảo đảm thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công và thân nhân do ngân sách trung ương đảm bảo được bố trí trong dự toán hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bằng 1,7% tổng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (trừ kinh phí hỗ trợ các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và chi công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ) để tổ chức thực hiện Pháp lệnh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch ngân sách nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân bổ tỷ lệ chi quản lý phù hợp với đặc thù của từng địa phương và hướng dẫn các cơ quan Lao động – Thương binh và xã hội địa phương quản lý, sử dụng đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao phục vụ công tác quản lý của toàn ngành; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi, mức chi công tác quản lý theo quy định.
  2. Chi phí quản lý bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được bố trí trong dự toán hằng năm của Bộ Quốc phòng; chi phí quản lý bảo đảm hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được bố trí trong dự toán hằng năm của Bộ Quốc phòng. Chi phí quản lý bảo đảm hoạt động xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được bố trí trong dự toán hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 171. Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi sau đây:

  1. Tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ.
  2. Chi tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tổ chức lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
  3. Đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
  4. Đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ, dụng cụ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công.
  5. Chi thường xuyên của cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng và cơ sở đón tiếp người có công thuộc địa phương quản lý theo quy định của pháp luật; chi chính sách chế độ cho bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ và thuê người quản lý, bảo vệ chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ.
  6. Chi thăm hỏi, động viên người có công và gia đình nhân dịp lễ, tết.
  7. Chi phí đưa đón đối tượng đi điều dưỡng tập trung, chi phí ăn, ở (nếu có) phát sinh trong thời gian đi đường (đi và về) của đối tượng đi điều dưỡng tập trung.

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi chế độ điều dưỡng cao hơn mức chi chế độ điều dưỡng từ nguồn ngân sách trung ương và hỗ trợ phần chênh lệch cao hơn từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

  1. Hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
  2. Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng do địa phương ban hành: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và bảo đảm kinh phí thực hiện.

Mục 2. HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI

Điều 172. Nguyên tắc huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện chính sách ưu đãi người có công

  1. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân; tu bổ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công.
  2. Các đóng góp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đóng góp các nguồn lực quy định tại khoản 1 Điều này không vì mục đích lợi nhuận.

Mục 3. QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Điều 173. Mục đích hoạt động của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ trực tiếp cho người có công, thân nhân người có công và hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.
  2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Điều 174. Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành lập ở bốn cấp, gồm: Quỹ cấp trung ương, Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp huyện và Quỹ cấp xã. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từng cấp có Ban quản lý Quỹ và bộ phận giúp việc cho Ban quản lý Quỹ theo từng cấp hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
  2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện được sử dụng con dấu riêng để giao dịch; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã để giao dịch.
  3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp được mở tài khoản tại hệ thống Kho bạc Nhà nước.
  4. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp thực hiện hạch toán độc lập, áp dụng chế độ kế toán đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quyết toán thu, chi theo quy định của pháp luật có liên quan; không cho vay để sinh lời, kết dư Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được luân chuyển sang năm tiếp theo.

Điều 175. Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
  2. Việc vận động đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được tổ chức trong cả năm, trong đó tập trung cao điểm 01 tháng (từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 27 tháng 7 hằng năm). Tổ chức và cá nhân có thể ủng hộ một lần hoặc nhiều lần trong một năm.

Điều 176. Đối tượng vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

Đối tượng vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa bao gồm: cá nhân, các cơ quan, đơn vị và tổ chức trừ đối tượng quy định tại Điều 178 Nghị định này.

Điều 177. Phạm vi vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã vận động đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn do cấp xã trực tiếp quản lý.
  2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện vận động đối với:

a) Các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội do cấp huyện trực tiếp quản lý.

b) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan quân sự và công an cấp huyện.

c) Các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trên địa bàn.

3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh vận động đối với:

a) Các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội do cấp tỉnh trực tiếp quản lý.

b) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ quan quân sự và công an cấp tỉnh.

c) Các doanh nghiệp do cấp tỉnh trực tiếp quản lý.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương vận động đối với:

a) Các cơ quan của Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp do cơ quan trung ương quản lý.

c) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Ban cơ yếu Chính phủ.

d) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

đ) Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức trung ương trực tiếp quản lý, cơ quan tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, người Việt Nam làm việc sinh sống ở nước ngoài.

Điều 178. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Người chưa đủ 18 tuổi và người đã nghỉ hưu.
  2. Các đối tượng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp theo Pháp lệnh.
  3. Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
  4. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp xã hội.
  5. Người đang học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
  6. Người mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 179. Tổ chức hoạt động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Thẩm quyền thành lập

a) Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương và Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương.

Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực; đại diện Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm thành viên.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có trách nhiệm thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cùng cấp.

Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động cùng cấp làm thành viên.

Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện làm Phó Trưởng ban Thường trực, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động cùng cấp làm thành viên.

Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng ban, một cán bộ, công chức cấp xã phụ trách văn hóa – xã hội hoặc lao động – thương binh và xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp làm thành viên.

c) Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thành lập bộ phận giúp việc là Văn phòng Quỹ đền ơn đáp nghĩa cùng cấp; Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã thành lập bộ phận giúp việc Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương đặt tại Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của Cục Người có công.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh đặt tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện đặt tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bộ phận giúp việc Ban Quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã đặt tại Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm một số cán bộ kiêm nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã. Kế toán, thủ quỹ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã do cán bộ kế toán, thủ quỹ của Ủy ban nhân dân cấp xã đảm nhiệm.

  1. Trách nhiệm

a) Ban Quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp:

Chỉ đạo việc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; kiểm tra các hoạt động của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; bảo đảm thu, chi đúng quy định; công khai, minh bạch mọi khoản thu, chi và chấp hành đúng chế độ kế toán, tài chính hiện hành và báo cáo cơ quan cấp trên.

Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp tỉnh, huyện và xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp và trước pháp luật về tổ chức, quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Đề nghị khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích; kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm.

Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từng cấp là Chủ tài khoản của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức, hoạt động và sử dụng Quỹ.

b) Bộ phận giúp việc cho Ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa:

Trình Ban Quản lý Quỹ cùng cấp ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Hằng năm, lập kế hoạch và trình Ban Quản lý Quỹ về nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ quản lý tài khoản và con dấu của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cùng cấp. Bộ phận giúp việc Ban Quản lý các cấp thực hiện thu, chi, hạch toán kế toán theo quy định

Điều 180. Nguồn thu Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Các khoản thu bằng tiền, hiện vật từ sự đóng góp theo trách nhiệm và tình cảm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
  2. Tiếp nhận tài trợ có mục đích, có địa chỉ cụ thể để thực hiện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền.
  3. Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Điều 181. Nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

  1. Hỗ trợ người có công hoặc thân nhân của họ khi gia đình gặp khó khăn hoặc khi ốm đau, khám, chữa bệnh.
  2. Hỗ trợ địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công mà nguồn vận động ủng hộ thấp.
  3. Tặng quà đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
  4. Hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công hoặc thân nhân liệt sĩ.
  5. Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.
  6. Các hoạt động phục vụ công tác quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng, văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng và các khoản chi khác), các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Các khoản chi tại khoản này không được vượt quá 5% tổng số thu hằng năm của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từng cấp.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 182. Tổ chức thực hiện

  1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về ưu đãi người có công và thân nhân.

b) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công.

c) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời và phù hợp với quy định hiện hành.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về công tác người có công.

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét quyết định mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, hằng năm, một lần và các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính hoặc cơ quan, đơn vị đề xuất xem xét công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng những trường hợp cụ thể.

g) Hướng dẫn quản lý các công trình ghi công liệt sĩ và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện xây mới mộ liệt sĩ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở đón tiếp người có công từ nguồn ngân sách trung ương.

h) Hướng dẫn công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; phê duyệt kế hoạch đặt hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

i) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công với cách mạng và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ.

k) Cấp phôi giấy chứng nhận người có công và thân nhân liệt sĩ, Huy hiệu thương binh, giấy báo tin mộ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương.

2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đối với người thuộc quân đội quản lý và người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý.

b) Chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa thuộc quân đội thực hiện việc khám giám định y khoa.

c) Hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và bàn giao hài cốt liệt sĩ để an táng vào nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

d) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công thuộc quân đội quản lý.

đ) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công do quân đội quản lý để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công và liệt sĩ.

e) Chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm theo quy định tại khoản 4 Điều 128 Nghị định này.

3. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đối với người thuộc công an quản lý.

b) Chỉ đạo các Hội đồng giám định y khoa thuộc công an thực hiện việc khám giám định y khoa.

c) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công thuộc địa phương hoặc công an quản lý.

d) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công do công an quản lý để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công và liệt sĩ.

đ) Chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm theo quy định tại khoản 4 Điều 128 Nghị định này.

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 10 Điều 50 Pháp lệnh.Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện các quy định tại Mục 6 Chương III Nghị định này.
  2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Ban hành theo thẩm quyền việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Pháp lệnh.

b) Hướng dẫn việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

c) Hướng dẫn việc miễn, giảm thuế đối với người có công và hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

d) Bảo đảm ngân sách thực hiện chế độ ưu đãi người có công.

đ) Ban hành đơn giá tối đa dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

e) Ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định y khoa.

6. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm y tế đối với người có công.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo việc lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, thực hiện chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng tại nhà đối với người có công và thân nhân liệt sĩ.

c) Hướng dẫn, quy định về xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tật, bệnh tật, dị dạng, dị tật và tổ chức khám giám định đối với người bị thương, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người bị bệnh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của người có công.

7. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương quy định tại khoản 2 Điều 102 Nghị định này đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

b) Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đối với các nội dung quy định tại Mục 6 Chương III Nghị định này và định kỳ báo cáo theo quy định.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền chính sách, chế độ ưu đãi đối với người sử dụng đất là người có công và thân nhân; đất dành riêng cho các công trình ghi công liệt sĩ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người có công.

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp bằng các hình thức ưu tiên giúp đỡ về giống, vật nuôi, cây trồng, thủy lợi phí, chế biến nông sản, lâm sản, áp dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất.

10. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

11. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục tặng Kỷ niệm chương đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

b) Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền quy định về tổng kết thành tích bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xây dựng chỉ tiêu số người làm việc tại bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ.

12. Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công.

13. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách địa phương chi thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công và thân nhân.

b) Chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm theo quy định tại khoản 4 Điều 128 Nghị định này.

c) Chỉ đạo thực hiện việc công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.

d) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện lập hồ sơ theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ tại các cơ sở y tế, tại nhà và tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

đ) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan để thực hiện chế độ ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất ở, nhà ở.

  1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

a) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 51 Pháp lệnhtrong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

b) Phối hợp và thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Điều 183. Điều khoản thi hành

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CPngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế như sau:

a) Sửa đổi, bổ sungkhoản 11 Điều 3:

“11. Thân nhân của liệt sĩ bao gồm: cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ;”

b) Sửa đổi, bổ sungkhoản 12 Điều 3:

“12. Thân nhân của người có công, trừ các đối tượng quy định tại khoản 11 Điều này, gồm:

a) Vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi hoặc khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

d) Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.”

c) Bổ sung khoản 18 và khoản 19 Điều 3:

“18. Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh.

  1. Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình, bao gồm:

a) Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

b) Người phục vụ thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.”

d) Sửa đổi, bổ sungđiểm b khoản 1 Điều 14:

“b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với:

– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

– Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

– Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

– Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;

– Trẻ em dưới 6 tuổi.”

  1. Trường hợp người có công hoặc thân nhân được truy lĩnh trợ cấp, phụ cấp thì thực hiện theo mức trợ cấp, phụ cấp quy định tại từng thời điểm.
  2. Điều kiện hưởng, thời điểm hưởng, mức hưởng của các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân quy định tại Chương III Nghị định này được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật tại từng thời kỳ.

Điều 184. Điều khoản chuyển tiếp

  1. Tiếp tục áp dụng quy định về điều kiện tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ và thời điểm hưởng trợ cấp tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để giải quyết những hồ sơ đề nghị công nhận người có công đã hoàn thiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:

a) Hồ sơ người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, Ban Đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân hoàn thiện hồ sơ và đã trình ký Quyết định công nhận.

b) Hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận bị thương, giấy chứng nhận bệnh tật.

c) Hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có Biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

d) Hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, lập danh sách để ban hành quyết định trợ cấp.

2. Tiếp tục áp dụng quy định tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 và Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để lập hồ sơ theo hướng dẫn tại Nghị định này đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Pháp lệnh, cụ thể như sau:

a) Người hy sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

b) Người bị thương trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

c) Người bị bệnh trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Tiếp tục áp dụng quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CPngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và văn bản hướng dẫn thực hiện để giải quyết đối với trường hợp đề nghị công nhận bệnh binh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 33 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đã có bản tóm tắt bệnh án điều trị bệnh tâm thần làm mất năng lực hành vi của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

3. Thương binh loại B quy định tại khoản 3 Điều 23 Pháp lệnhđược tiếp tục hưởng các chế độ ưu đãi như sau:

a) Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng theo tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng người.

b) Các chế độ ưu đãi khác được thực hiện như đối với thương binh có cùng tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định tại Pháp lệnh.

4. Tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng tập trung đối với những trường hợp đã tiếp nhận vào các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

5. Tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 185. Hiệu lực thi hành

  1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.
  2. Những nội dung dẫn chiếu tại Nghị định này được thay đổi khi các văn được dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện cập nhật thay đổi của văn bản được dẫn chiếu.
  3. Nghị định số 31/2013/NĐ-CPngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

 

Đã ký

 

 

 

 

 

 

                              Vũ Đức Đam

PHỤ LỤC I

MẪU BẢN KHAI ĐƠN VÀ CÁC VĂN BẢN, GIẤY TỜ TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NHẬN, THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG, THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Bản khai để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

Mẫu số 02

Bản khai để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Mẫu số 03

Bản khai để giải quyết chế độ Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mẫu số 04

Bản khai để giải quyết chế độ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hoặc Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

Mẫu số 05

Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 06

Bản khai bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 07

Bản khai để giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ

Mẫu số 08

Bản khai để công nhận và giải quyết chế độ thương binh/người hưởng chính sách như thương binh

Mẫu số 09

Bản khai để giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Mẫu số 10

Bản khai để giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

Mẫu số 11

Bản khai để giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng

Mẫu số 12

Bản khai để giải quyết chế độ ưu đãi khi người có công từ trần

Mẫu số 13

Bản khai để công nhận liệt sĩ đối với trường hợp hy sinh

Mẫu số 14

Bản khai để công nhận liệt sĩ đối với trường hợp mất tích

Mẫu số 15

Đơn đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi

Mẫu số 16

Đơn đề nghị cấp đổi/cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”

Mẫu số 17

Đơn đề nghị giải quyết chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đi lấy chồng hoặc vợ khác

Mẫu số 18

Đơn đề nghị giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

Mẫu số 19

Đơn đề nghị giải quyết thêm chế độ trợ cấp

Mẫu số 20

Đơn đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo

Mẫu số 21

Đơn đề nghị cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Mẫu số 22

Đơn đề nghị vào nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng người có công

Mẫu số 23

Đơn đề nghị chuyển từ cơ sở nuôi dưỡng người có công về gia đình

Mẫu số 24

Đơn đề nghị hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công hoặc thân nhân người có công

Mẫu số 25

Đơn đề nghị cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận người có công/thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 26

Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công

Mẫu số 27

Đơn đề nghị di chuyển hồ sơ người có công

Mẫu số 28

Đơn đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (áp dụng đối với đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ)

Mẫu số 29

Đơn đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (dùng cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền)

Mẫu số 30

Đơn đề nghị giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 31

Đơn đề nghị thăm viếng mộ liệt sĩ

Mẫu số 32

Đơn đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 33

Đơn đề nghị giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người bị thương

Mẫu số 34

Giấy chứng nhận hy sinh

Mẫu số 35

Giấy chứng nhận bị thương

Mẫu số 36

Giấy chứng nhận bị bệnh

Mẫu số 37

Giấy xác nhận về thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị

Mẫu số 38

Giấy giới thiệu khám giám định y khoa

Mẫu số 39

Giấy xác nhận dị dạng, dị tật bẩm sinh

Mẫu số 40

Giấy khám và chỉ định sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị chỉnh hình phục hồi chức năng

Mẫu số 41

Giấy xác nhận đang theo học tại cơ sở giáo dục

Mẫu số 42

Giấy giới thiệu thăm viếng mộ liệt sĩ

Mẫu số 43

Giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 44

Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh

Mẫu số 45

Giấy xác nhận thân nhân của người có công

Mẫu số 46

Biên bản kiểm tra vết thương thực thể

Mẫu số 47

Giấy xác nhận thu nhập

Mẫu số 48

Giấy xác nhận mộ liệt sĩ

Mẫu số 49

Quyết định về việc công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945/người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Mẫu số 50

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945/người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Mẫu số 51

Quyết định về việc thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”

Mẫu số 52

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ và trợ cấp một lần khi báo tử

Mẫu số 53

Quyết định về việc trợ cấp hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 54

Quyết định về việc trợ cấp hằng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đi lấy chồng hoặc vợ khác

Mẫu số 55

Quyết định về việc trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

Mẫu số 56

Quyết định về việc bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ và trợ cấp ưu đãi

Mẫu số 57

Quyết định về việc trợ cấp, phụ cấp ưu đãi Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mẫu số 58

Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân/Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

Mẫu số 59

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Mẫu số 60

Quyết định về việc điều chỉnh trợ cấp ưu đãi thương binh

Mẫu số 61

Quyết định về việc trợ cấp thương tật một lần

Mẫu số 62

Quyết định về việc hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi

Mẫu số 63

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Mẫu số 64

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

Mẫu số 65

Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH

Mẫu số 66

Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

Mẫu số 67

Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng

Mẫu số 68

Quyết định về việc điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 69

Quyết định về việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Mẫu số 70

Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo

Mẫu số 71

Quyết định về việc tiếp nhận người có công vào cơ sở nuôi dưỡng người có công hoặc đưa về gia đình

Mẫu số 72

Quyết định về việc tạm đình chỉ/chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công hoặc thân nhân

Mẫu số 73

Quyết định về việc hưởng lại chế độ đối với người có công hoặc thân nhân người có công

Mẫu số 74

Quyết định về việc trợ cấp khi người có công từ trần

Mẫu số 75

Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công

Mẫu số 76

Quyết định về việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Mẫu số 77

Quyết định về việc đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ

Mẫu số 78

Biên bản giám định y khoa

Mẫu số 79

Biên bản họp xác nhận người có công đề nghị công nhận liệt sĩ/thương binh/người hưởng chính sách như thương binh

Mẫu số 80

Biên bản họp đồng thuận giải quyết chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đi lấy chồng hoặc vợ khác

Mẫu số 81

Biên bản bàn giao hài cốt hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 82

Biên bản bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 83

Danh sách đề nghị cấp lại, cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”

Mẫu số 84

Danh sách quản lý mô trong nghĩa trang liệt sĩ

Mẫu số 85

Danh sách quản lý mộ liệt sĩ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ

Mẫu số 86

Danh sách đối tượng được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà

Mẫu số 87

Danh sách cấp sổ theo dõi phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Mẫu số 88

Sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Mẫu số 89

Sổ quản lý người được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Mẫu số 90

Phiếu xác minh mất tích

Mẫu số 91

Phiếu thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận thương binh/bệnh binh

Mẫu số 92

Phiếu theo dõi sao hồ sơ người có công

Mẫu số 93

Phiếu báo di chuyển hồ sơ người có công

Mẫu số 94

Phiếu báo di chuyển hài cốt liệt sĩ

Mẫu số 95

Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ

Mẫu số 96

Bản trích lục hồ sơ thương binh

Mẫu số 97

Bản trích lục hồ sơ bệnh binh

Mẫu số 98

Bản trích lục hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Mẫu số 99

Bản trích lục hồ sơ người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945/người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Mẫu số 100

Báo cáo tổng hợp số người người có công

Mẫu số 101

Báo cáo số lượng người và danh sách, sổ quản lý liệt sĩ đang do cơ quan chức năng địa phương quản lý

Mẫu số 102

Giấy chứng nhận người có công/thân nhân liệt sĩ

Mẫu số 103

Giấy báo tin mộ

Mẫu số 104

Bằng “Tổ quốc ghi công”

 

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng
trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

  1. Phần khai về người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

Họ và tên: ……………………………………………………………… Bí danh: ………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ……………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………………… Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú:2 ……………………………………………………………………………………………………

Ngày vào Đảng: ……………………………… Ngày chính thức: ………………………………………….

Nguyên là: ……………………………………………………………… Cơ quan, đơn vị: ………………….

Đã nghỉ hưu ngày … tháng… năm ……

Có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ ngày… tháng… năm… đến ngày … tháng … năm …… Thuộc diện:3………………………………………………………………………………………………

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân (người thờ cúng) hưởng trợ cấp4

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ………………………………………………

CCCD/CMND số ………………………… Ngày cấp …………………………..Nơi cấp ………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người hoạt động cách mạng: ……………………………………………………………

Người hoạt động cách mạng đã chết ngày … tháng… năm …5./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: Người hoạt động cách mạng còn sống hoặc đã chết.

2 Áp dụng đối với trường hợp người hoạt động cách mạng còn sống.

3 Ghi rõ thuộc diện thoát lay ly hay không thoát ly.

4 Nếu người hoạt động cách mạng còn sống lập bản khai thì không khai mục này.

5 Người hoạt động cách mạng còn sống thì không khai mục này.

 

Mẫu số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để công nhận và giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

  1. Phần khai về người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Họ và tên: ……………………………………………………………… Bí danh: …………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: …………………………………………………

CCCD/CMND số ……………………………… Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp …………..

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú:2 ……………………………………………………………………………………………………….

Ngày vào Đảng: ……………………………… Ngày chính thức: …………………………………………….

Nguyên là: ……………………………………………………………… Cơ quan, đơn vị: ………………………

Đã nghỉ hưu ngày … tháng… năm ……

Có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ ngày… tháng… năm… đến ngày … tháng … năm ……

Chức vụ khi tham gia hoạt động cách mạng: ………………………………………………………………

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân (người thờ cúng) hưởng trợ cấp3

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………..

Mối quan hệ với người hoạt động cách mạng: ……………………………………………………………..

Người hoạt động cách mạng đã chết ngày … tháng … năm …4./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: Người hoạt động cách mạng còn sống hoặc đã chết.

2 Áp dụng đối với trường hợp người hoạt động cách mạng còn sống.

3 Nếu người hoạt động cách mạng còn sống lập bản khai thì không khai mục này.

4 Người hoạt động cách mạng còn sống thì không khai mục này.

 

Mẫu số 03

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để giải quyết chế độ Bà mẹ Việt Nam anh hùng

  1. Phần khai về Bà mẹ Việt Nam anh hùng2

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Quyết định phong tặng/truy tặng số……… ngày … tháng … năm … của Chủ tịch nước.

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hưởng trợ cấp3

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………………….

Mối quan hệ với BMVNAH: ………………………………………………………………………………………..

BMVNAH đã chết ngày … tháng … năm .. 4/.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống hoặc đã chết.

2 Nội dung bắt buộc kê khai trong cả 2 trường hợp BMVNAH còn sống hoặc đã chết.

3 Nếu BMVNAH còn sống lập bản khai thì không ghi mục này.

4 BMVNAH còn sống thì không khai mục này.

 

Mẫu số 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để giải quyết chế độ Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC

  1. Phần khai về Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC2

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Quyết định phong tặng/truy tặng số……… ngày … tháng … năm … của…

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hưởng trợ cấp 3

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với Anh hùng LLVT, Anh hùng LĐTKKC: …………………………………………………

Anh hùng LLVT, Anh hùng LĐTKKC đã chết ngày… tháng… năm….4./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống hoặc đã chết.

2 Nội dung bắt buộc kê khai trong cả 2 trường hợp Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống hoặc đã chết.

3 Nếu Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống lập bản khai thì không ghi mục này

4 Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống thì không khai mục này.

 

Mẫu số 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Tình hình thân nhân liệt sĩ

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với liệt sĩ: ………………………………………………………………………………………………

Họ và tên liệt sĩ: ……………………………… hy sinh ngày… tháng … năm ……………………………..

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………………

Bằng Tổ quốc ghi công số ……………………………… theo Quyết định số ……………………………… ngày …….. tháng …….. năm ……….. của Thủ tướng Chính phủ.

Liệt sĩ có những thân nhân sau:

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

SCCCD/ CMND/GKS

Mối quan hệ với liệt sĩ

Nơi thường trú (Nếu chết ghi rõ thời gian)

Hoàn cảnh hiên tại1

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Nội dung khai và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:1 Ghi rõ hoàn cảnh hiện tại: cô đơn không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, đi học, khuyết tật…

 

Mẫu số 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để bổ sung tình hình thân nhân trong hồ sơ liệt sĩ

Họ và tên người đề nghị: ………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………Nam/Nữ: ………………………………………………..

CCCD/CMND số ……………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với liệt sĩ: ……………………………………………………………………………………………………

  1. Thông tin về liệt sĩ:

Họ và tên liệt sĩ: ……………………………………………………………………………………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ………………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh: ……………………………………………………………………………………………

Bằng Tổ quốc ghi công số …….. Quyết định số ……. ngày…. tháng… năm …… của Thủ tướng Chính phủ.

  1. Tình hình thân nhân đề nghị bổ sung:

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Số CCCD/CMND /GKS

Mối quan hệ với liệt sĩ

Nơi thường trú (Nếu chết ghi rõ thời gian)

Hoàn cảnh hiện tại1

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Nội dung khai và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ hoàn cảnh hiện tại: cô đơn không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, đi học, khuyết tật…

 

Mẫu số 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ

  1. Thông tin về liệt sĩ

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ………………………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh: ………………………………………………………………………………………..

Bằng “Tổ quốc ghi công” số ……………………………… theo Quyết định số: ………………………. ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ.

  1. Thông tin về người hoặc tổ chức thờ cúng liệt sĩ
  2. a) Cá nhân được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ

Họ và tên: ………………………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………… Nam/Nữ: ………………………………

CCCD/CMND số ……………………………… Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với liệt sĩ: ………………………………………………………………………………………………………

  1. b) Cơ quan, đơn vị được giao thờ cúng liệt sĩ

Tên cơ quan, đơn vị: …………………………………………………………………………………………………..

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………………………….

Người đại diện theo pháp luật: ……………………………… Chức vụ: ……………………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………………..

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền1
Ông (bà) ………………….
hiện thường trú tại ……………..
và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

____________________

Ghi chú: 1 Trường hợp người được ủy quyền lập bản khai thì Ủy ban nhân cấp xã xác nhận. Trường hợp được giao thì cơ quan, đơn vị xác nhận.

 

Mẫu số 08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để công nhận và giải quyết chế độ thương binh/
người hưởng chính sách như thương binh

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Nhập ngũ/tham gia công tác ngày … tháng … năm …

Phục viên (xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu): ngày … tháng … năm …….

Hiện nay đang hưởng chế độ (bệnh binh, mất sức lao động):

Số lần bị thương:

Thông tin bị thương

Lần 1

Lần 2

Lần……

Ngày tháng năm bị thương

 

 

 

Cơ quan, đơn vị khi bị thương

 

 

 

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương

 

 

 

Nơi bị thương

 

 

 

Các vết thương

 

 

 

Điều trị sau khi bị thương tại

 

 

 

Thời gian ra viện

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền1
Ông (bà) ………………….
hiện thường trú tại ……………..
và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú: 1 Trường hợp người bị thương thuộc quân đội, công an đã phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc thì Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Trường hợp người bị thương đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an thì cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý xác nhận.

 

Mẫu số 09

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

  1. Phần khai về người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Có quá trình hoạt động kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học như sau:

STT

Thời gian

Cơ quan/Đơn vị

Địa bàn hoạt động

1

Từ tháng … năm… đến tháng … năm…

 

 

2

 

 

Tình trạng bệnh tật, sức khỏe hiện nay1: ………………………………

  1. Phần khai về con đẻ (trường hợp người hoạt động kháng chiến sinh con dị dạng, dị tật)

STT

Họ tên

Năm sinh

Số CCCD/CMND/GKS, ngày cấp, nơi cấp

Tình trạng dị dạng, dị tật bẩm sinh

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ bệnh, dị dạng, dị tật. Trường hợp vô sinh thì ghi rõ “có vợ hoặc có chồng nhưng không có con đẻ”.

 

Mẫu số 10

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

  1. Phần khai về người bị địch bắt tù, đày

Họ và tên: ……………………………………………………………… Bí danh: ………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú2: ……………………………………………………………………………………………………..

Thời kỳ tham gia hoạt động3: ……………………………………………………………………………………

Bị bắt tù, đày từ ngày…… tháng…… năm…… đến ngày …….. tháng …….. năm ………..

Cơ quan, đơn vị khi bị bắt tù, đày: ……………………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ khi bị bắt tù, đày: ……………………………………………………………………………

Lý do bị bắt tù, đày:………………………………….. Nơi bị tù: ………………………………………………..

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hưởng trợ cấp 4

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người bị bắt tù, đày: ………………………………………………………………………..

Người bị địch bắt tù, đày đã chết ngày … tháng … năm …5./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền6
Ông (bà) ……………………………….
hiện thường trú tại …………………….
và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: người bị địch bắt tù, đày còn sống hoặc đã chết.

2 Áp dụng đối với trường hợp người bị địch bắt tù, đày còn sống.

3 Ghi rõ thời kỳ hoạt động: cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

4 Nếu người bị địch bắt tù, đày lập bản khai thì không khai mục này.

5 Nếu người bị địch bắt tù, đày còn sống thì không khai mục này.

6 Trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội thì cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý xác nhận. Trường hợp khác thì Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

 

Mẫu số 11

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI1

Để giải quyết chế độ ………………………………2

  1. Phần khai về người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng

Họ và tên: …………………………………………………. Bí danh:…………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Quá trình tham gia hoạt động kháng chiến3: ………………………………………………………………

Thành tích giúp đỡ cách mạng 4: ………………………………………………………………………………

Được tặng5: …………………………………………………………………………………………………………….

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hưởng trợ cấp 6

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng: ………………………………………………………………

Người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng đã chết ngày … tháng … năm …7./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công với cách mạng còn sống hoặc đã chết.

2 Ghi rõ người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công với cách mạng.

3 Phần khai dành cho người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ghi rõ thời gian, đơn vị công tác, cấp bậc, chức vụ (nếu có).

4 Phần khai dành cho người có công giúp đỡ cách mạng. Ghi rõ thành tích giúp đỡ cách mạng.

5 Ghi rõ hình thức khen thưởng được tặng, số quyết định, ngày cấp.

6 Nếu người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng lập bản khai thì không khai mục này.

7 Nếu người hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế/người có công với cách mạng còn sống thì không khai mục này.

 

Mẫu số 12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để giải quyết chế độ ưu đãi khi người có công từ trần

  1. Họ và tên người có công từ trần:

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Thuộc đối tượng người có công1: …………………………………………………………………………….

Quyết định hưởng trợ cấp số: ……………………………… ngày… tháng … năm… của …………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có): …………………………………………………………………………….

Từ trần ngày … tháng … năm …Giấy báo tử số… ngày … tháng … năm … của ………………………………………………………………………………………………………………………………

Mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng/trợ cấp một lần: ………………………………………………………

Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đã nhận đến hết tháng …….. năm …………………………………….

  1. Người hoặc tổ chức nhận mai táng phí:
  2. a) Cá nhân

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần:

  1. b) Tổ chức

Tên tổ chức:  ………………………………………………………………………………………………………..

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………………..

Người đại diện theo pháp luật: ……………………………… Chức vụ:………………………………

Số điện thoại: ……………………………………………………………………………………………………..

  1. Họ và tên người nhận trợ cấp một lần:

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần: ……………………………………………………

  1. Thân nhân người có công
  2. a) Danh sách thân nhân 2

STT

Họ và tên

Năm sinh

Nơi thường trú

Quan hệ với người có công

Nghề nghiệp

Hoàn cảnh hiện tại3

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. b) Phần khai chi tiết về con người có công từ đủ 18 tuổi trở lên đang tiếp tục đi học tại cơ sở đào tạo hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.

STT

Họ và tên

Năm sinh

Thời điểm bị khuyết tật4

Thời điểm kết thúc bậc học phổ thông

Cơ sở giáo dục đang theo học

Tên cơ sở

Thời gian bắt đầu đi học

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Nội dung khai và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ đối tượng: thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc…

2 Lập danh sách thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất.

3 Ghi rõ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc con mồ côi cả cha mẹ.

4 Ghi rõ thời điểm bị khuyết tật: chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên (trường hợp không có con bị khuyết tật thì bỏ cột này).

 

Mẫu số 13

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để công nhận liệt sĩ đối với trường hợp hy sinh

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hoặc người được ủy quyền

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người hy sinh:1 ………………………………………………………………………………

  1. Phần khai về người hy sinh

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Hy sinh ngày …………………………………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………

Cơ quan, đơn vị quản lý trước khi hy sinh2: ………………………………………………………………

Nơi hy sinh:3 …………………………………………………………………………………………………………

Trường hợp hy sinh: ………………………………………………………………………………………………

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ mối quan hệ với người tham gia CM: cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc người thờ cúng.

2 Ghi rõ từ cấp Đại đội trở lên (đối với quân đội, công an) hoặc trung đội (đối với dân quân, du kích).

3 Nơi hy sinh ghi rõ thôn hoặc xóm, xã, huyện, tỉnh.

 

Mẫu số 14

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BẢN KHAI

Để công nhận liệt sĩ đối với trường hợp mất tích

  1. Phần khai đối với đại diện thân nhân hoặc người được ủy quyền:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người mất tích: ………………………………………………………………………………..

Nguồn tin cuối cùng nhận được về người mất tích (nếu có):

………………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Phần khai về người mất tích:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú trước khi công tác/nhập ngũ: ………………………………………………………………

Tham gia công tác/nhập ngũ ngày …….. tháng …….. năm ………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ trước khi mất tích: ……………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị quản lý trước khi mất tích: ………………………………………………………………

Thời điểm mất tích: ………………………………………………………………………………………………

Nơi mất tích (nếu có): ………………………………………………………………………………………………

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

 

Mẫu số 15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”

Kính gửi: ………………………………

  1. Thông tin người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người được đề nghị: ……………………………………………………………………….

  1. Thông tin người hy sinh được đề nghị cấp Bằng

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh ……………………………… tại ……………………………………………………

Cấp bậc/chức vụ: ………………………………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: …………………………………………………………………………………..

  1. Giấy tờ, thông tin kèm theo1

………………………………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………………

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Thông tin người đề nghị và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:1 Giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 21 Nghị định này.

 

Mẫu số 16

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp đổi/cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”

Kính gửi: ………………………………

  1. Thông tin người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với liệt sĩ: ………………………………1 …………………………………………………………..

Đề nghị cấp ……..2 ……………….. Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với liệt sĩ:

Lý do đề nghị cấp ………. 3 ………… Bằng “Tổ quốc ghi công”: ………………………………

  1. Thông tin về liệt sĩ

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh: …………………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………..

Bằng Tổ quốc ghi công số:… theo Quyết định:… ngày… tháng … năm…. của …………………

  1. Thông tin về thân nhân liệt sĩ4

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Mối quan hệ với liệt sĩ

1

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Nội dung khai và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ hoặc người được đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ.

2 3 Ghi rõ cấp đổi hoặc cấp lại.

4 Áp dụng đối với trường hợp cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”.

 

Mẫu số 17

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giải quyết chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ
đi lấy chồng hoặc vợ khác

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ………1……………

  1. Thông tin người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Là vợ (chồng) ……………………………………………………………………………………….. của liệt sĩ.

Đã lấy chồng (vợ) khác từ ngày … tháng … năm …

Hiện đang hưởng chế độ ưu đãi: ……………………………………………………………………………..

  1. Thông tin liệt sĩ

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh…………………………………… tại…………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: ………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ……………………………………………………………………………………

Đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” số ……………………………… theo Quyết định số ………… ngày … tháng … năm … của Thủ tướng Chính phủ.

  1. Thông tin về thân nhân liệt sĩ

STT

Họ và tên

Năm sinh

Năm mất

Nơi thường trú

Mối quan hệ với liệt sĩ

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú: 1 Sở LĐTBXH nơi người làm đơn thường trú.

 

Mẫu số 18

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

Kính gửi: ………………………………

  1. Thông tin người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với liệt sĩ: ………………………………………………………………………………………………

Được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ1: ………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………..

Bằng “Tổ quốc ghi công” số…… theo Quyết định số:……… ngày …….. tháng …….. năm ……….. của Thủ tướng Chính phủ.

  1. Thông tin về thân nhân liệt sĩ

STT

Họ và tên

Năm sinh

Năm mất

Nơi thường trú

Mối quan hệ với liệt sĩ

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú: 1 Ghi họ và tên liệt sĩ.

 

Mẫu số 19

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giải quyết thêm chế độ trợ cấp

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ……………1…………………

  1. Thông tin người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Hiện đang hưởng chế độ: ………………………………………………………………………………………..

Đề nghị giải quyết thêm chế độ: ……………………………………………………………………………….

  1. Thông tin về chế độ thương binh

Là thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể: ………………………………………………………………

Ngày tháng năm bị thương: ……………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương: ……………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi bị thương: ………………………………………………………………………………..

Đã được cấp Giấy chứng nhận thương binh số … ngày … tháng… năm … của ….

  1. Thông tin về chế độ bệnh binh

Là bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể: ………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi bị bệnh: ……………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi bị bệnh: ………………………………………………………………………………..

Đã được cấp Giấy chứng nhận bệnh binh số … ngày … tháng … năm … của ……..

  1. Thông tin về chế độ mất sức lao động

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ………………………………………………………………………………………

Theo Biên bản giám định y khoa số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng giám định y khoa.

Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú
tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

Mục 2,3,4: Người thuộc đối tượng nào thì khai vào mục tương ứng.

1 Sở Lao động – Thương binh và xã hội nơi thường trú.

 

Mẫu số 20

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo

  1. Thông tin về người có công

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

1 ……………………………………………………………………………………………………………………….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có): …………………………………………………………………………….

Số hồ sơ người có công: ………………………………………………………………………………………….

Nơi đang quản lý hồ sơ, chi trả trợ cấp: …………………………………………………………………….

Đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với:

STT

Họ và tên

Ngày, tháng, năm sinh

CCCD/CMND/GKS

Nơi đăng ký thường trú

Quan hệ với người có công

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thông tin về người đề nghị2

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với người có công: ……………………………………………………………………………………..

  1. Hình thức nhận trợ cấp ưu đãi3

Trực tiếp tại cơ quan chi trả.

Qua Tài khoản cá nhân. Số tài khoản: ……………….. tại Ngân hàng ………………………………

Tôi xin cam đoan lời khai trên là đúng sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền4
Nội dung khai và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu, họ và tên)

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi ra loại đối tượng người có công với cách mạng, ghi thêm tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

2 Trường hợp người có công đã hy sinh hoặc từ trần thì người đề nghị hưởng chế độ ưu đãi khai thêm nội dung này.

3 Đánh dấu “X” vào ô lựa chọn hình thức chi trả.

4 Đối với hồ sơ do ngành LĐTBXH quản lý thì UBND cấp xã nơi người đề nghị thường trú xác nhận. Đối với hồ sơ do quân đội, công an đang quản lý thì gửi cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp xác nhận.

 

Mẫu số 21

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện,
thiết bị phục hồi chức năng

Kính gửi: ……………………..1…………………………..

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Đang hưởng trợ cấp: ………………………………………………………………………………………………

Nơi quản lý hồ sơ và chi trả trợ cấp: ………………………………………………………………………….

Số hồ sơ: ………………………………………………………………………………………………………………

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có): ……………………………………………………………………………

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng như sau:

Số TT

Loại phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

1

 

2

 

 

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền2
Ông (bà) ………………….
hiện thường trú tại ……………..
và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Phòng LĐTBXH hoặc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

2 UBND cấp xã xác nhận đối với người đang thường trú trên địa bàn; cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng xác nhận đối với người đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm; cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận đối với người đang công tác trong quân đội, công an.

 

Mẫu số 22

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Vào nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng người có công

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn ………………………………

  1. Thông tin về người đề nghị1

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người có công: ……………………………………………………………………………….

  1. Thông tin về thương binh hoặc bệnh binh

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Là ……………2………….. có tỷ lệ tổn thương cơ thể ………………..%, ………………………………3

Hiện đang sống độc thân và không còn thân nhân, đề nghị được vào cơ sở nuôi dưỡng người có công.

Tôi xin cam đoan chấp hành nghiêm túc mọi quy định của Nhà nước và thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc tiếp nhận người có công vào cơ sở nuôi dưỡng người có công theo quy định./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Nội dung khai và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với trường hợp người có công không đủ năng lực hành vi dân sự thì người đề nghị khai mục này.

2 Ghi rõ thương binh hay bệnh binh.

3 Ghi rõ có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng không.

 

Mẫu số 23

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Chuyển từ cơ sở nuôi dưỡng người có công về gia đình

Kính gửi: Giám đốc Trung tâm ………………………………

  1. Thông tin về người đề nghị1

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với người có công: ………………………………………………………………………………..

  1. Thông tin về người có công

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú2: ……………………………………………………………………………………………………..

Là ………3…………có tỷ lệ tổn thương cơ thể …………..%, ………………………………4

Đề nghị được về sống tại gia đình, địa chỉ5………………………………………………………………….

 

 

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với trường hợp người có công không đủ năng lực hành vi dân sự thì người đề nghị khai mục này.

2 Ghi rõ tên, địa chỉ (xã, huyện, tỉnh) của cơ sở nuôi dưỡng.

3 Ghi rõ diện người có công (thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học….).

4 Ghi rõ có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng không.

5 Ghi rõ thôn, xã, huyện, tỉnh.

 

Mẫu số 24

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Hưởng lại chế độ ưu đãi đối với người có công
hoặc thân nhân người có công

Kính gửi: ………………………………1………………………………

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Thuộc diện2: …………………………………………………………………………………………………………..

Lý do bị tạm đình chỉ: ………………………………………………………………………………………………

Đề nghị được hưởng lại chế độ ưu đãi: ……………………………………………………………………..

 

 

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi

2 Ghi rõ đối tượng người có công hoặc thân nhân người có công. Trường hợp là thân nhân người có công thì ghi thêm thông tin người có công và mối quan hệ với người có công.

 

Mẫu số 25

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận ………………1………………

Kính gửi: ………………………………2

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Tôi là3 ……………………………………………………………………………………………………………………

Đã được hưởng trợ cấp theo quyết định số 4 ………………………………………………………………

Đề nghị được cấp bổ sung/cấp lại Giấy chứng nhận 5……………………………………………………

Lý do6: ……………………………………………………………………………………………………………………..

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền7
Ông (bà) ………………….hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ loại giấy chứng nhận đề nghị cấp bổ sung/cấp lại (Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ…).

2 Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú/cơ quan có thẩm quyền.

3 Ghi rõ diện người có công (thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học….).

4 Ghi rõ số Quyết định hưởng trợ cấp, ngày tháng năm, nơi cấp.

5 Ghi rõ loại giấy chứng nhận đề nghị cấp bổ sung/cấp lại (Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ…).

6 Ghi rõ lý do đề nghị cấp lại/cấp bổ sung.

7 Cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp xác nhận đối với người đang công tác trong quân đội, công an. UBND cấp xã xác nhận đối với người có công hoặc thân nhân liệt sĩ do ngành LĐTBXH quản lý.

 

Mẫu số 26

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ ………………1………………

Kính gửi: …………….2………………..

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Thuộc diện người có công3: …………………………………………………………………………………….

Thông tin đang ghi trong hồ sơ: ………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………………

Thông tin đề nghị sửa đổi, bổ sung: …………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………………

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ có thẩm quyền4
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ tên hồ sơ người có công (ví dụ: hồ sơ liệt sĩ, hồ sơ thương binh…).

2 Đối với hồ sơ do ngành LĐTBXH quản lý thì gửi Sở LĐTBXH nơi quản lý hồ sơ. Đối với hồ sơ do quân đội, công an đang quản lý thì gửi cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ.

3 Ghi rõ diện đối tượng người có công (thương binh, bệnh binh…). Trường hợp không phải là người có công phải ghi rõ mối quan hệ với người có công.

4 Đối với hồ sơ do ngành LĐTBXH quản lý thì UBND cấp xã nơi người đề nghị thường trú xác nhận. Đối với hồ sơ do quân đội, công an đang quản lý thì gửi cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp xác nhận.

 

Mẫu số 27

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Di chuyển hồ sơ ……………….1……………..

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội2 ………………

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Thuộc diện người có công3: …………………………………………………………………………………….

Tôi đề nghị di chuyển hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đến nơi tối đang thường trú hiện nay./.

 

 

………., ngày … tháng … năm ..……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ tên hồ sơ người có công (ví dụ: thương binh, bệnh binh…).

2 Sở LĐTBXH nơi quản lý hồ sơ.

3 Trường hợp không phải là người có công phải ghi rõ mối quan hệ với người có công và số hồ sơ người có công.

 

Mẫu số 28

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ1

Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ……………………………………2

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú:3 ……………………………………………………………………………………………………..

4 …………………………………… của liệt sĩ: …………………………………… Năm sinh ……………….

Quê quán: xã ………huyện …………………………………… tỉnh …………………………………………….

Nhập ngũ (hoặc tham gia cách mạng) ngày …….. tháng …….. năm ………..

Đơn vị: …………………………………………………………………………………………………………………..

Hy sinh ngày …….. tháng …….. năm ……….. tại …………………………………………………………..

Hài cốt liệt sĩ ……………………………………đang được an táng tại ……………………………………

Vị trí mộ …………………………………………………………………………………………………………………

Thông tin đề nghị xác định:

…………………………………………………………………………………………………………………………….

Các căn cứ để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

……………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………………………………

Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo nguyện vọng gia đình./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với trường hợp đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

2 Nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.

3 Liệt kê các căn cứ để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

4 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ.

 

Mẫu số 29

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

GIẤY ĐỀ NGHỊ1

Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ………………………… 2

  1. Đối với tổ chức:3

Tên tổ chức: ………………………………………………………………………………………………………………

Người đại diện theo pháp luật: …………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………………………

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………………………

  1. Đối với cá nhân:4

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú5: ……………………………………………………………………………………………………..

  1. Được đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ủy quyền xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đối với liệt sĩ:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nhập ngũ (hoặc tham gia cách mạng) ngày …….. tháng …….. năm ………..

Đơn vị: ………………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh ………………………………………………..tại ……………………………………

Phần hài cốt liệt sĩ …………………………………… đang được an táng tại ……………………………

Vị trí mộ …………………………………………………………………………………………………………………

Thông tin đề nghị xác định:

………………………………………………………………………………………………………………………………

Các căn cứ để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin 2……………………………………………..

Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

 

 

………., ngày … tháng … năm ..……
Tổ chức/cá nhân đề nghị
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân được ủy quyền.

2 Nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.

3 Áp dụng đối với tổ chức đề nghị, cá nhân không khai mục này.

4 Áp dụng đối với cá nhân đề nghị, tổ chức không khai mục này.

5 Liệt kê các căn cứ để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

 

Mẫu số 30

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ……………………………………1

  1. Thông tin về người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với liệt sĩ2: ………………………………………………………………………………………………

  1. Thông tin về liệt sĩ:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: …………………………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm hy sinh ……………………………… tại …………………………………………………….

  1. Xin lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ ………………………………………………………..
  2. Vị trí lấy mẫu trong nghĩa trang liệt sĩ: Số mộ…., hàng……., lô…., khu ………………………..
  3. Căn cứ để lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại ngôi mộ trên:

…………………………………………………………………………………………………………………..

Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Thông tin về người đề nghị và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Sở LĐTBXH nơi quản lý mộ.

2 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng).

 

Mẫu số 31

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Thăm viếng mộ liệt sĩ

Kính gửi: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ……………….1

  1. Thông tin về người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với liệt sĩ2: ………………………………………………………………………………………………

  1. Thông tin về liệt sĩ:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: …………………………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm hy sinh ……………………………… tại ……………………………………………………..

  1. Thông tin về người đi cùng3

Họ tên người thứ nhất ……………………………… Ngày tháng năm sinh ………………………………

CCCD/CMND Số ……………………………… Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp …………..

Quan hệ với liệt sĩ4: ………………………………………………………………………………………………….

Họ tên người thứ hai ……………………………… Ngày tháng năm sinh ………………………………

CCCD/CMND Số ……………………………… Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp …………..

Quan hệ với liệt sĩ5: ………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Thông tin về người đề nghị và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Phòng LĐTBXH tại địa phương quản lý hồ sơ của liệt sĩ.

2 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng).

3 Trường hợp thân nhân liệt sĩ ở cùng địa bàn (cấp xã) thì làm 01 đơn và khai nội dung này.

4 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng).

5 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng).

 

Mẫu số 32

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Di chuyển hài cốt liệt sĩ

Kính gửi: ………………………………1 ………………………………

  1. Thông tin về người đề nghị

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với liệt sĩ2: …………………………………………………………………………………………………

  1. Thông tin về liệt sĩ:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ……………………………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh ……………………………………………………. tại ………………………………….

  1. Nội dung đề nghị

Căn cứ vào thông tin phần mộ liệt sĩ do:3 ……………………………………………………………………..

Tôi đề nghị được di chuyển hài cốt liệt sĩ từ về an táng …………. tại4 ………………………………….

Đề nghị cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã
Thông tin về người đề nghị và chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Sở LĐTBXH nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ hoặc Phòng LĐTBXH nơi thường trú theo quy định.

2 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng).

3 Tùy từng trường hợp di chuyển thì khai thêm thông tin tương ứng:

– Giấy báo tin mộ liệt sĩ số…. ngày… tháng… năm…….của Sở Lao động – Thương binh và xã hội……

– Biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.

4 Ghi rõ tên, địa chỉ nghĩa trang liệt sĩ hoặc địa chỉ nơi an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ.

 

Mẫu số 33

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người bị thương

Kinh gửi:1 ………………………………….

  1. Thông tin về thương binh, người bị thương

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm bị thương: ………………………………………………………………………………………

Trường hợp bị thương: …………………………………………………………………………………………….

Các vết thương: ……………………………………………………………………………………………………….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể đã giám định: ………………………………….% ……………….2……………..

Thương binh loại:3 ……………………………………………………………………………………………………

Đã hưởng trợ cấp theo quyết định số: ……………………………………………………………………..

  1. Thông tin về người đề nghị4

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………………

CCCD/CMND số …………………….. Ngày cấp ……………………………… Nơi cấp ……………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: …………………………………………………………………………………………………………

Mối quan hệ với thương binh, người bị thương: …………………………………………………………

  1. Nội dung đề nghị:5 ……………………………………………………………………………………………….

 

…., ngày… tháng… năm…
Xác nhận của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền6
Ông (bà) …………………. hiện thường trú tại …………….. và có chữ ký trên bản khai là đúng.
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

………., ngày … tháng … năm ..……
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

Ghi chú:

1 Sở LĐTBXH nơi thường trú hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thuộc quân đội, công an.

2 Ghi rõ tạm thời hay vĩnh viễn.

3 Ghi rõ thương binh loại A hay loại B.

4 Áp dụng đối với trường hợp người có công không đủ năng lực hành vi dân sự thì người đề nghị khai mục này.

5 Ghi rõ nội dung giám định: Giám định lại vết thương đặc biệt tái phát, còn sót vết thương, còn sót mảnh kim khí, có tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời hoặc giám định bổ sung vết thương.

6 UBND cấp xã xác nhận đối với trường hợp do Sở LĐTBXH quản lý. Cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp xác nhận đối với trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an.

 

Mẫu số 34

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GCNHS-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY CHỨNG NHẬN HY SINH

……………1…………… chứng nhận:

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………..

CCCD/CMND (nếu có) số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp ………………………..

Quê quán: …………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú trước khi hy sinh: …………………………………………………………………

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia công tác: …………………………………………………

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: …………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh …………… tại …………………………………………………………

Trường hợp hy sinh: ……………………………………………………………………………….

Thi hài mai táng tại: ………………………………………………………………………………………………..

 


Nơi nhận:
– …;
– Lưu …

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Tên cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh

 

Mẫu số 35

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GCNBT-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ THƯƠNG

……………1…………… chứng nhận:

Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: …………………………………………

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp ……………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia công tác: …………………………………………………….

Ngày tháng năm phục viên (xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu): ……………………………….

Cơ quan, đơn vị khi bị thương: …………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương: …………………………………………………………………..

Ngày tháng năm bị thương: …………………………………………………………………………

Nơi bị thương: ………………………………………………………………………………………..

Trường hợp bị thương: ……………………………………………………………………………….

Các vết thương thực thể: ……………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………………

Sau khi bị thương được điều trị tại …………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm ra viện: ……………………………………………………………………………

 


Nơi nhận:
– …;
– Lưu …

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Tên cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương

 

Mẫu số 36

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GCNBB-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ BỆNH

……………1…………… chứng nhận:

Đồng chí: ……………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: …………………………………………

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp ………………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia công tác: …………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi bị bệnh: ………………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ khi bị bệnh: ……………………………………………………………………….

Ngày tháng năm bị bệnh: ……………………………………………………………………………..

Trường hợp bị bệnh: …………………………………………………………………………………..

Tình trạng bệnh tật: ……………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………..

Đã điều trị tại: ………………………… từ ngày ……… tháng ……… năm ………………………

Ngày tháng năm ra viện lần cuối: …………………………………………………………………./.

 


Nơi nhận:
– …;
– Lưu …

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Tên cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị bệnh

 

Mẫu số 37

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN

Về thông tin giải mã phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị

Căn cứ cơ sở dữ liệu giải mã phiên hiệu, ký hiệu;

Căn cứ hồ sơ, tài liệu 1 ……………………………………………………………………………..

Xác nhận ông (bà): ……………………………………… Bí danh: ………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………… Nam/Nữ: ……………………………

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………..

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Phiên hiệu, ký hiệu đơn vị: ………………………………………………………………………….

Thời gian, địa bàn hoạt động tại2…………………………………………………………………../.

 


Nơi nhận:
– …;
– Lưu …

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

1 Ghi rõ tên, số hiệu hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định đơn vị cần giải mã phiên hiệu, ký hiệu.

2 Ghi rõ thời gian và tên địa bàn hoạt động (cấp huyện, tỉnh) ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.

 

Mẫu số 38

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GGT-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY GIỚI THIỆU KHÁM GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Kính gửi: Hội đồng Giám định Y khoa …………………………………
……………………….1……………… trân trọng giới thiệu:

Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………..

CCCD/CMND/giấy khai sinh 2 số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Điện thoại liên lạc: ……………………………………………………………………………………

3Tình trạng bị thương/bị bệnh/dị dạng, dị tật, khuyết tật theo: …………………………………..

4Đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi: ……………………………………………………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có): …………………………………………………………………..

Được giới thiệu đến Hội đồng Giám định Y khoa ……………………………………….……………. để khám giám định5 ……………………………………………………………………………………

Đề nghị6: ……………………………………………………………………………………………..

 

 

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Cơ quan, đơn vị cấp giấy giới thiệu.

2 Giấy khai sinh chỉ dùng cho đối tượng dưới 14 tuổi.

3 Trường hợp bị thương/bị bệnh thì ghi theo giấy chứng nhận bị thương/bị bệnh. Trường hợp bị bệnh, dị dạng, dị tật liên quan đến chất độc hóa học thì ghi theo giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định này. Trường hợp khám giám định khuyết tật để hưởng trợ cấp tuất thì ghi theo giấy xác nhận tình trạng khuyết tật. Đối với trường hợp khám giám định theo yêu cầu thì ghi tình trạng hiện tại theo kết luận của cơ quan nhà nước.

4 Ghi rõ chế độ: trợ cấp một lần đối với người bị thương, trợ cấp thương binh, trợ cấp bệnh binh…. (nếu có). Nếu không hưởng chế độ thì ghi “Không”.

5 Ghi rõ nội dung khám như sau:

– Đối với thương binh, bệnh binh ghi: khám thương tật/bệnh tật lần đầu, khám vết thương đặc biệt tái phát, khám vết thương còn sót, khám vết thương có tỷ lệ TTCT tạm thời, khám bổ sung vết thương. Trường hợp thương binh, bệnh binh bị bệnh tâm thần thì khám giám định tỷ lệ TTCT và khả năng tự lực trong sinh hoạt.

– Đối với trường hợp đề nghị khám giám định CĐHH thì ghi rõ tên bệnh, tật, dị dạng, dị tật quy định tại Phụ lục số V kèm theo Nghị định này tùy theo đối tượng khám giám định và ghi rõ đề nghị tổng hợp tỷ lệ % tổn thương cơ thể (nếu có).

– Đối với trường hợp khám giám định khuyết tật thì ghi rõ khám giám định để hưởng trợ cấp tuất.

6 Ghi rõ đề nghị: kết luận tỷ lệ TTCT, tổng hợp tỷ lệ TTCT, không ghi tỷ lệ TTCT. Đối với trường hợp khám giám định theo yêu cầu thì kết luận có đúng với hồ sơ xác lập ban đầu hay không.

 

Mẫu số 39

…………………………
TÊN CƠ QUAN
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN

Bị dị dạng, dị tật bẩm sinh

Ông (Bà) …………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: …………………………………………

CCCD/CMND/giấy khai sinh 1 số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………

Bị dị dạng, dị tật bẩm sinh2: …………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………………

 

 

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

_____________________

Ghi chú:

1 Giấy khai sinh chỉ dùng cho đối tượng dưới 14 tuổi.

2 Ghi đủ và đúng tên dị dạng, dị tật bẩm sinh theo quy định tại phần III Phụ lục V Nghị định này.

 

Mẫu số 40

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GCĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY KHÁM VÀ CHỈ ĐỊNH

Sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Ông (bà) …………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………….

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………….

Đang hưởng trợ cấp: ……………………………………………………………………………….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có) ……% (Bằng chữ: …………………………)

Tình trạng thương tật/bệnh tật: ……………………………………………………………………..

Với tình trạng thương tật/ bệnh tật hiện tại thì Ông (bà) ……………………………………… cần phải sử dụng phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng như sau:

Số TT

Loại phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

1

 

2

 

 

 

…, ngày … tháng … năm …

…, ngày… tháng … năm …

NGƯỜI CHỈ ĐỊNH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

 

Mẫu số 41

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————–

GIẤY XÁC NHẬN
Đang theo học tại cơ sở giáo dục

Phần I: Dùng cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông

Trường: …………………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại liên hệ: ……………………………………………………………………………….

Xác nhận học sinh: ……………………………………………………………………………….

Hiện đang học tại lớp …………… Học kỳ: …………… Năm học:……………………………

Phần II: Dùng cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học

Trường: ……………………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại liên hệ: ……………………………………………………………………………….

Xác nhận học sinh/sinh viên: ……………………………………………………………………..

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp ………………………………..

Hiện đang học khoa: ………………………………………………………………………………….

Năm thứ …………… Học kỳ: …………… Năm học:………………………………………………………..

Khóa học ………………………… Thời gian khóa học ………………………………………(năm);

Hình thức đào tạo: ………………………………………………………………………………………

Đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

 

…, ngày… tháng … năm …
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

 

Mẫu số 42

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GGT-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY GIỚI THIỆU THĂM VIẾNG MỘ LIỆT SĨ

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội …1… trân trọng giới thiệu:

Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………

Hiện đang thường trú tại: ……………………………………………………………………………..

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………….

Mối quan hệ với liệt sĩ: ………………………………………………………………………………

Đến: …………………………………………………………………………………………………..

Cùng đi có…. người:2

Họ tên người thứ nhất ………………………… Ngày tháng năm sinh ………………………….

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………..

Hiện đang thường trú tại: …………………………………………………………………………..

Mối quan hệ với liệt sĩ: ……………………………………………………………………………….

Họ tên người thứ hai ………………………… Ngày tháng năm sinh ……………………………

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………….

Hiện đang thường trú tại: …………………………………………………………………………….

Mối quan hệ với liệt sĩ: ……………………………………………………………………………………………….

Đề nghị Quý cơ quan tạo điều kiện cho ông (bà): ……………………………………………….

Giấy này có giá trị đến hết ngày …………………………………………………………………..

 

…, ngày … tháng … năm …

UBND cấp xã xác nhận

Đã có ……3…… người đến thăm viếng mộ liệt sĩ, gồm:

– Ông (bà) ……………………………………….

– Ông (bà) ……………………………………….

– Ông (bà) ……………………………………….

(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Phòng LĐTBXH tại địa phương quản lý hồ sơ liệt sĩ.

2 Trường hợp thân nhân liệt sĩ ở cùng địa bàn (cấp xã) thì làm 01 giấy giới thiệu và ghi nội dung này.

3 Ghi rõ số lượng người đến thăm viếng thực tế theo giấy giới thiệu.

 

Mẫu số 43

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GGT-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY GIỚI THIỆU DI CHUYỂN HÀI CỐT LIỆT SĨ

……………1…………… trân trọng giới thiệu:

Ông (bà): …………………………………………………………………………………………….

Hiện đang thường trú tại: …………………………………………………………………………..

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………..

Số điện thoại liên hệ: ………………………………………………………………………………….

Là ……………2…………… của liệt sĩ: ………………………………………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: …………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: ………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh ………………… tại ………………………………………………………

Đang an táng tại nghĩa trang ………………………………………………………………………..

Đến: ……………………………………………………………………………………………………..

Đề nghị Quý cơ quan tạo điều kiện cho ông (bà): ………………………………………………..

Giấy này có giá trị đến hết ngày ……………………………………………………………………

 

…, ngày … tháng … năm …

Xác nhận của UBND cấp xã được giới thiệu đến3

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(
Chữ ký, dấu)
Họ và tên

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

_________________________

Ghi chú:

1 Sở LĐTBXH nơi quản lý hồ sơ cấp đối với trường hợp chưa được hỗ trợ; Phòng LĐTBXH nơi người đề nghị thường trú cấp đối với trường hợp đã được hỗ trợ.

2 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ (là thân nhân hay người hưởng trợ cấp thờ cúng);

3 Xác nhận đối với trường hợp do Sở LĐTBXH cấp giới thiệu.

 

Mẫu số 44

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN THÔNG TIN VỀ NƠI LIỆT SĨ HY SINH

Căn cứ 1 ………………………………………………………………………………………………..

Xác nhận liệt sĩ có thông tin như sau:

Họ và tên ………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú trước khi nhập ngũ hoặc tham gia cách mạng ………………………………

Ngày tháng năm nhập ngũ, tham gia cách mạng ………………………………………………

Cấp bậc: ………………………… Chức vụ: ……………………………………………………..

Đơn vị khi hy sinh: …………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh: ………………………………………………………………………….

Trường hợp hy sinh: ……………………………………………………………………………….

Nơi hy sinh: ………………………………………………………………………………………….

Nơi an táng ban đầu: ……………………………………………………………………………….

Liệt sĩ có những thân nhân sau2: …………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………..

 

 

…, ngày… tháng … năm …
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi cụ thể tên giấy tờ có ghi nhận thông tin về nơi hy sinh của liệt sĩ.

2 Ghi cụ thể họ tên thân nhân và mối quan hệ với liệt sĩ (nếu có thông tin).

 

Mẫu số 45

…………………………
ỦY BAN NHÂN DÂN………
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG

Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn ………………………… xác nhận:

Ông (bà) ……………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: …………………………………………………

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp …………………………………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………..

1………………………… của ông (bà)2: ………………………………………………………….

Ông (bà)3 ………………………… là4 ……………………………………………….theo Quyết định số: ……… ngày …… tháng …… năm ……… của ……………………………………………/.

 

 

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ mối quan hệ với người có công.

2 3 Tên người có công.

4 Ghi cụ thể diện đối tượng người có công (ví dụ thương binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…).

 

Mẫu số 46

CƠ QUAN, ĐƠN VỊ…
HỘI ĐỒNG KIỂM TRA
VẾT THƯƠNG THỰC THỂ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số:        /……..

…, ngày … tháng … năm …

 

BIÊN BẢN

Kiểm tra vết thương thực thể

Hôm nay, ngày …. tháng …. năm …. tại …………………………, Hội đồng kiểm tra vết thương thực thể ………………….. gồm có các ông (bà) sau:

  1. Ông (bà) ……………………………………… Chức vụ …………………………; Chủ tịch hội đồng
  2. Ông (bà) ……………………………………… Chức vụ …………………………;
  3. …………………………………………………………………………………………………………
  4. …………………………………………………………………………………………………………..

NỘI DUNG

Tiến hành kiểm tra vết thương thực thể đối với:

Ông (bà): …………………………………………………… Sinh năm ……………………………….

CCCD/CMND: …………………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm tham gia công tác/nhập ngũ: …………………………………………………….

Ngày tháng năm bị thương: ……………………………………………………………………………..

Kết quả kiểm tra:1

  1. Vết thương thứ nhất: ……………………………………………………………………………….
  2. Vết thương thứ hai: ………………………………………………………………………………..
  3. ………………………………………………………………………………………………………..

Biên bản kết thúc vào hồi ……giờ ……….cùng ngày, các thành phần cùng ký tên./.

 

CÁC THÀNH VIÊN
Ký, họ và tên, đóng dấu (nếu có)

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

____________________

Ghi chú: 1 Mô tả chi tiết hiện trạng vết thương, vị trí, kích thước vết thương.

 

Mẫu số 47

ỦY BAN NHÂN DÂN……
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN THU NHẬP

Năm …

UBND xã, phường, thị trấn …………………………………………………… xác nhận:

Ông (bà) …………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………….

CCCD/CMND số …………… Ngày cấp …………… Nơi cấp ……………………………………..

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………….

Nghề nghiệp hiện tại: …………………………………………………………………………………..

Có mức thu nhập bình quân hằng tháng là: …………………………………………..đồng/tháng

(Bằng chữ: ……………………………………………………………………………….đồng/tháng)

Chi tiết thu nhập như sau:

TT

Tên nghề, công việc

Thu nhập bình quân hằng tháng (đồng/tháng)

1

 

 

2

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

 

Mẫu số 48

UBND……………
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/GXN-….

…, ngày … tháng … năm …

 

GIẤY XÁC NHẬN MỘ LIỆT SĨ

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội1 …………………………… xác nhận:

Nghĩa trang liệt sĩ ……………………………………… hiện đang an táng mộ của liệt sĩ có các thông tin sau:

Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: ………………………………………..

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh: ………………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: ………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh: …………………………………………………………………………..

Vị trí mộ trong nghĩa trang: ………………………………………………………………………..

Thời gian đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ: ……………………………………………/.

 

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Sở LĐTBXH nơi quản lý mộ.

 

Mẫu số 49

TỈNH ỦY/THÀNH ỦY……1
*

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……-QĐ/……..

…, ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc công nhận 2………………………………………

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………..

3…………………………QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công nhận ông (bà): ……………………………………… Bí danh: ………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………… Nam/Nữ: …………………………………………..

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………..

Ngày vào Đảng: …………………… Ngày chính thức: ……………………………………………

4……………………………………………………………………………………………………

5………………………………………………………………………………………………………….

6………………………………………………………………………………………………………..

Điều 2. ………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– ………………;
– Lưu: VT, ……

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Mẫu này dùng chung đối với Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban đảng, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc trung ương; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sửa tiêu đề cho phù hợp.

2 Ghi tên đối tượng người có công được công là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hay người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

3 Thẩm quyền cơ quan ban hành quyết định được quy định tại Điều 6 và Điều 11 Nghị định này

4 Ghi tên đối tượng được công nhận là người người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hay người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

5 Ghi rõ trường hợp là người hoạt động cách mạng ở cơ sở hoặc thoát ly. Nếu diện thoát ly ghi rõ số thâm niên hoạt động cách mạng trước năm 1945; ghi rõ chức vụ đối với người HĐCM từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

6 Trường hợp người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã chết thì ghi rõ ngày tháng năm chết.

 

Mẫu số 50

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

 

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi………2

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Căn cứ Quyết định công nhận số: ……………………………….. ngày… tháng… năm … của …;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp giấy chứng nhận ……………3…………… số …………… đối với

Ông (bà): …………………………………………………… Bí danh: …………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi ở hiện nay: …………………………………………………………………………………………

Ngày vào Đảng (nếu có): ………………………… Ngày chính thức: ……………………………..

Có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ ngày …. tháng …. năm …… đến ngày …. tháng …. năm ……

4Thâm niên hoạt động cách mạng: ………………………………………………………………….

5Chức vụ khi tham gia hoạt động cách mạng: ……………………………………………………

Điều 26.

  1. Ông (bà) ……………………………………… được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ ngày …. tháng …. năm ……..

– Trợ cấp ưu đãi hằng tháng: ………………………………………………………………đồng.

– Phụ cấp ưu đãi hằng tháng: ………………………………………………………………đồng.

Cộng: ………………………………………………………………………………………………. đồng.

(Bằng chữ: …………………………………………………………………………………………….)

  1. Trợ cấp một lần đối với thân nhân/người thờ cúng của người hoạt động cách mạng đã từ trần

Ông (bà): …………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Là:7 …………………………………………………………………………………………… của Ông (bà)8: …………………………………………………………………………………………………..

Đã chết ngày: …………………………………………………………………………………………

Mức trợ cấp một lần: ……………………………………………………………………….. đồng.

(Bằng chữ ……………………………………………………………………………………………)

Điều 3. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 đối tượng: người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

2 Ghi rõ người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

3 Ghi rõ người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 hoặc người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

4 Áp dụng đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.

5 Áp dụng đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

6 Ghi mục 1 đối với người hoạt động cách mạng còn sống. Ghi mục 2 đối với người hoạt động cách mạng đã chết.

7 Ghi rõ mối quan hệ là thân nhân (bố, mẹ, vợ (chồng), con) hay người thờ cúng với người có công.

8 Ghi tên người có công.

 

Mẫu số 51

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ………………………………………………………………………………………………………………….;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thu hồi Bằng “Tổ quốc ghi công”, đối với ông (bà): ………………………………………..

Số bằng: ……………………………………………………………………………………………………

Được cấp theo quyết định số: ……….. ngày … tháng … năm … của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do: ………………………………………………………………………………………………..

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ……………, Ủy ban nhân dân …………… và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– …;
– Lưu: VT, ……

BỘ TRƯỞNG
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

Mẫu số 52

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ và trợ cấp một lần khi báo tử

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ………………………………………………………………………………………………;

Căn cứ hồ sơ của liệt sĩ: …………… Bằng TQGC số: ………………………… theo Quyết định số ………… ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

  1. Cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ số ………………………… đối với:

STT

Họ tên

Ngày tháng năm sinh

Số CCCD/CMND/GKS

Quê quán

Nơi thường trú

Mối quan hệ với liệt sĩ

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Trợ cấp một lần khi báo tử đối với ông (bà): …………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Là ……1…… của liệt sĩ …………………………………………………………………………….

Mức: ………………………… đồng (Bằng chữ: …………………………………………………)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ.

 

Mẫu số 53

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân liệt sĩ

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Căn cứ hồ sơ của liệt sĩ: …………… Bằng TQGC số: ………………………… theo Quyết định số ………… ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với các ông (bà) sau đây:

STT

Họ tên

Năm sinh

Mối quan hệ với liệt sĩ

Mức trợ cấp

Thời điểm hưởng

Tuất hằng tháng

Tuất nuôi dưỡng

Tổng cộng

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trợ cấp truy lĩnh1 …………………………

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và các ông (bà) nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ họ tên người được hưởng trợ cấp truy lĩnh, thời gian hưởng, số tiền hưởng theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

 

Mẫu số 54

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………..;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………;

Căn cứ hồ sơ của liệt sĩ: …………… Bằng TQGC số: ………………………… theo Quyết định số ………… ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với ông (bà): ………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………………………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Nguyên là vợ (chồng) của liệt sĩ ……………………………………………………………………

Mức trợ cấp: ………………………………………..…… đồng kể từ ngày …. tháng … năm ….

(Bằng chữ: ………………………………………………………………………………….. đồng.)

Điều 2. Trưởng phòng và ông (bà) ……………………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

Mẫu số 55

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………..;

Căn cứ hồ sơ của liệt sĩ: ………………………………… Bằng TQGG số: ………………………… theo Quyết định số ………… ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với Ông (bà) 1……………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………

Số tiền: …………………………………………………………………………………… đồng/năm

(Bằng chữ ……………………………………………………………………………………………..)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:1 Trường hợp giao thờ cúng liệt sĩ cho cơ quan, đơn vị thì ghi rõ tên cơ quan, đơn vị và địa chỉ.

 

Mẫu số 56

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ và trợ cấp ưu đãi

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………………;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………;

Căn cứ hồ sơ của liệt sĩ: …………… Bằng TQGG số: ………………………… theo Quyết định số ………… ngày… tháng… năm… của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

  1. Bổ sung ông (bà): ………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………

Là ……………1…………… của liệt sĩ ………………………… Số hồ sơ: ……/………

  1. Ông (bà) ………………………… được:

– Cấp giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ số ……………………………………………………..

– Hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng (nếu có) kể từ ngày … tháng … năm ….

Mức trợ cấp tuất hằng tháng: ……………………………………………………đồng/tháng.

Mức trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng: ……………………………………..đồng/tháng.

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

Cộng: ………………………… đồng/tháng.

(Bằng chữ: ……………………………………………………………………………….. đồng/tháng)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ……………..………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Mối quan hệ với liệt sĩ.

 

Mẫu số 57

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc trợ cấp, phụ cấp ưu đãi Bà mẹ Việt Nam anh hùng

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số …………………………………………………………………………………..;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………;

Căn cứ Quyết định số …………… ngày… tháng… năm… của Chủ tịch nước về việc phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 12.

  1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Bà: ……………………………………… Ngày tháng năm sinh: …………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

– Mức trợ cấp: ……………………………………………………………………….. đồng/tháng.

– Mức trợ cấp người phục vụ: …………………………………………………….. đồng/tháng.

– Mức phụ cấp: ……………………………………………………………………… đồng/tháng.

Tổng cộng: ………………………………………………………………………………………..

(Bằng chữ ………………………………………………………………………………………….)

Thời điểm hưởng: …………………………………………………………………………………….

  1. Trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần

Ông (bà): ……………………………………… Ngày tháng năm sinh: ……………………………..

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………….

3: …………… của bà: ……………………………………………………………………………

Mức trợ cấp: …………………………………………………………………………… (Bằng chữ)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………………..……… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: BMVNAH còn sống hoặc đã chết.

2 Ghi mục 1 đối với BMVNAH còn sống. Ghi mục 2 đối với BMVNAH đã chết.

3 Ghi rõ mối quan hệ với người có công. Trường hợp người có công còn sống thì không ghi mục này.

 

Mẫu số 58

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc trợ cấp ưu đãi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hoặc Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………..;

Căn cứ Quyết định số …………… ngày… tháng… năm… của …………… về việc phong tặng/truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”/“Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến”;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 12.

  1. Trợ cấp hằng tháng đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân/Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………….

Mức trợ cấp: ………………………………………………………………………….. đồng/tháng.

(Bằng chữ ……………………………………………………………………………………………..)

Thời điểm hưởng: ……………………………………………………………………………………..

  1. Trợ cấp một lần đối với thân nhân của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân/Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đã từ trần

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………..

3: …………… của ông (bà): ……………………………………………………………………

Mức trợ cấp: …………………………………………………….. (Bằng chữ…………………………)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)4;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 2 trường hợp: Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống hoặc đã chết. Ghi rõ là Anh hùng LLVTND hoặc Anh hùng LĐTKKC.

2 Ghi mục 1 đối với Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC còn sống. Ghi mục 2 đối với Anh hùng LLVTND, Anh hùng LĐTKKC đã chết.

3 Ghi rõ mối quan hệ với người có công. Trường hợp người có công còn sống thì không ghi mục này.

4 Áp dụng đối với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

 

Mẫu số 59

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc cấp giấy chứng nhận ……………2…………… và trợ cấp, phụ cấp

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………..;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Căn cứ Biên bản GĐYK số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng GĐYK …;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp giấy chứng nhận ………3……… số …………… đối với ông (bà): ………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm bị thương: ………………………………………………………………………………

Giấy chứng nhận bị thương số: …. ngày …. tháng …. năm …. của ………………………………….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ……………% (Bằng chữ: ……………………………………………………)

Điều 2. Ông (bà) ……………………………………… được hưởng trợ cấp, phụ cấp như sau:

  1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng …… năm ……

– Trợ cấp thương tật: …………………………………………………………..…… đồng/tháng

– Phụ cấp thương tật nặng hoặc đặc biệt nặng (nếu có)                          …… đồng/tháng

– Trợ cấp người phục vụ (nếu có)                                                          …… đồng/tháng

– Phụ cấp khu vực (nếu có)                                                                   …… đồng/tháng

                                                                                       Cộng:            …… đồng/tháng

(Bằng chữ ………………………………………………………………………………………….)

  1. Trợ cấp, phụ cấp được truy lĩnh (nếu có) ………4………

Điều 3. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)5;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho cả 02 trường hợp: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

2 Ghi rõ cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh.

3 Ghi rõ cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh.

4 Ghi rõ các loại trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được truy lĩnh, thời gian, mức trợ cấp theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

5 Áp dụng đối với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

 

Mẫu số 60

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ………………………………………………………………………………………………..;

Căn cứ Biên bản giám định y khoa số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng giám định y khoa ……;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………………,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với:

Ông(bà): …………………………………………………… Số hồ sơ: …./….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………..

Lý do điều chỉnh: ……………………………………………………………………………………

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: …………………………% (Bằng chữ: ………………………………..)

Các chế độ được điều chỉnh:

  1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng …. năm ….

– Trợ cấp thương tật/bệnh tật: ……………………………………………………. đồng/tháng

– Phụ cấp thương tật/bệnh tật (nếu có) …………………………………………… đồng/tháng

– Phụ cấp đặc biệt (nếu có) ………………………………………………………… đồng/tháng

– Trợ cấp người phục vụ (nếu có) …………………………………………………… đồng/tháng

– Phụ cấp khu vực (nếu có) ……………………………………………………………. đồng/tháng

                                                                                       Cộng:            …… đồng/tháng

(Bằng chữ …………………………………………………………………………………………..)

  1. Trợ cấp, phụ cấp được truy lĩnh (nếu có) ………1………

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)2;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ các loại trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được truy lĩnh, thời gian, mức trợ cấp theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

2 Áp dụng đối với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

 

Mẫu số 61

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp thương tật một lần

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………..;

Căn cứ Biên bản giám định y khoa số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng giám định y khoa ……;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp thương tật một lần đối với:

Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………………………………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm bị thương: ………………………………………………………………………….

Trường hợp bị thương: ……………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị khi bị thương: ……………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương: ……………………………………………………………………..

Đã được cấp Giấy chứng nhận bị thương số …. ngày … tháng … năm … của….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: …………………………% (Bằng chữ:……………………………………)

Mức trợ cấp một lần: ………………………………………………………………………………….

(Bằng chữ ……………………………………………………………………………………………..)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)1;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Áp dụng đối với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

 

Mẫu số 62

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ……
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: 1………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số …………………………………………………………………………………..;

Căn cứ ………………………………………………………………………………………………….;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………..,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp ưu đãi đối với ông (bà) ……………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………….

Hiện đang hưởng chế độ trợ cấp đối với:2 ………………………………………………………

Được hưởng thêm trợ cấp ưu đãi đối với: ………………………………………………………

Điều 2. Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được thực hiện kể từ ngày …. tháng …. năm ….

– Mức trợ cấp ưu đãi: ……………………………………………………………….. đồng/tháng.

– Mức phụ cấp khu vực (nếu có)3: ……………………………………………….. đồng/tháng.

Cộng: ………………………………………………………………………………….đồng/tháng.

Điều 3. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

Ghi chú:

1 Ghi số hồ sơ của chế độ đề nghị hưởng thêm.

2 Ghi rõ chế độ hiện đang hưởng (bệnh binh hoặc mất sức lao động).

3 Chỉ áp dụng đối với người chưa được hưởng phụ cấp khu vực.

 

Mẫu số 63

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………..;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Căn cứ Biên bản GĐYK số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng GĐYK …;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp giấy chứng nhận bệnh binh số …………… đối với ông (bà): ……………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………….

Quê quán: …………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………

Cơ quan, đơn vị công tác: ………………………………………………………………………….

Chức vụ, cấp bậc: …………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia công tác: …………………………………………………..

Thời gian phục vụ trong quân đội/công an là …. năm …. tháng.

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ……………% (Bằng chữ: ……………………………………………)

Điều 2. Ông (bà): ……………………………………… được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ ngày … tháng… năm …

– Trợ cấp bệnh tật: …………………………………………………………………… đồng/tháng

– Phụ cấp bệnh tật nặng hoặc đặc biệt nặng (nếu có) ……………………………. đồng/tháng

– Trợ cấp người phục vụ (nếu có) ………………………………………………….. đồng/tháng

– Phụ cấp khu vực (nếu có) ………………………………………………………… đồng/tháng

                                                                                       Cộng:            …… đồng/tháng

(Bằng chữ …………………………………………………………………………………………….)

Điều 3. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

Mẫu số 64

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………….;

Căn cứ Biên bản GĐYK số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng GĐYK …;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.

  1. Cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học số …………… đối với ông (bà): …………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………………………………………………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ……………% (Bằng chữ: ………………………………………………)

  1. Ông (bà): ………………………… được hưởng trợ cấp, phụ cấp kể từ ngày … tháng … năm …

– Trợ cấp hàng tháng: ……………………………………………………………… đồng/tháng

– Phụ cấp bệnh tật nặng (nếu có) ………………………………………………….. đồng/tháng

– Trợ cấp người phục vụ (nếu có) …………………………………………………. đồng/tháng

                                                                                       Cộng:            …… đồng/tháng

(Bằng chữ ………………………………………………………………………………………………)

– Trợ cấp, phụ cấp được truy lĩnh (nếu có) 1: ………………………………………………………..

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ các loại trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được truy lĩnh, thời gian, mức trợ cấp theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

 

Mẫu số 65

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định ……………………………………………………………………………………;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………………;

Căn cứ Biên bản GĐYK số … ngày … tháng … năm … của Hội đồng GĐYK …

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………….,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp hằng tháng kể từ ngày … tháng … năm … đối với:

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………..

Là con đẻ của ông (bà) ………………………………………………………………………………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ……………….………% (Bằng chữ: ……………………………………..)

Mức trợ cấp: ………………………………………………………………………………….. đồng.

(Bằng chữ …………………………………………………………………………………………..)

Trợ cấp được truy lĩnh (nếu có) 1:

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ trợ cấp được truy lĩnh, thời gian, mức trợ cấp theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

 

Mẫu số 66

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc công nhận và trợ cấp ưu đãi người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ……………………………………………………………………………….;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Theo đề nghị của …………………………………………………………………………………..,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 12.

  1. Công nhận ông (bà) …………… là người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày
  2. Trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

Ông (bà): …………………………………………………… Ngày tháng năm sinh: ……………….

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………

Mức trợ cấp: ………………………… đồng/tháng (Bằng chữ: …………………………………….)

Thời điểm hưởng: ……………………………………………………………………………………

  1. Trợ cấp một lần đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đã từ trần

Ông (bà): …………………………………………………… Ngày tháng năm sinh: ………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………

3: …………… của Ông (bà): …………………………………………………………………………

Đã chết ngày: ……………………………………………………………………………………………

Mức trợ cấp: ………………………… (Bằng chữ: ……………………………………………………)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)4;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cả 02 trường hợp: người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày còn sống hoặc đã chết.

2 Ghi mục 1 đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày còn sống. Ghi mục 2 đối với người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày đã chết.

3 Ghi rõ mối quan hệ với người có công. Trường hợp người có công còn sống thì không ghi mục này.

4 Áp dụng đối với trưởng hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định.

 

Mẫu số 67

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ…
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………/………

QUYẾT ĐỊNH1

Về việc trợ cấp ưu đãi …………………………2

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………;

Căn cứ …………………………………………………………………………………………….;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………..,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng3

Ông (bà): …………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………

Quê quán: ………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………….

Mức trợ cấp: ………………………………………………………………………… đồng/tháng.

(Bằng chữ …………………………………………………………………………………………..)

Thời điểm hưởng: …………………………………………………………………………………..

Điều 2. Trợ cấp một lần đối với4

  1. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………………………………………..

Quê quán: …………………………………………………………………………………………..

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………

Mức trợ cấp: ………………………………………………………………………… đồng/tháng.

(Bằng chữ ………………………………………………………………………………………….)

  1. Thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng đã từ trần

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………………………..

5: …………… của ông (bà): ……………………………………………………………………….

Mức trợ cấp: …………………………………………………………………………………………….đồng/tháng.

(Bằng chữ ……………………………………………………………………………………………..)

Điều 3. Trưởng phòng ………………………… và ông (bà) ………………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với 02 trường hợp: người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế/người có công giúp đỡ cách mạng còn sống hoặc đã chết.

2 Ghi rõ người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng.

3 Áp dụng đối với người có công giúp đỡ cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng.

4 Ghi mục 1 đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng còn sống. Ghi mục 2 đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc người có công giúp đỡ cách mạng đã chết.

5 Ghi rõ mối quan hệ với người có công.

 

Mẫu số 68

(Trang 1)

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-….

…, ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định ……………………………………………………………………………………;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………….;

Theo đề nghị của ……………………………………………………………………………………..,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện chế độ điều dưỡng năm ………… đối với người có công và thân nhân liệt sĩ do phòng ……………………………… quản lý:

Số người: ………………………… (Bằng chữ: ……………………………………………………)

Số tiền: ………………………… (Bằng chữ: ………………………………………………………)

Trong đó:

– Điều dưỡng tập trung: Số người: Số tiền: ………..…………….… (Bằng chữ ……………….)

– Điều dưỡng tại nhà: Số người: …. Số tiền: ………………….…… (Bằng chữ ………………..)

(Theo danh sách đính kèm)

Điều 2. Trưởng phòng ………………………… và các ông (bà) có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– …;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

(Trang 2)

…………………………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

 

 

DANH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯỢC ĐIỀU DƯỠNG
(Kèm theo Quyết định số ……/QĐ-… ngày … tháng … năm … của ………)

Số TT

Họ và tên

Địa chỉ

Đối tượng

Tháng năm điều dưỡng lần trước liền kề

Tình trạng sức khỏe

Số tiền điều dưỡng

Ghi chú

Tập trung

Tại nhà

Cộng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

A

NCC thuộc diện ĐD mỗi năm 1 lần

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng A

 

 

 

 

 

 

 

 

B

NCC thuộc diện ĐD 02 năm 1 lần

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng B

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng (A+B)

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số đề nghị điều dưỡng trong năm: Số người: …………. Số tiền: ……………………….

Trong đó: – Điều dưỡng tập trung: Số người: ………………… Số tiền: ……………………………

                 – Điều dưỡng tại nhà: Số người: ……………………. Số tiền: ……………………………

 

 

…, ngày… tháng … năm …
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Họ tên, chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)

 

Mẫu số 69

(Trang 1)

………….
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../QĐ-…

….., ngày … tháng … năm ….

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định…………………………………………………………………………………………… ;

Căn cứ………………………………………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của…………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với người có công và thân nhân người có công như sau:

Số người:……………………………………………… (Bằng chữ:……………………………………. )

Số tiền:…………………………………………………. (Bằng chữ:……………………………………. )

Trong đó:

– Thương binh:              Số người: …………………  Số tiền: ……………………………………..

– Bệnh binh:                  Số người: …………………  Số tiền: ……………………………………..

– …………………

(Theo danh sách đính kèm)

Điều 2. Trưởng phòng ……………………… và các ông (bà) có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– ….;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

(Trang 2)

DANH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ THÂN NHÂN ĐƯỢC CẤP PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ CHỈNH HÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

(Kèm theo Quyết định số …./QĐ… của… ngày… tháng… năm ….của….)

Số TT

Họ và tên

Nơi quản lý trợ cấp

Số hồ sơ NCC

Số Sổ theo dõi trang cấp

Loại phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình

Niên hạn sử dụng

Số tiền

1

2

3

4

5

6

7

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đối với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập danh sách, ký xác nhận như sau:


TRƯỞNG PHÒNG
NGƯỜI CÓ CÔNG

(Ký, ghi rõ họ và tên)


TRƯỞNG PHÒNG
TÀI CHÍNH

(Ký, ghi rõ họ và tên)

…, ngày…. tháng…. năm….
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Đối với trường hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội lập danh sách, ký xác nhận như sau:


Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ và tên)

…, ngày…. tháng…. năm….
TRƯỞNG PHÒNG LĐTBXH
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

 

Đối với trường hợp cơ quan, đơn vị thuộc quân đội, công an lập danh sách, ký xác nhận như sau:

Người lập biểu
(Ký, ghi rõ họ và tên)

…, ngày…. tháng…. năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

____________________

Ghi chú: Trường hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội lập danh sách bỏ thông tin cột 3.

 

Mẫu số 70

………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-…

….., ngày … tháng … năm ….

Số hồ sơ:1 ……/………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số……………………………………………………………………………………….. ;

Căn cứ………………………………………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của…………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH2:

Điều 1. Trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với:

Ông (bà): ……………………………………… Ngày tháng năm sinh ……………………………

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

Mã hiệu3: ……………………………………………………………………………………………………..

Mức trợ cấp như sau:4

– Mức trợ cấp hằng tháng: ……………..đồng/tháng (Bằng chữ ………………………………… )

– Mức trợ cấp mỗi năm một lần: …………đồng/năm (Bằng chữ ……………………………….. )

– Thời điểm hưởng: ………………………………………………………………………………………..  

Trợ cấp được truy lĩnh (nếu có) 5: ………………………………………………………………………

Điều 2. Trưởng phòng ……………………… và các ông (bà) có tên tại Điều 1 thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– …..;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Số hồ sơ là số hồ sơ người có công.

2 Điều 1 áp dụng đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học. Điều 2 áp dụng đối với học sinh đang theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

3 Mã hiệu ghi theo quy định tại Phụ lục số VII Nghị định này.

4 Người học thuộc diện hưởng trợ cấp nào thì ghi tương ứng.

5 Ghi rõ trợ cấp được truy lĩnh, thời gian, mức trợ cấp theo quy định tại từng thời điểm, tổng số tiền.

 

Mẫu số 71

………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……./QĐ-…

….., ngày … tháng … năm ….

Số hồ sơ: ………../………

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tiếp nhận người có công vào cơ sở nuôi dưỡng người có công hoặc đưa về gia đình

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ………………………………………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của…………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng tại ………1………/đưa về gia đình………2……… đối với:

Ông (bà) ………………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

3 ……………………………………………………………………………………………………………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có) ………..%.

Điều 2. Trưởng phòng …………, Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng người có công và ông (bà) …….…….……. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– ….;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi tên, địa chỉ (xã, huyện, tỉnh) của Trung tâm nuôi dưỡng/điều dưỡng người có công.

2 Ghi địa chỉ của gia đình nơi người có công về nuôi dưỡng (thôn, xã, huyện, tỉnh).

3 Ghi rõ diện người có công (thương binh, bệnh binh…), tỷ lệ tổn thương cơ thể.

 

Mu số 72

…………….
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-…

…., ngày … tháng … năm ….

Số hồ sơ: ……./……….

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tạm dừng/tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công hoặc thân nhân

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số……………………………………………………………………………………….. ;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………………….. ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………….. ,

QUYẾT ĐỊNH:

1Điều 1. Tạm dừng/tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân:

  1. Ông (bà) …………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

2 ………………….. Số hồ sơ người có công: ……………………………………………………

  1. Ông (bà) là thân nhân người có công gồm:

STT

Họ tên

Ngày tháng năm sinh

Quê quán

Noi thường trú

Mối quan hệ với NCC

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Lý do ……………………………………………………………………………………………………….
  2. Thời điểm tạm dừng/tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi: ………………………………….
  3. Truy thu chế độ ưu đãi (nếu có): …………………………………………………………………….

3Điều 2. Tạm dừng/tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi đối với thân nhân:

  1. Ông (bà) …………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

4 ……………………, đang hưởng chế độ đối với thân nhân5 …………………………………

Số hồ sơ người có công: …………………………………………………………………………………

  1. Lý do ……………………………………………………………………………………………………….
  2. Thời điểm tạm dừng/tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi: ………………………………….
  3. Truy thu chế độ ưu đãi (nếu có): …………………………………………………………………….

Điều 3. Trưởng phòng ………………… và ông (bà) ………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– ….;
– Lưu: VT, …..

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với trường hợp người có công bị tạm đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi.

2 Ghi rõ diện đối tượng người có công (ví dụ: thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học..).

3 Áp dụng đối với trường hợp thân nhân người có công bị đình chỉ/chấm dứt chế độ ưu đãi.

4 Ghi rõ mối quan hệ với người có công.

5 Ghi rõ đang hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ hoặc thân nhân người có công (ghi cụ thể diện người có công).

 

Mu số 73

…………..
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../QĐ-…

…., ngày … tháng … năm ….

Số hồ sơ: ………/……..

QUYẾT ĐỊNH

Về việc hưởng lại chế độ đối với người có công hoặc thân nhân người có công

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………………….. ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………….. ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiếp tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

1 ……………………………………………………………………………………………………………..

Lý do …………………………………………………………………………………………………………..

Thời điểm hưởng lại chế độ ưu đãi: ……………………………………………………………………

Truy lĩnh trợ cấp, phụ cấp (nếu có): ……………………………………………………………………

Điều 2. Trưởng phòng ……………… và ông (bà) ……………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– ……;
– Lưu: VT, …..

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:1 Ghi rõ diện người có công (ví dụ: bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…) hoặc thân nhân.

 

Mẫu số 74

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ ….
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../QĐ-…

…, ngày … tháng … năm …

Số hồ sơ: ………../………..

QUYẾT ĐỊNH

Về việc trợ cấp khi người có công từ trần

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………………….. ;

Theo đề nghị ………………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trợ cấp mai táng phí đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng:

  1. Cá nhân

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………….. Nam/Nữ: …………………………

Quê quán …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần: ……………………………………………….

  1. Tổ chức

Tên tổ chức: …………………………………………………………………………………………………

Người đại diện theo pháp luật: …………………………….. Chức vụ: ………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

  1. Mức trợ cấp: ……………………………………………………………………………………………..

(Bằng chữ: …………………………………………………………………………………………………… )

Điều 2. Trợ cấp một lần đối với Ông (bà): ……………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………… Nam/Nữ: …………………………..

Quê quán …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú ………………………………………………………………………………………………

Quan hệ với người có công với cách mạng từ trần: ……………………………………………….

Mức trợ cấp: …………………………………………………………………………………………………

(Bằng chữ: …………………………………………………………………………………………………… )

Điều 3. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với những thân nhân sau:

TT

Họ tên

Năm sinh

Mối quan hệ với NCC

Mức trợ cấp

Thời điểm hưởng

Trợ cấp được truy lĩnh
(nếu có)

Tuất hằng tháng

Tuất nuôi dưỡng

Tổng cộng

1

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Điều 4. Trưởng phòng ………………………….. và ông (bà) ………………. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– ……;
– Lưu: VT, …..

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

Mu số 75

…………..
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/QĐ-…

….., ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ………………………………………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của ông (bà)1 ……………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………….. ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ 2……….. của ông (bà)3……… cụ thể:

Tên loại giấy tờ cần sửa đổi gồm: ……………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

Thông tin cũ:………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………..

Thông tin được sửa đổi bổ sung:……………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………..

Điều 2. Trưởng phòng ……………. và ông (bà) ……………………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– ….;
– Lưu: VT, ……

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ họ và tên người đề nghị.

2 Ghi rõ ký hiệu hồ sơ người có công được điều chỉnh.

3 Ghi họ và tên người có công.

 

Mu số 76

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ ….
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……./QĐ-…

…, ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

1 Căn cứ đề nghị của ông (bà) …………………………… là …………………………………….. ;

2Căn cứ đề nghị của ông (bà) …………………………/tổ chức …………… được ông (bà) …………… là ………………… của liệt sĩ ủy quyền;

3Căn cứ thông báo kết quả giám định ADN của Cục Người có công số …….. ngày…. tháng…. năm……;

Theo đề nghị của…………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại mộ số…, hàng…, lô …, khu…, nghĩa trang liệt sĩ ……. là của liệt sĩ ……

Thông tin được xác định như sau:

  1. Thông tin của liệt sĩ:

– Họ và tên: …………………………… Ngày tháng năm sinh: ……………………………………

– Quê quán: ………………………………………………………………………………………………….

– Cấp bậc, chức vụ: ………………………………………………………………………………………..

– Cơ quan, đơn vị: ………………………………………………………………………………………….

– Ngày tháng năm hy sinh: ……………………………………………………………………………….

  1. Thông tin của các thân nhân của liệt sĩ:4

– Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………..

– Quan hệ với liệt sĩ: ……………………………………………………………………………………….

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và ông (bà) ………… chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– …..;
– Lưu: VT, ……

GIÁM ĐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký s của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng đối với đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (trường hợp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng).

2 Áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức được đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ủy quyền (trường hợp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng).

3 Áp dụng đối với trường hợp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN.

4 Ghi đầy đủ các thân nhân của liệt sĩ (bao gồm cả thân nhân còn sống, thân nhân đã chết hoặc là được bổ sung nếu có).

 

Mu số 77

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ ….
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../QĐ-…

….., ngày … tháng … năm …

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ

GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ công văn số ……………. của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội1……..; Đơn đề nghị xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Giấy báo tử/Giấy báo tử trận/Giấy chứng nhận hy sinh;

Theo đề nghị ………………………………………………………………………………………………… ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh lại thông tin trên bia mộ liệt sĩ……………… tại mộ số ….., hàng ….., lô ….., khu…, nghĩa trang liệt sĩ ……….. như sau:

Thông tin trên bia mộ liệt sĩ

Họ và tên: …………………………………

Quê quán: …………………………………

Ngày, tháng, năm sinh: ………………….

Thông tin đính chính

Họ và tên: …………………………………

Ngày, tháng, năm hy sinh: ………………

Quê quán: …………………………………

Cấp bậc, chức vụ: ………………………..

Đơn vị: ……………………………………..

Ngày, tháng, năm hy sinh: ……………….

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các ông (bà) …………. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 2;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC);
– ….;
– Lưu: VT, …..

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu/chữ ký số của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Nơi quản lý hồ sơ.

 

Mu số 78

…………..
HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH
Y KHOA…

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../GĐYK-….

……, ngày … tháng … năm……

 

BIÊN BẢN GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Khám giám định: …………………………..1

Ảnh 4×6

Hội đồng Giám định y khoa ……………………………………………………. 2

Đã họp ngày: ……… tháng …. năm ……để khám giám định đối với

Ông/Bà: ………………………………………………………………………………..  

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………..

Nơi thường trú: ………………………………………………………………………

CMND/CCCD: ……….3……….. Ngày…./…./….. Nơi cấp: ………………..

Số sổ BHXH (nếu có): ……………………………………………………………..

Khám giám định theo đề nghị/giới thiệu của…………………………………..

Giây giới thiệu/văn bản đề nghị số: …………. ngày…… tháng….. năm….. (nếu có)

Đối tượng khám giám định: ……………………………………………………………………………… 4

Nội dung cần giám định …………………………………………………………………………………..

Đang hưởng chế độ (nếu có) ………..5…….. tỷ lệ TTCT (nếu có) …………………………….. %

KẾT QUẢ KHÁM HIỆN TẠI

– Tiền sử

– Kết quả khám hiện tại

KẾT LUẬN

Căn cứ Thông tư số …….6……… ngày…….. tháng….. năm…………………………………….

Hội đồng Giám định Y khoa kết luận:

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………………..

Được xác định: ……………………………………..7…………………………………………………

Tỷ lệ tổn thương cơ thể là: ………..8……….%; (ghi bằng chữ ……………………………%)

Tổng hợp với tỷ lệ % TTCT đã có thì tỷ lệ % TTCT là: …9…. % (ghi bằng chữ từng số ….)

Đề nghị………………………………………………………………………………………………………..

 

ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC
(Ký, họ tên)

T/M HỘI ĐỒNG
CHỦ TỊCH
10
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ: Khám giám định lần đầu/khám lại/khám phúc quyết (vượt khả năng chuyên môn, đối tượng không đồng ý, theo đề nghị của cơ quan QLNN/khám phúc quyết lần cuối).

2 Tên Hội đồng GĐYK tổ chức cuộc họp.

3 Trường hợp chưa có CMND/Thẻ căn cước thì ghi giấy tờ tùy thân hợp lệ khác (Hộ chiếu Giấy khai sinh, giấy xác nhận của công an cấp xã nơi ĐTGĐ cư trú kèm theo ảnh của ĐTGĐ có đóng dấu giáp lai trên ảnh trong thời gian 6 tháng).

4 Ghi rõ đối tượng khám giám định (ví dụ: Thương binh (TB), Bệnh binh (BB), Chất độc hóa học (CĐHH)…)

5 Ghi rõ chế độ đang hưởng (theo giấy giới thiệu).

6 Ghi tên văn bản QPPL làm căn cứ khám giám định phù hợp với đối tượng giám định.

7 Ghi rõ kết luận theo yêu cầu giám định của tổ chức, cá nhân (ví dụ đối với khám giám định người khuyết tật thì trong phần này ghi dạng tật và mức độ khuyết tật).

8 Tùy theo yêu cầu và mục đích giám định thì ghi kết luận theo mục 7 hoặc (và) mục 8.

9 Chỉ ghi trong trường hợp khám giám định tổng hợp.

10 Trường hợp Phó Chủ tịch HĐ được Chủ tịch HĐ ủy quyền chủ trì phiên họp kết luận của Hội đồng thì ký thay Chủ tịch Hội đồng tại ô (10): “KT. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG – PHÓ CHỦ TỊCH”.

 

Mu số 79

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BIÊN BẢN HỌP XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG

Đề nghị công nhận1 ……………….

Hôm nay, ngày……. tháng……. năm……. tại…………………………………………………………

Hội đồng/Ban chỉ đạo xác nhận người có công……………………………… tổ chức cuộc họp đề nghị công nhận người có công.

  1. Thành phần dự họp
  2. Họ và tên: ………… chức danh: ……………………………… Chủ tịch/Trưởng ban;
  3. Họ và tên: ………… chức danh: ………………………… Thành viên;
  4. Họ và tên: ………… chức danh: ………………………… Thành viên.
  5. Nội dung xem xét
  6. Đề nghị công nhận liệt sĩ đối với
  7. Ông (bà): …………………… Ngày tháng năm sinh …………………………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia cách mạng: …………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh hoặc mất tích: ………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi hy sinh hoặc mất tích: ………………………………………………………..

Ngày tháng năm hy sinh/mất tích: ……………………………………………………………………..

Nơi hy sinh/mất tích: ……………………………………………………………………………………….

Trường hợp hy sinh hoặc mất tích: …………………………………………………………………….

Các ý kiến tham gia: ……………………………………………………………………………………….

Kết quả đề nghị của Hội đồng/Ban chỉ đạo:

– Số thành viên nhất trí: ………………………… (tỷ lệ: …………%)

– Số thành viên không nhất trí: ………………… (tỷ lệ …………%)

  1. Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………….
  2. II. Đề nghị công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh
  3. Ông (bà): …………………… Ngày tháng năm sinh …………………………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm nhập ngũ/tham gia cách mạng: …………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi bị thương: ………………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương: ……………………………………………………………………….

Ngày tháng năm bị thương: ……………………………………………………………………………..

Nơi bị thương: ………………………………………………………………………………………………

Trường hợp bị thương: ……………………………………………………………………………………

Các ý kiến tham gia: ……………………………………………………………………………………….

Kết quả đề nghị của Hội đồng/Ban chỉ đạo:

– Số thành viên nhất trí: ………………………… (tỷ lệ: …………%)

– Số thành viên không nhất trí: ………………… (tỷ lệ …………%)

  1. Ông (bà): ………………………………………………………………………………………………….
  2. Kết luận

Trường hợp của ông (bà)2 ……………… đủ điều kiện công nhận3 ……

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận./.

 

CÁC THÀNH VIÊN
(Ký, họ tên và đóng dấu)

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG/TRƯỞNG BAN
(Ký tên, đóng dấu)

____________________

1 Ghi rõ xác nhận liệt sĩ hoặc thương binh/người hưởng chính sách như thương binh.

2 Ghi rõ họ tên từng trường hợp đủ điều kiện.

3 Liệt sĩ hoặc thương binh/người hưởng chính sách như thương binh.

 

Mu số 80

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BIÊN BẢN HỌP ĐỒNG THUẬN

Giải quyết chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác

Hôm nay, ngày…….. tháng…….. năm…….., tại…………………………………………………….

  1. Thành phần

– Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã

– Các thành viên dự họp gồm:1

STT

Họ và tên

Nơi thường trú

CCCD/CMND/Hộ chiếu

Mối quan hệ với liệt sĩ

Số

Ngày cấp

Nơi cấp

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Nội dung:

Xác nhận bà/ông:……………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú tại: ………………………………………………………………………………………….

là vợ/chồng liệt sĩ2 ……..…….. đã lấy chồng/vợ khác nhưng vẫn chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống/vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

  1. Kết luận

Chúng tôi thống nhất đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi đối với bà/ông: …….. ./.

 

CÁC THÀNH VIÊN
(Ký và ghi rõ họ tên)

CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký tên, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Thân nhân liệt sĩ hoặc của những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, trường hợp những người này không còn thì của những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự.

2 Ghi họ và tên của liệt sĩ.

 

Mu số 81

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BIÊN BẢN BÀN GIAO HÀI CỐT LIỆT SĨ

Hồi……… giờ…… ngày…… tháng…… năm…… tại ……………………………………………..

Chúng tôi gồm:

  1. Bên giao1
  2. Cơ quan, đơn vị

Tên cơ quan, đơn vị: ………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

Người đại diện: …………………………………… Cấp bậc, chức vụ: …………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..

  1. Cá nhân

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………

CCCD/CMND số ……………… Ngày cấp ………… Nơi cấp ……………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với liệt sĩ: …………………………………………………………………………………………

  1. Bên nhận2
  2. Cơ quan, đơn vị

Tên cơ quan, đơn vị: ………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

Người đại diện: …………………………………… Cấp bậc, chức vụ: …………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..

  1. Cá nhân

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam/Nữ: ……………………………………

CCCD/CMND số ……………… Ngày cấp ………… Nơi cấp ……………………………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Quan hệ với liệt sĩ: …………………………………………………………………………………………

  1. Nội dung bàn giao hài cốt liệt sĩ

Tiến hành bàn giao hài cốt liệt sĩ3 ………………………………………………………………………

đã an táng tại4 ……………………………………………………………………………………………….

Tình trạng hài cốt:…………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

Việc giao nhận hài cốt liệt sĩ kết thúc hồi …… ngày…… tháng…… năm…………

Biên bản này được lập thành ……………… bản, có giá trị như nhau./.

 

…, ngày…. tháng…. năm ….
ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
Ký, đóng dấu (nếu có)
Họ và tên

…, ngày…. tháng…. năm .
ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN
Ký, đóng dấu (nếu có)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi mục 1 nếu là cơ quan, đơn vị. Ghi mục 2 nếu là cá nhân.

2 Ghi mục 1 nếu là cơ quan, đơn vị. Ghi mục 2 nếu là cá nhân.

3 Ghi rõ họ và tên liệt sĩ.

4 Ghi rõ vị trí mộ nếu an táng trong nghĩa trang liệt sĩ. Ghi rõ địa chỉ nơi an táng nếu an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ.

 

Mu số 82

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BIÊN BẢN BÀN GIAO MẪU HÀI CỐT LIỆT SĨ

Hồi ……. giờ……. ngày….. tháng….. năm……. tại ………………………………………………..

Chúng tôi gồm:

  1. Bên giao

Tên cơ quan, đơn vị:……………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

Người đại diện: …….…….…….…….…….…….……. Cấp bậc, chức vụ:……………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..

  1. Bên nhn

Tên cơ quan, đơn vị: ………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

Người đại diện: …….…….…….…….…….…….……. Cấp bậc, chức vụ:……………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..

  1. Nội dung bàn giao mẫu hài cốt liệt sĩ

Tiến hành bản giao mẫu hài cốt liệt sĩ

STT

Ký hiệu mẫu hài cốt

Vị trí m 1

Số lượng mẫu

Ghi chú

Răng

Xương

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việc giao nhận mẫu hài cốt liệt sĩ kết thúc hồi ……. ngày ……. tháng ……. năm …….

Biên bản này được lập thành …….…….……. bản, có giá trị như nhau./.

 

…, ngày…. tháng…. năm ….
ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

…, ngày…. tháng…. năm ….
ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN
(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Ghi rõ số mộ, hàng, lô, khu mộ trong nghĩa trang liệt sĩ.

 

 

Mu số 83

UBND ……………
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

 

 

DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI, CẤP ĐỔI BẰNG “TỔ QUỐC GHI CÔNG”
(Kèm theo công văn số …./… ngày… tháng…. năm… của…..)

STT

Họ và tên liệt sĩ

Chức v

Đối tượng

Quê quán (xã, huyện)

Quê quán (tỉnh)

Hy sinh ngày

Hy sinh tháng

Hy sinh năm

Thời kỳ

hiệu Bằng

Số Bằng

Số quyết định

Ngày quyết định

Tháng quyết định

Năm quyết định

A

Cấp lại

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B

Cấp đổi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày….. tháng….. năm…..
GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

 

Mu số 84

…..…..…..…..…..
…..…..…..…..…..

DANH SÁCH QUẢN LÝ MỘ TRONG NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

TT

Tên nghĩa trang liệt sĩ

Vị trí mộ liệt sĩ

Thông tin về phần mộ
(họ tên, ngày sinh, nguyên quán, …)

Thông tin di vật

Thông tin quy tập hoặc an táng hài cốt trước khi tiếp nhận

Thông tin về di chuyển hài cốt liệt sĩ

Ghi chú

S mộ

Hàng

Khu

Địa điểm

Đơn vị quy tập

Địa phương an táng sau di chuyn

Người di chuyển
(Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

I

Nghĩa trang liệt sĩ…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II

Nghĩa trang liệt sĩ…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

….., ngày … tháng … năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

 

 

Mu số 85

…….…….…….…….…….
…….…….…….…….…….

DANH SÁCH QUẢN LÝ MỘ LIỆT SĨ AN TÁNG NGOÀI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

TT

Họ và tên liệt sĩ

Nguyên quán

Nơi an táng trước đây

Đa bàn an táng
(thôn, xã, huyện)

Người di chuyển
(Ghi rõ mối quan hệ với liệt sĩ)

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

………, ngày … tháng … năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

 

Mu số 86

…….…….…….…….…….
…….…….…….…….…….

DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐIỀU DƯỠNG TẬP TRUNG VÀ ĐIỀU DƯỠNG TẠI NHÀ

Năm: ….…….…….

TT

Họ và tên

Địa chỉ

Đối tượng

Tháng năm điều dưỡng lần trước liền kề

Tình trạng sức khỏe

Hình thức điều dưỡng

Ghi chú

Tại nhà

Tập trung

I

Xã, phường, thị trn….

 

 

 

 

 

 

 

A

NCC thuộc diện ĐD mỗi năm 1 lần

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng A

 

 

 

 

 

 

 

B

NCC thuộc diện ĐD 02 năm một lần

 

 

 

 

 

 

 

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng B

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng (A+B)

 

 

 

 

 

 

 

II

Xã, phường, thị trn….

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng
(I + II + …)

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số đề nghị điều dưỡng trong năm:    Số người: ……….

Trong đó: – Điều dưỡng tập trung:                  Số người: ……….

                 – Điều dưỡng tại nhà:                      Số người: ……….

 


NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

……, ngày…… tháng…… năm……
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu)
Họ và tên

 

Mẫu số 87

…………………………………..
Đơn vị: …………………………

DANH SÁCH CẤP SỔ THEO DÕI PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ CHỈNH HÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

TT

Họ và tên

Nơi đăng ký thường trú/Cơ quan, đơn vị công tác

Số h sơ NCC

Loại phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình, vật phẩm phụ được hưởng

Niên hn sử dụng

Số tiền

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


NGƯỜI LẬP
(Ký, ghi rõ họ và tên)

……, ngày…tháng…năm…
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

 

Mu số 88

(Trang 1)

LƯU Ý

1. Không cho người khác mượn sổ theo dõi cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng (gọi tắt là Sổ theo dõi).

2. Sổ theo dõi ghi theo số quản lý của Phòng LĐTBXH hoặc Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh hoặc cơ quan, đơn vị của quân đội, công an.

3. Khi đến hạn cấp lại phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần mang theo:

– Sổ theo dõi.

– Giấy chứng nhận người có công (nếu chưa được cấp GCN thì có căn cước công dân)

4. Cần giữ gìn sổ sạch sẽ, không để nhàu nát. Trường hợp bị thất lạc Sổ theo dõi phải báo ngay cho Phòng LĐTBXH hoặc Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh nơi đang cư trú hoặc cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.

5. Khi sử dụng hết sổ hoặc thay đổi chỗ ở liên hệ với Phòng LĐTBXH hoặc cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý để đổi sổ mới.

(Mặt trong)

 

…………..
…………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 

 

 

SỔ THEO DÕI

CẤP PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Họ và tên: ……………………………………..

Số hồ sơ: ………………………………………

Nơi đăng ký thường trú/cơ quan, đơn vị công tác: ………………………………….

 

 

 

 

Số đăng ký: ………………………

(Số đăng ký là số hồ sơ/CSSK – Sổ bìa cứng, kích cỡ theo mẫu này)

 

 

(Mặt ngoài)

(Trang 2)

Ảnh 3×4 (đóng dấu nổi của Sở

Họ và tên: …………………………

Ngày, tháng, năm sinh: ………….

Nơi đăng ký thường trú: …………

Thuộc diện người có công: ………

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: …………

Tình trạng thương tật/bệnh tật: ….

 

 

TT

Phương tiện trợ giúp DCCH, phương tiện, thiết bị PHCN

Số tiền

Ngày cấp

Người cp ký

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xác nhn của cơ quan y tế về làm dụng cchỉnh hình, phục hồi chức năng

Ký, đóng dấu

Thời gian

Từ ngày …. tháng …. năm …. đến ngày …. tháng …. năm ….

 

Nội dung cần xác nhận

Dụng cụ chỉnh hình đã làm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày, tháng, năm nhận:

 

 

Loại trang cấp, niên hạn sử dụng

Phương tiện trợ giúp, DCCH, phương tiện, thiết bị PHCN được cấp

Niên hạn

Thời gian cấp kỳ liền kề

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

….., ngày….tháng….năm…
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

(Trang 3)

 

TT

Phương tiện trợ giúp DCCH, phương tiện, thiết bị PHCN

Số tiền

Ngày cấp

Người cp ký

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xác nhn của cơ quan y tế về làm dụng cchỉnh hình, phục hồi chức năng

Ký, đóng dấu

Thời gian

Từ ngày …. tháng …. năm …. đến ngày …. tháng …. năm ….

 

Nội dung cần xác nhận

Dụng cụ chỉnh hình đã làm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày, tháng, năm nhận:

 

 

 

TT

Phương tiện trợ giúp DCCH, phương tiện, thiết bị PHCN

Số tiền

Ngày cấp

Người cp ký

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xác nhn của cơ quan y tế về làm dụng cchỉnh hình, phục hồi chức năng

Ký, đóng dấu

Thời gian

Từ ngày …. tháng …. năm …. đến ngày …. tháng …. năm ….

 

Nội dung cần xác nhận

Dụng cụ chỉnh hình đã làm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày, tháng, năm nhận:

 

 

Mu số 89

……………………………….
Đơn vị: ……………………….

 

 

SỔ QUẢN LÝ NGƯỜI ĐƯỢC CẤP PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Số TT

Họ và tên

Nơi đăng ký thường trú/Cơ quan, đơn vị công tác

Số hồ sơ NCC

Số Sổ theo dõi trang cp

Loại phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng

Niên hạn sử dụng

Số tiền

Ngày cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP SỔ
(Ký, ghi rõ họ và tên)

……, ngày… tháng… năm …
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký, dấu)
Họ và tên

 

Mu số 90

………..
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/PXM-…

., ngày … tháng … năm …

 

PHIẾU XÁC MINH

  1. Thông tin về người mất tích

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú trước khi tham gia công tác hoặc nhập ngũ: …………………………………….

Ngày tháng năm tham gia công tác, nhập ngũ: ……………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị công tác trước khi mất tích: ………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ trước khi mất tích: ………………………………………………………………….

Ngày tháng năm mất tích: ………………………………………………………………………………..

Trong trường hợp: ………………………………………………………………………………………….

  1. Ý kiến xác minh1:

…………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………………… /.

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Kết luận về thông tin người mất tích và ghi rõ có hay chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.

 

Mu số 91

……………..
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số:       /………..

…, ngày… tháng… năm 20…

 

PHIẾU THẨM ĐỊNH

Hồ sơ đề nghị công nhận …………………….

Căn cứ Nghị định số ………………………………………………………………………………………. ;

Căn cứ………………………………………………………………………………………………………… ;

Theo đề nghị của ………………………………………………………………………………………….. ,

……..1…….. đã thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận

  1. Nội dung đối tượng tự khai

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh ………………………………………………………………………………………

CCCD/CMND số … Ngày cấp ………………. Nơi cấp …………………………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Tham gia công tác hoặc nhập ngũ ngày…… tháng…… năm……; xuất ngũ; …………

Bị thương (bị bệnh) ngày…… tháng…… năm…………

Nơi bị thương (bị bệnh): ………………………………………………………………………………….

Trường hợp bị thương (bị bệnh): ……………………………………………………………………….

  1. Căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương (bị bệnh): ………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Ý kiến thẩm định

Ông (bà): …………………………………… đủ điều kiện/không đủ điều kiện giám định ……………… theo quy định tại Nghị định số ………… của Chính phủ.

Lý do: ………………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị …………………… thông báo cho đối tượng biết và tổ chức thực hiện theo quy định./.

 

Người thẩm định
(Ký, ghi rõ họ tên)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú: 1 Cơ quan, đơn vị thẩm định.

 

Mu số 92

…………..
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 

…, ngày … tháng … năm …

 

PHIẾU THEO DÕI SAO HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG

Số hồ sơ: …………

  1. Thông tin nơi đề nghị sao hồ sơ

Tên cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức: ………………………………………………………………….

CCCD/CMND số (nếu có) ………………. Ngày cấp………… Nơi cấp ………………………..

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..

  1. Thành phần hồ sơ được sao
  2. 1. ……………………………………………………………………………………………………………….
  3. ……………………………………………………………………………………………………………….
  4. 3. ……………………………………………………………………………………………………………….
  5. 4. ……………………………………………………………………………………………………………….

III. Thông tin theo dõi sao hồ sơ

Lý do đề nghị sao hồ sơ: …………………………………………………………………………………

Ngày sao: …………………………………………………………………………………………………….

Lần sao số: …………………………………………………………………………………………………..

 

Người thực hiện sao
(Ký tên)
Họ và tên

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

 

Mu số 93

……….
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……./PB-…

….., ngày … tháng … năm …

 

PHIẾU BÁO DI CHUYỂN HỒ SƠ ……….1……….

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội …………..

………2……… di chuyển hồ sơ của3: ………………………………………………………………….

  1. Thông tin về người có công

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

CCCD/CMND số (nếu có) …………. Ngày cấp…………. Nơi cấp………………………………

Số hồ sơ: ……………………………………………………………………………………………………..

Các giấy tờ trong hồ sơ 4: ………………………………………………………………………………..

  1. Thông tin về thân nhân liệt sĩ

Ông/bà: ……………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh:……………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

CCCD/CMND số ………….……. Ngày cấp……………. Nơi cấp ……………………………….

  1. Thông tin di chuyển hồ sơ

Nơi thường trú trước khi di chuyển: ……………………………………………………………………

Nay chuyển đến thường trú tại: …………………………………………………………………………

Ông/bà …………. đã nhận trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đến hết… tháng… năm……………

Trợ cấp: ……………………………………………………………………………………………….. đồng

Phụ cấp: ……………………………………………………………………………………………….. đồng

Cộng = ………….…………. đồng (Bằng chữ ………….………….………….)

Các chế độ ưu đãi khác đã được giải quyết như sau: …………………………………………….

Đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với ông (bà) …………. kể từ tháng …. năm …/.

 


Nơi nhận:
– Như trên;
– Bộ LĐTBXH (Cục NCC)5;
– ….;
– Lưu: VT,…..

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Ký tên, dấu/chữ ký số của cơ quan, đơn vị)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ loại hồ sơ.

2 Tên cơ quan, đơn vị chuyển hồ sơ.

3 Nếu di chuyển hồ sơ liệt sĩ thì ghi tên liệt sĩ, nếu di chuyển hồ sơ người có công thì ghi tên người có công.

4 Liệt kê các loại giấy tờ có trong hồ sơ.

5 Áp dụng với trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập phiếu báo di chuyển.

 

Mẫu số 94

UBND HUYỆN ….
PHÒNG LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …../PB-….

….., ngày … tháng … năm ….

 

PHIẾU BÁO DI CHUYỂN HÀI CỐT LIỆT SĨ

Kính gửi: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội1 ………….

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội ……………… đã giải quyết việc di chuyển hài cốt liệt sĩ:

Họ và tên liệt sĩ: …………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm hy sinh: …………………………………………………………………………………

An táng tại:2 ………………………………………………………………………………………………….

Theo đề nghị của ông/bà:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

CCCD/CMND số ………… Ngày cấp……………….. Nơi cấp ………………………………………..

Quan hệ với liệt sĩ: …………………………………………………………………………………………

Hài cốt liệt sĩ được cất bốc và di chuyển về3 ………………………………………………………..

 


Nơi nhận:
– Như trên;
– ….;
– Lưu VT, …..

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký tên, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ hoặc (và) nơi đón nhận mộ liệt sĩ

2 3 Nơi an táng: ngoài nghĩa trang liệt sĩ (ghi rõ thôn, xã, huyện, tỉnh) hoặc tại nghĩa trang liệt sĩ (ghi rõ số mộ, hàng, lô, khu, tên nghĩa trang liệt sĩ, địa chỉ nghĩa trang).

 

Mu số 95

………
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 

Số hồ sơ: ……/…………

 

BẢN TRÍCH LỤC HỒ SƠ LIỆT SĨ

  1. Thông tin về liệt sĩ
  2. Thông tin trên giấy báo tử/giấy báo tử trận/giấy chứng nhận hy sinh:

Họ và tên: …………………………………………………….. Bí danh ……………………………

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………. Nam/Nữ: ………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú trước khi tham gia cách mạng/nhập ngũ: ………………………………………..

Ngày tháng năm tham gia cách mạng/nhập ngũ: …………………………………………………..

Ngày tháng năm hy sinh: …………………………………………………………………………………

Cơ quan, đơn vị khi hy sinh:……………………………………………………………………………..

Cấp bậc, chức vụ: ………………………………………………………………………………………….

Nơi hy sinh: …………………… Trường hợp hy sinh: ……………………………………………..

Giấy báo tử/Giấy báo tử trận/Giấy chứng nhận hy sinh số: …… ngày … tháng … năm… của
…………………………………………………………………………………………………………………..

  1. Các thông tin khác

Số Bằng TQGC:….Quyết định cấp bằng số: …… ngày … tháng … năm…

Thuộc đối tượng (QN, TNXP, CNVC, đối tượng khác): …………………………………………..

Mộ an táng tại (Nghĩa trang liệt sĩ/ngoài nghĩa trang liệt sĩ/chưa có thông tin): …………….

  1. II. Thông tin về thân nhân liệt sĩ

STT

Họ và tên

Năm sinh

Nơi thường trú

Quan hệ với liệt sĩ

1

 

 

 

 

 

 

 

 

III. Thông tin về người được ủy quyền thờ cúng liệt sĩ:

Họ và tên: …………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………… Nam/Nữ: ………………………..

Mối quan hệ với liệt sĩ: …………………………………………………………………………………….

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Hồ sơ được lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ………………………………..

Trích lục lại theo1 …… lưu tại2 ……, theo đề nghị của3 …. để thực hiện..

 

 

…, ngày … tháng … năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Họ tên, chữ ký, dấu)

____________________

Ghi chú:

1 Các giấy tờ căn cứ để trích lục.

2 Cơ quan ban hành bản trích lục.

3 Cơ quan, đơn vị, cá nhân đề nghị trích lục.

 

Mu số 96

………….
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số hồ sơ: ……./………

BẢN TRÍCH LỤC HỒ SƠ THƯƠNG BINH

  1. Thông tin cá nhân (ghi theo giấy chứng nhận bị thương)

Họ và tên: …………………………………………………… Bí danh ……………………………..

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………… Nam/Nữ: ……………………………

CCCD/CMND số ………… Ngày cấp ………… Nơi cấp ………………………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm tham gia cách mạng/nhập ngũ: …………………………………………………..

  1. Thông tin về các lần bị thương (ghi theo giấy chứng nhận bị thương)

Ngày tháng năm bị thương: ……………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị khi bị thương: ………………………………………………………………………….

Cấp bậc, chức vụ khi bị thương: ……………………………………………………………………….

Trường hợp bị thương: ……………………………………………………………………………………

Nơi bị thương: ………………………………………………………………………………………………

Loại đối tượng QN, TNXP, CNVC, đối tượng khác: ……………………………………………….

Giấy chứng nhận bị thương số: ………… ngày … tháng … năm… của ……………………….

Các vết thương: …………………………………………………………………………………………….

  1. Thông tin về các lần khám giám định (ghi theo biên bản giám định y khoa)

Biên bản giám định y khoa số: ……………… ngày … tháng … năm …… của Hội đồng giám định y khoa: ………………………………………………………………………………

Các vết thương đã khám: ………………………………………………………………………………..

Tỷ lệ tổn thương cơ thể: ………………………… (ghi rõ vĩnh viễn hoặc tạm thời)

  1. Thông tin về trợ cấp, phụ cấp

Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp số: …. ngày… tháng… năm …. của …… được công nhận là: ………………………………………………………………

Thời điểm hưởng trợ cấp, phụ cấp (nếu có): ………………………………………………………..

Quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp số: … ngày … tháng … năm …. của …….. (nếu có)

Thời điểm điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp (nếu có): ……………………………………………………

Trích lục lại theo1… lưu tại2…, theo đề nghị của3…. để thực hiện ……………………………….

 

 

…., ngày … tháng …. năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(Họ tên, chữ ký, dấu)

____________________

Ghi chú:

1 Các giấy tờ căn cứ để trích lục.

2 Cơ quan ban hành bản trích lục.

3 Cơ quan, đơn vị, cá nhân đề nghị trích lục.

 

Mu số 97

UBND………..
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số hồ sơ: ……/…….

BẢN TRÍCH LỤC HỒ SƠ BỆNH BINH

Họ và tên: …………………………………………………….. Bí danh…………………………….

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………….. Nam/Nữ:………………………….

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm tham gia công tác/nhập ngũ: ………………………………………………………

Ngày tháng năm xuất ngũ: ……………………………………………………………………………….

Cơ quan, đơn vị: ……………………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ khi xuất ngũ: …………………………………………………………………………

Thời gian công tác liên tục trong quân đội/công an: ………… năm…… tháng…

Ngày tháng năm bị bệnh: …………………………………………………………………………………

Đã điều trị tại …… từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng… năm…

Giấy chứng nhận bị bệnh số: … ngày … tháng … năm … của ……………………

Tình trạng bệnh tật: ………………………………………………………………………………………..

Biên bản giám định y khoa số: ngày … tháng … năm … của ……………………

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật ……………………%.

Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp số: … ngày … tháng … năm … của …………

Thời điểm hưởng trợ cấp, phụ cấp: ……………………………………………………………………

Hồ sơ được lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ………………………………………

Trích lục lại theo1… lưu tại2…, theo đề nghị của3…. để thực hiện ……………………………….

 

 

…, ngày … tháng … năm ….
GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Các giấy tờ căn cứ để trích lục.

2 Cơ quan ban hành bản trích lục.

3 Cơ quan, đơn vị, cá nhân đề nghị trích lục.

 

Mẫu số 98

UBND………
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số hồ sơ: ……/………

BẢN TRÍCH LỤC HỒ SƠ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC

  1. Thông tin về người hoạt động kháng chiến

Họ và tên: …………………………………………………………… Bí danh……………………..

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………….. Nam/Nữ:……………………

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm công tác/nhập ngũ: ………………………………………………………………….

Giấy tờ chứng minh có thời gian hoạt động ở chiến trường: …………………………………….

Cơ quan, đơn vị: ……………………………………………………………………………………………

Tình trạng bệnh tật theo hồ sơ1: ………………………………………………………………………..

Biên bản giám định y khoa số: ……………… ngày … tháng … năm …… của Hội đồng…

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do nhiễm CĐHH: ……………………………………………………………

Thời điểm hưởng trợ cấp, phụ cấp (nếu có): ………………………………………………………..

  1. Thông tin về con đẻ của người hoạt động kháng chiến được hưởng chế độ trợ cấp

TT

Họ và tên

Năm sinh

Tình trạng dị dạng, dị tật

Số Biên bản GĐYK

Tỷ lệ TTCT

Thời điểm hưởng trợ cấp hằng tháng

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trích lục lại theo2… lưu tại3…, theo đề nghị của4 …. để thực hiện ……….

Hồ sơ được lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ………………../.

 

 

…., ngày … tháng …. năm ….
GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Ghi rõ vô sinh; không có vợ hoặc chồng; đã có con trước khi tham gia kháng chiến sau khi về địa phương không sinh con được; sinh con bị dị dạng, dị tật; mắc bệnh liên quan đến nhiễm chất độc hóa học…

2 Các giấy tờ căn cứ để trích lục.

3 Cơ quan ban hành bản trích lục.

4 Cơ quan, đơn vị, cá nhân đề nghị trích lục.

 

Mu số 99

UBND…….
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số hồ sơ: ……/……….

BẢN TRÍCH LỤC HỒ SƠ1………….

Họ và tên: ……………….………………………………………… Bí danh……………………….

Ngày tháng năm sinh: …………………………………………… Nam/Nữ:……………………..

Quê quán: ……………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: ……………………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm tham gia cách mạng: ………………………………………………………………..

Ngày vào Đảng (nếu có): ……………………………… Ngày chính thức: ……………………..

Có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng … năm …

2Thâm niên công tác: ………………………………………………………………………………………

3Chức vụ: …………………………………………………………………………………………………….

Quyết định công nhận số: ………… ngày….. tháng…. năm………… của…………………….

Quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi số …….. ngày….tháng….năm….của …………………………………………………………………………

Hồ sơ được lưu tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh ………………………………..

 

 

…, ngày … tháng … năm ….
GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

____________________

Ghi chú:

1 Áp dụng cho người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/4945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

2 Áp dụng đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.

3 Áp dụng đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

 

Mu số 100

UBND TỈNH, THÀNH PHỐ ….
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: …./BC-….

.., ngày … tháng … năm …..

 

BÁO CÁO TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG NGƯỜI CÓ CÔNG
(Tỉnh đến ngày ….. tháng …. năm ….)

Kính gửi: ………………..

TT

Tên đối tượng

Tổng số NCC đã công nhận

Người hưởng trợ cấp hằng tháng

Người hưởng trợ cấp mỗi năm một lần

Người hưởng trợ cấp một lần

Ghi chú

Năm cũ chuyển sang

Tăng trong năm

Giảm trong năm

Số hiện hưởng

Năm cũ chuyển sang

Tăng trong năm

Giảm trong năm

Số hin hưởng

1

Người HĐCM trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.1

Người HĐCM trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1.2

Thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó thân nhân được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Người HĐCM từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.1

Người HĐCM từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.2

Thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó thân nhân được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Lit sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.1

Thân nhân của một liệt sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.2

Thân nhân của hai liệt sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.3

Thân nhân của ba liệt sĩ trở lên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.4.

Thân nhân liệt sĩ được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.5

Người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.6

Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Bà mẹ Việt Nam anh hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7.1

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 21% – 40%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 41% – 60%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 61% – 80%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 81% trở lên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó có vết thương đặc biệt nặng:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7.2

Thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó thân nhân được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

Bệnh binh và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8.1

Bệnh binh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 61% – 80%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 81% trở lên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó có bệnh tật đặc biệt nặng:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8.2

Thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó thân nhân được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

Người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9.1

Người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 21% – 40%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 41% – 60%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 61% – 80%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 81% trở lên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó có bệnh tật đặc biệt nặng:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9.2

Con đẻ của người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 61% – 80%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ 81% trở lên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9.3

Thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó thân nhân được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10

Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10.1

Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10.2

Thân nhân của người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ TQ và làm nghĩa vụ quốc tế và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11.1

Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ TQ và làm nghĩa vụ quốc tế

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11.2

Thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ TQ và làm nghĩa vụ quốc tế chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12

Người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12.1

Người có công giúp đỡ cách mạng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12.1.1

Được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó người được hưởng thêm trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12.1.2

Được tặng Huân chương kháng chiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó người được hưởng thêm trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12.1.3

Được tặng Huy chương kháng chiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12.2

Thân nhân của người có công giúp đỡ cách mạng chết mà chưa hưởng chế độ ưu đãi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GIÁM ĐỐC
(Chữ ký, dấu)
Họ và tên

Ghi chú: Đơn vị có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sửa đổi tiêu đề, nội dung, đối tượng báo cáo cho phù hợp.

 

Mẫu số 101

…………………….
TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
——–

 

 

BÁO CÁO SỐ LƯỢNG NGƯỜI VÀ DANH SÁCH, SỔ QUẢN LÝ ĐANG DO ĐỊA PHƯƠNG/CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LƯU GIỮ
(Kèm theo công văn số …/….. ngày….. tháng…. năm…… của…………. )

  1. Danh sách, sổ quản lý liệt sĩ

STT

Tên danh sách, sổ

Số người trong danh sách, sổ

(ghi từ số thứ tự…đến số thứ tự…)

Thời gian lập danh sách, sổ

(Nếu có)

Thời gian chốt danh sách, s

Cơ quan lập

Cơ quan lưu giữ

1

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng:…………………… người trong danh sách, sổ quản lý liệt sĩ.

II. Danh sách quân nhân bị thương

STT

Tên danh sách, sổ

Số người trong danh sách, sổ

(ghi từ số thứ tự…đến số thứ tự…)

Thời gian lập danh sách, sổ

(Nếu có)

Thời gian chốt danh sách, s

Cơ quan lập

Cơ quan lưu giữ

1

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng:………….. người trong danh sách quân nhân bị thương.

III. Danh sách, số quản lý quân nhân, số chi trả trợ cấp quân nhân đi B

STT

Tên danh sách, sổ

Số người trong danh sách, sổ

(ghi từ số thứ tự…đến số thứ tự…)

Thời gian lập danh sách, sổ

(Nếu có)

Thời gian chốt danh sách, sổ

Cơ quan lập

Cơ quan lưu giữ

1

 

 

 

 

 

 

….

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng:…………. người trong danh sách.

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
(, đóng dấu)
Họ và tên

 

Ghi chú: Địa phương/cơ quan, đơn vị có trách nhiệm rà soát, tránh trường hợp trùng đối tượng do được ghi nhận tại các danh sách hay sổ quản lý khác nhau.

 

Mẫu số 102

(Mặt trước)

 

Ảnh

(02x03cm)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

GIẤY CHỨNG NHẬN …..1…….

Số:……2

Họ và tên:…………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh:……………………………………..

 

 

Ngày…………tháng…………năm……..
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu của cơ quan, tổ chức)
Họ và tên

 

 

 

(Mặt sau)

CCCD/CMND/GKS số:……………….. Ngày cấp……………….. Nơi cấp …………………………

Quê quán: …………………………………………………………………………………………………

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………………..

Được cấp giấy chứng nhận theo quyết định số…… ngày…… tháng…… năm……………. của.

Tỷ lệ tổn thương cơ thể (nếu có): ………………………………………………………………………

 

___________________

Ghi chú: Giấy chứng nhận được in bằng chất liệu giấy cứng, kích thước 9×6 cm, đường diềm và bốn góc bên ngoài đường diềm được trang trí bằng các họa tiết hoa văn, hình nền in hình trống đồng và hình ngôi sao ở giữa. Nội dung, bố cục, phông chữ, cỡ chữ, màu sắc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định đảm bảo đẹp, trang trọng, đầy đủ nội dung theo quy định.

1 Ghi rõ tên đối tượng (ví dụ: người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, thương binh, thân nhân liệt sĩ,…).

2 Số giấy chứng nhận người có công và thân nhân là số ký hiệu của hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi, áp dụng đối với cả trường hợp cấp lại.

 

Mẫu số 103

UBND TỈNH ….
SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: ……/BT-LĐTBXH

….., ngày…tháng…năm….

 

GIẤY BÁO TIN MỘ

Kinh gửi: ………………………………………..

SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRÂN TRỌNG BÁO TIN

Liệt sĩ: ……………………………………………………………………………………………………

Ngày tháng năm sinh …………………………………………………………………………………..

Quê quán:  ………………………………………………………………………………………………

Cấp bậc, chức vụ: ……………………………………………………………………………………..

Đơn vị: ………………………………………………………………………………………………….

Ngày tháng năm hy sinh: ………………………………………………………………………………

Phần mộ liệt sĩ đã được nhân dân và chính quyền địa phương xây cất, tôn tạo tại nghĩa trang liệt sĩ: ………………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………..

 

 

GIÁM ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)
Họ và tên

 

Ghi chú: Giấy báo tin được in bằng chất liệu giấy cứng, kích thước 16,5 x 10,5 cm, hình nền in hình hoa văn. Nội dung, bố cục, phông chữ, cỡ chữ, màu sắc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thiết kế đảm bảo đẹp, trang trọng, đầy đủ nội dung theo quy định.

 

Mẫu số 104

Ghi chú: Bằng “Tổ quốc ghi công” được in bằng chất liệu giấy cứng, kích thước là 43,5 cm x 35 cm. Chính giữa phía trên là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai bên có các khối hoa văn chuyển tiếp giữa Quốc huy và đường diềm trang trí. Nội dung, bố cục, phông chữ, cỡ chữ, màu sắc do cơ quan có thẩm quyền in bằng thiết kế đảm bảo đẹp, trang trọng, đầy đủ nội dung theo quy định.

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC NGÀY KHỞI NGHĨA TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Ngày khởi nghĩa

Tên địa phương

14/8/1945

Quảng Ngãi

18/8/1945

Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam

19/8/1945

Hà Nội, Thái Bình, Phúc Yên, Khánh Hòa

20/8/1945

Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Sơn Tây

21/8/1945

Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Tân An

22/8/1945

Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An

23/8/1945

Hải Phòng, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Bạc Liêu, Thừa Thiên – Huế

24/8/1945

Hà Nam, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuật, Phú Yên, Gò Công, Mỹ Tho, Sài Gòn

25/8/1945

Lạng Sơn, Phú Thọ, Kon Tum, Bình Thuận, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc

26/8/1945

Sơn La, Châu Đốc, Cần Thơ, Quảng Ninh (Hòn Gai)

27/8/1945

Rạch Giá

28/8/1945

Đồng Nai Thượng, Hà Tiên

31/8/1945

Vĩnh Yên

Các tỉnh và địa phương còn lại thống nhất lấy ngày 19 tháng 8 năm 1945 để làm căn cứ./.

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC ĐỊA BÀN ĐỊCH CHIẾM ĐÓNG, ĐỊA BÀN CÓ CHIẾN SỰ, ĐỊA BÀN TIẾP GIÁP VÙNG ĐỊCH CHIẾM ĐÓNG
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

  1. Trong kháng chiến chống Pháp
  2. Địa bàn cả nước.
  3. Thời gian: Từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954.
  4. Trong kháng chiến chống Mỹ
  5. Địa bàn toàn miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) và ở Lào, Campuchia. Thời gian: Sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975.
  6. Địa bàn toàn miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra). Thời gian: Từ tháng 8/1964 đến tháng 01/1973.

Lần 1 từ tháng 8 năm 1964 đến tháng 11 năm 1968.

Lần 2 từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 01 năm 1973.

III. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

  1. Biên giới phía Bắc (thời gian chiến tranh biên giới, hải đảo khu vực phía Bắc từ tháng 02/1979 đến ngày 31/12/1988)

Địa bàn biên giới có chiến sự

Địa bàn phụ cận có chiến sự

TT

Tên huyện biên giới

TT

Tên huyện (xã)

Thời gian

TỈNH LẠNG SƠN

1

Huyện Cao Lộc

1

Huyện Văn Quan: Xã Khánh Khê.

02/1979 – 3/1979

2

Huyện Lộc Bình

2

Thị xã Lạng Sơn (nay TP Lạng Sơn): Phường Đông Kinh, Vĩnh Trại, Hoàng Văn Thụ, Tam Thanh, Chi Lăng; xã Hoàng Đồng, Mai Pha, Quảng Lạc.

02/1979 – 3/1979

3

Huyện Đình Lập

 

 

 

4

Huyện Tràng Định

 

 

 

5

Huyện Văn Lãng

 

 

 

TỈNH CAO BẰNG

1

Huyện Hà Quảng (gồm cả huyện Thông Nông cũ)

1

Huyện Nguyên Bình: Xã Bắc Hợp, Minh Tâm, Lang Môn.

02/1979 – 3/1979

 

 

1

Tx Cao Bằng: Phường Sông Hiến, Sông Bằng, Hợp Giang, Tân Giang; xã Ngọc Xuân, Đề Thám, Hòa Chung, Duyệt Trung.

02/1979-3/1979

2

Huyện Trùng Khánh (gồm cả huyện Trà Lĩnh cũ)

2

Huyện Hòa An: Xã Công Trừng.

02/1979

3

Huyện Quảng Hòa

 

 

 

4

Huyện Hạ Lang

 

 

 

5

Huyện Thạch An

 

 

 

6

Huyện Bảo Lạc

 

 

 

7

Huyện Bảo Lâm

 

 

 

TỈNH HÀ GIANG (tên cũ là tỉnh Hà Tuyên)

1

Huyện Đồng Văn

1

Huyện Bắc Quang: Xã Tân Lập; Đông Tâm; Đồng Tiến; Thượng Bình; Hữu Sản.

02/1979 – 31/12/1988

2

Huyện Quản Bạ

2

Huyện Bắc Quang (nay Quang Bình): Xã Xuân Minh; Tiên Nguyên; Tân Nam; Yên Thành; Bản Rịa.

02/1979 – 31/12/1988

3

Huyện Hoàng Su Phì

3

Huyện Bắc Mê: Xã Giáp Trung; Yên Định.

02/1979 – 31/12/1988

4

Huyện Yên Minh

4

Thị xã Hà Giang (nay TP Hà Giang): Phường Ngọc Đường; Phương Độ; Phương Thiện.

02/1979 – 31/12/1988

5

Huyện Xín Mần

 

 

 

6

Huyện Vị Xuyên

 

 

 

7

Huyện Mèo Vạc

 

 

 

TỈNH LÀO CAI (tên cũ là tỉnh Hoàng Liên Sơn)

1

Huyện Bát Xát

1

Thị xã Sa Pa (tên cũ là huyện Sa Pa):

– Xã Tả Giàng Phình; Bản Khoang; Tả Phìn; Trung Chải.

– Bản Phùng; Suối Thầu; Nậm Cang; Hầu Thào; Thanh Kim.

02/1979 – 3/1979 02/1979 -31/12/1988

2

Huyện Si Ma Cai

3

Huyện Bắc Hà

2

Huyện Bảo Yên: Xã Tân Tiến; Nghĩa Đô; Xuân Hòa; Điện Quan.

02/1979 – 4/1979

4

Huyện Mường Khương

 

 

 

5

Huyện Bảo Thắng

 

 

 

6

TP Lào Cai (tên cũ là thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường)

 

 

 

TỈNH LAI CHÂU

1

Huyện Mường Tè

1

Huyện Tam Đường: Xã Tả Lèng.

02/1979 – 3/1979

2

Huyện Phong Thổ

 

 

 

3

Huyện Sìn Hồ

 

 

 

TỈNH ĐIỆN BIÊN (tên cũ là tỉnh Lai Châu)

1

Huyện Mường Nhé

 

 

 

TỈNH QUẢNG NINH

1

TP Móng Cái (tên cũ là huyện Hải Ninh)

1

Huyện Tiên Yên: Xã Điền Xá, Hà Lâu, Phong Dụ, Đại Dực, Đông Hải.

02/1979 – 12/1988

2

Huyện Hải Hà (tên cũ là huyện Quảng Hà, huyện Đầm Hà)

2

TP Cẩm Phả (tên cũ là thị xã Cẩm Phả): Phường Cửa Ông, Mông Dương.

02/1979 – 12/1988

3

Huyện Đầm Hà (tên cũ là huyện Quảng Hà)

 

 

 

4

Huyện Bình Liêu

 

 

 

5

Huyện Vân Đồn (tên cũ là huyện Cẩm Phả)

 

 

 

6

Huyện Cô Tô (tên cũ là huyện Cẩm Phả)

 

 

 

  1. Biên giới Tây Nam (thời gian chiến tranh biên giới, hải đảo khu vực Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979)

Địa bàn biên giới có chiến sự

Địa bàn phụ cận có chiến sự

TT

Tên huyện biên giới

TT

Tên huyện (xã)

Thời gian

TỈNH QUẢNG NAM

1

Huyện Tây Giang

 

 

 

2

Huyện Nam Giang

 

 

 

TỈNH KON TUM

1

Huyện Đắk Tô (nay là huyện Sa Thầy)

1

Huyện Đắk Glei (nay là huyện Ngọc Hồi): Xã Sa Loong, xã Pờ Y, xã Đắk Xú.

5/1975 – 07/01/1979

TỈNH GIA LAI

1

Huyện Chư Păh (nay h. Ia Grai và 4 xã/h. Đức Cơ)

 

 

 

2

Huyện Chư Prông

 

 

 

3

Huyện Đức Cơ

 

 

 

TỈNH ĐK LẮK

1

Huyện Ea Súp

 

 

 

2

Huyện Buôn Đôn

 

 

 

TỈNH ĐẮK NÔNG

1

Huyện Đắk Nông (nay huyện Đắk Glong, Đắk R’Lấp, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa).

 

 

 

2

Huyện Đắk Mil (nay Đắk Mil, Đắk Song, Cư Jút, KrôngNô).

 

 

 

TỈNH LONG AN

1

Huyện Đức Huệ

 

 

 

2

Huyện Mộc Hóa (nay Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thanh Hóa)

 

 

 

TỈNH BÌNH PHƯỚC

1

Huyện Lộc Ninh (nay Lộc Ninh và Bù Đốp)

1

Huyện Hớn Quản: Xã Minh Đức.

5/1975 – 01/1979

2

Huyện Phước Long (nay thị xã Phước Long và Bù Gia Mập)

2

Huyện Bình Long (TX Bình Long): Xã Thanh Lương.

5/1975 – 01/1979

TỈNH TÂY NINH

1

Huyện Tân Biên (nay huyện Tân Biên và huyện Tân Châu)

 

 

 

2

Huyện Châu Thành

 

 

 

3

Huyện Bến Cầu

 

 

 

4

Huyện Trảng Bàng

 

 

 

TỈNH KIÊN GIANG

1

Huyện Hà Tiên (nay thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành)

1

Huyện An Biên: Xã Nam Du.

5/1975 – 01/1979

2

Huyện Phú Quốc

 

 

 

TỈNH AN GIANG

1

Huyện Tịnh Biên (trước là huyện Bảy Núi)

 

 

 

2

Huyện Tri Tôn (trước là huyện Bảy Núi)

 

 

 

3

Huyện Phú Châu (nay huyện An Phú; thị xã Tân Châu)

 

 

 

4

Thị xã Châu Đốc

 

 

 

TỈNH ĐỒNG THÁP

1

Hồng Ngự (nay h. Hồng Ngự; huyện Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự)

1

Huyện Thanh Bình (nay huyện Tam Nông); xã An Long, xã Phú Hiệp (nay xã An Long, xã Phú Hiệp, xã Phú Đức).

5/1975 – 01/1979

  1. Truy quét Ful rô (thời gian từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1992)

Địa bàn truy quét Ful rô

Địa bàn phụ cận có chiến sự

TT

Tên huyện

TT

Tên huyện (xã)

Thời gian

TỈNH KON TUM

1

Huyện Đắk Tô (nay huyện Sa Thầy)

 

 

 

2

Huyện Ngọc Hồi

 

 

 

3

Huyện Đắk Glei

 

 

 

4

Huyện Kon Rẫy

 

 

 

5

Thành phố Kon Tum

 

 

 

6

Huyện Đắk Hà

 

 

 

7

Huyện Tu Mrông

 

 

 

8

Huyện Sa Thầy

 

 

 

9

Huyện Kon PLong

 

 

 

TỈNH GIA LAI

1

Thị xã Pleiku (nay TP Pleiku)

1

Huyện Chư Sê: Xã Ia Tiêm, AL Bá, Bờ Ngoang.

01/1981 – 11/1981

2

Huyện Mang Yang (nay h.Đắk Đoa và h.Mang Yang)

 

 

 

3

Huyện Chư Prông

 

 

 

4

Huyện 3 (nay h. Mang Yang)

 

 

 

5

Huyện 4 (nay 2 h.Đắk Đoa và Mang Yang)

 

 

 

6

Huyện 11 (nay h.Phú Thiện)

 

 

 

7

Huyện Krông Pa

 

 

 

8

Huyện Ayun Pa (nay h. Phú Thiện)

 

 

 

9

Huyện Chư Păh

 

 

 

10

Huyện An Khê (nay TX An Khê)

 

 

 

TỈNH ĐẮK LẮK

1

Huyện 1 (nay huyện M’Đrắk)

 

 

 

2

Huyện 3 và 4 (nay huyện Ea H’leo)

 

 

 

3

Huyện 5 (nay huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn và Ea Súp)

 

 

 

4

Huyện 6 (nay TP.Buôn Ma Thuột)

 

 

 

5

Huyện 9 (nay huyện Krông Pắk, Krông Bông và Ea Kar)

 

 

 

6

Huyện 10 (nay huyện Lắk)

 

 

 

7

Thị xã Buôn Hồ

 

 

 

TỈNH ĐẮK NÔNG

1

Huyện Đắk Nông (nay huyện Đắk Glong, Đắk R’Lấp, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa)

 

 

 

2

Huyện Đắk Mil (nay huyện Đắk Mil, Đắk Song, Cư Jút và Krông Nô)

 

 

 

TỈNH BÌNH ĐỊNH

 

 

1

Huyện Vân Canh: Xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, TT Vân Canh.

01/1983 – 12/1985

 

 

2

Huyện Tây Sơn: Xã Vĩnh An, Tây Thuận, Tây Giang.

5/1975 – 4/1992

TỈNH NINH THUẬN

 

 

1

Huyện An Sơn (nay h. Ninh Sơn): Xã Lâm Sơn, xã Ma Nới.

4/1976 – 12/1985

 

 

2

Huyện Ninh Hải (nay h. Thuận Bắc): Xã Phương Hải.

4/1976 – 12/1985

 

 

3

Huyện An Phước (nay h. Ninh Phước): Xã Phước Thái.

4/1976 – 12/1985

 

 

4

Huyện An Phước (nay h. Thuận Nam): Xã Phước Nam, Phước Hà, Hà Nhị.

4/1976 – 12/1985

 

 

5

Huyện Ninh Sơn: Xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn.

5/1975-12/1987

 

 

6

Huyện Thuận Bắc: Xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn.

5/1975-12/1987

 

 

7

Huyện Ninh Phước: Xã Phước Hữu, Phước Hải, An Hải, Phước Dân, Phước Sơn, Phước Vĩnh.

5/1975-12/1987

 

 

8

Huyện Thuận Nam: Xã Phước Diễm, Cà Ná.

5/1975-12/1987

 

 

9

Huyện Ninh Hải: Xã Nhơn Hải.

5/1975-12/1987

TỈNH KHÁNH HÒA

 

 

1

Huyện Cam Ranh (nay h. Khánh Sơn): Xã Thành Sơn.

1978 – 1979

 

 

2

Huyện Diên Khánh (nay h. Khánh Vĩnh): Xã Khánh Lê, Khánh Thượng (nay là xã Sơn Thái, Xã Liên Sang, xã Cầu Bà, xã Giang Ly, xã Khánh Thượng).

3/1978-3/1980

 

 

3

Huyện Khánh Ninh (nay h. Ninh Hòa): Xã Ninh Sim, Ninh Thượng, Ninh Tân, Ninh An (nay TX Ninh Hòa, xã Ninh Tây, Ninh Thượng, Ninh Tân, Ninh Sơn).

02/1977 – 4/1988

TỈNH BÌNH PHƯỚC

1

Huyện Bù Đăng

 

 

 

2

Huyện Bình Long (nay h. Hớn Quản và TX. Bình Long)

 

 

 

3

Huyện Đông Phú

 

 

 

4

Huyện Phước Long (nay TX Phước Long và huyện Bù Gia Mập)

 

 

 

5

Huyện Lộc Ninh (nay h. Lộc Ninh và h. Bù Đốp)

 

 

 

TỈNH LÂM ĐỒNG

1

Huyện Lạc Dương (nay h.Lạc Dương và h.Đam Rông)

 

 

 

2

Thành phố Đà Lạt

 

 

 

3

Huyện Đơn Dương

 

 

 

4

Huyện Đức Trọng (nay huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà)

 

 

 

5

Huyện Di Linh

 

 

 

6

Huyện Bảo Lộc (nay thành phố Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai và huyện Bảo Lâm)

 

 

 

7

Huyện Đạ Huoai (nay là huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên)

 

 

 

TỈNH BÌNH THUẬN

 

 

1

Huyện Tuy Phong: Xã Phú Lạc.

5/1975 – 12/1992

 

 

2

Huyện Bắc Bình: Xã Phan Sơn, Phan Lâm.

5/1975 – 12/1992

TNH ĐỒNG NAI

 

 

1

Huyện Tân Phú: Xã Phú An, Phú Sơn, Phú Trung.

1977 – 12/1980

TỈNH PHÚ YÊN

 

 

1

Huyện Sông Hinh: Xã Ea Lâm, Ea Ly, Sông Hinh.

5/1975-12/1992

 

PHỤ LỤC IV

DANH MỤC ĐỊA BAN BIÊN GIỚI, TRÊN BIỂN, HẢI ĐẢO ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn, dễ xảy ra ốm đau, tai nạn; gây cản trở đến việc cấp cứu; có cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu thốn và đội ngũ y bác sĩ không thể đáp ứng được cứu chữa kịp thời cho người bị ốm đau, tai nạn nên dẫn đến tử vong, cụ thể như sau:

TT

Tên tỉnh

Tên huyện

Tên xã, đảo

1

Quảng Ninh

01 huyện

01 đảo

 

 

Huyện Cô Tô

Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân

2

Hải Phòng

01 huyện đảo

 

 

 

Huyện đảo Bạch Long Vĩ

 

3

Cao Bằng

02 huyện

05 xã

 

 

1. Huyện Hà Quảng

1. Xã Tống Cọt

2. Xã Lũng Nặm

 

 

2. Huyện Bảo Lạc

1. Xã Xuân Trường

2. Xã Cô Ba

3. Xã Cốc Pàng

4

Lào Cai

02 huyện

04 xã

 

 

1. Huyện Mường Khương

1. Xã Tả Gia Khâu

2. Xã Nậm Chảy

 

 

2. Huyện Bát Xát

1. Xã Y Tý

2. Xã Trịnh Tường

5

Hà Giang

07 huyện

33 xã

 

 

1. Huyện Mèo Vạc

1. Xã Sơn Vĩ

2. Xã Thượng Phùng

3. Xã Xín Cái

 

 

2. Huyện Hoàng Su Phì

1. Xã Thàng Tín

2. Xã Bản Máy

3. Xã Thèn Chu Phin

4. Xã Phố Lồ

 

 

3. Huyện Đồng Văn

1. Xã Ma Lé

2. Xã Phố Là

3. Xã Sủng Là

4. Xã Sà Phìn

5. Lũng Táo

6. Xã Lũng Cú

7. Xã Phố Cáo

8. Thị trấn Đồng Văn

9. Thị trấn Phó Bảng (thị trấn Phố Bảng)

 

 

4. Huyện Quản Bạ

1. Xã Nghĩa Thuận

2. Xã Tả Ván

3. Xã Cao Mã Pờ

4. Xã Bát Đại Sơn

5. Xã Tùng Vài

 

 

5. Huyện Yên Minh

1. Xã Bạch Đích

2. Xã Thắng Mố

3. Xã Na Khê

 

 

6. Huyện Vị Xuyên

1. Xã Thanh Thủy

2. Xã Lao Chải

3. Xã Minh Tân

4. Xã Xin Chải

5. Xã Thanh

 

 

7. Huyện Xín Mần

1. Xã Xín Mần

2. Xã Pa Vầy Sủ

3. Xã Chí Cà

4. Xã Nàn Xỉn

6

Điện Biên

03 huyện

06 xã

 

 

1. Huyện Mường Nhé

1. Xã Sín Thầu

2. Xã Chung Chải

3. Xã Mường Nhé

 

 

2. Huyện Nậm Pồ

1. Xã Si Pha Phin

2. Xã Nà Hỳ

 

 

3. Huyện Điện Biên

1. Xã Mường Lói

7

Lai Châu

04 huyện

16 xã

 

 

1. Huyện Phong Thổ

1. Xã Nậm Xe

2. Xã Sì Lở Lầu

3. Xã Pa Vầy Sử

4. Xã Mồ Sì San

5. Xã Tung Qua Lìn

6. Xã Mù Sang

7. Xã Vàng Ma Chải

8. Xã Dào San

 

 

2. Huyện Sìn Hồ

Xã Pa Tần

 

 

3. Huyện Nậm Nhùn

1. Xã Nậm Ban

2. Xã Hua Bum

 

 

4. Huyện Mường Tè

1. Xã Pa Ú

2. Xã Mù Cả

3. Xã Thu Lũm

4. Xã Pa Vệ Sủ

5. Xã Ka Lăng

8

Sơn La

01 huyện

05 xã

 

 

Huyện Sốp Cộp

1. Xã Nậm Lạnh

2. Xã Mường Lèo

3. Xã Mường Và

4. Xã Mường Lạn

5. Xã Mường Cai

9

Thanh Hóa

02 huyện

04 xã

 

 

1. Huyện Mường Lát

1. Xã Quang Chiểu

2. Xã Pù Nhi

3. Thị trấn Mường Lát

 

 

2. Huyện Lang Chánh

Xã Yên Khương

10

Nghệ An

03 huyện

14 xã

 

 

1. Huyện Tương Dương

1. Xã Mai Sơn

2. Xã Tam Hợp

3. Xã Nhôn Mai

 

 

2. Huyện Quế Phòng

1. Xã Thông Thụ

2. Xã Tri Lễ

 

 

3. Huyện Kỳ Sơn

1. Xã Mỹ Lý

2. Xã Keng Đu

3. Xã Na Loi

4. Xã Mường Tip

5. Xã Nậm Càn

6. Xã Mường Ải

7. Xã Na Ngoi

8. Xã Bắc Lý

9. Xã Đoọc Mạy

11

Quảng Bình

04 huyện

07 xã

 

 

1. Huyện Minh Hóa

1. Xã Dân Hóa

2. Xã Thượng Hóa

3. Xã Trọng Hóa

4. Xã Hóa Sơn

 

 

2. Huyện Bố Trạch

Xã Thượng Trạch

 

 

3. Huyện Lệ Thủy

Xã Lâm Thủy

 

 

4. Huyện Quảng Ninh

Xã Trường Sơn

12

Quảng Trị

02 huyện

06 xã

 

 

1. Huyện Hướng Hóa

1. Xã Hướng Lập

2. Xã Thanh

3. Xã Ba Tầng

4. Xã Hướng Phùng

5. Xã Thuận

 

 

2. Huyện Đak Rông

Xã A Ngo

13

Thừa Thiên Huế

01 huyện

03 xã

 

 

Huyện A Lưới

1. Xã Hồng Vân

2. Xã Hương Nguyên

3. Xã Lâm Đớt

14

Đà Nẵng

01 huyện đảo

 

 

 

Huyện đảo Hoàng Sa

 

15

Quảng Nam

02 huyện

09 xã

 

 

1. Huyện Tây Giang

1. Xã A Xan

2. Xã Tr’hy

3. Xã Ga Ri

4 Xã Ch’Ơm

5. Xã Bhallêê

 

 

2. Huyện Nam Giang

1. Xã La Êê

2. Xã La Dêê

3. Xã Đắc Pring

4. Xã Đắc Pre

16

Bình Thuận

01 huyện đảo

01 đảo

 

 

Huyện Đảo Phú Quý

Đảo Hòn Hải

17

Kon Tum

02 huyện

04 xã

 

 

1. Huyện Sa Thầy

1. Xã Mô Rai

 

 

2. Huyện Đăk Glei

1. Xã Đắk Blô

2. Xã Đắk Nhoong

3. Xã Đắk Long

18

Đắk Lắk

01 huyện

01 xã

 

 

Huyện Buôn Đôn

Xã Krông Na

19

Đắk Nông

01 huyện

01 xã

 

 

Huyện Tuy Đức

Xã Quảng Trực

20

Bình Phước

01 huyn

02 xã

 

 

1. Huyện Bù Gia Mập

1. Xã Đăk Ơ

2. Xã Bù Gia Mập

21

Bà Rịa Vũng Tàu

01 huyện

 

 

 

Huyện Côn Đảo

 

22

Kiên Giang

01 huyện

01 xã

 

 

Thành phố Phú Quốc

Xã đảo Thổ Châu

23

Khánh Hòa

01 huyện đảo

 

 

 

Huyện Đảo Trường Sa

 

24

Bà Rịa – Vũng Tàu và Cà Mau

Khu vực Nhà giàn DK1

(14 Nhà giàn DK1 ở vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và 01 Nhà giàn DK1 ở vùng biển Cà Mau)

 

Tổng số 128 địa bàn, gồm: 120 xã biên giới đất liền, 04 huyện đảo, 01 khu vực Nhà giàn DK1, 01 xã đảo và 02 đảo.

 

PHỤ LỤC V

DANH MỤC BỆNH, DỊ DẠNG, DỊ TẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN PHƠI NHIỄM VỚI CHẤT ĐỘC HÓA HỌC
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

  1. Danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học
  2. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma).
  3. U lympho không Hodgkin (Non – Hodgkin’s lymphoma).
  4. U lympho Hodgkin (Hodgkin’s disease).
  5. Ung thư phế quản – phổi (Lung and Bronchus cancer).
  6. Ung thư khí quản (Trachea cancer).
  7. Ung thư thanh quản (Larynx cancer).
  8. Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer).
  9. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers).
  10. Bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler’s disease).
  11. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (Acute, subacute peripheral neuropathy).
  12. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne).
  13. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes).
  14. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda).
  15. Bất thường sinh sản (Unusual birth): Vô sinh.
  16. Các rối loạn tâm thần (Mental disorders): Quy định cụ thể tại Phần II Phụ lục này.
  17. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh: Quy định cụ thể tại Phần III Phụ lục này.
  18. Tật gai sống chẻ đôi (Spina Bifida).
  19. Danh mục các rối loại tâm thần (Mental disorders) có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học
  20. Hội chứng quên thực tổn không do rượu và các chất tác động tâm thần (Organic amnesic syndrome not induced by alcohol and other psychoactive substances).
  21. Rối loạn căng trương lực thực tổn (Organic catatonic disorder).
  22. Rối loạn hoang tưởng thực tổn (Giống tâm thần phân liệt) (Organic delusional (schizophrenia-like) disorder).
  23. Các rối loạn khí sắc (cảm xúc) thực tổn (Organic mood (affective) disorders).
  24. Rối loạn lo âu thực tổn (Organic anxiety disorder).
  25. Rối loạn cảm xúc không ổn định (suy nhược) thực tổn (Organic emotionally labile (asthenic) disorder).
  26. Rối loạn nhân cách thực tổn (Organic personality disorder).
  27. Các rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn khác do bệnh não, tổn thương não hoặc rối loạn chức năng não (Other organic personality and behavioural disorders due to brain disease, damage and dysfunction).

III. Danh mục các dị dạng, dị tật bẩm sinh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học

  1. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh ở sọ não và cột sống
  2. Thai vô sọ (Anecephaly)
  3. Thoát vị não tủy (encephalomyelocele), thoát vị não – màng não (encephalocele – menigocele)
  4. Tật đầu nhỏ (Mycroencephaly)
  5. Tật não úng thủy bẩm sinh (hydrocephaly):
  6. Thiếu/không phát triển một phần não (Absence Agenesis a part of brain)
  7. Tật nứt đốt sống/Tật gai sống chẻ đôi (Spina bifida)
  8. Hội chứng Arnold-Chiari (Arnold-Chiari Syndrom)
  9. Dị tật bẩm sinh não, không đặc hiệu (Congenital malfomation of brain, unspecified) gây một trong các tình trạng sau:

– F70. Chậm phát triển tâm thần nhẹ (Mild mental retardation)

– F71. Chậm phát triển tâm thần vừa (Moderate mental retardation)

– F72. Chậm phát triển tâm thần nặng (Severe mental retardation)

– F73. Chậm phát triển tâm thần trầm trọng (Profound mental retardation)

  1. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh ở mắt
  2. Không có mí mắt (Ablepharon)
  3. Không có nhãn cầu (Anophthalmus)
  4. Tật nhãn cầu bé (Microphthalmos)
  5. Tật khuyết mí mắt (Coloboma of eyelid)
  6. Tật không có mống mắt (Absence of iris)
  7. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh ở tai
  8. Dị tật thiếu tai ngoài bẩm sinh – Tật không tai (Congenital absence of (ear) auricle)
  9. Thiếu, teo hoặc chít hẹp bẩm sinh ống tai ngoài (Congenital absence, atresia and stricture of auditory canal (external))
  10. Dị tật thừa ở vành tai (biến dạng vành tai – Accessory auricle):

– Gờ bình tai phụ (Accessory tragus)

– Tật thừa tai (Polyotia)

– Thịt thừa trước tai (Preauricular appendage or tag)

– Thừa: tai; dái tai (Supernumerary: ear, lobule)

  1. Dị tật tai bé (Dị tật tai nhỏ – Microtia)
  2. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh ở hàm miệng: Tật sứt môi kèm hoặc không kèm nứt khẩu cái (Sứt môi hở hàm) (Cleft lip or Cleft palate with cleft lip)

Đ. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh ở chi

  1. Tật đa ngón (Polydactyly)
  2. Tật dính ngón (Syndactyly)
  3. Các khuyết tật hoặc thiếu hụt của chi trên (Reduction defects of upper limb (s))
  4. Bàn tay vẹo bẩm sinh (Clubhand congenital); Bàn tay vẹo xương quay (Radial clubhand)
  5. Các khuyết tật hoặc thiếu hụt của chi dưới (Reduction defects of lower limb (s))
  6. Bàn chân vẹo (Clubfoot(s))
  7. Tật không có chi (Phocomelia)
  8. Khuyết tật Chi giống hải cẩu (Phocomelia)
  9. Loạn sản sụn từng đám nhỏ (Chondrodysplasia punctata)
  10. Lồi xương bẩm sinh nhiều nơi (Other specified osteochondrodysplasias):

E. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh về bất thường nhiễm sắc thể

  1. Hội chứng Down (Down syndrome) (Tam bội thể 21)
  2. Hội chứng Edwards và hội chứng Patau (Tam bội thể 18) (Edwards syndrome and Patau syndrome)
  3. Tật song thai dính nhau: Sinh đôi dính nhau (conjoined twins).

 

PHỤ LỤC VI

KÝ HIỆU HỒ SƠ NGƯỜI CÓ CÔNG
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

  1. Ký hiệu hồ sơ các đối tượng

STT

LOẠI HỒ SƠ

KÝ HIỆU

1

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (cán bộ lão thành cách mạng)

LT

2

Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa)

TKN

3

Liệt sĩ

LS

4

Bà mẹ Việt Nam anh hùng

BM

5

Anh hùng lực lượng vũ trạng nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến

AH

6

Thương binh

AQ

7

Thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993

BQ

8

Người hưởng chính sách như thương binh

CK

9

Bệnh binh

BB

10

Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt, tù, đày

BT

11

Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế

KC

12

Người có công giúp đỡ cách mạng

CC

13

Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

HH

14

Tuất từ trần

TT

  1. Ký hiệu hồ sơ theo thời kỳ

STT

LOẠI HỒ SƠ

KÝ HIỆU

1

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945

TCM

2

Trong kháng chiến chống Pháp (8/1945 – 20/7/1954)

CP

3

Trong kháng chiến chống Mỹ (21/7/1954 – 30/4/1975)

CM

4

Bảo vệ Tổ quốc (sau 30/4/1975)

BV

  1. Ký hiệu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

TT

Tên tỉnh, thành phố

Ký hiệu

TT

Tên tỉnh, thành phố

Ký hiệu

1

An Giang

AGG

33

Kon Tum

KTM

2

Bắc Kạn

BKN

34

Long An

LAN

3

Bình Dương

BDG

35

Lai Châu

LCU

4

Bình Định

BDH

36

Lào Cai

LCI

5

Bắc Giang

BGG

37

Lâm Đồng

LDG

6

Bạc Liêu

BLU

38

Lạng Sơn

LSN

7

Bắc Ninh

BNH

39

Nghệ An

NAN

8

Bình Phước

BPC

40

Ninh Bình

NBH

9

Bến Tre

BTE

41

Nam Định

NDH

10

Bình Thuận

BTN

42

Ninh Thuận

NTN

11

Bà Rịa – Vũng Tàu

BVT

43

Phú Thọ

PTO

12

Cao Bằng

CBG

44

Phú Yên

PYN

13

Cà Mau

CMU

45

Quảng Bình

QBH

14

Cần Thơ

CTO

46

Quảng Ninh

QNH

15

Đắk Lắk

DLK

47

Quảng Nam

QNM

16

Đắk Nông

DNG

48

Quảng Ngãi

QNI

17

Đà Nẵng

DAN

49

Quảng Trị

QTI

18

Điện Biên

DBN

50

TP Hồ Chí Minh

HCM

19

Đồng Nai

DNI

51

Sơn La

SLA

20

Đồng Tháp

DTP

52

Sóc Trăng

STG

21

Gia Lai

GLI

53

Thái Bình

TBH

22

Hòa Bình

HBH

54

Tiền Giang

TGG

23

Hải Dương

HDG

55

Thanh Hóa

THA

24

Hà Giang

HAG

56

Thái Nguyên

TNN

25

Hà Nội

HAN

57

Tây Ninh

TNH

26

Hà Nam

HNM

58

Tuyên Quang

TQG

27

Hải Phòng

HPG

59

Thừa Thiên Huế

TTH

28

Hà Tĩnh

HTH

60

Trà Vinh

TVH

29

Hậu Giang

HGG

61

Vĩnh Long

VLG

30

Hưng Yên

HYN

62

Vĩnh Phúc

VPC

31

Kiên Giang

KGG

63

Yên Bái

YBI

32

Khánh Hòa

KHA

 

 

 

  1. Ký hiu các đơn vị trc thuc B Công an

STT

Tên đơn vị

Ký hiệu

1

A01 đến A09

A…

2

B01 đến B05

B…

3

C01 đến CHÚ THÍCH

C…

4

K01, K02

K…

5

V01 đến V06

V…

6

X01 đến X06

X…

7

H01 đến H09

H…

8

T01 đến T10

T…

  1. Ký hiệu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng

STT

Tên cơ quan, đơn vị

Ký hiệu

1

Tổng cục Chính trị

TC

2

Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

CS

3

Quân khu 1

K1

4

Quân khu 2

K2

5

Quân khu 3

K3

6

Quân khu 4

K4

7

Quân khu 5

K5

8

Quân khu 7

K7

9

Quân khu 9

K9

 

PHỤ LỤC VII

MÃ HIỆU HỌC SINH, SINH VIÊN
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

TT

Học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi

Mã hiu

1

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến

xx/AH-01

2

Thương binh

xx/TB-02

3

Con của liệt sĩ

xx/CLS-03

4

Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi tháng Tám năm 1945

xx/CCBCM-04

5

Con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến

xx/CAH-05

 

Con của thương binh

xx/CTB

6

Con của thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 60%

xx/CTB-06

7

Con của thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên

xx/CTB-07

 

Con của người hưởng chính sách như thương binh

xx/CNTB

8

Con của người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 60%

xx/CNTB-08

9

Con của người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên

xx/CNTB-09

 

Con của thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993 (gọi tắt là thương binh B)

xx/CTB-B

10

Con của thương binh B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 60%

xx/CTB-B10

11

Con của thương binh B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên

xx/CTB-B11

 

Con của bệnh binh

xx/CBB

12

Con của bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%

xx/CBB-12

13

Con của bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên

xx/CBB-13

 

Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

xx/CNHH

14

Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21 % đến 60%

xx/CNHH-14

15

Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên

xx/CNHH-15

Ghi chú: “xx” là ký hiệu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Phụ lục số VI Nghị định này.

 

PHỤ LỤC VIII

KÝ HIỆU MẪU HÀI CỐT LIỆT SĨ
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Ký hiệu mẫu hài cốt liệt sĩ được viết bằng chữ in hoa bao gồm: Ký hiệu địa phương nơi quản lý mộ (sử dụng ký hiệu các tỉnh, thành phố Trung ương quy định Phụ lục VI Nghị định này); gạch chéo rồi ghi tên nghĩa trang liệt sĩ nơi lấy mẫu, khu, lô, hàng, mộ (giữa các ký tự hoặc số cách nhau bằng dấu gạch ngang); gạch chéo rồi ghi ngày, tháng, năm lấy mẫu (giữa các số cách nhau bằng dấu gạch ngang)

Ví dụ: Mẫu hài cốt liệt sĩ được lấy tại tỉnh Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, khu B, lô II, hàng 6, mộ 49, lấy mẫu ngày 01 tháng 3 năm 2021 thì ghi ký hiệu như sau: QTI/Trường Sơn-B-II-6-49/01-3-2021./.

 

PHỤ LỤC IX

MẪU BIỂU LIÊN QUAN ĐẾN HỖ TRỢ CẢI THIỆN NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ THÂN NHÂN
(Kèm theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Đơn đề nghị hỗ trợ về nhà ở

Mẫu số 02

Mẫu báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã

Mẫu số 03

Mẫu báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Mẫu số 04

Mẫu báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Mẫu số 05

Mẫu biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn

Mẫu số 06

Mẫu biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng

 

Mu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Hỗ tr về nhà ở

Kính gửi:

Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn………………
Quận (huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)………..
Tỉnh (thành phố)………………………….

Tên tôi là: ………………………………………………………………………………..

Ngày tháng năm sinh: …………………………..Nam/Nữ: ………………………….

CCCD/CMND số ………………… Ngày cấp………….. Nơi cấp ………………….

Nơi thường trú: …………………………………………………………………………

Đại diện cho hộ gia đình có nhà ở thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định số………, đề nghị Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường, thị trấn) ………………. xác nhận các nội dung sau đây:

  1. Hiện trạng nhà ở của gia đình: ghi rõ là nhà ở bị hư hỏng cả 3 phần (nền móng, khung-tường và mái) cần hỗ trợ xây dựng mới hoặc nhà ở chỉ bị hư hỏng 2 phần (khung-tường và mái) cần hỗ trợ sửa chữa: ………………………………………………………………………….
  2. Mẫu nhà áp dụng nếu xây dựng mới: ……………………………………………
  3. Đề nghị cung ứng vật liệu để tự xây dựng nhà ở (nếu có nhu cầu):

TT

Tên vật liệu xây dựng

Đơn vị

Khối lượng

Ghi chú

1

Xi măng loại……

 

 

 

2

Thép

 

 

 

3

Tấm lợp ……

 

 

 

4

Gỗ

 

 

 

5

……

 

 

 

  1. Đề nghị hỗ trợ kinh phí để tự xây dựng nhà ở: ……………………………………
  2. Đề nghị tổ chức, đoàn thể giúp đỡ xây dựng nhà ở: ………………………………

Tôi xin trân trọng cảm ơn ./.

 

…, ngày… tháng… năm…
Xác nhận của UBND cấp xã1
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, dấu)
H và tên


…,
ngày… tháng… năm…
Người khai
(Ký, ghi rõ họ và tên)

 

___________________

Ghi chú: 1 UBND cấp xã phải kiểm tra thực trạng nhà ở để xác nhận: hiện trạng nhà ở của hộ gia đình bị hư hỏng cả 3 phần (nền móng, khung-tường và mái) phải phá dỡ để xây mới hoặc chỉ bị hư hỏng 2 phần (khung-tường và mái) hoặc không thuộc diện được hỗ trợ; nếu nhà ở thuộc diện được hỗ trợ thì mới xác nhận tiếp các nội dung đăng ký của hộ gia đình tại các mục 2, 3, 4 và 5.

 

Mu số 02

1DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC H TRỢ V NHÀ Ở
NĂM …..CỦA XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRN) ………..

TT

Họ tên chủ hộ gia đình2

Tên người có công với cách mạng trong hộ gia đình và mối quan hệ với chủ hộ

Địa chỉ nhà ở được hỗ trợ

Thuộc diện xây mới nhà 3

Thuc din sửa chữa nhà ở4

(1)

(2)

(3)5

(4)6

(5)

(6)

(7)

1

Nguyễn Văn A

Ng Văn A (chủ hộ)

Đối tượng a

 

 

 

2

Nguyễn Thị B

Ng Văn C (chồng)

Đối tượng c

 

 

 

 

……

……

…..

 

 

 

Tổng cộng7

 

 

 

 

 

  1. Tổng số hộ được hỗ trợ (bằng chữ ………………………………………………………)
  2. Tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở (bằng chữ ………………………………..)
  3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở (bằng chữ ……………………………………..)

 

 

T/M. UBND XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRN)………
CHỦ TỊCH
(Ký, đóng dấu)

____________________

Ghi chú:

1 Mẫu dùng cho Ủy ban nhân dân cấp xã

2 Ghi họ tên chủ hộ gia đình có ở nhà thuộc diện được hỗ trợ.

3 Căn cứ vào hiện trạng nhà ở của từng hộ, nếu sau khi kiểm tra mà nhà ở thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng nhà ở mới thì đánh dấu tại cột này.

4 Căn cứ vào hiện trạng nhà ở, nếu sau khi kiểm tra mà nhà ở thuộc diện chỉ phải sửa chữa thì đánh dấu tại cột này

5 Chỉ ghi họ tên một người có công với cách mạng hiện có hộ khẩu thường trú tại nhà ở được hỗ trợ và mối quan hệ với chủ hộ.

6 Ghi đối tượng người có công theo quy định tại Điều 99 Nghị định này (ví dụ: nếu là người hoạt động cách mạng trước năm 1945 thì ghi “đối tượng a”, nếu là thân nhân liệt sĩ thì ghi “đối tượng c”, nếu là Bệnh binh thì ghi “đối tượng h” …).

7 Trong phần tổng cộng: tại cột 5 ghi tổng số hộ gia đình được hỗ trợ; cột 6 ghi tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở; cột 7 ghi tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở hiện có.

 

Mu số 03

1TỔNG HỢP DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở NĂM…… CỦA HUYỆN (QUẬN, THỊ XÃ….): ………

TT

Tên phường, xã, thị trấn và tên người có công được hỗ trợ2

Địa chỉ nhà ở được hỗ tr3

Thuộc diện xây dựng mới nhà 4

Thuộc diện sửa chữa nhà ở5

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

I

Xã A

 

 

 

1

Nguyễn Văn B

số 12, đường…, qun ……, TP….

 

 

2

Nguyễn Thị C

 

 

 

3

……

 

……

 

II

Phường B

 

 

 

1

……

 

 

 

2

……

 

 

 

III

Thị trấn C

 

 

 

1

……

 

 

 

Tổng cộng6

 

 

 

  1. Tổng số hộ được hỗ trợ (bằng chữ ……………………………………………………….)
  2. Tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở (bằng chữ …………………………………)
  3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở (bằng chữ ………………………………………)

 

 

T/M. UBND HUYỆN (QUẬN, THỊ )………
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)

___________________

Ghi chú:

1 Mẫu dùng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Khi Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi báo cáo theo mẫu này cho UBND cấp tỉnh thì phải gửi kèm theo bản sao danh sách báo cáo của từng xã trong huyện có nhà ở thuộc diện được hỗ trợ theo Mẫu số 02 Phụ lục số IX Nghị định này.

2 Ghi tên xã, phường, thị trấn và tên người có công có ở nhà thuộc diện được hỗ trợ của từng xã, phường, thị trấn.

3 Ghi địa chỉ của từng nhà ở thuộc diện được hỗ trợ.

4 Ghi số tiền hỗ trợ của từng hộ gia đình để xây dựng mới nhà ở.

5 Ghi số tiền hỗ trợ của từng hộ gia đình để sửa chữa nhà ở.

6 Phần tổng cộng trong biểu: Cột 3 ghi tổng số đối tượng được hỗ trợ về nhà ở; cột 4 ghi tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới; cột 5 ghi tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở.

 

Mu số 04

1TỔNG HỢP DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở NĂM…… CỦA TỈNH (THÀNH PHỐ): …………

TT

Tên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh2

Tổng số hộ người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ tr về nhà 3

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ xây dựng mới nhà ở4

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ sửa chữa nhà ở5

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

1

Huyện A

200

 

 

2

Quận B

35

 

 

3

Thị xã C

125

 

 

……

……

 

 

Tổng cộng

……

 

 

  1. Tổng số hộ được hỗ trợ (bằng chữ ………………………………………………………..)
  2. Tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở (bằng chữ …………………………………)
  3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở (bằng chữ ………………………………………)

 

 

T/M. UBND TỈNH (THÀNH PHỐ)………
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)

____________________

Ghi chú:

1 Mẫu dùng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo theo mẫu này cho các Bộ thì phải gửi kèm bản sao danh sách báo cáo của các huyện trong tỉnh có nhà ở thuộc diện được hỗ trợ theo Mẫu số 03 Phụ lục IX Nghị định này.

2 Ghi tên huyện, quận, thị xã… nơi có hộ gia đình có ở nhà thuộc diện được hỗ trợ.

3 Ghi tổng số hộ người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở của từng huyện. Phần tổng cộng ghi chung cho cả tỉnh.

4 Ghi tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở của từng huyện. Phần tổng cộng ghi chung cho cả tỉnh.

5 Ghi tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở của từng huyện. Phần tổng cộng ghi chung cho cả tỉnh.

 

Mu số 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
—————

1BIÊN BẢN XÁC NHN XÂY DỰNG NHÀ Ở
HOÀN THÀNH THEO GIAI ĐOẠN

Hôm nay, ngày…… tháng …… năm ……

Tại công trình nhà ở của chủ hộ (ông/bà): ……………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………..

Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã (hoặc phường thị trấn…) gồm:

  1. Đại diện Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường, thị trấn) …………………………………

………………………………………………………………………………………………………………………

Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: …………………………………

  1. Đại diện thôn (hoặc tổ dân phố): ………………………………………………………..

– Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

– Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

  1. Đại diện hộ gia đình:

– Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

Sau khi kiểm tra, xem xét thực tế phần công việc đã thực hiện của giai đoạn đầu (hoàn thành xây dựng nền móng và khung-tường), Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã (hoặc phường, thị trấn) ……………………thống nhất các nội dung sau:

  1. Xác nhận hoàn thành phần việc xây dựng nền móng và khung – tường nhà ở của chủ hộ gia đình (ông/bà): ……………………………………………………………………………..
  2. Phần việc xây dựng nhà ở giai đoạn 1 bảo đảm yêu cầu chất lượng. Biên bản này được lập thành 04 bản để các bên sau đây lưu giữ:

– 01 bản chủ hộ gia đình lưu giữ;

– 01 bản gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện;

– 01 bản lưu Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường, thị trấn) ………………;

– 01 bản để Ủy ban nhân dân cấp xã (hoặc phường, thị trấn) tổng hợp, lập hồ sơ hoàn thành công trình gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thành phần tham gia xác nhận (ký và ghi rõ họ, tên)

  1. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã: ………………………………………………………
  2. Đại diện thôn (hoặc tổ dân phố): ………………………………………………………..
  3. Đại diện hộ gia đình: ……………………………………………………………………..

___________________

Ghi chú: 1 Biên bản này chỉ lập sau khi hộ gia đình hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung – tường nhà ở. Sau khi hoàn thiện nhà ở thì lập Biên bản theo Mẫu số 06 Phụ lục IX Nghị định này.

 

Mu số 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

1BIÊN BẢN XÁC NHẬN HOÀN THÀNH XÂY DỰNG NHÀ Ở ĐƯA VÀO SỬ DỤNG

Hôm nay, ngày …… tháng …… năm ……

Tại công trình xây dựng nhà ở của chủ hộ (ông/bà)

Địa chỉ:

Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã (hoặc phường, thị trấn…) gồm:

  1. Đại diện Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường, thị trấn) :……………………………….:

Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

  1. Đại diện thôn (hoặc tổ dân phố): ……………………………………………………….

– Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

– Ông (bà): ………………………………………. Chức vụ: ………………………………..

  1. Đại diện hộ gia đình:

Ông (bà): ……………………………………………………………………………………………………..

Sau khi kiểm tra, xem xét thực tế nhà ở đã hoàn thành xây dựng, Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã (hoặc phường, thị trấn) ………………………… thống nhất các nội dung sau đây:

  1. Xác nhận nhà ở của chủ hộ: ……………………………. đã hoàn thành việc xây dựng toàn bộ nhà ở.

– Diện tích nhà ở: ……………….m2

– Vật liệu làm nền móng nhà: ……………………………………………………………..

– Vật liệu làm thân nhà: …………………………………………………………………….

– Vật liệu làm mái nhà: …………………………………………………………………….

  1. Đồng ý để chủ hộ đưa nhà ở vào sử dụng.

Biên bản lập thành 04 bản để các bên sau đây lưu giữ:

– 01 bản chủ hộ gia đình lưu giữ;

– 01 bản gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện;

– 01 bản lưu Ủy ban nhân dân xã (hoặc phường, thị trấn) ……………………..;

– 01 bản để Ủy ban nhân dân cấp xã (hoặc phường, thị trấn …) tổng hợp, lập hồ sơ hoàn thành công trình gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thành phần tham gia xác nhận (ký và ghi rõ họ, tên)

  1. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã: …………………………………………………………
  2. Đại diện thôn (hoặc tổ dân phố): ……………………………………………………………
  3. Đại diện hộ gia đình: ……………………………………………………………………….

___________________

Ghi chú: 1 Nếu nhà ở chưa hoàn thành hoặc không đảm bảo chất lượng thì không ký biên bản xác nhận và có biên bản yêu cầu chủ hộ sửa chữa, bổ sung.

 

Download văn bản: Download