Thăm Cù lao ông Hổ – quê hương Bác Tôn Đức Thắng

Đăng lúc: 16-03-2022 8:52 Sáng - Đã xem: 155 lượt xem In bài viết

Đêm thượng tuần tháng 3 thật tĩnh mịch, đoàn xe chở hơn 70 cán bộ, hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh Tây Ninh về nguồn nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, nhắm hướng miền Tây thẳng tiến. Cảnh vật im lìm, cây cỏ còn chìm trong sương, đường xá vắng hoe, thỉnh thoảng vài chiếc xe tải vội vả chuyển hàng cho kịp buổi chợ đông. Trời dần sáng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đang hiện ra trước mắt, đoàn xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến Cù lao ông Hổ – quê hương Bác Tôn Đức Thắng.

Cù lao ông Hổ nằm trên dòng sông Hậu, giữa hai bờ Long Xuyên và Chợ Mới. Từ dưới phà vào cù lao, đã thấy hai bức tượng hổ to lớn, tạc bằng đá uy nghi đứng trấn cổng vào. Đây là biểu tượng của vùng đất này từ 300 năm qua.

Cô gái thuyết minh xinh đẹp đón đoàn trong trang phục áo dài nền nã, tay bắt mặt mừng như đón người thân trở về, trong giọng nói thanh tao, cuốn hút người nghe, cuộc đời niên thiếu cho đến thời gian hoạt động cách mạng của Bác Tôn, được tái hiện qua hình ảnh sống động và lời nói giản dị, chân tình…Tôn Đức Thắng sinh ngày 20.8.1988 tại cù lao ông Hổ, mất ngày 30.3.1980, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, là con đầu của ông Tôn Văn Đề và bà Nguyễn Thị Di, theo phong tục miền Nam, Bác Tôn được gọi là Hai Thắng. Đến thăm khu lưu niệm Bác Tôn, nơi Bác Tôn sinh ra, trưởng thành, là nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ nhân dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ngôi nhà Bác Tôn ở thời niên thiếu được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam bộ, kiến trúc hình chữ “Quốc”, nhà có 3 gian, 2 chái được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, tổng diện tích nhà 156m2 (ngang 12m, dài 13m). Ngôi nhà được xây cất năm 1887, đã qua nhiều lần trùng tu, gia cố, sửa chữa, nâng cấp nhưng về hình dáng, vật liệu xây cất buổi ban đầu đến nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng.Vào bên trong ngôi nhà, ngoài tấm ảnh bán thân của song thân Bác Tôn thì những kỷ vật khác sinh động như đưa ta về thời niên thiếu của Bác Tôn: bộ ván gõ Bác Tôn thường nằm; một tủ thờ ẩn ốc xả cừ; các tấm liễn đối cẩn ốc; một ảnh Bác Tôn chụp năm 18 tuổi, một ảnh chụp ở chiến khu Việt Bắc khi đang làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, phía sau ảnh có ghi: “Kính biếu mẹ già và mấy em, ngày 24/7/1951” có chữ ký của Bác. Cạnh ngôi nhà về phía bên trái, có 3 bụi tre gai do ông Tô Văn Đề trồng lúc sinh thời, đến nay vẫn xanh tốt. Khu lưu niệm này được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984; đến năm 2012, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo chân người thuyết minh, đoàn đến khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nằm đối diện với ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn. Trong khu tưởng niệm có đền thờ, nhà trưng bày và một số công trình khác, được khởi công từ tháng 5/1997, hoàn thành tháng 8/1998 (nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Tôn).

Đền thờ Bác Tôn được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nằm cặp bờ sông Hậu mênh mông sông nước, tượng bán thân Bác Tôn được đặt trang trọng trong khu tưởng niệm. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày hai câu đối hài hòa, súc tích, uy nghi giữa sông nước hữu tình:

Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng lừng danh xứ sở

Khói lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông”.

Qua lời thuyết minh những cột mốc lịch sử cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, chúng ta như thấy lại hình ảnh chàng thanh niên Tôn Đức Thắng hiên ngang kéo cờ phản chiến trên chiến hạm France tại Hắc Hải, hành động dũng cảm đầu tiên ấy, là tiền đề để đưa Tôn Đức Thắng dấn thân vào hoạt động cách mạng bất chấp hiểm nguy, gian khổ suốt thời gian dài: thành lập Công hội bí mật; lãnh đạo cuộc bãi công xưởng Ba Son; tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng; Ban chấp hành Thành bộ Sài gòn – Chợ lớn và Kỳ bộ Nam kỳ; bị Pháp bắt, kết án 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo. Bác Tôn là tù chính trị cộng sản đầu tiên bị thực dân Pháp bắt và có thời gian ở tù lâu nhất và Bác Tôn cũng là người tổ chức Chi bộ đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo…

Trong nhà trưng bày, chúng ta như thấy Bác Tôn đang điều khiển chiếc ca nô mang tên giải phóng, đưa Bác và một số cán bộ bị tù đày ở Côn Đảo trở về đất liền; chúng ta như sống lại với hình ảnh vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhân hậu trên chuyên cơ YAK-40 từ Hà Nội vào Sài Gòn, để chủ trì đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 15.5.1975 hay chiếc tàu giang cảnh, đưa Bác Tôn từ bờ Long Xuyên về thăm quê nhà ở Cù lao ông Hổ vào tháng 10.1975…lúc sinh thời, Bác Tôn được Bác Hồ ca ngợi là “gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Ngày nay, Cù lao ông Hổ trở thành địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn, tình cảm đó được đúc kết trong câu ca dao Nam bộ:

Dù ai xuôi ngược bốn bề

Chưa đến Cù lao ông Hổ chưa về An Giang

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Lợi (ảnh trên) đã ghi cảm tưởng trong sổ lưu niệm “…Bác Tôn là người cộng sản kiên trung, cả cuộc đời vì dân vì nước, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng để đời sau học tập, noi theo. Chúng cháu nguyện tiếp bước con đường Bác đi, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp, xứng danh người chiến sĩ xung phong.”

Duy Đức

                                                                                          Tây Ninh