Mấy kỷ niệm với đường 20 Quyết Thắng

Đăng lúc: 31-03-2022 10:48 Sáng - Đã xem: 135 lượt xem In bài viết

Qua theo dõi trên Zalo của Ban xây dựng 67, biết các anh đang sưu tầm tư liệu về đường 20 Quyết Thắng để chuẩn bị cho ngày gặp mặt 56 năm ngày mở đường 20, tôi xin gửi một số tư liệu, ký ức ghi dấu kỷ niệm về Đội 33, Đội 25 TNXP tỉnh Ninh Bình và của cá nhân tôi về đường 20 Quyết Thắng.

 

Ngày 13/7/1965, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Đội TNXP 33, gồm 1.208 nam nữ thanh niên, vào Khu 4 khói lửa, đơn vị tập kết tại công trường đá La Khê – Hà Tĩnh, đảm bảo duy tu tuyến đường sắt. Một tuần lễ sau Đội 33 TNXP Ninh Bình nhận nhiệm vụ mới, bổ sung quân cho đoàn 559. Đội 33 chọn 300 thanh niên nam có sức khỏe, thành lập Đại đội 329 xe thồ, hành quân vượt đèo Đá Đẽo vào đường 16 (Nam Lào) vận chuyển lương thực. Số còn lại hơn 900 đội viên gồm 40% nam và 60% nữ, hành quân theo đường 12, qua cổng trời và đồn biên phòng Cha Lo, sang đường 128 tại tỉnh Khăm Muộn – nước Lào, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, từ Km0+50 đến ngã ba Lùm Bùm. Từ tháng 01/1966, đội xe thồ 300 nam của tỉnh Ninh Bình quay về mở đường 20 tại dốc Ba Thang. Trên 900 nam nữ thanh niên Ninh Bình ở Công trường 128 và bộ đội công binh tiếp tục mở đường 20 từ Lùm Bùm tiến về biên giới Việt Nam. Ngày 27/4/1966 đường 20 đã khớp nối tại Km68 biên giới Việt Lào. Trên 900 nam nữ TNXP Ninh Bình tiếp tục hành quân. Rời đất Lào về đảm bảo giao thông trên đường 20 từ tháng 6/1966 trực thuộc công trường 20. Đến tháng 11/1966 Công trường 20 giải thể, Đội 33 TNXP Ninh Bình đã chọn 225 đội viên có sức khỏe, thành lập Đại đội 4, sát nhập với Đại đội 5, Đại đội 6 của tỉnh Hà Nam thành tiểu đoàn 2 công binh trực thuộc Binh trạm 14. Đến tháng 4/1967, khi Ban xây dựng 67 thành lập, Bộ GTVT không đồng ý cho 3 Đại đội 4, 5, và 6 TNXP chuyển sang quân đội và thành lập Đội N25 TNXP trực tiếp dưới sự lãnh đạo song trùng của Ban xây dựng 67 và Binh trạm 14.

Về thành tích của Đội N25 TNXP, năm 1972 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2009 Đại đội 5 tỉnh Hà Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Riêng Đại đội 4 TNXP tỉnh Ninh Bình đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2018, nhưng Bộ GTVT đã từ chối với lý do quá hạn.

Năm 1968 Đội N25 được Bác Hồ gửi lẵng hoa và quà động viên, thăm hỏi. Mùa khô năm 1968 Đội N25 tổ chức mừng công và đón lẵng hoa của Bác, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhân dịp đó, anh Phạm Ngọc Vũ, quê ở Quỳnh Lưu – Nghệ An, bên quân đội được bổ sung về làm kỹ thuật cầu đường và trực tiếp làm Đại đội phó Đại đội 4 phụ trách thi công tại mặt đường, có làm bài ca đường Quyết Thắng.

Vào năm 2006, kỷ niệm ngày truyền thống của TNXP tỉnh Ninh Bình, nhân kỷ niệm 40 năm mở đường 20, bác Vũ Văn Bân – Đội phó Đội 33, có làm bài thơ “40 năm ngày ấy bây giờ”.

Riêng cá nhân tôi xin được tâm sự những kỷ niệm của bản thân về đường 20 Quyết Thắng. Năm nay tôi đã 76 tuổi, trong chiến dịch chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi, ngày 7/4/1966 tôi đã vinh dự được kết nạp đảng tại trên mặt đường 20, tại Km7 bản Noọng Cung, từ Lùm Bùm đi về phía Việt Nam. Năm đó tôi tròn 20 tuổi. Tôi kết nạp đảng trước ngày thông đường 20A là 20 ngày. Cho đến nay tuổi đảng của tôi đến tháng 4/2022 là 56 năm, bằng tuổi con đường 20A Quyết Thắng. Từ năm 2010 đến 2019, tôi đã được 3 lần trở lại thăm đường 20A.

Từ ngày 10 – 12/4/2010, tôi và anh Nguyễn Văn Te, cán bộ Đại đội 4, có 8 năm ở đường 20, được đoàn quay phim của Bộ ngoại giao và đoàn quay phim Jaica – Nhật Bản mời vào đường 20 quay phim. Điều đặc biệt để lại trong tôi về tâm linh những liệt sỹ hy sinh trên đường 20. Sáng 10/4/2010, đoàn chúng tôi thuê 2 chiếc xe u-oát và lái xe của khách sạn Phong Nha, các nhân viên khách sạn chuẩn bị cho đoàn gồm cơm nắm, muối lạc rang, trứng luộc và dưa leo. Xe chúng tôi xuất phát từ khách sạn, đi sâu vào cửa rừng được 16km vẫn bình thường. Khi chúng tôi dừng lại thắp hương tại đền thờ liệt sĩ đường 20 và hang Tám Cô, song lại tiếp tục hành trình. Có một điều bất ngờ khi chúng tôi lên xe dời đền thờ liệt sĩ và hang Tám Cô để đi sâu vào đường 20, thì từ lúc đó những đàn bướm đủ màu sắc cứ quấn quýt rất đông bay trước hai xe chúng tôi. Đến 12 giờ trưa đoàn nghỉ để ăn cơm, tôi là nữ duy nhất trong đoàn, vừa rải mấy tờ bảo trên nóc xe u-oát để cắt cơm nắm và sắp đồ ăn ra, chờ đủ 8 thành viên của 2 xe cùng ăn, thì bỗng dưng một cơn gió rất mạnh, làm rung chuyển ầm ầm, tiếng ve sầu đồng loạt cất lên, tiếng chim “bắt cô trói cột” rúc lên âm vang cả núi rừng. Riêng tôi có cảm nhận như tất cả các linh hồn liệt sĩ trên đường 20 cùng đến ăn cơm với đoàn chúng tôi. Từ cảm xúc đó, tôi có viết bài thơ mộc mạc “Về thăm lại đường 20”.

Lần thứ hai, đơn vị C4 TNXP Ninh Bình được chị Võ Hạnh Phúc – con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã tri ân đơn vị C4 thăm lại đường 20 trong thời gian 3 ngày, vì trong đó có chị Vũ Thị Lộc năm 1968 đã đưa đoàn cán bộ cao cấp vượt trọng điểm Phu-la-nhích an toàn, trong đoàn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gia đình Đại tướng đã tặng chị Vũ Thị Lộc 90 triệu đồng để sửa chữa nhà.

Lần thứ ba, nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức 3 ngày vào tháng 4/2019, tôi và một số anh chị em TNXP tỉnh Ninh Bình cùng tỉnh đoàn đã đi viếng thăm lại đường 20.

Tác giả bài viết

Đây là lời tâm sự cùng các cựu đồng đội nhân kỷ niệm 56 năm ngày mở đường 20 Quyết Thắng thành công (14/4/1966 – 14/4/2022) của một nhân chứng sống đã chiến đấu 5 năm liên tục trên đường 20, có tuổi Đảng bằng tuổi khai sinh của con đường; là người đã đi từ đầu đến cuối con đường dài 125km và được 3 lần về thăm con đường huyền thoại ấy!

Nguyễn Thị Mỹ Quế

Phó Ban liên lạc Đại đội 4 – N25 TNXP anh hùng, Ủy viên BTV Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình,
Chủ tịch Hội cựu TNXP thành phố Ninh Bình.