Mãi mãi ngời sáng tấm gương tự học và học tập suốt đời của Bác Hồ kính yêu

Đăng lúc: 14-04-2022 10:20 Sáng - Đã xem: 65 lượt xem In bài viết

Cuộc đời của Bác Hồ là cuộc đời của một người yêu nước thương dân, suốt đời kiên trì, bền bỉ học tập để vươn lên làm nên lịch sử huy hoàng cho Tổ quốc và Dân tộc Việt Nam.

Ảnh internet  

Mang trong mình dòng máu quê hương anh hùng và sớm có chí “Quyết đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào mình”, ngày 5/6/1911, trên con tàu Aimiral Latouche Tréville, từ Cảng Sài Gòn, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình dài 30 năm “đi học” để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và Anh đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với trí tuệ và khả năng cảm nhận đặc biệt sáng suốt qua quá trình tự suy ngẫm, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã không đi theo con đường mà Anh cho là “chưa đủ ánh sáng” của một số bậc đàn anh nêu ra, để quyết định đến Pháp – đất nước phát triển vào bậc nhất Châu Âu, để tự đúc rút cho mình tư duy và hành động, đó là “muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp”, “muốn làm được như người ta thì phải đi học người ta”, “Đi ngày đàng học sàng khôn”.

Trong gần mười năm ở Pháp, Anh Thành đã làm bất cứ việc gì để sống, để học và đã tự học, tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho con đường đi tới mục tiêu, lý tưởng cách mạng của mình. Sau một thời gian học tập miệt mài, có được trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, Nguyễn Tất Thành chở thành Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1919) đã viết báo, làm báo có tiếng ở Paris, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo LeParia (Người cùng khổ). Đỉnh cao có thể kể đến tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” – Lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Pháp thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận uyên thâm, là thành quả lớn lao của quá trình kiên trì, cần cù tự học.

Để làm phong phú hơn nhãn quan chính trị của mình, Nguyễn Ái Quốc không chỉ dừng chân ở Pháp mà Người còn đến Italia, Đức, Thụy Sĩ, Anh… để học hỏi mở mang tầm mắt và bổ trợ cho những kiến thức đọc trong sách vở, báo chí… Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến Liên Xô, đất nước rộng lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tự học tiếng Nga, tham gia viết báo, làm việc ở Bộ Phương Đông. Bằng khả năng học tập phi thường, Người đã hoàn thành chương trình học ở Trường Quốc tế Lê Nin và nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Từ đây, trên con đường dấn thân đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫn luôn lấy việc học tập làm vũ khí. Xác định “học là để làm việc, làm người, làm chiến sĩ cách mạng”; học không chỉ ở trường, lớp mà còn ở khắp mọi nơi, mọi lúc; học không chỉ với một thầy mà học ở rất nhiều thầy, từ công nhân, nông dân đến các nhà trí thức chính khách, lãnh tụ; học cả đối thủ, đối phương, học cả trong khi bị giam cầm trong nhà lao đế quốc. Học và hành gắn chặt vào nhau, học với hoạt động cách mạng, coi kết quả học tập cũng là kết quả đấu tranh. Học mọi điều nhưng không giáo điều, dập khuôn, không đi theo con đường mòn có sẵn, mà tất cả những điều thu nhận được đều thông qua bộ lọc từ chính ở trái tim và khối óc nhân văn của mình. Coi học là sáng tạo; học một hiểu mười, học ngoài hiểu cả trong. Xem xét hiện tượng, nhìn nhận bản chất. Soi kỹ từng mặt, từng phần để đánh giá toàn diện, toàn cục.

Hơn tất cả, từ khi đã trở thành lãnh tụ Dân tộc, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước và dù đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, Bác Hồ của chúng ta vẫn không ngừng học, vẫn không ngừng tiếp thu cái mới, cái có ích cho bản thân và đất nước. Nơi làm việc và nơi ở của Bác đều luôn có nhiều sách báo, tài liệu. Bác khuyên mọi người học không phải để thăng quan tiến chức mà để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bác thường nói: “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. “Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm góc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, của trí thức”. “Biết người, hiểu người – biết ta, hiểu ta thì mới có thể đánh thắng được kẻ thù, mới giữ được vị thế chủ động cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán, mới có sức mạnh tuyệt đối đi đến ngày thống nhất nước nhà, giang sơn thu về một mối”…

Tấm gương học, học mãi, học suốt đời của Bác Hồ đã, đang và mãi mãi là niềm tin son sắc và niềm cảm hứng vô biên không chỉ cho tất cả mọi người dân yêu nước Việt Nam mà còn cho cả nhiều bạn bè kể cả chính khách, nguyên thủ quốc gia trên thế giới./.

                                                             Nguyễn Anh Liên

                                                        Nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam