Đứng bên bờ sông Côn  

Đăng lúc: 19-05-2022 1:41 Chiều - Đã xem: 140 lượt xem In bài viết

Một nhánh sông Côn chảy dưới chân tháp Bánh Ít. Ảnh internet  

Đứng bên bờ sông Côn[i] chiều nay

Bay về đâu hỡi trắng mây?

Con nhớ mệ quá cha ơi, nhớ quá!

Thật hay mơ mà xuyến xao đến lạ

Sông Côn sóng cuộn phù sa…

Nhớ quá mái chèo dòng Lam[ii] – La[iii]

 

Mẹ chèo đò chở con thuở bé

Nghe câu Ví giặm dạt dào…

Con chào đời bên bờ Lam sóng vỗ

Ngày cha xa, trên chốn học đường…

Cha về mừng vui hoan hỉ

Và từ đó nhà mình vào Huế

Con mang dòng Lam xanh trong lòng…

Nơi các con lớn lên…

Sóng lao lao Ví giặm!

 

Dòng Hương ngỡ bình yên

Nào ngờ rồi bão gió…

 

Khung cửi ngày nào mẹ dệt thời gian

Dệt nên tấm vải lòng thương chúng con

Cần cù như năm tháng

Nhọc nhằn và thiếu thốn

Cha xa nhà mẹ bệnh, em đau

Và bão tố ập xuống đầu

Buồn đau ngập đất

Mệ và em con mất…

Dòng Hương[iv] mang tang trắng dòng thảm lòng con…

 

Nhưng có một miền khác sông Hương

Cho con người biết chân trời xa rộng

Chân trời tranh đấu, tự do và giải phóng…

Trong lời lời thầy, lời cha

Trong ánh mắt ngậm ngùi cuộc sống…

Nâng bước chặng dường xa

Hướng Nam con đi tới…

Và từ đây sông Côn

Cha lên miền Bình Khê quan huyện

Sóng gió hay bình yên

Mà trời xa mây đen vần vũ triền miên…

 

Sông Côn chảy về chân trời vời vợi…

Ôi con sông nào sau lưng

Ôi con sông nào trước mặt

Con sông trong con dào dạt

À ơi Ví giặm lên ngàn

Diết da câu hò xứ Huế

Dòng sông dòng ca lịch sử

Dòng sông có gặp bể xa khơi

Cha ơi, con mang theo dọc suốt đường đời…

Dòng sông lòng mệ

Khát khao: Tất Thành!

Bay về đâu

Mây trắng trời xanh?

 29/5/2015

 HỒ BÁ THÂM

 


[i] Sông Côn còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, Việt Nam. Sông dài 171 km. Lưu vực sông có diện tích 2980 km² thuộc các huyện An Khê (Gia Lai), An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước (Bình Định)

[ii] Sông Lam (tên gọi khác: Ngàn Cả, Sông Cả, Nậm Khan, Thanh Long Giang). là một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam, bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào ọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Trên lãnh thổ Việt Nam, nó chảy qua địa phận huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, giữa các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An và các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Tổng cộng các chiều dài của sông theo Bách khoa toàn thư Việt Nam là khoảng 520 km, đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361 km.

[iii] Sông La là một phụ lưu của sông Lam, dài 12,5 km chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố (từ Hương Sơn đồ về) và sông Ngàn Sâu (từ Hương Khê và Vũ Quang) tại bến Tam Soa (Linh Cảm, Đức Thọ). Đến lượt nó lại hợp lưu với sông Cả (từ Nghệ An chảy sang) tạo thành dòng sông Lam nằm giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

[iv] Sông Hương có hai nguồn chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn.Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Tuần (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Tuần, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương. Từ ngã ba Tuần đến cửa Thuận An, sông Hương dài 33 km và chảy rất chậm (do chênh lệch độ cao giữa điểm đầu và cửa sông nhỏ).