Hẹn ngày về

Đăng lúc: 21-06-2022 10:01 Sáng - Đã xem: 127 lượt xem In bài viết

Cầm tờ giấy báo nhập ngũ trên tay, Lan chạy nhanh vào nhà, sung sướng nói như reo lên:

– Mạ ơi! Mạ, con có giấy báo nhập ngũ đây rồi.

 Mẹ Lan mồ hôi nhễ nhại từ sau vườn nghe tiếng chạy vào, vừa thở bà vừa cất tiếng hỏi:

– Cái chi, mi nói cái chi nói lại tau nghe?

 Bà đọc qua tờ giấy báo nhập ngũ rồi ngước mắt nhìn cô con gái yêu:

– Ngực thì lép kẹp như mo nang, mũi lau chưa sạch mà cũng làm oách đòi nhập ngũ.

Lan ưỡn ngực, gồng tay:

– Mạ coi đây! Hay mạ không ưng con đi thì nói. Mẹ Lan ôm con trong vòng tay âu yếm:

– Thiệt in cha mi, ưng chi là mần cho được. Mạ không cấm con di, nhưng con còn phải học lên cấp III, rồi ở nhà phụ việc với mạ chứ mấy năm chiến tranh liên miên gia đình mình kinh tế khó khăn quá.

– Mạ ơi! Con đi con sẽ về mà. Đất nước thống nhất, khi đó con lại đi học, lại giúp việc phụ mạ. Mà con đi vài bữa, lớn thêm con làm bù gấp đôi cho mạ.

Nói mãi rồi mạ cũng ừ. Đó là một ngày đầu xuân năm 1974, lúc đó Lan vừa tròn 16 tuổi.

 Lan được biên chế vào Binh trạm 19, thuộc Bộ Tư lệnh 559. Đơn vị đóng quân ở Cây số 7, Đường 9, huyện Cam Lộ, Quảng Trị.

Mấy ngày học tập chính trị, điều lệnh của đơn vị, Lan thấy nhớ nhà. Giờ giải lao, Lan ngồi xem lại quyển sổ nhật ký thì anh Trí, Trạm trưởng đến bên:

– Sao em không ra chơi cùng các anh chị cho vui mà ngồi đây. Nhớ nhà rồi hả bé con?

– Dạ. Nhớ nhà cũng có mà buồn vì hụt hẫng cũng có. Không đợi Trí kịp hỏi, Lan nói tiếp: – Chưa đủ tuổi, em làm đơn tình nguyện vào bộ đội. Cứ tưởng được cầm súng đánh giặc, ai ngờ lại điều động vô TNXP phục vụ chiến trường.

Trí nhìn Lan, động viên:

– Đi phục vụ chiến trường cũng như đánh trận thôi em. Hơn nữa tuổi em còn nhỏ, đi hết nghĩa vụ còn về đi học. Mà quê em ở đâu?

– Em ở xã Lương Ninh, gần bến phà Quán Hàu đó anh. Ngày đêm chứng kiến cảnh đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ mà lòng quặn đau. Cảnh nhà sập, xe cháy, người chết đã thúc dục em mau trở thành người lính để trút căm hờn lên đầu giặc, trả thù cho bà con, cho anh em bộ đội đã hy sinh.

Đại đội Lan biên chế hơn ba mươi chiến sĩ, chủ yếu là nữ. Lán trại tạm bợ, đơn sơ. Dãy nhà một bên là nữ, một bên là nam cách nhau cái phên nứa. Anh em con trai thì nghịch như quĩ sứ, thấy chị em “sơ hở” thì trêu chọc đến phát khóc.

Công việc của đơn vị là phát tuyến, mở đường. Một hôm cả tiểu đội đang phát tuyến, anh Sỏi, tiểu đội trưởng vung cây dao rựa phát mạnh, một quả bom bi vàng chóe lăn ra. Anh hét lớn: “Có bom!”. Cả tiểu đội nằm rạp xuống, quả bom chỉ cách Lan hai bước chân. Hú vía! May bom không nổ, anh em chạy lùi lại và nhờ đơn vị công binh gần đó đến giải quyết.

Tiếng tắc kè thảng thốt trong đêm, nghe buồn. Đêm yên tĩnh, Lan không ngủ được cứ chập chờn về quả bom. May mà bom không nổ, nếu nổ không chết cũng què tay, cụt chân. Lúc ấy ba mạ sẽ thế nào nhỉ? chắc là buồn lắm! Thấy anh chị đang ngon giấc, Lan thì thầm như tự trấn an: “Không sao đâu. Sống chết có số mà”

Đã hơn một tuần phát tuyến. Tay Lan phồng rộp lên, đau nhức. Chị Tơ, quản lý đơn vị lấy lá rừng giả nhỏ đắp cho Lan, ân cần động viên:

– Cố lên em! Mà sao em không đeo găng tay?

– Dạ không sao đâu chị. Em tập luyện cho quen.

Có một lần phát tuyến, Tiểu đội trưởng cho anh em nghỉ lấy sức. Mọi người lên đồi hái sim ăn. Bỗng chị Bốn hét lên: “Có xác người”. Đó là xác một lính VNCH, áo quần rằn ri đã bị mối đùn lên gần kín. Thế là phải lấy ni lông gói ghém và chôn cất. Càng đi sâu vào đồi, xác xe tăng, xe M113, đạn pháo, đạn cối nằm la liệt. Mọi người hoảng quá nên đành quay lui.

Ngày nắng cũng như mưa, đơn vị miệt mài phát cây, thu dọn, san lấp tạo mặt đường. Con đường nối từ Trạm kho trung chuyển đến bãi xe đã hoàn thành. Đơn vị tổ chức liên hoan mừng công. Với năng khiếu vốn có, tiếng hát của Lan vút lên làm sôi động cả hội trường. Và niềm vui đến với Lan, cô được đơn vị tuyên dương về thành tích xuất sắc trong công tác phát tuyến mở đường.

Đơn vị chuyển sang việc cõng gạo, vác đạn từ kho lên xe để chuyển sang Lào giúp nước bạn. Do chưa quen, mấy ngày đầu mọi người chỉ cõng được 30 kg mỗi chuyến. Di chuyển hàng từ kho lên xe liên tục, chân nhấc không nổi. Qua hơn một tháng, với sự rèn luyện, với ý chí quyết tâm anh chị em trong đơn vị có người đã cõng được 40 đến 50 kg, Lan cũng cõng được 40 kg, đều đặn vác đạn, súng chuyển lên xe. Nhiều khi mệt bở hơi tai. Chị Tý nhìn Lan khen, động viên:

– Cơm bộ đội có khác, mau lớn thiệt, thành thiếu nữ rồi. Mỗi lần được khen Lan sung sướng ngắm mình, mỉm cười.

Hôm đơn vị họp sơ kết, rút kinh nghiệm việc cõng, bóc hàng lên xe Lan mạnh dạn đề xuất việc dùng cần cẩu để chuyển hàng. Một cọc trụ được dựng lên, một thanh gổ dài khoảng 4 đến 5 mét được nối với trụ bằng dây đai. Một đầu thanh gỗ có móc, móc vào bao gạo hay thùng đạn, một đầu hai chiến sỹ dùng sức đu xuống và lái hàng lên xe. Trên xe một chiến sỹ bốc hàng xuống. Từ khi cải tiến công cụ, năng suất bóc hàng tăng lên gấp đôi, gấp ba. Công việc càng càng thuận lợi, Đơn vị phấn khởi hăng say công việc để tiến độ kịp trước mùa mưa.

Vùng giải phóng ngày càng mở rộng, khí thế chiến trường ngày càng lớn mạnh. Các phương tiện vận tải được trang bị hiện đại hơn. Việc chuyển hàng lên xe được thay bằng máy tời, cần cẩu. Đơn vị Lan giải thể, một số anh trai tráng được chuyển sang bộ đội chuẩn bị cho chiến dịch sắp đến. Còn Lan và một số chị được xuất ngũ.

Ngày chia tay, mắt ai cũng ươn ướt. Cảm xúc xa đồng đội, xa chiến trường ùa về trào dâng. Những cái bắt tay, lời chào tạm biệt cứ sâu lắng trong lòng mọi người.

Chiếc ba lô nhẹ tênh với mấy bộ đồ quân phục trên vai, nhưng chứa bao niềm vui đó là tấm Bằng khen của Bộ Quốc phòng để về khoe với mạ, giò phong lan trên nắp ba lô làm quà cho bố. Lòng Lan lâng lâng, đó là một ngày cuối tháng 12 năm 1974.

 (Viết theo lời kể của chị Võ Thị Lan, Trưởng Ban Công tác nữ Trường Sơn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)

 

Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Hội Truyền thống Trường Sơn – Việt Nam