Thực hiện các Quyết định 216/1987/TTg, 182/1992/TTg, 770/1994/TTg của Thủ tướng chính phủ về tổ chức và chính sách đối với TNXP xây dựng kinh tế; chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về việc sử dụng và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và an ninh biên giới tại những vùng có khó khăn, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh, từ năm 1986 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thành lập 14 đơn vị Thanh niên xung phong – Xây dựng kinh tế (TNXP-XDKT) gồm:Tổng đội TNXP 1 (xã Long Sơn – Anh Sơn); Tổng đội TNXP 2 (xã Thanh Đức – Thanh Chương); Tổng đội TNXP 3 (xã Châu Đình – Quỳ Hợp); Tổng đội TNXP 4 (xã Giai Xuân – Tân Kỳ); Tổng đội TNXP 5 (xã Thanh Thủy – Thanh Chương); Tổng đội TNXP 6 (xã Lăng Thành – Yên Thành); Tổng đội TNXP 7 (xã Tiền Phong – Quyế Phong); Tổng đội TNXP 8 (xã Huồi Tụ – Kỳ Sơn); Tổng đội TNXP 9 (xã Tam Hợp – Tương Dương); Tổng đội TNXP 10 (xã Na Ngoi – Kỳ Sơn); Tổng đội TNXP huyện Quỳnh Lưu; Tổng đội TNXP huyện Anh Sơn; Trung tâm Giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm Phúc Sơn (xã Phúc Sơn – Anh Sơn).Tỉnh đoàn thành lập Ban Chỉ huy lực lượng TNXP-XDKT tỉnh để tham mưu cho Tỉnh đoàn quản lý, chỉ đạo các đơn vị TNXP trực thuộc.
Trại gà của hộ gia đình TNXP ở làng thanh niên lập nghiệp
Với nhiệm vụ được giao, hiện nay các Tổng đội TNXP đang quản lý, bảo vệ và phát triển gần 27.500 ha rừng, trong đó có gần: 17.500 ha rừng phòng hộ, hơn 10.000 ha rừng sản xuất. Bên cạnh nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng, các Tổng đội trồng được 1.388ha chè, 547ha mía, 260ha dứa, 15ha nghệ, 30ha cam. Sản lượng bình quân hàng năm đạt: chè búp tươi: 4.000 tấn, trị giá 26 tỷ đồng/năm; nghệ củ tươi: 300 tấn, giá trị 1,4 tỷ đồng/năm…Tổng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi được 800 con trâu bò, 800 con lợn, 27.000 con gà đen H’mông, 10.000 con gà ri lai…Đã hình thành được 12 điểm dân cư, tạo việc làm ổn định cho 568 hộ với hơn 1.000 lao động; sắp xếp và tạo việc làm ổn định cho 429 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập của các hộ đạt từ 80 – 200 triệu đồng/năm. Làng TNLN Sông Rộ qua 20 năm xây dựng, hiện có 3 đội sản xuất với 160 hộ, tổng đầu tư cả vốn qua Trung ương Đoàn và địa phương là 30 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 600 tỷ đồng, bình quân đạt 30 tỷ/năm, có nhiều gia đình thu nhập cao, mua được ô tô, máy cày, máy hái chè; 100% hộ xây nhà kiên cố, không có hộ nghèo, không có hộ bỏ về quê cũ, không có hộ sử dụng đất sai mục đích; có 20 cháu sinh ra tại Làng TNLN Sông Rộ nay đã vào đại học…
Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn tổ chức cai nghiện ma túy thường xuyên cho gần 200 học viên bắt buộc và tự nguyện theo hướng dẫn quy định của pháp luật, không có hiện tượng thẩm lậu ma túy, không để xảy ra việc học viên bỏ trốn hay gây mất trật tự.Với kết quả đó, đã góp phần giữ gìn an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm ma túy; hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội và tái hòa nhập cộng đồng.
Một vườn chè tại làng TNLN Sông Rộ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An
Bên cạnh chức năng quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất, các Tổng đội đã, đang thực hiện tốt chức năng “bà đỡ”, “dịch vụ” về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, chế biến, tiệu thụ sản phẩm cho các hộ; chú trọng xây dựng và duy trì nề nếp hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể, duy trì đời sống văn hóa tinh thần, huấn luyện và phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, kiểm lâm tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ rừng, xử lý kịp thời các vụ việc gây mất an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn xã hội…
Hiện nay, Tỉnh đoàn Nghệ An đang xây dựng Đề án tổ chức lại lực lượng TNXP Nghệ An cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 12/2011/NĐ-CP, ngày 30/01/2011 về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 17/2021/NĐ-CP, ngày 09/03/2021 Quy định chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Đồng thời phối hợp với các Sở ngành thực hiện hoàn thành giải thể một số Tổng đội đã hoàn thành nhiệm vụ; đo đạc, lập hồ sơ thực hiện giao đất, giao rừng cho tổ chức và cá nhân tại các đơn vị TNXP; thống nhất về công tác quản lý cán bộ viên chức, công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cho cán bộ viên chức của các đơn vị TNXP Nghệ An; kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép lực lượng TNXP tiếp tục xây dựng một số “Làng thanh niên lập nghiệp” ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa đảm bảo giữ vững an ninh, quốc phòng.
Nguyễn Việt Phát
Nguyên Tổng chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương Đoàn