Tại khu vực mỏ đá đường sắt Hoàng Mai (khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) có một địa danh lịch sử liên quan đến sự mất mát của lực lượng TNXP thời chống Mỹ. Đó là hang Hỏa Tiễn. Nơi đây, 33 TNXP và công nhân ngành đường sắt đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông tuyến đường sắt chạy từ Thanh Hóa – Vinh qua Hoàng Mai, khu vực trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ.
Ảnh internet
Hang Hỏa Tiễn (ảnh trên) là một hang động tự nhiên nằm trong dãy núi Eo Kín thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Hang đá này được làm nơi trú ẩn của Tổ 4, C271, Đội 27 TNXP khi vừa khai thác đá, vừa khôi phục giao thông khi không quân Mỹ đánh phá.
Vào lúc 9h ngày 28/4/1966, lúc 36 anh chị em Tổ 4 đang vận chuyển những khối đá cuối cùng hoàn thành sửa chữa đoạn đường sắt thì tiếng kẻng báo động vang lên, toàn tổ rút vào hang trú ẩn. Khi phần lớn anh chị em đã vào nơi trú ẩn thì máy bay địch ập tới trút bom, bắn rốc két. Cửa hang đã bị 2 quả rốc két đánh sập. Máy bay Mỹ rút đi, lực lượng ứng cứu đến thì toàn bộ khu vực đã trở thành nơi chết chóc, tan hoang, 30 người được xác định hy sinh tại chỗ, 3 người bị thương đưa đi cấp cứu nhưng sau đó cũng hy sinh. Từ sự kiện bi thảm đó hang được mang tên là Hỏa Tiễn.
Lãnh đạo ngành đường sắt dâng hương tại Đài tưởng niệm. Ảnh tư liệu
Hòa bình lập lại, mỏ đá Hoàng Mai vẫn là nơi sản xuất, cung ứng vật tư chiến lược cho khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất, hiện là doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng chủ chốt của các đơn vị đường sắt khu vực. Cán bộ công nhân ở đây đã đóng góp công sức cùng toàn ngành đường sắt tiến hành nhiều đợt tu bổ, tôn tạo địa danh cụm di tích lịch sử TNXP đường sắt tại mỏ đá Hoàng Mai gồm: hang Hỏa Tiễn, đền thờ các liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt. Chỉ có 25 liệt sĩ mai táng tại nghĩa trang, còn 4 liệt sĩ mất tích trong hang mà chưa tìm thấy thi thể, 1 liệt sĩ bị mắc kẹt trong hang không đưa ra ngoài được. Bốn liệt sĩ bị mất tích trong hang là: Trần Đình Thám, Nguyễn Ngọc Trai (cùng quê Thừa Thiên – Huế), Đặng Thị Châu (quê huyện Diễn Châu, Nghệ An), Đàm Quốc Thẩm (quê huyện Duy Tiên, Hà Nam). Liệt sĩ Phạm Ngọc Lâm (quê huyện Thanh Hà, Hải Dương) thì bị kẹt bởi một tảng đá lớn. Anh kêu cứu vọng từ hang nhưng đồng đội không có cách nào cứu được. Sau này, bạn bè làm lễ thắp hương, để anh nằm nguyên trạng dưới tảng đá lớn ngay trước cửa hang. Liệt sĩ Trần Thị Loan (quê H.Duy Tiên, Hà Nam) bị thương nặng, cũng được đồng đội đưa đi cấp cứu, nhưng 5 tháng sau, chị cũng không thể qua khỏi. Gia đình đã đưa chị về quê an táng.
Ảnh internet
Như vậy, trong 33 phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt ở Hoàng Mai (ảnh trên) , có 7 ngôi mộ có tên tuổi trên bia nhưng trong mộ không có hài cốt.
Năm 2011 cụm di tích đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đoàn viên thanh niên thắp hương tại hang Hỏa tiễn. Ảnh tư liệu
Vào các dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử của dân tộc và của ngành Đường sắt, ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm, lãnh đạo ngành và đại diện các đơn vị, cơ quan, đoàn thể của địa phương, các đơn vị đường sắt, thân nhân các liệt sĩ đã đến viếng thăm, tri ân tưởng nhớ những người đã hy sinh sự sống của mình trong chiến đấu vì mạch máu giao thông thông suốt, tất cả cho tiền tuyến thắng lợi.
Một số hình ảnh khác
ĐOÀN DUY HOẠCH