Ánh sáng văn hóa Việt Nam thức tỉnh trái tim một sỹ quan tù binh Mỹ

Đăng lúc: 09-08-2022 3:31 Chiều - Đã xem: 150 lượt xem In bài viết

Tôi có một may mắn và vinh dự lớn, năm 1967 được Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công giao nhiệm vụ cùng với Giáo sư Hồ An và Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng (hai vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ) tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ một sĩ quan tù binh Mỹ tên Gion Boby trở thành một chiến sĩ TNXP vũ trang, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam với tên mới là Nguyễn Chiến Đấu.

Lời đầu tiên của Boby tại buổi lễ kết nạp vào Đoàn ngày 2/9/1967 là “Hoa Kỳ nhất định sẽ thua Việt Nam, bởi Chính phủ Mỹ không thấu hiểu văn hóa Việt Nam”, và “Từ nay, tôi nguyện ra sức học Văn hóa Việt Nam – Văn hóa Hồ Chí Minh, để xứng đáng với tên, họ mới: Họ Nguyễn là họ của Bác Hồ, tên Chiến Đấu là chiến đấu vì cách mạng Việt Nam mà cũng là chiến đấu vì tương lai thế giới, trong đó có tương lai của nhân dân Mỹ theo tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Qua góc nhìn của Boby – Nguyễn Chiến Đấu – văn hóa của người Việt Nam cao hơn gấp nhiều lần văn hóa người Mỹ. Boby thường lấy “văn hóa” từ mấy viên tướng Hoa Kỳ đem so sánh với các sĩ quan cao cấp “Việt Cộng” để rút ra kết luận. Tất cả các viên tướng chỉ huy Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 2, mà Boby từng là sỹ quan cận vệ, không có một tên nào đối xử bình đẳng với binh lính dưới quyền; đối xử nhân đạo với những người không may đã sa vào tay chúng. Trong chiến đấu, mỗi lần xua lính ra trận đều không kể gì xương máu binh lính đổ ra bao nhiêu, chỉ biết đạt được mục tiêu giết được nhiều người không theo Mỹ. Khác biệt hoàn toàn với Mỹ, văn hóa Việt Nam đã làm cho Boby giác ngộ từ tên lính viễn chinh xâm lược, trở thành chiến sĩ cách mạng thông qua thái độ, hành vi, đạo đức của nhiều người dân, chiến sĩ, cán bộ lãnh đạo, sĩ quan chỉ huy cao cấp Việt Nam. Boby vô cùng xúc động và khâm phục khi lần đầu được tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công; Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân; Đại đức Pháp sư Thích Giác Lượng Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung… đã đem ánh sáng văn hóa Việt Nam soi sáng đầu óc cho những người mê muội của nước Mỹ, trong đó có Boby, cựu sĩ quan tâm lý chiến. Boby tiếp thu văn hóa Việt Nam chưa phải đạt tới mức mang tầm cao xa mà chỉ ở những hành vi, thái độ, phong cách ứng xử bình thường của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với người dân và chiến sĩ dưới quyền và cả với sĩ quan, binh lính Mỹ “gặp may” được Việt Cộng bắt.

Theo Boby, không đâu có người chỉ huy cao nhất cấp Quân khu, Quân đoàn mà ngồi ăn cùng với người lính cận vệ, cần vụ; còn đi bộ, đi xe đạp đến thăm các thương bệnh binh và còn sẻ chia từ cốc sữa, viên ký ninh phòng sốt rét cho chiến sĩ. Cũng không đâu có người lãnh đạo cao nhất của Khu ủy, Mặt trận mà cùng với chiến sĩ thực hiện “hũ gạo nghĩa tình” bằng cách mỗi lần nấu cơm, anh nuôi đều bớt lại mỗi người một nhúm gạo để san sẻ cho đồng bào đang thiếu đói do bom B52 và chất độc của địch làm cháy rừng, cháy rẫy. Trong các bữa ăn, chỉ huy cũng như chiến sĩ đều ăn những món rau rừng chỉ hái lá già, không hái lá non vì để dành cho bộ đội đến sau; nhiều khi cùng ăn tro gianh thay muối để nhường muối cho thương binh; còn luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ mỗi lần ra sông suối bắt cá, cua, ốc thì không được bắt những con còn nhỏ và cả những con cá mẹ đang mang bọc trứng.

Còn không biết bao nhiêu câu chuyện được trực tiếp mắt thấy tai nghe, Boby giác ngộ rằng bộ đội và TNXP không chỉ là đội quân chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn là trường học giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người có phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” lấy đạo đức làm gốc, biết yêu nước, yêu đồng bào mình và cũng yêu cả nhân dân lao động các nước khác; có lòng căm thù giặc sâu sắc, căm thù đế quốc Mỹ không đội trời chung nhưng vô cùng thân thiết, quý trọng nhân dân tiến bộ Mỹ. Boby cho rằng, chỉ có văn hóa Việt Nam mới làm cho Quân giải phóng từ chỉ huy cấp cao đến cán bộ chiến sĩ có sức mạnh vượt qua tất cả gian truân khốc liệt của chiến tranh, trong đó nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc làm cho hầu hết cán bộ, chiến sĩ xa gia đình vợ con hàng chục năm trời vẫn thủy chung son sắc, đợi ngày thống nhất Tổ quốc. Cũng chỉ có văn hóa Việt Nam mới nâng cánh ước mơ vươn tới đỉnh cao vinh quang, hạnh phúc của các chiến sĩ quân giải phóng và chiến sĩ TNXP, bằng nỗ lực học tập, rèn luyện ngay giữa hai trận đánh, tranh thủ ánh sáng đèn dù của địch để học tập văn hóa, chính trị, để cất cao “tiếng hát, át tiếng bom”.

Cũng từ văn hóa Việt Nam mà Boby tự cải tạo con người mình, biết xót thương các em bé mồ côi người dân tộc bị ghẻ lở, hắc lào, căn bệnh rất dễ lây nhiễm, đang nương tựa vào cán bộ cơ quan, nên Boby làm theo tấm gương của các lãnh đạo, tự tay tắm rửa, bôi thuốc chữa chạy cho các em. Mỗi khi có thì giờ, Boby cũng ra rừng chặt củi, hái rau, xuống suối bắt cua bắt ốc… đem về giúp bếp ăn tập thể, thực hiện “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Boby cũng biết tôn trọng bà con dân tộc thiểu số như các cán bộ chiến sĩ Việt Nam, mỗi lần đem muối, mì chính ra đổi lấy rau, gà, trứng, bao giờ cũng dành phần hơn cho họ. Boby còn hết lòng khâm phục và quyết tâm học lấy tinh hoa văn hóa Việt Nam về đạo lý “Uống nhớ nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thờ cúng Tổ tiên ông bà, kính già yêu trẻ, tôn sư trọng đạo… để khi trở về gia đình, quê hương, nước Mỹ thể hiện xứng đáng với tên mới: Nguyễn Chiến Đấu; chiến đấu theo ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh.

Nguyễn Anh Liên