Những năm tháng không thể quên

Đăng lúc: 30-09-2022 9:24 Sáng - Đã xem: 144 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 25/9/2022, tại vùng biên giới Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát[i], Tỉnh hội Tây Ninh tổ chức họp mặt, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh (25/9/1977 – 25.9.2022). Đến dự có các đồng chí: Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh; Trương Nhật Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Văn Mãnh (Hai Văn), nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP GPMN; lãnh đạo Tổng đội TNXP Tây Ninh qua các thời kỳ và hơn 300 cán bộ, hội viên tiêu biểu.

Cách đây 45 năm, đêm 24 rạng 25/9/1977, bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary tràn qua biên giới Việt Nam – Campuchia tại Tây Ninh, tàn sát dã man hàng ngàn đồng bào vô tội tại 2 huyện Bến Cầu và Tân Biên. Chúng phóng hỏa đốt nhà, phá hoại các công trình xây dựng, phá nát hoa màu, vườn tược, công sức lao động của đồng bào ta…

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đáp lời kêu gọi của Tỉnh đoàn Tây Ninh, ngay sáng ngày 25/9/1977, hàng trăm đoàn viên thanh niên ưu tú trong huyện nội địa lên đường ra biên giới làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến. Với hai đại đội, khoảng 250 người, lực lượng này bắt tay ngay vào việc thu dọn chiến trường, tìm thi thể và mai táng người quá cố, dựng lại nhà đồng bào bị đốt cháy, phục vụ chiến đấu, cùng các đơn vị quân sự đứng chân trên biên giới đẩy lùi bọn xâm lược. Nhiệm vụ của lực lượng này là tiếp lương, tải đạn, chăm sóc thương binh, đưa về nơi an toàn; thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội an tâm chiến đấu. Những chàng trai, cô gái tuổi mười chín đôi mươi ngày ấy luôn có mặt trong những điểm nóng của chiến trường như Xa Mát, Bến Cầu…

Sau hơn một tháng bọn Pol Pot đã bị đẩy lùi qua bên kia biên giới nhưng tình hình vẫn chưa bình yên, nhiều người dân vẫn chưa dám về lại quê nhà. Nhận thấy cần có một lực lượng xung kích đứng chân trên biên giới, vừa khôi phục vết thương chiến tranh, vừa góp phần cùng bộ đội bảo đảm an ninh quốc phòng, cuối tháng 10/1977, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh, lấy ngày 25/9/1977 làm ngày thành lập, do đồng chí Lâm Văn Chương (Hai Chương), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn làm Tổng đội trưởng, với lực lượng ban đầu là hai đại đội  đã có thời gian phục vụ chiến trường.

Giữa năm 1978, Tổng đội nhanh chóng phát triển thành 4 liên đội và 2 đại đội trực thuộc, với quân số lên đến hơn 3.000 đội viên; cơ quan Tổng đội có đủ các phòng ban. Nhận thấy đơn vị lúc này đã đủ lực để nhận những việc quan trọng hơn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Tổng đội lên vùng phía Bắc Tây Ninh khai hoang phục hóa và bảo vệ biên giới từ Kà Tum đến Vạc Sa (các xã Tân Đông, Tân Hà, Tân Hòa huyện Tân Châu ngày nay). Đây là nơi từng bị quân Pol Pot chiếm đóng, đặt trụ sở chỉ huy cấp trung đoàn, mìn còn rất nhiều, nên dù quân Pol Pot đã rút nhưng chưa có người dân nào dám trở về. Vùng này cỏ hoang cao hơn đầu người, quân Pol Pot vẫn lén lút vượt biên sang quấy phá, nguy hiểm rình rập từng ngày. Tổng đội lại hành quân, vừa xây dựng căn cứ tiền phương, vừa đào giao thông hào chung quanh nơi đóng quân để bảo vệ đơn vị. Lúc này, Tổng đội là đơn vị bán quân sự, được trang bị súng, đạn, được cung cấp máy cày, máy xới, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho TNXP vừa an tâm sản xuất vừa đủ mạnh để bảo vệ biên giới. Một liên đội được giao nhiệm vụ đứng chân lâu dài trên biên giới tại Kà Tum; một liên đội về huyện Bến Cầu, xây dựng hệ thống thủy lợi Tây Bến Cầu tại xã Long Thuận; một liên đội được điều xuống Bời Lời xây dựng nông trường trồng cây công nghiệp…Những năm 1978, 1979 cực kỳ khó khăn, thiếu thốn,  Tổng đội tập trung hai liên đội tham gia trồng bắp tập trung từ cánh đồng Tua Hai (huyện Châu Thành) đến Mỏ Công (huyện Tân Biên). Tổng đội làm nhiệm vụ trên biên giới khoảng 3 năm (1977 – 1979) với hiệu quả mang vô cùng to lớn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hùng Thái (bên trái),

tặng hoa Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Văn Lợi chúc mừng buổi họp mặt

Sự hiện diện của TNXP trên biên giới, đã đem lại màu xanh trên vùng đất chết. Hàng trăm hecta đất được khai hoang phục hóa, những đường cày khơi dậy phù sa bởi những đôi tay không chuyên rà phá bom mìn. Bàn chân TNXP đã in dấu trên khắp ngả đường biên giới. Ngày cũng như đêm, tay súng, tay cày cho lúa oằn bông, góp cho tỉnh nhà hàng ngàn tấn thóc; mì (sắn) đã lên xanh, báo hiệu vụ mùa bội thu; dòng nước xanh trong từ đập Suối Đục, tưới mát cánh đồng đã được đánh đổi bằng máu; những tấn vôi đầu tiên được khai thác tại Sóc Con Trăn (nơi đặt nhà máy xi măng Fico Tây Ninh ngày nay)… TNXP đã bảo vệ bình yên biên giới, góp phần lao động sản xuất, khơi nguồn tài nguyên của tỉnh nhà.

Trong xây dựng và bảo vệ biên giới Tây Nam ngày ấy, Tổng đội có 5 liệt sĩ, 5 thương binh, đồng chí Võ Thanh Nam, thương binh nặng, nguyên Liên đội trưởng Liên đội I được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tổng đội được Trung ương Đoàn cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh.

Từ ngày thành lập, Hội Cựu TNXP Tây Ninh đã tập hợp được 2.145 cựu TNXP biên giới Tây Nam vào Hội, tất cả đồng đội đủ điều kiện đều đã được hưởng chế độ theo Quyết định 62; Hội đã xây dựng và sửa chữa hàng trăm căn nhà đồng đội. Hưởng ứng đợt phát động thi đua của Tỉnh hội, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh, các hội cấp huyện đã xây mới 5 căn nhà đồng đội, trị giá 365 triệu đồng; sửa chữa 7 căn nhà, với số tiền 63 triệu đồng; thăm, tặng quà cho hội viên khó khăn hơn 200 triệu đồng…

Phát biểu tại buồi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hồng Thái ghi nhận những công lao đóng góp của TNXP biên giới Tây Nam năm xưa, đã không tiếc máu xương, quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn biên giới. Đồng chí mong rằng các cựu TNXP ngày ấy, dù tuổi cao, sức yếu vẫn giữ vững tinh thần xung phong ngày nào, tiếp tục đóng công, góp sức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Tặng quà cho đồng đội

“…Những chàng trai cô gái tuổi mười chín đôi mươi ngày ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về cuộc sống đời thường, mỗi người có hoàn cảnh, trình độ khác nhau nên cuộc sống cũng lắm nỗi gian lao, vất vả. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, hàng ngàn cán bộ, đội viên ngày ấy luôn giữ vững và phát huy bản chất TNXP năm xưa, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho quê hương đất nước để làm gương cho thế hệ trẻ.

Có thể khẳng định, TNXP là trường học lớn đào tạo nên lớp người trẻ có lập trường kiên định, có tư tưởng cầu tiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Môi trường TNXP thực sự là trường học lớn, nơi học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, làm nền tảng vững chắc và hành trang đầy đặn cho mỗi cá nhân mạnh bước vào đời. Tổng đội TNXP Tây Ninh đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, ghi thêm vào trang sử hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – lời phát biểu đáp từ của Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Văn Lợi.

Tại buổi họp mặt, Tỉnh hội phối hợp với Tỉnh đoàn tặng 19 phần quà cho gia đình các Anh hùng LLVTND Trịnh Duy Hoàng, Võ Thị Rậm, nguyên lãnh đạo Tổng đội TNXP, nguyên Chủ tich Tỉnh hội các thời kỳ; 17 phần quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần quà 500.000đ.

Trước đó cùng ngày, Đoàn đến dâng hương tại Đền tưởng niệm TNXP GPMN, Nghĩa trang quốc gia Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

  Duy Đức
Tỉnh hội Tây Ninh


[i] VQG Lò Gò – Xa Mát cách thành phố Tây Ninh khoảng 35 Km, nằm ở khu căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong VQG và khu vực phụ cận có các nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, đang được bảo tồn, tôn tạo phục vụ tham quan du lịch và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau điển hình như: Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Ban An Ninh Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Mặt trận Giải phóng Miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng … Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhân dân nơi đây bị bọn Pol Pot tàn sát dã man.