Hội thảo khoa học quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm

Đăng lúc: 15-10-2022 9:21 Chiều - Đã xem: 163 lượt xem In bài viết

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Tây Bắc (1952- 2022) sáng ngày 14/10/2022 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Yên Bái đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “ Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Dự hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư quân uỷ Trung ương, nguyên Bộ trưởng bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể Trung ương; lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhân chứng lịch sử; tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học…

Đoàn chủ tịch hội thảo

Đoàn Chủ tịch hội thảo gồm các đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướn Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng bộ Quốc phòng, trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái, đồng trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Phan Xuân Thuỷ Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh quân khu 2 và Thiếu tướng Hoàng Văn Nhiên, Viện trưởng Viện quân sự.

Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Hội nghị Ban cháp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khoá II (tháng 4 năm 1952) đã thống nhất chủ trương: tiếp tục phát huy quyền chủ động, chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu-Đông 1952 với phương châm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh”…nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành lại dân, phá âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Sau gần 2 tháng tiến hành chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14/10 đến ngày 10/12/1952) ta đã mở 3 đợt tiến công: đợt 1 (14-23/10), diệt 500 tên địch, bắt sống 1.000 tên trong đó có 300 lính Âu- Phi và nhiều sỹ quan phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên thu 1.497 súng các loại, 34 khẩu cối, 3 khẩu ĐKZ-75, 2 pháo 105 ly, cùng nhiều trang bị quân dụng; giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường số 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ. Đợt 2 (7-22/11), diệt và bắt sống hơn 3.000 tên địch giải phóng 17.700 km2, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần tỉnh Lai Châu. Đợt 3 (30/11-10/12), cuộc chiến đấu của quân ta trên các hướng diễn ra vô cùng ác liệt, địch sử dụng không quân, pháo binh bắn phá dữ dội vào trận địa của ta, dùng hỏa lực tại chỗ ngăn chặn quyết liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều; trong khi đó, ngày 02/12 địch lại thả dù tăng cường cho Nà Sản 2 tiểu đoàn. Xem xét thực lực giữa ta và địch. Bộ chỉ huy chiến dịch đã nhận thấy ta không có ưu thế binh lực hoả lực hơn địch, do đó quyết định đình chỉ tiến công Nà Sản, kết thúc chiến dịch kịp thời, tránh thương vong và ảnh hưởng đến lâu dài.

Các đại biểu trò chuyện bên lề hội thảo

Sau 2 tháng mở chiến dịch đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xoá sổ; âm mưu củng cố “Xứ Thái” “ Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận hơn 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải đối với các nội dung cụ thể, làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hiện tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của Đảng bộ các địa phương và lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến; sự phối hợp của các chiến trường các lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trong chiến dịch Tây Bắc; từng bước làm sáng tỏ chiến lược phát triển chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự, chọn hướng tiến công, chọn lực lượng sử dụng, chọn mục tiêu chủ yếu đánh trận then chốt, cách đánh sáng tạo được hình thành trong chiến tranh nhân dân của Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử chống thực dân Pháp.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày một số sản phẩm nông sản và hình ảnh nổi bật của tỉnh Yên Bái

Kết quả hội thảo khẳng định ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Tây Bắc: chiến thắng Tây Bắc 1952 có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1); Làm phá sản chính sách quân sự, chính trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đẩy Pháp vào thế bị động chiến lược; đập tan âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” và từng bước làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” (2); Khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý để ta tổ chức các chiến dịch quy mô lớn hơn (3); Góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi (4); Góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương Việt Nam- Lào- Campuchia từng bước phát triển tiến tới thắng lợi hoàn toàn (5).

 Một số đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo

Hội thảo cũng nêu bật những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng Tây Bắc 1952: Không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; tiếp tục giữ vững độc lập tự chủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; chú trọng củng cố, xây dựng nền quôc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân vững chắc, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến tranh vừa qua, vận dụng nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự trong tình hình mới; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; tập trung quán triệt triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc.

* Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Tây Bắc, tại thành phố Yên Bái nhiều hoạt động văn hoá thể thao đã được tổ chức. Đặc biệt, tối 13/10 tại quảng trường 19/8 chương trình nghệ thuật “Tây Bắc huyền thoại” được dàn dựng công phu; các ca khúc: Qua miền Tây Bắc, Hò kéo pháo, Tình ca Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên…các điệu múa dân gian, dân vũ đem đến cho người xem một không gian nghệ thuật thắm đượm tình quân dân trong kháng chiến chống Pháp, với tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết tươi vui. Những lời ca, điệu múa như một lời mời gọi du khách gần xa ghé thăn Tây Bắc hùng vĩ nói chung và Yên Bái nói riêng.

Một số hình ảnh khác 

 Lê Hoà