Đọc đến hơn hai lần cuốn sách “Đôi chân vạn dặm” của Vũ Trọng Kim, tôi cứ luẩn quẩn một suy nghĩ: đây là tự truyện của một “nhà văn” hay là tự truyện của một người gặp hàng ngày ở cơ quan, cùng trao đổi những công việc của Hội. Cả cuộc đời đóng góp cống hiến cho sự nghiệp đã chọn khi còn tuổi thiếu nhi, tới lúc hoàn thành nhiệm vụ nghỉ hưu, anh lại về đảm nhận công tác của Hội, lại tất bật lo toan cho anh em, đồng chí, đồng đội.
Cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc đã thu hút hàng triệu người Việt Nam thời bấy giờ tham gia cuộc chiến, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt trở về có biết bao nhiều kỷ niệm, biết bao trăn trở và nhiều hồi ức vui, buồn và cũng có rất nhiều người đã ghi lại những ký ức thời ra trận. Nhưng với Vũ Trọng Kim, phải chờ tới khi bước vào tuổi ”xưa nay hiếm”, anh mới ghi lại những dấu ấn của cuộc đời minh. Trong những năm tháng cùng với cả dân tộc, chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước; từng trải và với vốn sống phong phú Vũ Trọng Kim đã viết cuốn tự truyện “Đôi chân vạn dặm” bằng ngọn lửa từ trái tim mình.
Ngày 23/11/2022 tôi may mắn cùng với những anh em, bạn bè, những người thân thiết nhất của anh cùng gặp mặt, để được nghe anh giới thiệu về cuốn tự chuyện “Đôi chân vạn dặm”, do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành.
236 trang sách có nhiều tấm ảnh chân thực, với lối viết giản dị, nhẹ nhàng gần gũi và chân thành cùng những Vũ Trọng Kim đã đưa người đọc về với xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam quê hương anh. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước Quảng Nam là một địa phương đứng đầu, hứng chịu nhiều bom đạn khốc liệt của kẻ thù, Bình Giang quê anh cũng thế, mảnh đất “chưa mưa đã thấm”, trong bom đạn của kẻ thù đã có một Vũ Trọng Kim, anh trưởng thành từ khi tham gia phong trào và sinh hoạt thiếu nhi sống trong lòng địch, ngây thơ và hồn nhiên nơi quê hương anh xã Bình Giang. Sau này trở thành cán bộ đoàn thanh niên, anh cũng có nhiều năm công tác gắn bó với thanh thiếu niên các dân tộc và đồng bào núi rừng Tây Nguyên, trước khi anh trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Nói về cuốn sách “ Đôi chân vạn dặm” Vũ Trọng Kim tâm sự: “Mỗi lần viết về từng nhân vật trong cuốn tự truyện tôi đều rơi nước mắt về những gì đã đi qua cuộc đời mình”. Mới 13 tuổi “Hai Kim” đã bộc lộ nhiều tố chất, trong đám bạn bè cũng trang lứa, anh nổi lên như một “thủ lĩnh” biết hát, biết đọc thơ, biết đóng kịch và biết làm quen và bày trò “ chơi với lính Mỹ” để khi có điều kiện “Lủm trôm dăm ba trái lựu” về tặng cho du kích xã.
Cầm bút viết tự chuyện “Đôi chận vạn dặm” Vũ Trọng Kim tâm sự “Tự mình tôi muốn làm một nhân vật trung tâm để nói về những số phận con người của quê hương tôi và ở đâu đó trên đất nước này và cả thế giới này. Tôi rơi nhiều nước mắt vì đã viết ra những sự thật “cay đắng”, nhưng cũng có những câu chuyện “thăng hoa” bởi những ước mơ nhỏ nhỏ của riêng mình đã thành sự thật. Những nhân vật trong truyện họ là những con người vĩ đại, họ đi vào cuộc trường chinh như những người bình thường nhưng họ làm nên nhiều chuyện phi thường. Những gì tôi đã chứng kiến trong những năm tháng chiến tranh được viết ra bằng ngọn lửa từ trái tim mình.”
Tôi cũng suy nghĩ nhiều về những chiến sỹ TNXP trong “Đôi chân vạn dặm” của Vũ Trong Kim: chị Trương Thị Sáng, Anh hùng Nguyễn Viết Sinh, Anh hùng Phạm Thị Thao…có đôi vai trăm cân và bước chân vạn dặm đã hy sinh cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, cho hạnh phúc của nhân dân. Họ xứng đáng là thế hệ tiếp nối các nhà cách mạng kiệt xuất của đất Quảng Nam như cụ Phan Chu Chinh, Huỳnh Thúc Kháng,,..
Chiến tranh đã qua đi, viết tự truyện “Đôi chân vạn dặm”, anh mong muốn một điều, đặc biệt là với các bạn trẻ: hãy cùng nhau tiếp tục tiến lên trên mặt trận mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phụ công lao của bao người đã hy sinh và cống hiến. Giờ đây ở cương vị là Chủ tịch Hội TNXP Việt Nam, anh vẫn đau đáu lo toan, trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với TNXP, những đồng chí, đồng đội đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước.
Gắn bó với anh trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương, ở đâu anh cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp với nụ cười tươi tắn, cái bắt tay thân tình, cái ôm đồng đội và những lời sẻ chia với khó khăn vẫn còn trong cuộc sống hôm nay của đồng chí, đồng đội.
Xin chúc mừng anh, người đồng chí, đồng đội của tôi.
Một số hình ảnh khác
Bài: Lê Hòa
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến