Gặp tác giả cuốn “Nhật ký cô văn thư”

Đăng lúc: 03-03-2023 8:48 Sáng - Đã xem: 209 lượt xem In bài viết

Là một cựu TNXP chống Mỹ thuộc Đội 91, từ trải nghiệm của chính bản thân, bà Ngọc Thị Kẹo (ảnh) đã sáng tác truyện dài “Nhật ký cô văn thư” (Nxb.Thanh niên, 2003) tái hiện sinh động cuộc sống và chiến đấu của đồng chí, đồng đội mình. Trong tác phẩm, tác giả còn miêu tả lại sự kiện 60 đội viên TNXP Anh hùng hy sinh trong đêm Noel đầy máu lửa và nước mắt năm 1972.

Tranh thủ ngày cuối tuần, tôi đến nhà riêng của bà như đã hẹn. Căn nhà nép mình trong một ngõ nhỏ, bên cạnh con dốc thuộc đường Bắc Kạn. Trong nhà, đồ đạc được bày biện giản dị. Nhìn bà Ngọc Thị Kẹo, tôi nghĩ mình cũng như bất cứ ai sẽ đoán sai tuổi, chẳng ai ngờ người có cái miệng cười tươi tắn, dáng người thon thả như thôn nữ kia đã 70 tuổi. Tôi sốt sắng mở đầu câu chuyện:

– Bác đã có thời gian tham gia TNXP, ắt là các tư liệu hồi đó cung cấp nhiều cho tác phẩm của mình?

Bà Kẹo nhẹ nhàng bảo: – Ừ, hồi ấy, cũng như nhiều thanh niên ở làng, bác tham gia TNXP, được biên chế vào Đội 91. Đơn vị thực hiện các nhiệm vụ mở đường, san đường, rà phá bom mìn khu vực Bắc Thái. Quãng thời gian ở TNXP, cứ khi nào rảnh rỗi bác lại ghi nhật ký. Cuốn nhật ký đã cho bác ý tưởng để viết “Nhật ký cô văn thư” sau này. Bác đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ quyển nhật ký cùng với chiếc ba lô và bi đông đựng nước của mình.

Đọc “Nhật ký cô văn thư”, tôi bắt gặp nhiều sự kiện, tư liệu, địa danh lịch sử có thật trên địa bàn tỉnh Bắc Thái trước đây. Cũng giống như nhiều tác phẩm khác viết về chiến tranh, cảm hứng “sử thi” và âm hưởng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là thanh âm chủ đạo bao trùm toàn truyện. Trong gần 300 trang sách, qua nhân vật chính – cô TNXP tên Hạt là hình mẫu của chính tác giả Ngọc Thị Kẹo, người đọc mường tượng được những nét tiêu biểu nhất, chung nhất của quá trình thành lập, hoạt động và trưởng thành của một đơn vị TNXP Bắc Thái thời kỳ chống Mỹ. Trong đó, có gần 20 trang nói về sự kiện đêm Noel oan nghiệt 24/12/1972 khi Mỹ ném bom B52 tại Ga Lưu Xá, T.P Thái Nguyên khiến 59 đội viên của Đại đội 915 và Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa.

Tôi thuộc người thế hệ sau, qua những tư liệu lịch sử, nhất là “Nhật ký cô văn thư” đã hiểu nhiều thêm về sự kiện đau lòng năm ấy. Tôi mở sách, dõi theo lời đọc trầm buồn của bà Kẹo: “Bầu trời đêm cuối năm, vùng Lưu Xá sáng rực bởi bom đạn. Bọn giặc trời lồng lộn vòng lại thả bom đợt hai. Chúng bắn cả rốc két. Trúng kho hàng rồi! Ga như một núi lửa phun lên, hàng hóa ngổn ngang ném xuống. Dàn máy bay quần đảo trên bầu trời và liên tiếp rắc bom như gieo mạ xuống kho hàng. Bỗng một quả bom từ chiếc B52 rơi đúng một đầu hầm trú ẩn của Đại đội TNXP, có tiếng khóc và tiếng la hét. Liền ngay đó, mấy quả khác lại thả đúng đầu hầm bên kia, lấp và phá toàn bộ căn hầm với 60 cán bộ, chiến sĩ TNXP đại đội 5 đang ngồi trong đó.” (“Nhật ký cô văn thư” – trang 245).

Bà chợt dừng lời, mắt ngân ngấn nước. Tôi khẽ hỏi: – Bác ơi, đêm Noel năm 1972 đó, bác đang ở đâu ạ?

– Khi đó bác đang được đơn vị cử đi học ở Trường Cơ điện. Thời điểm Mỹ ném bom B52, mọi người sơ tán hết. Đến ngày 26-12, bác quay trở lại đơn vị, bắt gặp một không khí ảm đạm, tang thương bao trùm. Nghe chị Mận làm bên tổ chức kể lại, bác vô cùng đau xót khi biết nhiều đồng đội của mình đã hy sinh.

Qua lời kể của nhiều nhân chứng, cô văn thư tên Hạt (nguyên mẫu của bà Kẹo) đã ghi lại những dòng nhật ký về sự kiện đầy nước mắt đêm 24-12 lịch sử đó với xúc cảm trào dâng. Xúc động nhất là cảnh đồng đội biết tin, đi tìm thi thể những người đã hy sinh, gặp mảnh áo TNXP cháy sém ở khóm cây gai trinh nữ, các suất cơm tanh bành chưa được ăn… Đọc đến ấy, tôi đoán chắc bà Kẹo khi viết cuốn sách đã hồi tưởng lại một cách đầy đủ và sâu sắc bao ký ức, những cảnh tượng đau thương của các đồng đội đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tôi nhớ tới những hồi ức kinh hoàng của cựu TNXP Lương Thị Hội, một trong số 7 người sống sót trong đêm Noel năm ấy. Bà Hội nhớ lại: Làm cả ngày, đến tối ai cũng vừa đói, vừa khát nhưng mọi người đều muốn cố gắng làm cho xong rồi về nghỉ. Khi Mỹ ném bom, thủ trưởng Cường hô anh em vào trong hầm địa đạo. Chúng đánh đúng lúc cấp dưỡng đưa cơm nhưng chưa ai kịp ăn. Hầm chữ U sập, nhiều người chết lắm, người vì bom đánh trúng, người bị ngạt. Lúc tôi tỉnh dậy, nghe tiếng anh Thắng gọi bảo bới giúp mấy tảng vôi vữa lên để anh ấy thở nhưng dù cố thế nào tôi cũng không lay chuyển được mấy tấm bê tông. Tôi đành vừa đi, vừa bò về đơn vị báo tin để cử người đến giúp…

Tôi đọc đi đọc lại từng câu, từng chữ về đêm Noel năm đó trong “Nhật ký cô văn thư”, thấy ngực mình bỗng nhiên buốt nhói, thấy tràn lên lòng căm hờn với tội ác của giặc Mỹ.

Bà Kẹo tâm sự về quá trình xuất bản cuốn sách: “Năm 2002, khi bác cầm bản thảo xuống Nhà Xuất bản Thanh niên tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước. Qua câu chuyện, biết bác viết tác phẩm ghi lại quá trình hoạt động của Đội TNXP 91 Bắc Thái, trong đó có sự hy sinh anh dũng của các đội viên thuộc Đại đội 915, ông ấy rất vui và giúp đỡ bác xuất bản nhanh cuốn sách. Ông cũng là người viết lời tựa cho tác phẩm với mong muốn góp một tiếng nói để phản ánh chân thực sự cống hiến của TNXP Đội 91. Đây cũng là một việc làm tri ân các đồng đội đã ngã xuống”.

Tôi biết, khi viết cuốn sách này bà Ngọc Thị Kẹo đã được sống lại với miền ký ức sôi nổi và đau thương một thời. So với nhiều đồng đội của mình, bà Ngọc Thị Kẹo tự cho rằng mình vẫn còn may mắn. Và ký ức của một thời gian khổ song cũng rất đỗi lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ TNXP, chưa lúc nào thôi nhắc nhớ trong trái tim bà. Sau này, nhiều nhà văn đã đến gặp nhờ bà cung cấp tư liệu để sáng tác. Một số người thân của các cựu TNXP cũng được đọc cuốn truyện và hiểu hơn về những cống hiến của cha anh mình. Trường hợp ông Nghiêm Xuân Thạo, ở tổ dân phố Ga, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) là con trai của ông Nghiêm Xuân Đạo, nguyên Đội trưởng Đội TNXP 91 Bắc Thái là một ví dụ. Ông Thạo bảo với tôi: Đầu tháng 4-2018, tôi rất mừng khi được chị Ngọc Thị Kẹo tặng cuốn sách “Nhật ký cô văn thư”. Trong đó, sự kiện Mỹ ném bom đêm Noel năm đó khiến 59 đội viên Đại đội 915 hy sinh, đọc đi đọc lại mấy lần nhưng lần nào cũng rưng rưng trước lời văn mộc mạc, giản dị, chân thực của tác giả”.

Gấp cuốn sách lại, tôi cảm thấy thật yên lòng khi nghĩ sự cống hiến, hy sinh của các đội viên TNXP Đại đội 915 hôm qua, đã và đang được thế hệ sau biết đến, trân trọng và tri ân. Ngoài những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền thì cuốn “Nhật ký cô văn thư” của tác giả Ngọc Thị Kẹo đã góp phần không nhỏ tôn vinh những cống hiến của TNXP nói chung và 60 người đã hy sinh đêm 24/12/1972 nói riêng. Đây cũng là một tác phẩm văn học sống động để thế hệ sau thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc mà đã phải đổ bao nhiêu máu xương mới có được.

Theo baothainguyen.vn