Kể về chuyện bắn rơi máy bay và bắt giặc lái Mỹ năm xưa

Đăng lúc: 12-04-2023 1:18 Chiều - Đã xem: 223 lượt xem In bài viết

Viết theo lời kể của ông Lê Ninh (ảnh dưới), hội viên Hội CCB, tỉnh Quảng Bình

Tôi nhập ngũ tháng 5 năm 1965, khi vừa tròn 21 tuổi và được biên chế về đại đội bộ, Đại đội 4 (C4) súng máy cao xạ 12,7mm. Nhiệm vụ chủ yếu là sử dụng kính ngắm để theo dõi máy bay địch, đo khoảng cách, độ cao từ máy bay đến trận địa báo cáo cho đại đội trưởng biết để ra lệnh cho các khẩu đội bắn địch.

Đại đội súng máy cao xạ 12ly7 được thành lập ngày 10/5/1965 tại xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đoàn 22 huấn luyện của Quân khu 4. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng đại đội chúng tôi được bổ sung vào Đoàn 559.  Ban đầu, đơn vị có 118 cán bộ chiến sỹ, được biên chế thành 2 trung đội, 6 khẩu đội. Chính trị viên đại đội đầu tiên là Phan Văn Nhật, quê Cẩm Giang, Đức Giang, Đức Thọ, Hà tĩnh; Đại đội trưởng là Dư Văn Tùy, quê Kiến Xương, Thái Bình. Đa số là lính mới người Quảng Bình, còn một số ít đồng chí thuộc bộ đội thời chống Pháp tái ngũ.

Thưở đó, trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua Phong Nha – Kẻ Bàng, phà Xuân Sơn là một trong những trọng điểm mà máy bay Mỹ luôn oanh tạc, bắn phá. Nơi đây trở thành “tọa độ lửa”. Đầu năm 1966, đơn vị chúng tôi được chuyển đến đóng quân tại thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch nhằm bảo vệ tuyến Đường 20 Quyết Thắng và bảo vệ phà Xuân Sơn luôn thông xe vào chiến trường.

Ngày 06/01/1966, hai chiếc máy bay địch vào trinh sát phà Xuân Sơn. Chúng bay rất thấp từ hướng biển vào. Đơn vị tập trung hỏa lực nổ súng. Thế nhưng máy bay địch tẩu thoát. Đây là trận đánh máy bay địch đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm. Đơn vị tổ chức học tập, tiếp tục huấn luyện tìm nguyên nhân và rút kinh nghiệm, đưa ra những phương thức hợp lý trong bắn máy bay địch.

 Vào lúc 14h24 phút, ngày 26/01/1966 (mồng 6 Tết Bính Ngọ), hai chiếc RF101[1] bay từ phía biển vào trinh sát bến phà. Chiếc thứ nhất lao xuống thấp, với đường bay lắt léo. Cả đơn vị đồng loạt nổ súng. Máy bay bốc cháy cách trận địa khoảng 2km, một chiếc dù màu trắng, đỏ bung ra khỏi máy bay. Cả trận địa reo hò vang dội, tiếng vọng cả núi rừng. Ngay sau đó chiếc thứ hai cũng lao xuống, đơn vị tiếp tục nả đạn. Chiếc này cũng bốc cháy rơi cách trận địa khoảng 15 đến 17 km.

Đơn vị cử 7 đồng chí, do Trung đội trưởng Đinh Xuân Ngô làm tổ trưởng đi bắt tên giặc lái. Sau đó vài phút có khoảng 10 máy bay các loại: RF101, F105, F10B, AD(cánh quạt), trực thăng quần đảo liên tục xung quanh vị trí máy bay rơi hòng cứu đồng bọn. Cuộc vây bắt tên giặc lái diễn ra trên núi Lèn Hà của dãy Phong Nha rất khẩn trương. Sau gần 1 giờ leo núi các chiến sỹ C4 đã tóm gọn tên phi công. Tên phi công mặt tái mét, run bần bật. Khi ta bắt được phi công, bọn giặc lái trên máy bay không liên lạc được với tên nhảy dù, một thời gian máy bay cút thẳng. Khi bộ đội vừa đưa được tên phi công xuống núi, người dân khu vực Phong Nha ùa đến vây quanh, đòi “hỏi tội” kẻ đã ném bom, bắn phá gây bao đau thương mất mát cho người thân… Nhưng được cán bộ C4, lãnh đạo địa phương can ngăn, giải thích chính sách khoan hồng với tù binh nên mọi người dừng lại.

Wilmer Newk Grubb khi bị bắt (ảnh chụp lại tại Kỷ yếu của C4)

 Khoảng 18 giờ, tên tù binh được đưa về giao cho Ban Chỉ huy đại đội để hỏi cung. Rất may, đồng chí C trưởng Dư Văn Tùy biết tiếng Nga và tên giặc lái Mỹ cũng biết tiếng Nga. Qua hỏi cung tên phi công cho biết tên nó là Wilmer Newk Grubb (ảnh trên), sinh năm 1932, đã có vợ và 3 con trai, còn một đứa đang trong bụng vợ. Tên phi công còn cho biết, máy bay hắn chỉ có một người lái, đi trinh sát mục tiêu để nắm chính xác tọa độ bến phà, mục tiêu pháo phòng không nhằm báo cho máy bay chiến đấu đến thả bom. Chúng cứ tưởng bộ đội ta chủ quan, lơ là mấy ngày vui Tết, liều lĩnh sà thấp.

Đang bị hỏi cung, thấy tôi đưa bi đông nước cho các đồng chí chỉ huy đại đội, tên giặc lái nuốt nước bọt ừng ực. Biết hắn đang khát nước, tôi tiến lại đưa bi đông cho hắn. Không chờ ai nói gì, Grap tu ừng ực, dốc ngược bi đông lên. Nhìn hắn như người đang chết khát. Uống xong Grap nhìn tôi gật đầu cảm ơn lia lịa, rồi đưa mắt nhìn các đồng chí trong Ban Chỉ huy đại đội với vẻ thán phục.

Sau khi hỏi cung, Grap được đưa về tạm giam tại gia đình nhà chị Thanh (hiện chị hơn 80 tuổi đang còn sống, chồng mới mất) để chờ bàn giao. Sau đó Ban chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ cho tôi báo cáo cho Tỉnh đội Quảng Bình để bàn giao tên giặc lái. Nhưng Tỉnh đội điện cho đại diện Bộ quốc phòng vào mới lập biên bản bàn giao giữa Ban chỉ huy đại đội với phía Tỉnh đội và Bộ Quốc phòng. Sau đó tên giặc lái được đưa về nhà giam Hỏa Lò.

Chiến công đầu của đơn vị C4 bắn rơi máy bay RF101, là chiếc máy bay thứ 820 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc và bắt sống giặc lái cổ vũ tinh thần chiến đấu ngày càng lên cao. Khí thế “nhằm thẳng quân thù mà bắn” càng được phát huy trong toàn đơn vị. Sau chiến công bắn rơi máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ, lãnh đạo địa phương đến chúc mừng và tặng cho đơn vị một con bò tổ chức liên hoan.

 Trong suốt 10 năm (1965 – 1975) gian khổ, anh dũng, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu đơn vị tôi đã tôi luyện và đào tạo cho quân đội nhiều cán bộ chiến sỹ giỏi có năng lực phẩm chất, kỷ luật và nhiều cán bộ đã trở thành đội ngũ cốt cán của cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn. Đại đội 4 súng máy cao xạ 12ly7 trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, là đơn vị 2 lần Anh hùng ( năm 1967 và năm 1971), đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chuyện bắn cháy máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ đã qua hơn nửa thế kỷ. Nhưng với những năm tháng sống, chiến đấu ở  C4 súng máy cao xạ 12ly7 tại phà Xuân Sơn đã để laị trong tôi và những chiến sỹ C4 anh hùng những dấu ấn khó quên; đã tôi luyện cho tôi thành người lính Trường Sơn sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ, để những đức tính ấy theo tôi suốt chặng đường khi tôi về nghỉ hưu.

 Cuộc gặp gỡ bất ngờ sau nửa thế kỷ

Chiến tranh đã lùi xa. Quan hệ Việt – Mỹ đã khác trước. Hoa Kỳ và Việt Nam đã khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Người dân Việt Nam và Hoa Kỳ có thể qua lại bằng con đường thương mại, du lịch. Anh Phạm Đức Du là đồng đội của tôi. Anh về C4 sau vụ bắt sống giặc lái Mỹ. Anh cùng quê Thái Bình với anh Dư Văn Tùy lúc đó. Gần đây anh Du sang thăm người thân định cư ở Mỹ. Được anh Tùy cung cấp thông tin về tên phi công Mỹ do anh khai thác thông tin khi hỏi cung trước đây. Thông qua con cháu bên Mỹ, qua tìm hiểu mạng xã hội, anh Du đến thăm Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam[2] ở Washington – Mỹ. Anh Du tìm thấy tên của Wilmer Newk Grubb và địa chỉ trên Bức tường chiến tranh Việt nam. Anh còn tìm được ngôi mộ có khắc tên của Grubb (ảnh dưới). Không lâu sau, anh Du đã liên lạc và gặp được 4 người con trai của Grubb, họ vô cùng mừng rỡ. Vì 4 anh em làm việc ba nước khác nhau nên họ hẹn ngày sẽ sang Việt Nam xin gặp những nhân chứng đã bắn rơi máy bay và bắt ba của họ.

Sau khi làm các thủ tục với chính quyền địa phương, các người con của tên phi công Mỹ mời chúng tôi tham gia cuộc gặp gỡ. Ngày 1/1/2008, tôi cùng mấy CCB ở Quảng Bình đã sắp xếp đến gặp các người con và thân nhân của Grubb. Chúng tôi dẫn họ đến địa điểm nơi chiếc máy bay bị bắn hạ, thăm gia đình chị Thanh (ảnh dưới), nơi giam giữ Grubb. Tháng 4-2015, bốn người con trai, và một số thành viên trong gia đình của Grubb lại sang Việt Nam. Họ gặp chúng tôi, muốn chúng tôi kể lại tường tận về việc bắn hạ máy bay và cuộc bắt sống ba của họ rồi về thăm trận địa 12ly7 xưa. Đoàn chúng tôi gồm: Trần Đình Phổ, Nguyễn Văn Xuân, Đinh Xuân Ngô (tổ trưởng bắt phi công), Phạm Đức Du( người kết nối cuộc gặp gỡ) và tôi. Sau nửa thế kỷ anh em đồng đội chúng tôi mới có điều kiện gặp nhau. Mọi người sôi nổi ôn lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ nhưng đầy khí thế hào hùng. Mấy người con của phi công Mỹ cho biết, Wilmer Newk Grubb(Grap) vì lâm bệnh đã mất trước khi được trao trả. Ngày trao trả tù binh gia đình chỉ nhận được hài cốt Grubb, có kiểm tra ADN với người nhà.

Mấy người con của phi công Mỹ đã tặng quà tri ân, bày tỏ lòng biết ơn đến anh em chúng tôi đã tiếp đón và cảm ơn người dân Sơn Trạch nói riêng nhân dân Việt Nam nói chung đã xóa bỏ hận thù, xây dựng tình hữu nghị mật thiết. Chiếc bi đông của tôi cho tên giặc lái uống nước ngày đó đã theo tôi suốt cuộc đời quân ngũ được tặng lạị cho các người con của Grubb làm kỷ niệm. Được sự đồng ý của chúng tôi, người nhà của Grubb xin được về thăm gia đình anh Ngô, anh Phổ và gia đình tôi. Gia đình tôi có mời bữa cơm thân mật, thể hiện truyền thống hiếu khách của người Việt. Người con Grubb có tên Roland Grubb đã bày tỏ lòng cảm ơn và nhận xét: “Người Việt Nam sống rất tình cảm, hiếu khách và cao thượng, ít thấy người dân nước nào có tấm lòng như vậy”.

Ông Lê Ninh, người mặc quân phục cùng một số đồng đội C4, thân nhân gia đình phi công Mỹ thăm trận địa 12ly7 năm xưa

Sau khi về nước mấy người con phi công Mỹ đã kết bạn trên Facebook với chúng tôi để trao đổi thông tin cần thiết. Trong một trang Facebook của Van Grubb con của Grubb có đoạn viết: “Tôi xin cảm ơn Phạm Đức Du và các thành viên của đơn vị C4 vì đã giúp gia đình tôi tìm thông tin về cha tôi và hoàn cảnh xung quanh việc bắn hạ máy bay… Bạn sẽ luôn có sự tôn trọng sâu sắc nhất của chúng tôi đối với những gì bạn đã làm cho chúng tôi và đó là món nợ không bao giờ có thể trả. Thật kinh ngạc khi một bức ảnh có thể thay đổi cuộc sống gia đình. Chúa phù hộ và cảm ơn bạn đã cho tôi chia sẻ…”.

Bốn người con của Grubb chụp ảnh lưu niệm cùng với các cựu chiến binh C4

Chuyện bắn cháy máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ đã qua hơn nửa thế kỷ. Nhưng với những năm tháng sống, chiến đấu ở đơn vị C4 súng máy cao xạ 12ly7 tại phà Xuân Sơn đã để laị trong tôi và những chiến sỹ C4 anh hùng những dấu ấn khó quên; đã tôi luyện cho tôi thành người lính Trường Sơn sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ, để những đức tính ấy theo tôi suốt chặng đường khi tôi về nghỉ hưu

                    Thay cho lời kết

          Năm 1990 ông Lê Ninh nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá, Trưởng ban Tổ chức Sư đoàn 384. Hiện nay ông là hội viên CCB, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Tiếp tục phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ, ông Lê Ninh tham gia các hoạt động xã hội rất tích cực. 21 năm làm Chủ tịch Hội CCB, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã. Năm 2022 ông được tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng.

Một số hình ảnh khác:

Ông Lê Ninh (thứ tư, bên trái hàng sau) chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Hội CCB tỉnh QB lần thứ nhất năm 1992

 

Ông Lê Ninh (thứ hai từ trái sang) cùng Thiếu tưỡng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam tại Đài tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn Bến phà Long Đại

 

Ông Lê Ninh phát biểu tại Đại hội Hội CCB huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

 

 

Nguyễn Đại Duẫn

51, Nguyễn Hữu Cảnh, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình


[1] RF-101 là loại máy bay trinh sát chuyên dụng, 1 người lái, được Mỹ sử dụng rộng rãi từ giữa năm 1966, có tốc độ tối đa lên tới 1.960 km/h với tầm bay gần 2.500 km và được trang bị 5 máy ảnh có thể chụp cả phía trước, phía sau và 2 bên sườn với độ cao hiệu quả từ 400m đến 1000m. Loại máy bay này có khả năng bay thấp, cơ động linh hoạt làm thay đổi tiết diện phản xạ radar, do đó tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng có độ nhấp nháy, co dãn liên tục làm cho các trắc thủ tên lửa rất khó bám sát chính xác.

[2] Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Veterans Memorial), là đài tưởng niệm có hình một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá, khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam.