Xung phong thì phải xung phongđến nơi đến chốn

Đăng lúc: 17-04-2023 9:38 Sáng - Đã xem: 93 lượt xem In bài viết

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hôm ấy, gần 1.000 anh chị em giáo viên đang tuổi thanh niên tình nguyện xung phong đi phục vụ miền núi, đang học tập ở  Trường bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Trước lúc lên đường công tác thì được tin Bác Hồ đến thăm. Ai nấy đều vô cùng phấn khởi.

     Ngồi nghe Bác nói, tôi lắng nghe từng lời của Bác dạy. Tôi nhớ mãi câu Bác nói: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”…Lời dạy đó của Bác đã giúp tôi rất nhiều trong những phút đấu tranh gay go để làm tròn nhiệm vụ.

      Tôi đi Hà Giang! Lời đồng chí phụ trách phòng cán bộ tuyên bố thật là một tin bất ngờ đến với tôi. Hà Giang ư? Tai sao lại đưa mình đến tận nơi “đèo heo hút gió” ấy. Hay là đọc nhầm? Tôi đề nghị đọc lại. Đúng rồi! Đi Hà Giang. Thế là bao nhiêu “ kế hoạch” đã xây dựng đã đổ vỡ tan tành. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được, tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng “Đã xung phong thì phải xung đến nơi đến chốn”, lời Bác dạy còn văng vẳng bên tai…

Cuối cùng tôi hạ quyết tâm: không thể được, Đảng và Đoàn không cho phép ta từ chối, nhất định phải đi đến nơi đến chốn! Rồi tôi viết thư báo cho những người thân thuộc biết tin: Tôi đi Hà Giang! Và hôm sau, phấn khởi tôi lên đường. Khi đến Tuyên Quang trong nhà trọ chúng tôi gặp người ở Hà Giang về xuôi. Chúng tôi hỏi, người ấy cho biết.Ở Hà Giang nước độc, khí hậu lạnh, rừng núi âm u… Mấy anh bạn tôi sinh ra nản lòng, thở ngắn thở dài. Những lời nói ấy đã làm cho tôi không phấn khởi mấy. Nhưng quay về ư? Bỏ dở nhiệm vụ ư? Nhìn tấm huy hiệu Đoàn trên ngực áo, tôi nhớ lời Bác dạy hôm nào. Tôi rủ mấy anh bạn ra ngoài chơi, tôi tự xác định cho mình rồi nhắc nhủ các bạn không nên nghe những lời vớ vẩn mà ta “đã đi thì phải đi đến nơi đến chốn.” Câu nói  đó của Bác đã giúp chúng tôi vượt lên khó khăn lần thứ hai thắng lợi. Lúc đến Hà Giang, Ty phân công tôi về một trường nông thôn hẻo lánh. Nghe nói ở đó  rất độc, đường đi lại rất khó khăn, phải leo đèo lội suối rất nhiều mới tới nơi được. Đồng bào thì toàn là người dân tộc thiểu số, tiếng tăm không biết, bạn bè quen thuộc thì không, lại phải ăn cơm nếp quanh năm…Trời ! Bao nhiêu là khó khăn như thế thì làm sao để công tác được! Trong lúc đó, hai trường lớn của tỉnh lại không phân công tôi đến. hay là mình xin công tác ở Ty, chứ vào những nơi khó khăn như thế thì…ý nghĩ ấy lại thoáng hiện trong đầu tôi. Tôi đang phân vân suy nghĩ thì đồng chí Trưởng ty gọi lại:

   -Thế nào đồng chí có ý kiến gì không? Tôi định có ý kiến xin ở lại Ty nhưng rồi

“Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”…lại giúp tôi nghị lực đấu tranh với chính mình.

    Một lát sau tôi dõng dạc :

 – Thưa đồng chí! Nếu Đảng và nhân dân cần đâu tôi xin đến đó!

    Đồng chí Trưởng ty tươi cười nắm lấy tay tôi. Bàn tay của người đảng viên thân mật và ấm áp như truyền cho tôi thêm sức mạnh.Tôi cười sung sướng và chuẩn bị ngày mai lên đường về trường.

    Sau gần hai ngày lặn lội với núi rừng vượt suối sâu đèo cao tôi đã tới trường nhận nhiệm vụ cắm bản đứng lớp dạy học  cho con em các dân tộc thiểu số Hà Giang. Nhìn lá Quốc kỳ đỏ tươi phấp phới bay trên không trung như bàn tay Tổ quốc đang vẫy gọi những đứa con thân yêu, tôi vô cùng sung sướng. Đặt ba lô xuống, tôi nhìn ra những rặng núi cao xanh thẳm, lòng tôi thấy tự hào vì mình đã làm đúng lời Bác Hồ dạy “Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”!..

                       —————————————-

Bài viết này của cố nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh  được đăng trên báo Tiền Phong số 22 ngày 18-19/5/1960  khi ông đang dạy học ở tỉnh  Hà Giang; được bạn của ông là Nguyễn Hồng Quang trích trong cuốn TÔI VIẾT VỀ TÔI của Nguyễn Hữu Khánh.