Cựu thanh niên xung phong Bình Dương: Hào hùng trong thời chiến, gương mẫu trong thời bình

Đăng lúc: 18-07-2023 1:39 Chiều - Đã xem: 122 lượt xem In bài viết

Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong những năm chiến đấu giành độc lập dân tộc, 18 năm qua kể từ khi thành lập đến nay (8.8.2005 – 8.8.2023), Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương đã tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập hợp, củng cố xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; thực hiện chăm lo cho hội viên; sống gương mẫu, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ…

Hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương trong chuyến về nguồn,
tham quan Dinh Độc Lập (TP. Hồ Chí Minh)

Nhớ thời hoa đỏ hào hùng

Cách đây 73 năm, khi cuộc kháng chống Pháp ở giai đoạn quyết liệt nhất, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định thành lập lực lượng TNXP phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Và ngày 15-7-1950, lực lượng TNXP Việt Nam ra đời với nhiệm vụ lịch sử là phục vụ công tác, chiến đấu, kề vai sát cánh cùng chiến hào với bộ đội. Vâng lời Bác dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 5 vạn cán bộ, đội viên TNXP hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc mở hàng chục kilômét đường; vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang; cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh; rà phá hàng ngàn quả bom mìn; cứu thương và vận chuyển thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trương… Những cống hiến của TNXP trong thời chiến, từ chiến dịch biên giới đến chiến thắng Điên Biên Phủ 1954, đã góp phần làm nên chiến công vĩ đại, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp.

Trong những trang sử hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Bình Dương đã có Đội TNXP C112 và Đội TNXP mang tên nữ anh hùng, liệt sĩ TNXP Đoàn Thị Liên, cùng với lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, cùng với bộ đội vào sinh ra tử trên các chiến trường ác liệt, như: Tam giác sắt, Phước Long, Đồng Xoài, Nhà Đỏ – Bông Trang, Bàu Bàng, Lai Khê, Lộc Ninh, cầu Cần Lê, sân bay Técníc và trận chống càn Junction City[1] ở tỉnh Tây Ninh. Đội TNXP C112 là đơn vị đã nuôi dưỡng và rèn luyện người nữ TNXP anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên với câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Tấm gương của chị đã được tuổi trẻ, TNXP, bộ đội học tập, noi theo trên các chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Nêu gương sáng

Để thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cựu TNXP trong quá trình công tác, cống hiến, đồng thời đáp nguyện vọng thiết tha của hàng trăm nghìn hội viên cựu TNXP, ngày 19-12-2004, Hội Cựu TNXP Việt Nam đã được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cựu TNXP cả nước. Tại Bình Dương, Hội Cựu TNXP tỉnh được thành lập ngày 8-8-2005. 18 năm qua, Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP tỉnh và cán bộ, hội viên luôn chung tay xây dựng mái nhà chung của hội. Từ buổi ban đầu chỉ có hơn 200 hội viên, đến nay hội có gần 800 hội viên, với 9 hội cấp huyện và 40 hội cấp xã. Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương là nơi quy tụ những đồng đội TNXP của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước về sinh sống, xây dựng tổ ấm gia đình trên mảnh đất Bình Dương nặng tình, nặng nghĩa.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương Trần Chí Cường cho biết: 18 năm qua, Hội Cựu TNXP các cấp trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn có nhiều hoạt động chăm lo đời sống, giúp đỡ về nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa; tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí; giải quyết chế độ chính sách cho hội viên; xây mới và sửa chữa hàng trăm căn nhà nghĩa tình đồng đội, nhà đại đoàn kết; trao tặng hàng ngàn phần quà tri ân, quà tết…

Phát huy truyền thống tự lực, tự cường không ngừng phấn đấu vươn lên, thời gian qua bằng nhiều loại hình hoạt động, Hội Cựu TNXP các cấp trong tỉnh cũng tạo ra phúc lợi cho hội viên như: Đóng góp gần 2 tỷ đồng lập quỹ “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên vay làm vốn tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống gia đình; đẩy mạnh phong trào nuôi heo đất, lập quỹ thăm hỏi lúc ốm đau, với tinh thần “thọ mừng – ốm thăm”. Nguồn quỹ này trong thời gian qua đã lên đến hơn 5 tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, Hội Cựu TNXP tỉnh còn tích cực thực hiện cuộc vận động lớn: “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo đó, hội viên luôn tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử cách mạng, truyền thống TNXP. Đặc biệt, hội phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tổ chức nhiều chương trình và loại hình hoạt động giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ.

Ông Cường cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Hội Cựu TNXP các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn để chăm lo cho cán bộ, hội viên, nhất là những trường hợp tuổi cao, bệnh tật… Chúng tôi mong muốn làm sao những trái tim, tình cảm của tất cả hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương luôn luôn hòa trong mái nhà của nghĩa tình đồng đội.”

Thực hiện phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội”, thời gian qua Hội Cựu TNXP tỉnh đã vận động sửa chữa 5 căn nhà với tổng số tiền 150 triệu đồng trích từ quỹ hội; vận động tặng 5 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 25 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hội còn tổ chức các hoạt động nghĩa tình đồng đội, như tổ chức thăm hội viên ốm đau, mừng thọ, giúp đỡ hội viên lúc khó khăn với 140 lượt, tổng kinh phí 210 triệu đồng.

Ngoài ra, hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh còn tham gia đóng góp vào các quỹ từ thiện xã hội, như: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tại các địa phương với tổng số tiền 105 triệu đồng.

Theo baobinhduong.vn


[1] Junction City (thường phiên âm thành Gian-xơn Xi-ty) là một chiến dịch kéo dài 82 ngày của Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C, tức vùng Lò Gò – Xa Mát ngày nay (phía Việt Nam Cộng hòa gọi là Vùng 3 chiến thuật) vào đầu năm 1967. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam – huy động 35.000 quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà và kéo dài từ 22 tháng 2 đến 15 tháng 4 năm 1967, nhưng kết quả đã thất bại.