Một cựu TNXP Gia Lai làm kinh tế giỏi thoat nghèo bền vững

Đăng lúc: 19-09-2023 10:03 Sáng - Đã xem: 243 lượt xem In bài viết

          Đó là cựu TNXP  Nguyễn Thị Vượng. Chị là TNXP thời kỳ sau 1975,  Uỷ viên BCH Huyện hội Phú thiện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Chị là một trong những người được chọn báo cáo tại “Hội nghị tổng kết Điển hình tiên tiến phong trào Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế gỏi – Vì nghĩa tình đồng động” giai đoạn 2016-2022.

Chị Nguyễn Thị Vượng báo cáo tại Hội nghị tổng kết “Điển hình tiên tiến phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế gỏi – Vì nghĩa tình đồng động”

Chị Vượng được sinh ra và lớn lên tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (cũ). Tháng 8/1978 chị gia nhập vào đơn vị TNXP đóng tại Lâm trường Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tham gia phục vụ chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đơn vị phải trực tiếp chiến đầu và phục vụ chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược hết sức khốc liệt. Tháng 5/1982, hoàn thành nhiệm vụ chị trở về quê hương – một vùng chiêm trũng, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã khô hạn, đất chật người đông, thiếu vốn sản xuất, lao động quần quật quanh năm mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Năm 1993, chị cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Ia Hiao, huyện Phú thiện, tỉnh Gia Lai. Đến chỗ ở mới, gia đình chị được cấp 2.000m2 đất ở và sản xuất, thuộc vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, đang còn hoang sơ, làm ăn vô cùng khó khăn. Trồng lúa, khoai cũng chỉ vào 6 tháng mùa mưa tận dụng nước trời, đói vẫn hoàn đói.

          Rất may năm 1996, công trình thuỷ lợi Ayun Hạ[1] hoàn thành đã cung cấp đủ nước cho nhân dân sinh sống và sản xuất. Nước về biến mảnh đất hoang vu thành cánh đống màu mỡ cộng với sự cần cù, chịu khó học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật gia đình đã có của ăn, của để. Đến nay gia đình chị Vượng đã có một cơ ngơi khang trang, phương tiện đi lại, phục vụ sản sản xuất và đời sống đầy đủ, nuôi các con ăn học và trường thành. Hiện tại gia đình chị có 10.000m2 đất lúa nước, thu hoạch 15 tấn/năm, bình quân thu được 100 triệu đồng mỗi năm; 10.000m2 trồng điều, cho thu hoạch 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn trồng xen bưởi, xoài cũng thu thêm 10-20 triệu đồng/năm; nuôi gà thả vườn, thu nhập 15-20 triệu đồng/năm; mua ba con trâu, mua máy băm phụ vụ sản xuất cho gia đình và giúp đỡ bà con trong lối xóm… Tổng thu nhập trung bình mỗi năm xấp xỉ 200 triệu đồng. Chị đã cho đồng đội Lại Thị Lan xã Chroh Pơnan vay không tính lãi từ 15-20 triệu đồng hàng năm để thay đổi giống cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo. Chị còn mua cho con 15.000m2 đất – giá trị trên 01 tỷ đồng – ra ở riêng.

Chị Vượng tâm sự: Có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình tôi vô cùng biết ơn Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể trên quê hương thứ hai đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi. Thành quả của gia đình và bản thân tôi thu được mới chỉ là đốm sáng nhỏ trong hàng ngàn tấm gương thoát nghèo bền vững, góp phần giúp cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, đóng góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương giàu đẹp.

          Sự vươn lên làm giàu chính đáng và tấm lòng vàng hỗ trợ cho đồng đội của cựu TNXP  Nguyễn Thị Vượng rất đáng khâm phục, là tấm gương sáng trong phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế gỏi – Vì nghĩa tình đồng động” của Tỉnh hội Gia Lai.

Hương Trà


[1] Công trình thủy lợi AYun Hạ là công trình khai thác tổng hợp nguồn nước lớn nhất Tây Nguyên, cách thành phố Pleiku 65km về hường Đông Nam và cách quốc lộ 25 Gia Lai-Phú Yên-Khánh Hòa 1km, có hồ nước rộng 37km2.