Ngày 06/10/2023, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi, đánh giá việc giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011của Thủ tướng Chính phủ đối với một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ có nhiều đối tượng tham gia, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, PhúThọ, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Tham dự hội nghị có: Đại diện Ban Dân vận Trung ương; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn; Thường trực Đoàn Chủ tịch, Văn phòng và các Ban của Trung ương Hội.
Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim điều hành hội nghị. Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Theo báo cáo, hầu hết các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ- TTg, hướng dẫn Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC của Bộ Quốc Phòng, Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài Chính. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các Sở ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với các ngành Lao động, Nội vụ và Hội Cựu TNXP để triển khai thực hiện; chỉ đạo triển khai việc xác lập hồ sơ công nhận phiên hiệu đơn vị TNXP để từ đó làm căn cứ giải quyết chính sách, chế độ cho cựu TNXP. Trong quá trình thực hiện, một số Hội Cựu TNXP tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn cán bộ Hội các cấp; cán bộ Hội đã trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai xác lập hồ sơ theo đúng quy định; kiểm tra, xác minh trước khi trình lên Hội đồng xét duyệt.
Kết quả cụ thể, có: 5/9 đơn vị đã cơ bản hoàn thành giải quyết chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ- TTg (chủ yếu là chế độ trợ cấp một lần), trong đó: Bắc Ninh, 4.730/4.739 trường hợp (99,8%); Phú Thọ, 2.030/2074 (97,8%); Hải Phòng, 7.735/7.955 trường hợp (97,2%); Vĩnh Phúc, 3.385/3.866 trường hợp (87,5%); Nam Định, 1.029/1.273 trường hợp (95,8%).
Tuy nhiên, đến nay, một số địa phương vẫn còn tồn đọng khá lớn, như hai tỉnh: Hải Dương, trong số 12.238 TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến nay chỉ mới giải quyết được 1.755 trường hợp, còn tồn đọng 10.528 trường hợp (chiếm 85,7%); Hưng Yên, mới giải quyết được 285 trường hợp, còn tồn đọng 2.020 trường hợp (chiếm 87,7%).
Lý do tồn đọng được các địa phương đề cập đến, phần lớn do đa số TNXP tuổi cao, trí nhớ hạn chế, cùng với đó là không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan, vì vậy việc kê khai xác lập hồ sơ chưa đảm bảo. Một số TNXP đi làm ăn xa, hoặc đã chuyển đi nơi khác nên việc tiếp nhận thông tin về giải quyết chế độ TNXP chưa đươc kịp thời. Hiện, vẫn còn nhiều TNXP chưa tiến hành (hoặc chưa biết) để kê khai xác lập hồ sơ để hưởng chế độ (Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định); một số địa phương khi xét duyệt vẫn yêu cầu hồ sơ, giấy tờ phải có xác nhận của cơ quan quản lý trước đây (giấy tờ gốc), mặc dù là xét duyệt giai đoạn 3, đối với các đối tượng không còn giấy tờ gốc được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT/BQP- BLĐTBXH- BTC. Ngoài ra, việc công nhận phiên hiệu đơn vị TNXP để từ đó làm căn cứ giải quyết chế độ chính sách vẫn còn vướng tại một số địa phương như Hải Dương, do chưa thống nhất trong nhận thức về thời gian tham gia TNXP theo Chỉ thị 460/CT- TTg ngày 23/9/1978 của Thủ tướng Chính phủ.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Trung ương Hội đặt ra mục tiêu phấn đấu sớm giải quyết xong chế độ, chính sách cho cựu TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu đó, trong quá trình thực hiện các đơn vị phải lên kế hoạch cụ thể, báo cáo các ngành liên quan để phối hợp thực hiện; cũng như báo cáo kịp thời cho cấp ủy, chính quyền để có ý kiến chỉ đạo; mặt khác, phải rút kinh nghiệm từ cách làm tốt, có hiệu quả của các địa phương để mở rộng việc giải quyết chính sách kịp thời và hiệu quả hơn đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước và sự đóng góp của TNXP.
Đức Hồng