Đường huyền thoại mang tên Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 19-10-2023 9:07 Sáng - Đã xem: 314 lượt xem In bài viết

Ngày 14/10/2023, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức tọa đàm “Đường 1C hôm qua và hôm nay”. Buổi tọa đàm là dịp để các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử tuyến đường 1C huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ban biên tập trân trọng giới thiệu tham luận của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tại buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm

 Tuyến đường 1C (Một C) phần lớn nằm gọn trong tỉnh Rạch Giá. Đường bắt đầu từ Tây Ninh đến Cái Nứa, Ba Đình thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận, là căn cứ hậu cần của Quân khu 9. Đồng chí Võ Thành Thế (Hai Nên), nguyên Chính ủy Liên đội 1 TNXP, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Rạch Giá viết rất rõ trong quyển hồi ký được Tỉnh đoàn Kiên Giang xuất bản.

 Năm 1966 – 1967, thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của miền Tây Nam bộ, vùng giải phóng mở rộng nối liền 6 tỉnh Khu 9. Cũng là lúc đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa đánh gắt gao nên gặp rất nhiều khó khăn; trong lúc đó phương tiện chiến tranh Trung ương chi viện theo đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ) đã đến miền Đông Nam Bộ. Khu 9 phải khẩn trương tiếp nhận, thông suốt từ miền Đông Nam Bộ đến mũi Cà Mau – Đường 1C ra đời.

 Ngày qua tháng lại, mùa nước nổi đến mùa khô, mùa nào cũng gian nan và ác liệt. Trải qua nhiều ngày đêm, quần nhau với địch, địa hình bất lợi từ thung lũng rừng hoang đến rừng tràm lưa thưa, bộ đội và TNXP luôn sát cánh bên nhau che chở, sẻ chia từng bát cơm miếng nước. Có nhiều trận càn quét rất ác liệt, điễn hình là tháng 7-1971 với 68 ngày đêm ròng rã địch bao vây Hòn Me, ngày cũng như đêm ta đánh địch giáp lá cà, giành nhau từng hốc đá, kẹt núi. Địch dội nhiều đợt bom B52, rãi bom bi, bom bướm, bom gạt, bom râu…địch thả xăng khô gây nổ tung tóe mù mịt khắp nơi, rồi cho hàng chục trực thăng quạt vào khe núi, hang đá, miệng hầm, hàng chục chiến sĩ và TNXP ta hy sinh.

 Hơn 8 năm bám trụ trên tuyến đường 1C, Liên đội 1 TNXP Tây Nam bộ đã đưa rước hơn vạn lượt cán bô, bộ đội, thương binh ngược xuôi đi về từ Trung ương đến các tỉnh Tây Nam bộ, vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí cùng hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, tiền bạc phục vụ chiến dịch; đánh 200 trận với quân viễn chinh Mỹ, lực lượng trù bị của phủ Tổng thống; các sư đoàn 9, 21 và các đơn vị bảo an của chính quyền Sài Gòn; loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên giặc, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 8 xe tăng và 14 tàu chiến. Liên đội có 800 chiến sĩ; trong chiến đấu phục vụ chiến đấu đã hy sinh 399 đồng chí, bị thương 270 đồng chí. Liên đội 1 xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, theo Quyết định số 163 ngày 30/1/2011 của Chủ tịch nước; Và, cá nhân anh hùng là hai nữ đồng chí Võ Thị Hồng Láng, Nguyễn Ngọc Đẹp.

 Lực lượng TNXP Liên đội hầu hết là con gái, tuổi 18 đôi mươi, mới lớn lên thân hình tròn trịa, da thịt mịn màng, tóc mượt chấm lưng thon, sao mà họ vô cùng gan dạ, dũng cảm xông vào lằn tên mũi đạn, chốn bom rơi đạn nổ sẵn sàng hy sinh để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của quê hương, Tổ quốc mình! Mất mát thương đau to lớn là những người Mẹ, người Cha tháng ngày tần tảo nuôi con, chưa được nhờ đỡ đành phải gửi những đứa con dấu yêu ra mặt trận.

 Thời gian qua, Trung ương Hội Cựu TNXP phối hợp với Trung ương Đoàn đã vận động các địa phương, phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng và thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ; xây dựng bia tưởng niệm, đài Tổ quốc ghi công để lại nhiều di tích lịch sử cho thế hệ mai sau luôn khắc ghi công ơn người đã khuất. Như di tích Ngã Ba Đồng Lộc-Hà Tĩnh, trên bia đã ghi danh 3.688 đồng chí hy sinh[1]; Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tây Ninh ghi danh 2.630 TNXP miền Nam hy sinh (trong đó có 398 liệt sĩ Đường 1C); tại tuyến đường 1C này rất cần xây dựng công trình ghi dấu ấn di tích lịch sử – là một địa chỉ đỏ anh hùng của lực lượng TNXP Khu 9. Ghi nhận thành tích của TNXP, Luật thi đua, khen thưởng được Quốc hội thông qua tháng 6/ 2022 đã quyết định trao tặng và truy tặng danh hiệu Nhà nước: “Huy chương Thanh niên niên xung phong vẻ vang” cho các cựu TNXP và các anh hùng liệt sĩ. Trong bài Diễn ca tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP tại núi Hồng – Thái Nguyên, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP đã đúc kết:

 Ôi! Tổ quốc ta chưa bao giờ đẹp hơn thế

 Hàng chục vạn Thanh niên xung phong nối tiếp bao thế hệ

 Có Đảng, ơn Bác Hồ đưa ta tới thế giới vinh quang

 Kỷ niệm 70 năm, Việt Nam hãnh diện to đẹp đàng hoàng!

Cũng tại buổi lễ long trọng đó, tại địa điểm núi Hồng lịch sử có tượng đài đồng chí Đoàn Thị Liên – lời thơ xướng lên dành sự tôn vinh người đồng chí của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được Nhà nước tuyên dương Anh hùng:

 Phía trời Nam bão đạn mịt mùng

 “Thanh niên xung phong Giải phóng” chẳng ngại ngùng xả thân

 Đồng hành Sư đoàn 9, có người phụ nữ công nhân

 Đoàn Thị Liên góp phần chiến công mười hai trận.

 “Giặc Mỹ có B52, Bác cháu ta có B 2 chân”

 Đồng chí Hai Xô Trung ương Cục mấy lần đến thăm

 Liên ra khẩu lệnh “Không ai rời trận địa,

 Không để thương binh lần thứ hai nữa bị thương”./.

 


1] Tuy nhiên, đến nay danh sách liệt sỹ TNXP các tỉnh, thành phố đang thiếu nhiều. Ban Quản lý Khu di tích đang tiếp tục tiếp nhận để ghi danh.