Đề cập đến đề xuất bí thư không phải người địa phương, trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, ngoài chức danh bí thư, rất cần thiết phải quy định cả chủ tịch tỉnh cũng không phải người địa phương.
Công khai để dân theo dõi là rất cần thiết
Điểm đáng chú ý tại phiên họp Hội nghị T.Ư 7 vừa qua là việc cho báo, đài tham dự và đưa tin một số phiên thảo luận, trong đó có phiên thảo luận về công tác cán bộ. Ông thấy sao về điều này?
Chiến lược về vấn đề cán bộ của Hội nghị T.Ư 3, khóa VIII trước đây, bây giờ kiểm điểm lại là một dịp rất tốt để chúng ta có điều kiện xem xét lại toàn bộ những vấn đề về quan điểm, mục tiêu, phương pháp, cách thức thực hiện sao cho hiệu quả. Chúng ta cần có một lực lượng tiến bộ, bảo đảm với một đường lối phát triển mới. Chính vì thế chất lượng đội ngũ cán bộ, từ đạo đức đến tài năng phải được nâng lên. Tôi cho rằng rà soát lại và chuẩn bị cho vấn đề này là điều nghiêm túc, cần thiết.
Việc công khai một số phiên thảo luận tại Hội nghị T.Ư để nhân dân theo dõi là việc hết sức cần thiết. Điều đó thể hiện coi trọng ý kiến nhân dân, coi trọng việc theo dõi, giám sát vấn đề cán bộ. Không chỉ giám sát trong thực hiện, mà còn giám sát trong vấn đề rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ và bố trí cán bộ. Việc công khai như thế chính là tạo điều kiện cho người dân thực hiện yêu cầu đó. Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, cần phải duy trì và mở rộng hơn nữa.
Bác Hồ nói “Dân là gốc”, và mọi sự giám sát của dân là đảm bảo nhất, cơ bản nhất và rất cụ thể, khách quan nhất. Điều này biểu hiện sự coi trọng sự công khai, minh bạch, rất cần thiết. Vì công tác cán bộ là quyết định, cho nên khâu này không làm tốt thì các khâu khác sẽ không đảm bảo được. Tại phiên họp này, báo chí, truyền hình được tham gia, đưa tin rất đầy đủ. Mong muốn của nhân dân là nói đi đôi với làm, điều đó rất quan trọng.
Bí thư sẽ yếu thế hơn chủ tịch, nếu…
Một điểm đáng chú ý, được các đại biểu tán thành, người dân ủng hộ là đề xuất bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương. Từng là bí thư tỉnh ủy mà không phải người địa phương đó, chắn hẳn ông sẽ biết rõ ý nghĩa từ quy định này?
Thực ra đề xuất này không phải mới, vì trước đây đã nói nhiều rồi. Theo tôi, quy định này có thể áp dụng ngay chứ không cần chờ đến nhiệm kỳ sau. Nếu để lâu mới thực hiện thì thời gian sẽ làm phai mờ đi.
Tôi từng là người ngoài địa phương về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nên tôi hiểu. Nói lãnh đạo là người địa phương để nắm bắt tình hình địa phương chỉ là nói cho lô gíc, hình thức thôi. Người khác về làm lãnh đạo mới tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, đội ngũ cán bộ, qua đó phát hiện ra những cái mới.
Còn những người ở địa phương đó thường bị mòn tư duy, không còn hứng thú, sáng tạo. Sự sáng tạo, hứng thú chính là anh nhận thức được cái mới. Và người mới đến sẽ nhận thức được điều này. Cho nên, tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng, người ở đó mới nắm được tình hình ở đó, hoàn toàn không phải vậy. Người mới về, chỉ cần 3 tháng thôi sẽ nắm được hết.
Người địa phương khác về làm bí thư có thể ngăn chặn được những tiêu cực, chẳng hạn như tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, vốn đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay?
Cái đó thì đúng rồi. Còn lãnh đạo người địa phương sẽ tránh né nhiều thứ, dây mơ rễ má, không dám làm thẳng, sợ mất lòng. Rồi kéo bè, kéo cánh, cả họ cùng làm quan. Tâm lý con người, dứt khoát chuyện đó có, không thể gạt bỏ được. Nhưng theo tôi, không nên chỉ quy định mỗi bí thư là người ngoài địa phương.
Nghĩa là, ngoài bí thư tỉnh ủy, cần quy định cả với chủ tịch UBND tỉnh?
Đúng vậy. Trong Đảng nói bí thư, nhưng chủ tịch cũng là phó bí thư. Chính vì thế cần phải quy định cả chủ tịch tỉnh cũng không phải người địa phương. Chủ tịch tỉnh là vị trí rất quan trọng, làm rất nhiều việc, thực hiện rất nhiều quyết định. Trong khi đó, nhiều quyết định hành chính của ông ấy bao nhiêu năm sau mới phát hiện ra. Vậy thì ai giám sát?
Thậm chí theo tôi, không chỉ có bí thư tỉnh ủy, mà 5 -7 chức danh khác cũng phải quy định như vậy. Nếu chỉ bí thư không thì chưa đủ. Có thể chủ tịch ở địa phương đó sẽ tạo bè phái, rồi có khi anh chủ tịch sẽ ưu thế, còn ông bí thư lại yếu thế. Vì anh ta sẽ liên kết với địa phương, và anh bí thư kia rất khó khăn, vì là người ngoài địa phương.
Trong trường hợp này, đa phần chủ tịch sẽ có lợi thế hơn. Bởi vì ở tại địa phương nên thân quen đủ thứ, rồi có thể nâng đỡ, giúp đỡ “không trong sáng”. Tới một lúc nào đó sẽ hình thành một ê kíp, lúc đó bí thư sẽ không làm gì được… Có rất nhiều điểm, nhiều lý do để quy định chủ tịch tỉnh không phải người địa phương.
Theo ông sẽ phải thực hiện lộ trình như thế nào?
Theo tôi phải đưa ra tiến độ cụ thể. Chẳng hạn từ nay đến năm 2020 phải có 50%, rồi tới năm 2025 hoàn thành toàn bộ 100% quy định này. Sau khi nghị quyết ban hành là có thể thực hiện ngay. Nếu để đến năm 2025 mới thực hiện thì quá muộn. Tiến độ thực hiện càng nhanh càng tốt, càng cần cho đất nước, càng thuận lợi cho nhân dân.
Cảm ơn ông!
THÀNH NAM (THỰC HIỆN)