Phát triển mô hình kinh tế tập thể cho cựu thanh niên xung phong trong thời kỳ mới

Đăng lúc: 20-11-2023 9:46 Sáng - Đã xem: 390 lượt xem In bài viết

Ngày 17/11/2023 tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, phối hợp với Hội Cựu TNXP Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn về “Phát triển mô hình kinh tế tập thể cho cựu TNXP trong thời kỳ mới”. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc và đề dẫn của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim. Tiêu đề do Ban biên tập đặt.Thưa các vị khách quý, thưa các đồng chí, đồng đội!

Trước hết, thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và Ban tổ chức hội nghị tôi xin gửi lời chào, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban bộ ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà báo và các vị khách quý đã đến với Hội nghị chúng tôi trong vòng tay ấm áp – bằng những kiến thức và kinh nghiệm, bằng hiến kế cơ chế, chính sách, huy động những nguồn lực trực tiếp giúp cho hội viên Hội Cựu TNXP Hà Nội nói riêng, Hội Cựu TNXP cả nước nói chung có điều kiện thuận lợi hơn để tham gia làm kinh tế thoát nghèo bền vững, vươn lên làm ăn khá giả đóng góp cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho gia đình sau nhiều năm xông pha trên các mặt trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu vì Độc lập Tự do, xây dựng bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Thưa các vị khách quý, thưa đồng đội!

Để triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cụ thể là Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Trung ương Hội Cựu TNXP đã chỉ đạo triển khai trong toàn Hội, và có chỉ đạo điểm tại thành phố Hà Nội. Hôm nay TW Hội phối hợp với Thành hội Hà Nội tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, quán triệt sâu sắc hơn nội dung nghị quyết Trung ương Đảng, tìm ra cách làm và đặc biệt là cần quán triệt nắm vững những vấn đề lí luận và thực tiễn diễn ra trong quá trình xây dựng kinh tế hợp tác ở nước ta 20 năm qua (sau khi có NQ TW5 khóa IX); bây giờ phải lấy đó làm bài học kinh nghiệm, vì sao kinh tế hợp tác còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm? Nghị quyết TW lần này chỉ ra khá rõ ràng những yếu kém và tồn tại; trong đó có vấn đề khung pháp lý Luật hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chưa có hiệu quả cao[1]… 

 Nhiều năm qua, Hội Cựu TNXP các cấp tích cực thúc đẩy “Phong trào vì nghĩa tình đồng đội, giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo”, nhưng chỉ dừng lại phần nhiều là kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ phân tán, manh mún, chưa hình thành các tổ hợp tác, chưa liên kết hợp tác giữa các hộ, gia đình TNXP với nhau. Hội chưa làm vai trò đứng ra tín chấp giúp họ vay vốn ngân hàng hoặc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đứng trước tình hình đó, tháng 12 năm 2019 Đại hội toàn quốc lần thứ tư của Hội đã có tổng kết Hội tham gia phát triển kinh tế, đề ra nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh “Phong trào cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi vì Nghĩa tình đồng đội”, nhiều loại hình làm kinh tế cựu TNXP ra đời như trang trại trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh vận tải, thương mại, nhất là kinh tế hộ gia đình có bước phát triển[2] . Tuy nhiên chưa có chính sách tác động như hỗ trợ vốn, vật tư, cây trồng vật nuôi, kỹ thuật nên các câu lạc bộ năm qua thành lập ra vẫn lướn vướng, động lực nào cụ thể cho sự phát triển? Nhiều cựu TNXP tuổi cao nhưng “tuổi cao chí càng cao” họ vẫn là người chủ gia đình, có đất đai, có chút ít vốn liếng, có uy tín, kinh nghiệm kết giao các quan hệ, nhưng rất cần chính sách nhà nước, trông chờ hướng dẫn thực hiện theo sự thay đổi bổ sung Luật hợp tác xã sắp đến. Đồng thời, hội viên cần cái cụ thể là tài liệu, tập huấn kỹ thuật ngành nghề, công nghệ chỉ dẫn địa lý, làm thương hiệu, quãng cáo, làm sản phẩm OCOP v.v…

Các đại biểu xem phóng sự về các điển hình kinh tế của Thủ đô.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; toàn thể Hội chúng ta cần nhận thức rõ: Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Kinh tế tập thể với nhiều hình thúc tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, tăng cường sự liên kết, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn; Tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Hội viên Hội ta hiện nay có trên 40 vạn người, sẵn có tấm lòng yêu nước, thương yêu đồng đội, yêu ngành yêu nghề, tình làng nghĩa xóm; nhiều hội viên sinh con đẻ cháu nên cũng có nhiều lao động, vừa có lực lượng vừa có tri thức, nếu tích cực chuyển đổi từ hình thức kinh tế giản đơn, tự cung tự cấp sang hoạt động trong mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thì rất phù hợp, mục tiêu xóa nghèo làm giàu chính đáng của chúng ta mới được khai thông và có tính khả thi cao.

Thưa các vị khách quý, thưa đồng đội!

Thành hội Hà Nội và các Tỉnh, Thành hội vừa qua đã có các hình thức ra mắt Câu lạc bộ, tổ chức lại các mô hình cựu TNXP tham gia phát triển kinh tế; tổ chức thí điểm tại Hà Nội đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ[3] . Ban tổ chức hội nghị mong muốn được các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá phân tích hoạt động cựu TNXP làm kinh tế, chỉ ra những nội dung, phương thức hoạt động sáng tạo, năng động hơn; “chiếc chìa khóa” nào đưa bước chân ta vào các cơ chế, chính sách nhà nước ban hành, có ưu đãi nào cho cựu TNXP không? Ban tổ chức chúng tôi rất mong sự ưu ái khi nhà nước quyết định ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà trong đó có phần phát huy bản chất, truyền thống TNXP thì có lời động viên nào bằng, có chia sẻ nào hơn khi làm vơi đi nỗi đau của nhiều cựu TNXP – còn đó di chứng chất độc da cam/dioxin, còn đó các thương binh, gia đình liệt sĩ mà trong chúng ta luôn đau đáu những việc cần làm ngay trong các chương trình “Vì nghĩa tình đồng đội[4]” .

 Thưa hội nghị! Từ việc đánh giá phân tích cách làm thí điểm tại Hà Nội, có đại diện 6 Tỉnh hội[5]  cùng tham dự hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ dẫn của các vị, các đồng chí, chúng tôi sẽ nhanh chóng phổ biến “Cẩm nang phát triển kinh tế tập thể” đến toàn hội viên cả nước để cùng đồng tâm hiệp lực, mạnh dạn bước vào một chủ trương “ích nước lợi nhà”, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu ra[6] .

Thay mặt Ban tổ chức hội nghị tôi tuyên bố khai mạc hội nghị!

Xin trân trọng cảm ơn!


[1] Xem phần tình hình trong Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022.

[2] Kết quả thực hiện phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi vì Nghĩa tình đồng đội”: Cả nước có gần 14.000 mô hình kinh tế hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp cựu TNXP làm kinh tế đạt hiệu quả cao; giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, phần lớn là con em cựu TNXP.

[3] Hà Nội hiện có: 80 doanh nghiệp lớn (ngành nghề vận tải, xây dựng, SXVLXD, thi công công trình, SXCB lâm sản, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ…); 40 kinh tế trang trại; gần 50 HTX (tập trung tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nhỏ); Năm 2023: thành lập mới 5 HTX, đang làm thủ tục thành lập 10 HTX; khoảng 3.000 hộ gia đình cựu TNXP làm tự do (trồng cây ăn quả, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp…)

[4] Liệt sĩ 6.735 đồng chí, thương binh 40.451 đồng chí, bị chất độc da cam 14.673 đồng chí; cựu TNXP cô đơn không nơi nương tựa 8.624 đồng chí…

[5] Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc.

[6] Đến năm 2030 cả nước có 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên… và những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045 (xem Nghị quyết 20-NQ/TW).