Chuyện về một ngôi mộ đồng đội

Đăng lúc: 28-11-2023 10:26 Sáng - Đã xem: 217 lượt xem In bài viết

Cứ mỗi lần có dịp đi tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thăm lại chiến trường xưa trên Trường Sơn, tôi lại đến bên mộ của anh, thắp lên nén hương tưởng nhớ mà lòng buồn man mác. Không phải vì mất đi một người bạn cùng quê mà xót xa hơn là anh nằm đây bên hàng nghìn đồng đội đã hy sinh được quy tập về nghĩa trang này, nhưng hơn 50 năm rồi mà anh vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ và cũng chưa một lần được người nhà vào viếng. Trên tấm bia vinh danh các liệt sỹ tại nhà Bia tưởng niệm của quê hương vẫn chưa có tên anh và dòng tộc chưa có ai được hưởng tiền hương khói cho anh.

Tháng 12 năm 1968, theo tiếng gọi của Đoàn, anh cùng chúng tôi tham gia vào lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung và chúng tôi cùng nhau vào Khu 4 để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sau 3 tháng nhập ngũ, cùng với đồng đội chiến đấu trên những cung đường, ngày 29/3/1969 anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên đèo đá Đẽo[1]. Khi bị thương, chúng tôi đưa anh về Bệnh viện 24 của huyện Lệ Thủy, nhưng do vết thương quá nặng anh đã không sống được và việc chôn cất anh ở đâu chúng tôi không biết được.

Hết nhiệm kỳ TNXP tôi được chuyển ra Hà Nội học tập và công tác. Sau nhiều năm tôi trở lại quê nhà, tham gia vào Hội Cựu TNXP. Từ đó tôi mới có điều kiện để cùng đồng đội trở lại thăm chiến trường xưa và một chuyến đi tôi đã tìm thấy mộ anh ở nghĩa trang Tân Ấp của tỉnh Quảng Bình.

Tháng 6/2023, tôi vinh dự được tham gia vào đoàn cán bộ của Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa do  Chủ tịch Tỉnh hội Lê Văn Thành làm Trưởng đoàn vào tri ân các anh hùng liệt sỹ trên nghĩa trang ở Trường Sơn.

Chủ tịch Huyện hội Triệu Sơn Lê Thị Xứng và Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đồng Tiến Nguyễn Tài Nguyên bên ngôi mộ của ông Lê Thúc Tiến.

Tôi lại đến thắp hương cho anh. Tâm sự với người quản trang già ở đây về trường hợp của liệt sỹ Lê Thúc Tiến, anh cho biết: “Tôi làm ở đây đã lâu nhưng trường hợp này rất khác lạ. Chúng tôi đã gửi giấy thông báo về địa phương nhiều lần nhưng không có hồi âm và cũng chưa một lần có người thân, gia đình vào thăm viếng…”. Rồi anh tư lự: “Nén hương của đồng đội thắp cho liệt sỹ là rất quý, nhưng nén hương của người thân trong gia đình cho liệt sỹ nó thiêng liêng lắm anh ạ”.

Vâng xin ơn anh rất nhiều! Trong hàng trăm ngôi mộ nơi đây mà anh vẫn nhớ được một cá nhân – là người bạn tôi chưa có người nhà vào thăm. Anh quả là người có tâm hồn cao quý biết bao.

Thưa bạn đọc, chắc sẽ có người hỏi vì sao một liệt sỹ đã có tên trong Nghĩa trang mà 50 năm nay vẫn chưa được công nhận. Xin thưa: anh tên là Lê Thúc Tiến, sinh năm 1950, bố mẹ mất sớm. Có 3 chị em, chị gái đi lấy chồng xa, chỉ còn lại 2 anh em cùng mẹ khác cha. Bởi vậy, anh không có ai là thân nhân đế đứng ra làm hồ sơ giải quyết chế độ. Trong dòng họ có người thương anh lập bàn thờ và cúng giỗ anh. Song họ hàng cũng không thể là thân nhân để đứng ra lo việc. Bên canh đó là chú em cùng mẹ khác cha không hề quan tâm đến việc hy sinh của người anh và vô cảm đến giấy báo của Ban quản trang gửi về anh ta cũng để mất.

Là người đứng đầu Hội Cựu TNXP xã tôi đã rất nhiều lần về làm việc với gia đình nhưng không được. Tôi vẫn áy náy như mình đang có lỗi với đồng đội với người bạn của mình.

Trong chuyến đi này, tôi đã kể cho Chủ tịch Tỉnh hội Lê Văn Thành về trường hợp của anh Lê Thúc Tiến và những việc mình đã làm. Anh Thành nói: “Trong trường hợp gia đình không hợp tác với mình thì việc làm thủ tục để giải quyết chế độ cho đối tượng là rất khó!”

 Vâng quả đúng như vậy. Bản thân tôi cũng đã rất cố gắng. Tôi viết bài này chỉ mong một điều là Nhà nước còn quy định nào khác không để giải quyết chế độ liệt sỹ như trường hợp của bạn tôi, để anh được yên tâm siêu thoát nơi suối vàng.

Phạm Đình Mạc

Triệu Sơn

 


[1] Một trọng điểm bắn phá của quân đội Mỹ bằng máy bay và pháo từ tàu biển, là một trong 37 di tích của nhóm “Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh” được Chính phủ công nhận. Trên đỉnh đèo có bia Di tích Đèo Đá Đẽo với dòng chữ “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 – 1972” ghi nhớ lại thời kỳ chiến tranh ác liệt