Được chụp ảnh cùng cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

Đăng lúc: 02-02-2024 10:56 Sáng - Đã xem: 221 lượt xem In bài viết

Sự việc xảy ra tháng 3 năm 1967, lúc mà cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt. Lúc này các cầu lớn trên Quốc lộ số 1 như cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Cấm, … đều bị phá huỷ nên tuyến đường này gần như bị tê liệt. Ở Đô Lương cầu Ba Ra[1] bắc qua sông đào cũng bị đánh sập từ năm 1965, nên những đoàn xe vào Nam ra Bắc qua đất lửa Nghệ An chỉ còn cách đi theo đường 15 từ Nghĩa Đàn, Tân Kỳ xuống Giang Sơn rẽ đường 25 mới làm, đến đường 30 qua Truông Bồn vào Nam Đàn… vượt bến phà vào Hà Tĩnh. Lúc này 81 giáo viên được Ty Giáo dục Nghệ An cử biệt phái sang phục vụ bên các đơn vị TNXP chống Mỹ cứu nước Nghệ An đã gần được hai năm. 

 Chúng tôi đang lo công việc thì nhận tin vui bất ngờ là được cử đi dự Hội nghị Tổng kết công tác Bổ túc văn hóa (BTVH) TNXP toàn miền Bắc tại trường Nguyễn Ái Quốc Hà Nội[2]. Lần đầu tiên được đi ra Hà Nội ai cũng phấn khởi, háo hức chờ đợi. Đoàn Nghệ An có thầy Bùi Nhu ở Tổng đội, tôi được cử đại diện cho các giáo viên chuyên trách trực tiếp giảng dạy ở các đơn vị và 4 giáo viên trợ lý ở các Đội. Và mỗi người phải tự túc phương tiện đi riêng. Điều may mắn đối với chúng tôi là sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ TNXP đã được xã hội nhìn nhận và họ đã nhận được nhiều sự ưu ái ngay cả việc xin xe cộ trên đường đi. Đêm hôm đó tôi cùng anh Lê Trọng Mai được các o TNXP Đại đội 328 đưa ra đường gửi đoàn xe quân sự 10 chiếc từ Lào qua, đi ra Hà Nội theo đường qua các huyện miền tây Nghệ An, Thanh Hóa. 

 Cũng nhờ sự ưu tiên đối với lực lượng TNXP lúc đó nên cuộc họp do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục phối hợp tổ chức ba ngày đã diễn ra tại trường Nguyễn Ái Quốc. Có điều là ở đây họ quản lý rất nghiêm ngặt. Suốt thời gian họp không được ra khỏi trường nhưng bù lại là điều kiện ăn ở rất tốt, có 2 đêm được xem văn công và mọi thứ hàng hóa như bánh kẹo, thuốc lá, bia hơi, giấy bút mực…. ở bên ngoài là phân phối hoặc như bia hơi phải xếp hàng dài thì ở trong trường bán tự do, không hạn chế số lượng.

Ảnh internet  

 Hôm khai mạc có nhiều đại biểu đến dự, Bộ Giáo dục có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (ảnh trên) [3], Thứ trưởng Hồ Trúc. Có lẽ hầu hết các đại biểu về dự hội nghị là từ các vùng bom đạn ác liệt, trong khi Hà Nội lúc đó chưa bị đánh phá ác liệt nên trong lời phát biểu của các vị lãnh đạo có nhiều câu rất cảm động và Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã vài lần nhấn mạnh là các trường học TNXP phải là trường trọng điểm của ngành BTVH. 

 Cuối buổi các đại biểu TNXP (khoảng 120 -130 người) đã có cuộc chụp ảnh chung với Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Bí thư Trung ương đoàn. Là hội nghị nhỏ nhưng Bản tin hội nghị cùng bức ảnh chụp chung đã được đăng ở trang đầu báo Nhân dân ngay ngày hôm sau mà có thể nhìn nhận được nhiều người, trong đó có tôi trong trang phục TNXP đứng cạnh bộ trưởng. Cũng tại hội nghị này tôi được thay mặt cho 81 giáo viên chuyên trách TNXP Nghệ An nhận bằng khen của bộ Giáo dục.

 Sau hội nghị các cán bộ TNXP trở về đơn vị còn các giáo viên TNXP ở lại thêm một tuần và được chuyển qua trường Đại học Kinh tế quốc dân học chuyên môn. Lúc này số lượng còn khoảng gần bảy chục và chúng tôi được các vị là chuyên viên các bộ môn của Vụ BTVH trực tiếp lên lớp. Một điều đáng nhớ là ngủ nghỉ thì ở trong trường Đại học nhưng ăn thì Ban tổ chức lại đặt tại một cửa hàng ăn mậu dịch ở bên ngoài, gần chợ Mơ. Thầy Bùi Nhu giáo viên Toán cấp 3 trưởng đoàn Nghệ An có bữa đã đọc câu thơ:

 Một ngày hai bữa tới chợ Mơ

 Hết đổi phiếu ăn lại đứng chờ.

Có lẽ nhờ câu thơ đó nên những người tham dự còn nhớ mãi chuyến đi Hà Nội giữa những ngày chiến tranh ác liệt đầy vất vả nhưng vinh quang và khó quên này.

Nguyễn Tâm Cẩn

 Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

 


[1] Ý nghĩa “Ba Ra” của tên cầu chính là việc cầu đã chia ra ranh tự nhiên cho 3 xã Duy Vinh, Duy Thành và Duy Nghĩa.

[2] Nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[3] Người mà sau này nhiều nhà giáo cứ ao ước đến bao giờ Bộ Giáo dục Việt Nam có được một vị bộ trưởng như vậy.