Những đóng góp của Đoàn thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 23-02-2024 10:00 Sáng - Đã xem: 398 lượt xem In bài viết

Điện Biên Phủ là một chiến dịch lớn nhất, kéo dài và quyết liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Đây là một cuộc đọ sức đấu trí, bởi vậy hai bên đều có quyết tâm chiến thắng và dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ, vật chất để thực hiện quyết tâm đó. Để làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn có sự ủng hộ, đóng góp của toàn dân. Trong đó, không thể không nói đến những đóng góp to lớn của Đoàn Thanh niên xung phong.

Ngày 15 tháng 7 năm 1950, thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, tại Núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương (tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam) được thành lập. Bác muốn thành lập một tổ chức thanh niên để đảm bảo thêm công việc của kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Đội TNXP công tác đầu tiên gồm 225 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đội bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại chiến dịch Biên giới với nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến.

Nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên đối với cuộc kháng chiến, tháng 3 năm 1953 Bác Hồ quyết định thành lập Ðoàn TNXP do đồng chí Vũ Kỳ phụ trách, với số lượng nhiều và chất lượng cao hơn, được tổ chức chặt chẽ như quân đội, có nhiệm vụ xung phong mọi việc để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi mới thành lập Đoàn TNXP tuyển dụng thêm 10.000 người. Tháng 12 năm 1953, khi Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP có 15.000 cán bộ, đội viên. Ðối tượng tuyển lựa vào TNXP là những nam thanh niên thành phần bần, cố nông và học sinh quen lao động trong các vùng đã phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất.

Sau khi thành lập, Đoàn TNXP Trung ương đã cử đoàn cán bộ tuyển quân về các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… để vận động chị em phụ nữ, thanh niên, đoàn viên gia nhập TNXP. Tuyển quân đến đâu thành lập đơn vị và đặt phiên hiệu đến đó, cứ 200 người lập thành một đại đội, và từ đại đội được phân thành các đội để dễ quản lý như: Đội 30, 34, 36, 38, 40, 42,.. Đặc biệt là Đội 34 và Đội 40 tập trung phần lớn lực lượng và vinh dự trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ dưới quyền chỉ huy của Hội đồng cung cấp mặt trận, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt làm kho tàng, lán trại tải thương tải đạn. Lực lượng còn lại đảm bảo giao thông từ Mộc Châu đến Tuần Giáo dài hơn 200km đường số 6 (Đường 41 cũ) và một phần đường 279 (Đường 42 cũ).

Công việc cơ bản của ĐoànThanh niên xung phong là công tác cầu đường. Điện Biên Phủ là một địa điểm cách xa hậu phương và ở vào vùng địa hình rừng núi bao la hiểm trở, thời tiết khắc nhiệt, mưa lũ thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nên rất bất lợi cho công tác hậu cần. Chiến dịch Điện Biên Phủ lại là một chiến dịch lớn dài ngày. Vì vậy mà Trung ương thấy rõ tầm quan trọng của công tác cung cấp. Mấu chốt của vấn đề cung cấp là vận tải. Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào mặt trận. Ngoài tuyến đường 11 và 13 đã có, chúng ta phải mở nhiều tuyến đường cho xe trâu, xe đạp thồ, đường gánh bộ cho dân công và phá thác để vận chuyển đường thủy. Các con đường này yêu cầu phải ngắn nhất, bí mật nhất. Đoàn Thanh niên xung phong được cấp trên giao sửa chữa tuyến đường 41 và củng cố tuyến đường số 13. Ngoài ra, cùng lực lượng dân công, bộ đội mở các tuyến đường mới. Họ cùng với công binh bám trụ ở những nơi quân Pháp đánh phá ác liệt nhất, địa hình hiểm trở, khó làm nhất và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất.

Công việc quan trọng thứ hai là công tác đảm bảo giao thông. Thanh niên xung phong được điều động lên bảo vệ những vị trí xung yếu nhất của các tuyến đường như: Đèo Lũng Lô, bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn, đèo Chiềng Đông, cầu Yên Châu, cua Hát Lót, đèo 800, đèo Pha Đin, đèo Sơn La, ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo,… Ở những vị trí này, quân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Đèo Pha Đin đánh phá ròng rã 20 ngày liền. Quãng đường gần ngã ba Cò Nòi có ngày quân Pháp thả tới 300 quả bom. Đèo Chẹn là điểm trọng yếu của tuyến đường 13. Pháp thường xuyên cho máy bay quan sát tuyến đường số 13 và Đèo Chẹn. Ở đây Quân đội nhân dân Việt Nam không có lực lượng phòng không nên bị oanh tạc càng dữ dội. Các đoàn viên Thanh niên xung phong đã phải phá bom nổ chậm, phá đá, vá đường, chống lầy lún, biệt kích… với quyết tâm thông đường sau hai tiếng đồng hồ nếu bị quân Pháp phá hoại. Phá bom bươm bướm là một điển hình của Thanh niên xung phong trong công tác bảo vệ đường, bảo đảm giao thông. Quân Pháp thả bom bươm bướm để cản trở dân công, cản trở những người phá bom. Đây là loại bom mới gây cho ta rất nhiều khó khăn.

Công tác vận chuyển lương thực, đạn dược trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng rất khó khăn. Đoàn Thanh niên xung phong cũng tham gia tích cực vào công tác này. Có những đồng chí tham gia điều khiển xe cơ giới, có những đơn vị làm công tác bốc xếp, công tác vận chuyển đường thủy. Có những đơn vị Thanh niên xung phong được giao quản lí, bảo vệ kho tàng lương thực thực phẩm lập ra trên các tuyến đường.

Ngoài bộ phận lớn phục vụ chiến sĩ ở trung tuyến, Đoàn Thanh niên xung phong còn cử một bộ phận ở hỏa tuyến như tải đạn, khiêng thương binh, bắt giữ tù binh, làm giao thông liên lạc từ trung tuyến đến hỏa tuyến. Sau khi các trận đánh kết thúc, các đoàn viên thanh niên lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, giải quyết công tác thương binh, tử sĩ.

Chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng ác liệt, Đoàn Thanh niên xung phong đã cử 8.000 đoàn viên bổ sung cho bộ đội chiến đấu. Họ là lực lượng dự trữ chiến đấu khi cần được đưa ngay vào trận. Đảng còn giao cho Đoàn Thanh niên xung phong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ An toàn khu (ATK) khi quân Pháp tăng cường phá hoại cơ quan đầu não của ta. Anh em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ATK.

Trải qua 56 ngày đêm gian khổ, cùng với lực lượng vũ trang, toàn dân, đã góp công sức đáng kể, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam chống Thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn Thanh niên xung phong đã được Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ Tịch tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và 60 huân chương các loại cho các cán bộ, đoàn viên và các đơn vị tiên tiến của đoàn. Bác Hồ đã tặng 120 huy hiệu của Người và hai lần trao cờ thi đua cho Đoàn Thanh niên xung phong.

Thông qua các hoạt động đó, Đoàn Thanh niên xung phong đã làm theo lời Bác dạy: “Nhiệm vụ của đoàn Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc, bất kì việc khó, việc dễ phục vụ cho đến kháng chiến thành công”. Họ đã sẵn sàng nhận bất cứ việc gì kháng chiến yêu cầu, và đứng ở vị trí xung yếu nhất của chiến dịch. Có thể nói Đoàn thanh niên xung phong là lực lượng phục vụ chiến dịch trẻ, khỏe, năng động nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với tinh thần phục vụ tận tụy tự giác và luôn tìm tòi sáng tạo để công việc của mình đạt hiệu quả cao. Họ xứng đáng với danh hiệu của mình là Thanh niên xung phong. Những đóng góp của thế hệ thanh niên năm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiến bước noi theo thế hệ đi trước và kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh để xây dựng đất nước./.

Theo bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn