Nở hoa trong lòng địch

Đăng lúc: 28-04-2024 2:54 Chiều - Đã xem: 305 lượt xem In bài viết

Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954. (Ảnh: TTXVN)

Trên cứ điểm A1

Giặc Pháp đã không ngờ

Dưới độ sâu năm mét[1]

Cái gì sẽ xảy ra?

 

Giặc Pháp nào có biết

Chiến thuật của quân ta

Đánh – đào – vây – lấn – tấn

Trong lòng địch “nở hoa”!

 

Đường hầm trong lòng đất

Gần tới đỉnh trung tâm

Cách chừng 30m

Lặng lẽ đào âm thầm

 

Hơn một tấn thuốc nổ

Kết thành một khối to

Chờ giờ G- phát hỏa

Cái gì sẽ xảy ra?

 

Giờ G cũng đã đến

Lệnh điểm hỏa tức thì

Thình lình một tiếng “ục”

Như động đất rung đồi!

 

Cứ điểm đồi A1

Nổ tung đã tan tành

Như một cơn ác mộng

Giặc lô nhô ra hàng!

 

Nước Pháp thì bàng hoàng

Năm châu thì chấn động

Về sức nổ tiếng vang

Từ Điện Biên thất thủ!

 

Đồi A1 khai tử

Giặc Pháp vẫn bàng hoàng

Sao lại có tiếng nổ

Dưới cứ điếm ta đang…?

Còn lại đây dấu tích

Hố bộc phá ngàn cân

Nơi cứ điểm A1

Nghệ thuật đánh tài tình

 

“Nở hoa” trong lòng địch

Ý chí và thông minh

Quyết tâm và gan dạ

Để chiến thắng lẫy lừng

 

Thăm cứ điểm A1

Còn vang một dư âm

Cái hố sâu bộc phá

Phục các Cụ – Điện Biên!

Nguyễn Hồng Quang 

TDP Kim Tỉnh phường Trung Thành TP Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên

 


[1] Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh M83 của Trung đoàn Công binh 151 thuộc Đại đoàn 351do Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã đào hầm ngay trước mũi súng quân Pháp, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đường hầm khi hoàn thành dài tới 82m và dẫn lên tận đỉnh đồi, nơi đặt khối bộc phá. Phần lớn lòng đường hầm rất nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người lách trườn lên. Theo thiết kế, khối bộc phá phải đủ 1 tấn thuốc nổ nhưng lúc ấy trong kho chỉ còn có 500 kg. Đơn vị pháo phòng không đến báo vừa bắn rơi một chiếc máy bay B-24 gần đồi Độc Lập. Máy bay vẫn còn bom, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch liền xung phong dẫn 4 chiến sĩ đến chỗ máy bay rơi, thấy trên thân máy bay còn nguyên 5 quả bom tạ. Mất một tuần tổ gỡ bom đem về gần 5 tạ thuốc nổ. Phải mất thêm nhiều ngày và rất khó khăn để đưa bộc phá đến điểm tập kết. Trong hào đi phải khom lưng, mỗi người đem từng quả bộc phá nặng khoảng 5 kg xếp hàng ngay ngắn cho tới khi đủ 1.000 kg. Tuy nhiên, một tình huống mới lại xảy ra khi dùng máy phát điện 100W điểm hỏa thử trên mô hình thì khối bộc phá lại không nổ theo đúng yêu cầu. Để cho chắc chắn, chỉ còn một cách là cho người trực tiếp vào giật nụ xòe, một công việc rất nguy hiểm. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch nhớ lại: “Đưa được 1.000kg thuốc nổ vào cuối hầm, cả Đại đội trưởng Khung, Tổ trưởng Đảng Lưu Viết Thoảng và tôi bò vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật lần cuối. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với năm đường dây cháy chậm và năm nụ xòe. Hai đồng chí đồng ý cho tôi xung phong ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ, tôi sẽ ôm 3kg thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng người như chiến sĩ cảm tử”.[6] Tối 6-5-1954, ba người trong tổ bộc phá thầm lặng men tới đồi A1. Hai người chỉ huy hỏi Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch: “Có dặn (trăng trối) gì không?”, ông đáp: “Không!”. Nghe mệnh lệnh xong, Bạch đi vào trong hầm ngầm, nơi sẽ giật nụ xòe, cách cửa hầm tới 20 mét chờ lệnh. Rồi thời điểm cũng đến, pháo bắt đầu bắn dồn dập, nhưng không bắn vào đồi A1. Chờ khoảng 5 phút, Bạch mới chắc đấy là pháo lệnh, liền dồn sức giật nụ xòe, lúc đó là 20h30’ ngày 6/5/1954. Ông Bạch kể: “Lúc ấy tôi chỉ nghe thấy ầm một tiếng, cảm giác như đang ngồi trong cái trống; nhìn lên thấy lửa khói mù mịt đang bốc lên như hình cây rơm. Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội”.

Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm, không phải dữ dội như chờ đợi. Trên đồi A1 có một đám khói lớn đang phụt lên.

Nguyễn Hữu An lập tức ra lệnh cho pháo của trung đoàn nổ súng. Mấy ngày trước đó, bộ binh đã tiêu diệt một số hỏa điểm hướng về phía tiền duyên, nên lần này pháo của trung đoàn chỉ bắn chế áp mạnh trong vòng 15 phút, rồi bộ binh xung phong.

Ở phía đông – nam, hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 249, do Tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe chỉ huy, chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân Pháp. Phía tây – nam, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đưa Tiểu đoàn 251 tiến theo giao thông hào mới đào trên mặt ruộng ven đường 41, thọc một mũi dùi cắt rời A1 khỏi Mường Thanh.

Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, và tiêu diệt phần lớn Đại đội Dù 2 của Étmơ đóng ở đây. Pugiê ngồi trong hầm ngầm bỗng thấy quả đồi rung rinh, một tiếng nổ trầm át mọi tiếng động khác kéo dài vài giây. Một lát sau mới hiểu ra, và biết mình vừa thoát chết.

Khối bộc phá 1 tấn đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước, tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Nhưng càng lên gần đỉnh đồi thì những đất đá từ hố sâu bốc lên đã làm trái đồi biến dạng và trở nên rất khó đi. Lợi dụng lúc đó, những lính dù còn sống sót của Đại đội 2 Pháp liên tiếp khai hỏa đại liên. Đại đội 316 đánh vào trận địa súng cối. Đại đội 317 đánh vào khu thông tin gần hầm ngầm. Đại đội 3 của Pugiê đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng súng trường, tiểu liên, lựu đạn và lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng…

4 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, Pugiê chỉ còn lại 34 lính dù, ông ta gọi điện đàm một lần nữa cho Mường Thanh, yêu cầu phải tăng viện ngay một đại đội nếu không cứ điểm sẽ bị tràn ngập. Ở đầu dây là Tham mưu trưởng Vađô: “Ông muốn tôi tìm đâu ra một đại đội! Tất cả đều không còn gì”.

Quân dù đã sử dụng đến những viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng. Viên chỉ huy Pugiê bị thương nặng và bị bắt, trước khi trời sáng trận đánh kết thúc. Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1, báo hiệu giờ tàn sắp tới của tập đoàn cứ điểm.