Trung ương Đoàn và Trung ương Hội phối hợp tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn

Đăng lúc: 19-05-2024 9:35 Chiều - Đã xem: 170 lượt xem In bài viết

Ngày 17/5/2024, tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày mở Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh  (19/5/1959- 19/5/2024) với sự tham dự của 200 đại biểu là cựu TNXP, đoàn viên thanh niên 11 tỉnh có đường Trường Sơn đi qua: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước.

Các đại biểu trong lễ dâng hương.

Đến dự có các đồng chí: Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn; Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng đại diện các ban của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội, Tỉnh đoàn Quảng Bình.

Sau lễ dâng hương, dâng hoa tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở thị trấn Phong Nha là chương trình văn nghệ đặc sắc tôn vinh công lao to lớn của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khai sinh ra đường Trường Sơn huyền thoại và dành cho bộ đội Trường Sơn sự quan tâm to lớn; tri ân Tư lệnh Đồng sĩ Nguyên và hàng vạn liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương (ảnh trên) nêu rõ: “Năm tháng trôi qua nhưng đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, mãi mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam và đi vào lịch sử như một kỳ tích, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay và trở thành biểu tượng để giáo dục lý tưởng cách mạng, ý chí vượt khó cho thế hệ trẻ hôm nay”. Đồng chí nhấn mạnh, tiếp nối tinh thần anh dũng đó, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước; tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; là đội quân xung kích trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Em Lê Thị Thu Hiền (ảnh trên)  – đoàn viên lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình – đại diện thế hệ trẻ đã lên phát biểu tri ân các thế hệ đi trước  đã chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước, hứa sẽ tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện góp phần để nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Tại chương trình, nguyên Bí thư thứ nhất TW Đoàn Vũ Trọng Kim (ảnh trên, trái) , Bí thư TW Đoàn Ngô Văn Cương (ảnh trên, phải) đã trao tặng kỷ niệm chương TNXP cho gần 200 đại biểu là cựu TNXP ghi nhận những đóng góp quan trọng và ý nghĩa trong các giai đoạn kháng chiến, xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tặng quà cho 25 cựu TNXP, 25 cựu chiến binh, 15 học sinh nghèo vượt khó có tổng trị giá 97,5 triệu đồng.

Trao quà cho cựu TNXP, cựu chiến binh, học sinh nghèo vượt khó

Dịp này, ban tổ chức và các đơn vị tài trợ đã trao tặng Tỉnh đoàn Quảng Bình dự án mô hình hỗ trợ giảm nghèo từ nuôi bò trị giá 1tỷ đồng; nguồn vốn vay giải quyết việc làm trị giá 1 tỷ đồng; trao tặng các công trình thanh niên, chương trình an sinh xã hội trị giá 1,5 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ chương trình theo “Hành trình trên cung đường huyền thoại”, các đại biểu đã dâng hương, hoa tại hang Tám Cô[1], hang Y tá[2], Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP[3], thăm và tặng quà[4] Đồn Biên phòng Cà Ròong.

Trước đó, ngày 16/5/2024, Ban TNXP Trung ương Đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Bình khai mạc Triển lãm hiện vật, tư liệu về Bộ đội Trường Sơn với chủ đề “Kiêu hãnh Trường Sơn”, tổ chức cho các đại biểu dâng hương, hoa tại tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại[5] và Nhà bia tưởng niệm 16 TNXP hy sinh tại Bến phà Long Đại[6], khởi công xây dựng Nhà nhân ái[7] cho gia đình cựu TNXP Nguyễn Thị Hương ở thôn Nam Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.

Đặc biệt Đoàn công tác do Chủ tịch Vũ Trọng Kim, Bí thư Ngô Văn Cương dẫn đầu đã khánh thành công trình “Sân chơi cho em[8], tặng quà các thiếu nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, tham dự lễ khởi công “Ngôi nhà hạnh phúc[9]” cho em Y Tư tại bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, khánh thành công trình “Thắp sáng đường quê[10]” tại bản Cồn Roàng; khởi công “Nhà 100 đồng[11]” tại bản Rào Con, thị trấn Phong Nha….

Một số hình ảnh khác:

Chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài

Dâng hương, hoa tại hang Tám Cô:

… hang Y tá

…Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn đường 20 Quyết thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP

… Đồn Biên phòng Cà Ròong

 

Bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

 

Một số tiết mục văn nghệ

Đồng Sỹ Tiến


[1] Hang Tám Cô (tên chính thức là hang 8 TNXP, gồm 4 nam, 4 nữ hi sinh ngày 14/11/1972) thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm trên con Đường 20 – Quyết Thắng nay là Đường tỉnh 562, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 3km theo hướng Tây Nam.

[2] Gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng, quê ở Phú Thọ. Cũng vào một ngày của tháng 11-1972, y tá Sặng theo đoàn làm nhiệm vụ chăm sóc và chuyển tải thương binh ra Bắc điều trị, khi đoàn nghỉ chân ở km 18 đường 20 thì chị Sặng bị sốt rất cao. Biết mình không qua khỏi, để không gây cản trở đoàn hành quân, chị đã tự nguyện nằm lại và lặng lẽ hy sinh trên cánh võng cá nhân ngay cạnh hang đá bên tuyến đường 20. Ba ngày sau, thi thể chị Sặng được các chiến sĩ khôi phục cầu đường phát hiện và mai táng bên cạnh hang đá.

[3] Trọng điểm Cà Roòng-ATP (Cà Roòng, đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) nay là khu vực Km63+900 Tỉnh lộ 562 thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trên đường 20 Quyết thắng, huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây các đại biểu đã trồng 7 cây trong khuôn viên của đền.

[4] TV thông minh, quạt, tủ đông có tổng trị giá 30.000.000đ)

[5] Phà Long Đại ở địa bàn thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ Bắc), thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ Nam), huyện Quảng Ninh; nay ở vị trí Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn. Bến phà Long Đại là điểm vượt sông quan trọng ở phía Đông Trường Sơn, là “yết hầu” trong vùng chảo lửa Quân khu IV, kẻ thù trút xuống hàng vạn tấn bom đạn. Để giữ cho mạch máu giao thông vận tải luôn thông suốt, mỗi tấc đất ở bến phà Long Đại đều thấm đẫm mồ hôi, máu của bộ đội, TNXP và Nhân dân nơi đây.

[6] Đây là một quần thể kiến trúc với tổng diện tích trên 2000m2 nằm trên mảnh đất mà năm xưa các anh, các chị đã từng sống và chiến đấu, cạnh bên là vị trí hầm sập, dưới chân là bến phà, lối cổng đi vào là Đường 15 chiến lược.

[7] Do Prowtech International Vina JSC tặng 80.000.000đ.

[8] Sân chơi trị giá 45.000.000đ.

[9] Do VVIRC hỗ trợ 80.000.000đ. Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (The Vietnam Volunteer Information Resource Centre – VVIRC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam; là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.

[10] Trị giá 125.000.000đ.

[11] Hỗ trợ 80.000.000đ.