Phó Chủ tịch Tỉnh hội Bắc Giang tận tụy, gương mẫu trong công tác chính sách

Đăng lúc: 19-08-2024 3:34 Chiều - Đã xem: 171 lượt xem In bài viết

 Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử tham gia giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP là một nhiệm vụ có nhiều khó khăn thách thức. Bởi có trên 90% cựu TNXP tham gia hai cuộc kháng chiến đến nay không có giấy tờ gốc. Hơn nửa thế kỉ  đã qua, tuổi của họ ngày một cao, trí nhớ giảm nên việc xác nhận hồ sơ làm chế độ chính sách gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải thận trọng, mất nhiều thời gian tìm hiểu, xác minh nhằm không để sót người được hưởng cũng như không để lọt người không thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Đồng chí Ngô Quang Tuyên (bìa trái) thắp hương mộ anh hùng Trần Can – người cắm cờ trên cứ điểm Him Lam – tại Nghĩa trang liệt sĩ A1. Ảnh do Tỉnh hội Bắc Giang cung cấp

Theo đó, song song với việc tuyên truyền, hướng dẫn các chế độ, chính sách cho hội viên đến việc thu thập hồ sơ, chứng cứ, cùng lúc phải kết hợp trao đổi thông tin, họp, đối thoại xác minh với các nhân chứng để làm rõ. Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch, Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Giang, ông Ngô Quang Tuyên đã tham mưu phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp để tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với TNXP, xem xét thẩm định hồ sơ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hội viên.

Để làm tốt công tác xác nhận thẩm định danh sách TNXP ở một địa phương có hàng trăm phiên hiệu tham gia ở các thời kỳ, giấy tờ gốc không còn, tỉnh đã thành lập các Ban liên lạc truyền thống của các đơn vị để lập danh sách TNXP của đơn vị. Trong quá trình xem xét, nhiều khi phải đối thoại trực tiếp để bổ sung thêm thông tin, xác minh chính xác về đối tượng; chỉ đạo thực hiện việc tiến hành việc tổ chức niêm yết danh sách công khai ở địa phương; họp Hội đồng chính sách cấp xã để xem xét, xác nhận và lập danh sách theo dõi theo Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC của của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ[1]. Với cách làm trên, trong suốt những năm qua đã không có trường hợp sai sót chính sách nào xảy ra. Trong giai đoạn 2019-2024, đồng chí đã tham gia thẩm định, xác nhận danh sách, phối hợp tham mưu đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn các thủ tục hành chính về giải quyết các chế độ chính sách, trong đó tập trung giải quyết mai táng phí, bảo hiểm y tế đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Theo dõi, đối chiếu và rà soát để không xảy ra sai sót. Tham mưu tổ chức tập huấn cho cán bộ hội huyện, xã về tặng, truy tặng TNXP vẻ vang; ban hành văn bản về những nội dung và điều kiện xác nhận theo Nghị định 28/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc tặng, truy tặng Huy chương TNXP vẻ vang để hội viên biết, thực hiện và chính quyền các cấp cùng phối hợp.

Trong giai đoạn 2019-2024, đồng chí  đã phối hợp tham mưu giải quyết chế độ, chính sách cho 1.344 cựu TNXP[2], góp phần vào việc thực hiện hiệu quả một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh hội Bắc Giang, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, việc đền ơn đáp nghĩa đối với TNXP trong hai cuộc kháng chiến.

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến 

Với những kết quả nổi bật nêu trên, ngày 15/7/2024, tại Hội nghị Tổng kết việc phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP và phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội”, giai đoạn 2019-2024, đồng chí đã được báo cáo điển hình (ảnh trên) và nhận bằng khen của Trung ương Hội.

Viết theo báo cáo thành tích của nhân vật

Lê Lam Hương


[1] Hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với TNXP theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg.

[2] Trong đó số trường hợp trợ cấp 1 lần là 708, thường xuyên là 23, hưởng Bảo hiểm y tế là 294, mai táng phí là 319.