Nghi Xuân bát cảnh (8 cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã trở nên nổi tiếng, đi vào thơ văn hàng trăm năm qua, trở thành niềm tự hào của người dân và khơi dậy khát khao khám phá của du khách mọi miền.
8 cảnh đẹp trong 16 câu thơ
Cụ Song Ngư – Nguyễn Tất Minh (1890-1971) một nhà giáo quê ở xã Xuân Hội, có bài thơ 16 câu viết về tám cảnh đẹp của quê hương Nghi Xuân nổi tiếng. 2 câu thơ mở đầu mô tả cảnh núi Hồng sông Lam, biểu tượng của đất Nghi Xuân và Nghệ Tĩnh: “Dãy Hồng Lĩnh nguy nga tráng lệ. Bức màn xanh giăng thẳng phía trời nam”.
Dãy Hồng Lĩnh từ đông sang tây có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, là danh sơn đẹp nhất Nghệ Tĩnh. Núi có nhiều di tích văn hóa tâm linh đền miếu, chùa chiền, hang động đẹp mê hồn. Đó là nền đá Trang Vương, chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên, chùa Thiên Tượng, đền Đô Đài, Cương Khấu di tích Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Cao Sơn, Bạch Thạch… được trùng tu, tôn tạo và xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Còn đó công trình cổ tích Truông Ghép – con đường ghép đá vượt núi từ Song Nam sang xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà. Về Hồng Sơn mà nghe chuyện cổ tích kinh đô Ngàn Hống, tích nàng công chúa Trang Vương, tích núi Ngọc, tích cố Đương và nhiều câu chuyện thú vị. Xưa nay, vào dịp xuân thu nhị kỳ, ngàn Hồng Lĩnh trở thành điểm đến du ngoạn cảnh sắc. Dập dìu du khách tứ phương thăm viếng chùa Hương Tích, Chân Tiên, Đô Đài, Cao Sơn, Cương Khấu.
Núi non Hồng Lĩnh bao đời soi bóng dòng sông Lam:
“Nước xanh xanh giòng bể quế sông Lam. Tựa đàn bướm cánh buồm bay phấp phới”.
Buồm về cửa Hội là một cảnh đẹp trong Nghi Xuân bát cảnh. Sách “Nghi Xuân địa chí” tả cảnh nơi đây: Cuối xuân sang hè, trời đẹp, thuyền đánh cá và thuyền buôn từ Bắc đến có hàng mấy trăm lần chiếc vào cửa sông Lam. Thuyền căng buồm, no gió dập dờn qua lại. Cảnh thuyền về biển Hội như đàn bướm đang vờn hoa, bầy cá đang giỡn nước, tiếng hò reo vang dội đôi bờ, thật là một nơi thắng cảnh hiếm có. Cửa Hội không những có nhiều cảnh sắc hút hồn du khách, mà còn giàu trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Đã từng có làng người Hoa định cư lập nghiệp. Có di chỉ khảo cổ học với trầm tích địa tầng văn hóa chứa gốm sành sứ Lý – Trần, gốm Trung Hoa, Nhật Bản. Miền Đan Nhai có đình Hội Thống, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hệ thống di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh có đền Cả còn gọi đền Tứ vị Thánh nương, Tam thánh, Nội Ngoại tiên hiền, Cô – Cậu còn gọi là đền Ngư thần.
Đền Tam Thánh gắn với lễ hội cầu yên. Hàng năm lễ hội được tổ chức trước ngày Thượng nguyên. Lễ này với mục đích cầu mong người bình yên, mạnh khỏe, vật thịnh vượng, dồi dào. Biển Hội có tổ chức lễ cầu ngư ở đền Cô – Cậu. Hầu như lễ vật được cúng ở đền Nội Ngoại Tiên Hiền, rồi rước đến nơi hành lễ. Cúng xong, đem lễ vật bỏ vào thuyền rồng. Rồi đặt thuyền lên bè chuối thả xuống nước để cúng thần. Lễ cầu ngư thường tổ chức trên bờ và dưới nước. Rạp dựng trên bờ, mặt trước hướng ra biển. Ba mặt còn lại dùng buồm che kín. Lễ cầu ngư trên nước thường neo 4 thuyền lại với nhau. Xong phần lễ, ngư dân tổ chức hội chèo thuyền giữa các vạn chài.
Làng Cồn Mộc, một danh thắng trong Nghi Xuân bát cảnh, nay là thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Ảnh internet
Dấu tích bát cảnh qua những danh lam
Văn hóa tâm linh còn được thực hiện ở những ngôi chùa:
“Đêm thanh vắng tiếng chuông chùa vọng tới
Chùa Uyên Trừng một thế giới từ bi”.
Uyên Trừng danh tự cũng là một thắng cảnh trong bát cảnh. Là một ngôi chùa cổ nổi tiếng nhưng nay thành phế tích. Chùa Uyên Trừng (nay thuộc xã Xuân Hồng) còn có tên: chùa Giằng, Hoa Tạng, tọa lạc ở núi Uyên Trừng (còn gọi núi Lách, núi Thông), bên hữu ngạn khe Giằng cạnh quốc lộ 1 A. Ngày xưa vùng Uyên Trừng, làng Chế có thế gọi xứ sở Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ như chùa Tiên Am, chùa Báo Ân, chùa Uyên Trừng. Nhưng thật đáng tiếc các ngôi chùa trên đã thành phế tích. Đất chùa Uyên Trừng được người dân địa phương sử dụng làm nhà ở nơi cư trú. Ngày nay hầu hết các ngôi chùa cổ kể trên đã thành phế tích. Đất Lam Hồng, may còn di tích lịch sử – văn hóa như đền Chợ Củi, miếu Quận công Đặng Đình An, có nhiều cảnh đẹp.
“Giữa dòng sông cỏ mọc xanh rì. Làng Cồn Mộc chẳng khác gì bồng đảo”.
Từ chùa Uyên Trừng, xuôi dòng sông Lam, qua bến đò Lách nay là cầu Bến Thủy. Giữa sông Lam nổi lên một hòn đảo nhỏ, cỏ cây xanh tốt, rợp bóng chim về làm tổ trên những rặng cây cổ thụ. “Cồn Mộc bình sa”, một thắng cảnh đất lành chim đậu, đã từng là bãi chiến trường trong cuộc nội chiến “Trịnh – Nguyễn phân tranh” vào thế kỷ 17. Thời Lê, có lúc Cồn Mộc được chọn làm điểm thi sát hạch chọn sĩ tử đi thi Hương. Thời Tây Sơn từng đắp thành ngoại, gọi là thành rú đất. Nay Cồn Mộc tên gọi thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, đất đai màu mỡ, cây cỏ xinh tươi. Thôn Hồng Lam có di tích văn hóa nhà thờ họ Hồ. Với khí hậu trong lành, địa phương định hướng dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái.
Ngược dòng sông Lam, xưa có một cái chợ bên sông gọi là chợ Chế. Đó là thắng cảnh “Hoa Phẩm thắng triền”:
“Chợ Hoa Phẩm người người chơi dạo. Cảnh núi sông thiên bảo vật hoa”.
Chợ Chế xưa ở xã Quả Phẩm nay thuộc xã Xuân Lam. Ngày trước chợ ở núi Na, thời Hậu Lê táng Lý Nguyên phi ở núi này, đã chuyển chợ Hoa Phẩm ra gần cửa Khe cạnh bờ sông. Năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành từng đến chợ và sáng tác bài thơ “Vịnh làng Chế” có câu “Chợ họp bên sông gẫm có chiều. Thuyền bày trên đất xem nhiều thế”. Ngày nay, chợ Hoa Phẩm bị bãi bỏ. Gần chợ có chùa Liên Hoa cảnh đẹp nổi tiếng nhưng đã sụp đổ. May mắn, “Hoa Phẩm thắng triền” đã phục hồi đền Thánh mẫu ở núi Na và di tích đền thờ tiến sĩ Thái Danh Nho. Đáng tiếc, chợ Chế – Hoa phẩm thắng triền chỉ còn trong ký ức của những người yêu cảnh đẹp.
Cũng như Hoa Phẩm, bến Giang Đình một nơi thuyền, bè, xe ngựa dập dìu: “Bến Giang Đình đò Khách lại qua. Nơi đô hội thật là vui vẻ”.
Từ Cồn Mộc bình sa, xuôi dòng sông Lam khoảng 1 cây số là đến bến Giang Đình. Đây là bến đò ngang từ xã Uy Viễn (nay là khối Giang Thủy, thị trấn Tiên Điền) qua làng Yên Lưu (nay là Hưng Hòa thành phố Vinh). Trước đó, gọi là bến đò Tả Ao (Xuân Giang). Ngày xưa Xuân quận công Nguyễn Nghiễm về hưu cho dựng 4 nhà trạm (Giang Đình) trên bến để đón rước, chúc mừng. Bến từ tây sang đông có chiều dài độ 1 cây số. Phía đông có rừng bần cổ thụ chắn gió. Bến Giang Đình có bãi cát sạch, không có bùn lỏng. Dọc bờ sông có nhiều lối hẻm xuống bến. Những năm 1970 còn các bến chợ Đình, bến Đá, (Cháu Ngung) bến Lò Vôi, bến Giếng, bến Cột Đèn, bến ông Nhung Bốn, bến chợ Hôm. Trên bến có chợ Văn, về sau đổi thành chợ Giang Đình. Ngày xưa bến và chợ Giang Đình là nơi đô hội. Thuyền buôn người Khách (Trung Hoa), Nhật Bản, Ấn Độ, thuyền bè khắp xứ về buôn bán. Ngày nay, bến Giang Đình và chợ Giang Đình đã thay đổi. Bến và chợ Giang Đình được chuyển đến xóm làng Nghè, làng Văn Liêu. Bến và chợ Giang Đình cũ được đào ao nuôi tôm, cá và khu dân cư. Dấu tích bến, chợ sót lại cái lò vôi, cây đa cổ thụ và rừng bần xanh tốt. Nay chỉ còn bến chợ Hôm ở thôn Hồng Nhất xã Xuân Giang, là nơi neo đậu du thuyền Giang Đình cổ độ.
“Hai con cá vờn trên mặt bể. Đảo Song Ngư hình thế tựa trời sinh”. Đây là cảnh “Song Ngư hí thủy”. Đảo Ngư, nay thuộc địa giới huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. “Bên dòng sông một hòn đá xinh xinh. Đứng xa ngắm tựa hình con nghé lội”. Đó là cảnh “Cô độc lâm ngưu”- nghé lẻ lội rào. Núi Cô Độc, tức rú Bà, còn gọi núi Khu Độc ở xã Xuân Hồng, nằm trong dãy núi Ngũ Mã. Trên đỉnh có tảng đá lớn, có lỗ hổng xuống, gọi là đá cối. Ngày xưa quân Trịnh đóng đồn ở đây. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp và di tích văn hóa nổi tiếng: đền Chợ Củi, chùa Báu Ân đã nói trên. Ngày nay, núi Cô Độc đã thành xóm Cô Độc, nhân dân làm nhà ở vây quanh dưới chân núi cả 4 mặt.
Gần Cô Độc có đền Chợ Củi – Thánh Mẫu linh từ nơi thờ công chúa Liễu Hạnh và hệ thống Mẫu Tam phủ. Hàng năm du khách tứ phương về đây cầu xin những điều may mắn, tài lộc. Và chùa Báu Ân, phía đông núi Tháp đền Củi, một nơi có cảnh đẹp được bình chọn sánh ngang với Hương Tích, Long Đàm, Bạch Đế là 4 danh lam ở xứ Nghệ. Chùa Báu Ân nay đã được người dân mến đạo Phật phục hồi hoành tráng tuyệt đẹp. Ngày xuân dập dìu thiện nam tín nữ đến lễ chùa, cúng Phật.