Ký ức về người tiểu đội trưởng

Đăng lúc: 05-07-2018 9:04 Sáng - Đã xem: 145 lượt xem In bài viết

Mùa khô năm 1972 trên tuyến đường 20 Quyết thắng máy bay giặc Mỹ tập trung đánh phá vô cùng ác liệt. Từ km 10 qua các trọng điểm K30, ngầm Kà Roòng, ngầm A – Ki, Cửa khẩu Km68 liên tục ngày đêm không lúc nào ngừng tiếng máy bay gầm rú và tiếng bom rơi. Lực lượng đảm bảo giao thông trên toàn tuyến đường khi đó chủ yếu chỉ còn lại TNXP nhiệm kỳ III của tỉnh Thanh Hóa và công binh của Binh trạm 14, Đoàn 559.

Ảnh: Internet

Nhận nhiệm vụ của chỉ huy Binh trạm 14 tôi hối hả lên đường đi bộ băng qua hàng chục cây số đường rừng đến các trung đội để triển khai nhiệm vụ, tập trung lực lượng đảm bảo giao thông cho đợt chiến dịch vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Đón tôi từ cửa căn hầm (căn hầm nơi anh em TNXP ăn, ngủ và sinh hoạt hàng ngày) trung đội trưởng Khánh và tiểu đội trưởng Cần của Đại đội 10 (N25) đon đả:

– Chào thủ trưởng! Nay thủ trưởng về chắc có nhiệm vụ mới cho chúng em?

– Có nhiệm vụ mới và quan trọng cho trung đội các cậu đây!

Cần lại đon đả:

– Thủ trưởng về, chiều tối nay thủ trưởng phải ở lại ăn cơm với bọn em, chúng em nay có món ăn cải thiện thủ trưởng ạ! (thỉnh thoảng có dịp bộ phận hậu cần thường đem gạo, muối vào bản để đổi lấy thực phẩm về cải thiện bữa ăn cho đơn vị).

Nói rồi tôi cùng các đồng chí cán bộ trung đội, tiểu đội vào ngay công việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong suốt ngày đêm phục vụ cho các đoàn xe vận chuyển hàng hóa an toàn ra chiến trường.

Cần dõng dạc:

– Nhiệm vụ Thủ trưởng giao chúng tôi quyết tâm hoàn thành. Tôi thà quyết tử cho đường quyết thông.

Cuộc họp kết thúc, bữa cơm chiều tối giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ mang đậm tình đồng đội ấm áp đến lạ thường.

Bữa cơm vừa ăn xong, tiếng máy bay lại gầm rú, tiếng bom lại nổ vang chát chúa. Cả núi rừng rung chuyển, mặt đất rung chuyển. Sau tiếng bom, tiếng máy bay là khoảng thời gian yên lặng, sự yên lặng đến kỳ lạ, tôi và các đồng chí trong trung đội như nín thở, chờ đợi…

Bổng tiếng súng vang lên xé tan bầu không khí im lặng giữa núi rừng.

– Tắc đường! Tắc đường rồi các đồng chí ơi! (Tôi bật lên tiếng thét từ phản xạ ngẫu nhiên khi nghe tiếng súng báo hiệu tắc đường từ tổ trinh sát báo về). Các đồng chí khẩn trương tập trung lực lượng, dụng cụ lên đường ra hiện trường làm nhiệm vụ.

Chỉ sau ít phút cán bộ, chiến sỹ toàn trung đội đã tập trung đầy đủ lên đường. Ra đến hiện trường mọi người hối hả bắt tay ngay vào công việc san lấp hố bom. Cần vừa chỉ huy anh em vừa cầm choòng ra sức bẫy những tảng đá lớn nằm chắn trên mặt đường. Trong tiếng máy bay gầm rú giữa màn đêm dày đặc, tôi vẫn nghe tiếng Cần vọng lên:

– Các đồng chí ơi! Chúng ta quyết tâm đêm nay phải thông đường cho xe vượt cửa khẩu đấy!

Rồi từ trên sườn núi đất đá lại dồn dập lăn xuống mặt đường. Bỗng một tiếng kêu lớn:

– Cần ơi! Đá… á… á…!!

Không kịp rồi, một hòn đá lớn nặng hàng tấn đã lăn đúng chỗ Cần. Tôi vội lao đến, Cần đã nằm bất động dưới hòn đá. Tiểu đội trưởng Vũ Ngọc Cần đã hy sinh rồi. Tôi và đồng đội lặng đi. Tôi nghẹn ngào ôm anh trong vòng tay mà lòng đau nhói. Thế là Cần đã ra đi thật rồi, anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Anh ra đi để lại bao ước mơ, bao hoài bão và cả niềm khao khát ngày trở về thăm mẹ, thăm quê. Quê anh một vùng quê biển còn nghèo và lam lũ.

Sáng hôm sau đại đội tổ chức làm lễ truy điệu cho anh. Chính trị viên đại đội Nguyễn Hồng Phong đọc lời điếu. Cả đại đội nghẹn ngào, đau thương nước mắt nhạc nhòa đưa tiễn anh.

Anh đã ra đi trở về với đất mẹ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cả hoa lá, cây rừng vẫy chào vĩnh biệt anh, đồng đội vĩnh biệt anh Vũ Ngọc Cần người tiểu đội trưởng gương mẫu cần cù và dũng cảm./.

Trần Xuân Thắng

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình