Hội nghị thực trạng và để xuất xây dựng, tôn tạo các địa danh, di tích lịch sử thanh niên xung phong

Đăng lúc: 18-07-2018 2:50 Chiều - Đã xem: 145 lượt xem In bài viết

Nhân Ngày truyền thống Lực lượng TNXP 15/7, Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Hội Cựu TNXP Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thực trạng và để xuất xây dựng, tôn tạo các địa danh, di tích lịch sử TNXP Việt Nam vào chiều 14/7/2018 tại thành phố Tây Ninh.

Ðến dự hội nghị cùng với hơn 300 đại biểu cựu TNXP trên toàn quốc, có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh; UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu; UVTV Trung ương Đoàn, Việt Nam, Trưởng ban TNXP Trung ương Ðoàn Trần Minh Huyền cùng nhiều vị đại diện các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí. Về phía tỉnh Tây Ninh có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành.

Chủ tịch Hội Cựu TNXPVN Vũ Trọng Kim (ảnh trên) trình bày báo cáo đề dẫn cuộc hội thảo với chủ đề “Thực trạng và đề xuất xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP”:

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 7 năm 1950, Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, huện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trải qua gần 70 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, hơn nửa triệu TNXP của cả nước đã “Chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công vẻ vang”[i], đến nay đã có 43 tập thể và 40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; lực lượng TNXP Việt Nam được tặng Huân chương Thành đồng Tổ quốc (1967), Huân chương Độc Lập hạng Nhất (1976), Huân chương Hồ Chí Minh (1990), danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1997) và Huân chương Sao vàng (2010).

Qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP đã lập nhiều thành tích vẻ vang, tạo nên nhiều huyền tích gắn liền tên tuổi những anh hùng, liệt sĩ và những địa danh, di tích lịch sử.

Những địa danh tên đường, tên núi, tên sông như Núi Hồng, Nà Cù, Cò Nòi, Pha Đin, Chăn Nưa, đường Hạnh Phúc, Đường 12B Hòa Bình, đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan, Khu kinh tế Thanh Sơn, ga Lưu Xá, ga Núi Gôi, Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Đường 20 Quyết thắng, Đường 10 Đông Trường sơn, Nước Oa, Đa Kai, Xà Môn, Đường 1C, Đồi 82 Tân Biên, Long Phước…đã trở thành những địa danh, di tích lịch sử in đậm chiến công của TNXP.

Những tập thể TNXP hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ như 60 TNXP hy sinh tại ga Lưu xá (Thái Nguyên), 14 TNXP Thái Bình hy sinh tại ga núi Gôi (Nam Định), 13 TNXP hy sinh tại Truông Bồn (Nghệ An), 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã 3 Đồng Lộc (Hà Tĩnh), 8 TNXP hy sinh tại “hang Tám cô” (Quảng Bình), 24 TNXP TP Hồ Chí Minh hy sinh tại xã Long Phước, Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh trong chiến tranh biên giới Tây Nam … đã trở thành những tượng đài, văn bia, khu tưởng niệm nổi tiếng.

Đặc biệt phải kể đến những khu di tích đã được xây dựng lớn, thường xuyên tôn tạo, khai thác hiệu quả như Nà Cù, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang “Tám cô” … được nhiều cấp lãnh đạo viếng thăm, nhiều cơ quan truyền thông chọn làm nơi tổ chức sự kiện, góp phần tích cực giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện còn nhiều địa danh lịch sử của TNXP chưa được cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng, chưa được đầu tư xây dựng, tôn tạo hoặc xuống cấp, chưa phát huy được tác dụng, chưa xứng tầm với sự đóng góp hy sinh của TNXP, do đó tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của các cựu TNXP.

Các đại biểu mặc niệm vong linh liệt sỹ

Hiện cả nước có 56 địa danh, di tích lịch sử TNXP. Trong đó: Thời kỳ chống Pháp có 08 điểm; xây dựng miền Bắc XHCN 04 điểm; chống Mỹ cứu nước có 42 điểm; bảo vệ biên giới Tây Nam 01 điểm; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 01 điểm.

Hiện đã có 35/56 di tích đã được xây dựng, tôn tạo. Trong đó: 04 di tích do TƯ Đoàn xây dựng là Núi Hồng, Xuân Sơn, Đồi 82, Nước Oa; 03 di tích do TƯ Đoàn phối hợp địa phương đầu tư xây dựng Nà Cù, Đồng Lộc, Truông Bồn; 04 nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) do ngành GTVT xây dựng tại Thọ Lộc, Tân Ấp, Vạn Ninh, Minh Hóa; 23 di tích do các địa phương xây dựng là Ngã Ba Cò Nòi, NTLS Chăn Nưa, đường Hạnh Phúc, NTLS Thanh Sơn, ga Lưu Xá, ga Núi Gôi, Hàm Rồng, miếu thờ TNXP Phú Lộc (Hà Tĩnh), Hang 8 cô, Đa kai, suối Xà Môn, Long Phước, Đường 1C, Dầu Tiếng, Công viên Đoàn Thị Liên, Hồng Dân, Vĩnh lợi, Đức Hòa, Giồng Trôm, Đak Pơ, Tam Kỳ, Tây Giang.

Hiện còn 21 di tích chưa xây dựng là: Bia di tích TNXP làm đường Lai Châu-Ma Lù Thàng; Đường chiến lược 12B Hòa Bình; đèo Lũng Lô, bến phà Âu Lâu (Yên Bái); hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc); đại thủy nông Thạch Hãn (Quảng Trị); đại thủy nông Nậm Rốm, Điện Biên; Bia tưởng niệm 23 TNXP N 215 hy sinh tại Cầu Việt Trì, Phú Thọ; Di tích lịch sử TNXP Cầu Cấm, Nghệ An; Tượng đài TNXP đường 9, Quảng Trị; nơi đóng quân của TNXP tại Hải Lăng, Quảng Trị; nơi xuất quân của TNXP tại Vĩnh Linh, Quảng Trị; Bia tưởng niệm 21 liệt sĩ TNXP hy sinh tại Chóp Bàng, Phong Điền, Thừa Thiên Huế; Bia di tích TNXP trạm Rẫy Mít, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế; Bia di tích TNXP tại Núi Truồi, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế; Bia di tích TNXP tại Km0 đường B71, A Lưới, Huế; Bia di tích TNXP tại Trạm Km 0 đường 74, xã Bà Lạch, A Lưới, Thừa Thiên Huế; Bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP tỉnh Bình Định; Bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP Tân Uyên, Bình Dương; Bia di tích nơi xuất quân C29 TNXP Long An; Đảo thanh niên Bạch Long Vĩ, Hải Phòng

Có 05 di tích đề nghị tôn tạo (phụ lục 03): Khu di tích lịch sử TNXP đồi Gò Thờ, Đại Từ, Thái Nguyên; Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP đồi 82 Tây Ninh; Tượng đài TNXP đường 1C, Kiên Giang; Khu di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi, Sơn La; Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật TNXP đường 20 Quyết thắng, Quảng Bình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Minh Tân

Về loại hình kiến trúc các di tích:

Có 08 Khu di tích (Núi Hồng, Nà Cù, Cò Nòi, Truông Bồn, Đồng Lộc, Nước Oa, Đồi 82, Long Phước). Trong đó di tích Núi Hồng do TW Đoàn xây dựng năm 2005 cần được nâng cấp; di tích Ngã ba Cò Nòi tỉnh Sơn La đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp.

Có 09 tượng đài được xây dựng từ năm 2000 trở lại đây (tại Núi Hồng, Nà Cù, Cò Nòi, Đường Hạnh Phúc, Hàm Rồng, Truông Bồn, Đồng Lộc, Xuân Sơn, Đồi 82). Các tượng đài trên nói chung còn tốt, phần nhiều được đặt trong các khu di tích, phát huy được tác dụng.

Có 06 nghĩa trang liệt sĩ: Chăn Nưa, Yên Minh, Thọ Lộc, Tân Ấp, Vạn Ninh, Thanh Sơn đã được xây dựng nhưng nhiều nghĩa trang chưa dựng văn bia ghi tóm tắt nội dung sự kiện hy sinh của TNXP.

Có 28 nhà bia, trong đó có 07 di tích đã xây dựng bia hoặc nhà bia (Ga Lưu Xá, ga Núi Gôi, Hang Tám cô, Đa Kai, Đường 1C, Tam Kỳ, Tây Giang). Hiện còn 21 điểm chưa được dựng bia.

Kết quả xếp hạng các di tích đã xây dựng:

06 di tích cấp quốc gia: Nà Cù, Cò Nòi, Lưu Xá, Truông Bồn, Đồng Lộc (đặc biệt), Hang tám cô (đặc biệt);

02 di tích nằm trong Khu di tích lịch sử quốc gia: Nước Oa, Đồi 82;

15 di tích cấp tỉnh gồm: Đồi Gò Thờ; NTLS Chăn Nưa; Tượng đài đường Hạnh Phúc; NTLS Thanh Sơn, Hàm Rồng, NTLS Thọ Lộc, NTLS Tân Ấp, NTLS Vạn Ninh, Đa Kai, Xà Môn, Long Phước, công viên Đoàn Thị Liên; Bia tưởng niệm TNXP Đức Hòa (Long An); Tượng đài TNXP Đăk Pơ;

11 di tích chưa được xếp hạng gồm: Ga Núi Gôi; Miếu thờ 23 liệt sĩ TNXP Phú Lộc, Can Lộc; Tượng đài TNXP Xuân Sơn; Nhà bia TNXP C892 Thái Bình; Đền thờ TNXP Thanh An, Dầu Tiếng; Nơi xuất quân TNXP Hồng Dân; Nơi xuất quân TNXP Vĩnh Lợi; Bia tưởng niệm TNXP đường 1C; Nhà thờ anh hùng Lê Trung Kiên; Bia di tích TNXP Tam Kỳ, Tây Giang.

Chủ tịch Vũ Trọng Kim tặng bộ sách “Thanh niên xung phong Việt Nam anh hùng” cho đồng chí Nguyễn Minh Triết
và lãnh đạo tỉnh Tây NInh

Nhìn chung các di tích trên đã phát huy tốt tác dụng, là điểm đến của các đoàn tham quan, nơi giáo dục truyền thống của thanh thiếu nhi cả nước. Có được kết quả trên là do có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh đoàn thanh niên và Hội cựu TNXP tỉnh, thành phố trong việc tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các Bộ, ngành liên quan, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm …trong quá trình xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP. Tiêu biểu là các di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang 8 cô, Lưu Xá, Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP TP Hồ Chí Minh ở Tây Ninh…

Tuy nhiên, không ít di tích tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa xứng tầm với sự hy sinh, mất mát của TNXP. Một số di tích được xây dựng đã lâu, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, nay đã xuống cấp nhưng chưa được tu bổ kịp thời. Một số di tích được phát hiện nhưng chưa được đầu tư do vướng mắc thủ tục hành chính. Đa số các di tích chưa huy động được nguồn lực từ xã hội hóa, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước nên gặp nhiều khó khăn.

Một số di tích mới được phát hiện nhưng chưa tiến hành cắm mốc, dựng bia và lập hồ sơ đề nghị công nhận, nhất là đối với các công trình quy mô nhỏ, huy động nguồn vốn từ xã hội hóa và do Ban liên lạc đơn vị truyền thống tổ chức xây dựng.

Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác di tích còn nhiều bất cập. Nhiều di tích chưa có Ban quản lý hoặc người trông coi có trách nhiệm, dẫn đến tình trạng xuống cấp di tích.

Phó Chỉ huy Lực lượng TNXP Tp Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bình

Từ thực trạng trên, xin đề xuất một số nội dung, giải pháp sau:

1/ Đề nghị Trung ương Đoàn cùng Hội Cựu TNXP Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các Tỉnh, Thành đoàn và Hội Cựu TNXP cấp tỉnh, phối hợp với ngành Văn hóa thông tin lập hồ sơ đề nghị công nhận và xếp hạng cho các di tích đã xây dựng. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành công việc này.

2/ Đề nghị Trung ương Đoàn xem xét đầu tư xây dựng, tôn tạo một số di tích trọng điểm (giai đoạn 2019-2025) cụ thể sau:

– Tu bổ, tôn tạo Khu di tích TNXP tại Núi Hồng, Thái Nguyên;

– Tu bổ, tôn tạo Tượng đài TNXP đường 1C, Kiên Giang;

– Tôn tạo nhà trưng bày khu tượng đài TNXP Xuân Sơn, Quảng Bình thành nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật TNXP tham gia xây dựng Đường 20 Quyết thắng;

– Dựng Bia ghi danh 2.610 liệt sĩ TNXP giải phóng miền Nam tại Khu tưởng niệm TNXP Đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh

– Dựng Bia ghi danh 300 liệt sĩ TNXP chống Pháp tại ngã Ba Cò Nòi

– Dựng Bia di tích TNXP Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Trần Văn Mãnh

Ngoài ra Trung ương Đoàn chỉ đạo Tỉnh đoàn Hòa Bình dựng Bia di tích TNXP làm đường 12B Hòa Bình (đang thực hiện); Chỉ đạoTỉnh đoàn Lai Châu dựng bia di tích TNXP làm đường chiến lược Lai Châu – Ma Lù Thàng tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa (Lai Châu).

3/ Đề nghị UBND các tỉnh: Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các di tích lịch sử TNXP đã được phê duyệt như:

+ Tỉnh Bắc Cạn hoàn thiện di tích lịch sử Nà Tu, huyện Bạch Thông

+ Tỉnh Thái Nguyên trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Núi Hồng, Đại Từ và Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP tại ga Lưu Xá

+ Tỉnh Sơn La trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi…

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình

 Đề nghị các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Bình Dương, Long An…đầu tư xây dựng các di tích lịch sử TNXP của địa phương mình.

4/ Đề nghị các Tỉnh, Thành đoàn phối hợp với các Tỉnh hội có di tích phát động, vận động các đoàn viên thanh niên, hội viên cựu TNXP, các tổ chức cá nhân khác đóng góp tiền của, công sức xây dựng các bia di tích; lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận và xếp hạng di tích; đồng thời thường xuyên tổ chức chăm sóc, tu bổ, bảo quản các di tích lịch sử TNXP.

5/ Hội Cựu TNXP phối hợp với Trung ương Đoàn tiến hành khảo sát một số di tích trọng điểm và tổ chức một số cuộc hội thảo, xây dựng hoàn thiện Đề án xây dựng, tôn tạo một số di tích trọng điểm, trình Chính phủ phê duyệt đầu tư (giai đoạn 2019 – 2025). Cụ thể:

+ Hội thảo nội bộ Hội Cựu TNXP về “Đánh giá thực trạng và đề xuất xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP” (tại tỉnh Tây Ninh dịp 15/7/2018);

+ Khảo sát và trao đổi với tỉnh Lai Châu về dựng bia di tích TNXP với con đường chiến lược Lai Châu – Ma Lù Thàng thời kỳ 1954-1955;

+ Khảo sát và trao đổi với tỉnh Cà Mau, Kiên Giang về nâng cấp tu bổ di tích lịch sử Đường 1C;

+ Khảo sát và trao đổi với tỉnh Quảng Bình về tu bổ, tôn tạo nhà trưng bày di tích TNXP đường 20 Quyết thắng;

+ Hội thảo cấp Trung ương (cuối năm 2018) về “Nội dung và giải pháp xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP” (mời các bộ, ngành, UBND tỉnh, một số Ban quản lý di tích TNXP tham gia hội thảo). Sau hội thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chủ trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan có kế hoạch công nhận, đầu tư xây dựng, tu bổ, quản lý, khai thác các di tích TNXP.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Nam

6/ Hội Cựu TNXP Việt Nam chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn biên tập và in ấn kỷ yếu hội thảo, sách ảnh về “Những di tích lịch sử TNXP” làm tư liệu lịch sử cho các địa phương tham khảo trong việc quy hoạch, xây dựng, tôn tạo tuyên truyền và khai thác sử dụng các di tích lịch sử TNXP.

7/ Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Hội Cựu TNXP Việt Nam lập bản đồ “địa chỉ đỏ” cập nhật dữ liệu về các di tích lịch sử TNXP trên trang thông tin điện tử của Đoàn.

Sau lời phát biểu chào mừng của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, hội nghị đã nghe các tham luận của Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Tổng đội trưởng TNXPGP miền Nam Trần Văn Mãnh; Cao Ngọc Tành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Tp Hồ Chí Minh. Các ý kiến chủ yếu là nêu bật ý nghĩa, giá trị di tích tại địa phương, ngành và thống nhất với các kiến nghị của Trung ương hội Cựu TNXP về khai thác, xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích.

Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Việt Nam Trần Minh Huyền (ảnh trên) đề xuất:

  1. Nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp

-Thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Hội cựu TNXP Việt Nam giai đoạn 2017 – 2019, trong đó có nội dung tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể về hiện trạng khu di tích TNXP hiện nay.

-Phối hợp với các cấp có thẩm quyền quan tâm thực hiện công tác xếp hạng; xây dựng, tôn tạo và phát huy các di tích TNXP trên cả nước với quy mô hợp lý, phát huy giá trị di tích hiệu quả nhất.

-Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử TNXP.

  1. Nhóm giải pháp huy động nguồn lực xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử TNXP

– Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; vận động nguồn lực xã hội hóa để xây biểu tượng TNXP làm đường chiến lược 12B tại Dốc Cun, tỉnh Hòa Bình.

-Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tôn tạo các di tích TNXP. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tìm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

    3.Phát huy giá trị truyền thống lịch sử TNXP

– Trung ương Đoàn xây dựng Bản đồ số hóa các di tích lịch sử TNXP; số hóa dữ liệu TNXP trên trang thông tin điện tử thanhnienxungphong.vn; để các di tích TNXP là các địa chỉ đỏ trong sinh hoạt truyền thống của đoàn viên, thanh niên.

– Thường xuyên tổ chức các chương trình về nguồn, đến với địa danh lịch sử TNXP, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, lồng ghép các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổ chức kết nạp đoàn viên hoặc lễ trưởng thành đoàn tại các địa chỉ đỏ TNXP.

Dù đã ở tuổi 92, nhưng với giọng sang sảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh trên) đánh giá cao việc chọn Tây Ninh để kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống TNXP là điều rất ý nghĩa. Ông nhắc lại Quân đoàn 3 do ông làm Tư lệnh từ Tây Nguyên được điều động đến vùng biên giới Tây Ninh, để bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Sau đó, Quân đoàn đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot. Quân đoàn 3 đã có 7.503 liệt sĩ nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ Ðồi 82 Tân Biên. Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, biên giới, TNXP đã sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, nếu không có TNXP, bộ đội rất khó mà chiến đấu, chiến thắng quân thù. Ông hoan nghênh Trung ương Hội, Trung ương Đoàn đã tổ chức đánh giá hiện trạng và đề xuất duy trì tôn tạo các di tích TNXP, làm tư liệu lịch sử cho cho các thế hệ sau.

Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung (ảnh dưới) cho biết, Bộ đã có nỗ lực cao nhất để giải quyết gần 6.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó đã công bố gần 2.000 hồ sơ, đặc biệt có trường hợp nằm trong nghĩa trang đã 86 năm, các cơ quan chức năng phải mất 4 tháng đi 3 quân khu, 7 tỉnh để xác minh làm thủ tục công nhận liệt sỹ. Trong đó, riêng với lực lượng TNXP các thời kỳ, hiện còn hàng chục ngàn trường hợp chưa được công nhận, hàng ngàn trường hợp hy sinh, bị thương tật chưa được hưởng chính sách và hàng chục địa danh, di tích lịch sử cũng chưa được công nhận, xếp hạng để xây dựng, trùng tu, tôn tạo…

Theo Bộ trưởng, tình trạng tồn đọng này hầu hết là do vướng mắc về thủ tục xác nhận đối tượng. Chẳng hạn đối với những trường hợp hy sinh đã bảy, tám chục năm làm sao có được nhân chứng, chứng cứ.

Vì thế, Bộ đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện các biện pháp mạnh dạn tháo gỡ vướng mắc, và đã giải quyết được hàng trăm trường hợp không thể bảo đảm đầy đủ các thủ tục quy định. Trong dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ sẽ công bố danh sách 442 liệt sỹ mới được công nhận, Chính phủ sẽ trao 442 Bằng Tổ quốc ghi công.

Riêng đối với cựu TNXP, Bộ trưởng đề nghị các cấp Hội chuyển toàn bộ hồ sơ tồn đọng cho ngành LÐ-TB&XH, Bộ sẽ lập tổ công tác chuyên môn đến các địa phương, phối hợp với Hội Cựu TNXP để xem xét giải quyết từng trường hợp, phấn đấu đến 2020 sẽ giải quyết xong cơ bản.

Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung cho biết thêm, dịp 27.7 năm nay, toàn quốc sẽ có nhiều hoạt động nghĩa tình, trong đó, hội nghị toàn quốc tại Tây Ninh là điểm khởi đầu của chuỗi hoạt động này. Tối 26/7 sẽ khai trương website nghĩa trang bia mộ liệt sỹ, ở bất cứ đâu đều có thể truy cập.

Còn về vấn đề địa danh, di tích TNXP chưa được xác định, xếp hạng để xây dựng, tôn tạo, Bộ trưởng Ðào Ngọc Dung nói: Cả nước có tới hơn 6.000, chính xác là 6.077 di tích nghĩa trang liệt sỹ, các đài ghi danh, không lý gì chỉ có hơn 50 địa danh, di tích TNXP lại không làm được!

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ảnh trên) hoan nghênh Trung ương hội Cựu TNXP đã chọn đúng thời điểm để tổ chức đợt hoạt động nhiều ý nghĩa truyền thống này.  Về ý nghĩa phát huy giá trị di tích, địa danh TNXP, đông chí Nguyễn Minh Triết hoàn toàn nhất trí với đề án đồng chí Vũ Trọng Kim đưa ra. Các di tích phải ở quy mô vừa phải. Bên cạnh đó phải chăm lo đời sống các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Ông góp ý thêm: Các địa phương có di tích, địa danh lịch sử không chỉ xây dựng, bảo tồn mà quan trọng hơn là phải sưu tầm, ghi chép, biên soạn thành tài liệu để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhất là thanh niên, thiếu nhi ở địa phương. Có như thế mới thực sự phát huy được giá trị của di tích, địa danh lịch sử, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng.

Hội nghị đã kết thúc trong không khí vui vẻ, các đại biểu phấn khởi chuẩn bị các hoạt động tiếp theo./.

ĐST

 


[i] Bức trướng của BCHTW Đảng tặng TNXP ngày 15/7/1995