Tổng đội TNXP 204 trong kháng chiến chống Pháp

Đăng lúc: 18-07-2018 10:22 Chiều - Đã xem: 190 lượt xem In bài viết

Sau Chiến Thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ở khu vực miền Trung- Tây nguyên có một chiến thắng cực kỳ quan trọng, từng được đánh giá là Điện Biên Phủ của Liên khu 5. Đó là chiến thắng Đăk-Pơ (tỉnh Gia Lai), được ví như trận đánh bồi tiếp sau chiến thắng Điện biên phủ, góp phần đưa đến việc ký kết hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương. Để làm nên chiến thắng này có sự đóng góp công sức và xương máu của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).

Ngày 20/4/1953 , Tổng đội TNXP 204 Liên khu 5 được thành lập tại Đắk Tô, Tân Cảnh (tỉnh KonTum) với gần 4.000 đội viên Nam-Ngãi-Bình-Phú[i] do dồng chí Nguyễn Chất (người Quảng Nam)làm Tổng đội trưởng, phục vụ chiến trường Tây Nguyên. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của Lực lượng TNXP Phú Yên nói riêng và các tỉnh đồng bằng khu 5 nói chung trong kháng chiến chống Pháp. Nhiệm vụ của TNXP thời kỳ này là tải đạn, vận chuyển lương thực, thương binh, phục vụ bộ đội chủ lực, chiến đấu đánh bại chiến dịch At-Lăng[ii] của thực dân Pháp.

Đặt biệt, Tổng đội TNXP 204 của Nam, Ngãi, Bình, Phú đã phục vụ cho trận Đăk Pơ – hay còn gọi là trận đánh Cây số 15, trận đánh đèo Mang Yang – là trận đánh diễn ra tại khu vực cầu Đăk Pơ, Mang Yang, An Khê, Gia Lai ngày 24/6/1954 giữa Binh đoàn cơ động GM 100 của quân đội Pháp và Trung đoàn 96 Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và cũng là chiến thắng lớn nhất của Trung đoàn 96 trên chiến trường Liên khu 5.

Trong trận đánh này, ta giành thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt trên 500 lính Âu-Phi, làm bị thương 600 tên, bắt làm tù binh 800 tên, trong đó có Đại tá Barroux và toàn bộ Ban tham mưu binh đoàn; về chiến lợi phẩm thu 375 xe các loại, 20 đại bác và hàng ngàn súng các loại.

Về phia quân đội nhân dân Việt Nam Trung đoàn bộ binh 96 có 87 người hi sinh và 200 người bị thương. Lực lượng TNXP có 60 người hy sinh, trong đó: Quảng Nam – Đà Nẵng 14; Quảng Ngãi 26; Bình Định 4; Phú Yên 6 và Gia Lai 10. 60 TNXP của Tổng đội 204 Liên khu 5 phục vụ chiến trường Tây nguyên, là những tấm gương vượt khó, không ngại gian khổ, hy sinh ngày đêm cùng bộ đội Trung đoàn 96 lập nên một chiến thắng cực kỳ quan trọng ở khu vực Miền Trung Tây nguyên, đã chiến đấu hy sinh dũng cảm từng bước làm phá sản âm mưu của địch.

Hiện nay, 60 liệt sỹ của Tổng đội TNXP 204 – Liên khu 5, đang được ghi danh trên bảng vàng Liệt sỹ – Nhà tưởng niệm Đài chiến thắng ĐăkPơ- tỉnh Gia Lai. Hầu hết số liệt sỹ TNXP này chưa được nhà nước vinh danh liệt sỹ chưa có người thân của các liệt sỹ chăm sóc, thờ cúng nơi quê nhà./.

Cao Văn Thử


[i] Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

[ii] Chiến dịch Át-Lăng được chia làm 3 bước:

 Bước 1: Có tên là “A-Rê-Tuy” tiến hành vào cuối tháng 1/1954, sử dụng 22 tiểu đoàn bộ binh từ Đắk Lắk đánh xuống, từ Khánh Hòa đánh ra và từ biển đổ bộ vào đánh chiếm TX Tuy Hòa, rồi tràn ra chiếm toàn tỉnh Phú Yên.

Bước 2: Có tên “A-Xen” tiến hành vào đầu tháng 3/1954, sẽ tăng thêm lực lượng để phát triển đánh chiếm TX Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định bằng 3 cánh quân: từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê đánh xuống và từ biển đánh vào.

Bước 3: Bước quyết định, có tên là “At-Ti-La” bắt đầu vào tháng 5/1954. Sử dụng 45 tiểu đoàn bộ binh, 8 đơn vị pháo binh, bao vây từ 4 phía để đánh chiếm TX Quảng Ngãi và toàn tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5.