Một chuyến hành trình đầy ấn tượng

Đăng lúc: 31-07-2018 1:54 Chiều - Đã xem: 134 lượt xem In bài viết

Kỷ niệm 68 năm thành lập lực lượng TNXP (15/7) Trung ương Hội tổ chức “Hội quân tại Tây Ninh”. Nhân thực hiện chương trình này, Ban Thường vụ Tỉnh hội Thanh Hóa tổ chức đoàn đại biểu vào dự kết hợp thăm, dâng hương một số địa danh lịch sử cách mạng. Cuộc hành quân lần này khác với cách đây hơn 50 năm đi bộ vào Trường Sơn hoặc trèo đèo lội suối nơi sơn cước miền Tây Thanh Hóa giáp Lào, đi bằng đường không, ô tô cao cấp và tàu thủy cánh ngầm. Chỉ sau nửa ngày đường chúng tôi đã có mặt tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

*Nhà tù- Phú Quốc điểm mốc của chuyến hành trình.

Mọi thành viên trong đoàn ai cũng háo hức đến Phú Quốc, hòn đảo ngọc qua bao thăng trầm lịch sử. Đảo như một tiền tiêu có đảo lớn và nhiều đảo nhỏ cả thẩy có 99 ngọn núi, diện tích 600 km 2, cách thị xã Rạch Giá gần 160km. Đảo có chiều dài khoảng 50km, nơi rộng nhất 25km nơi hẹp 3km. Có núi, có sông, có sản vật, cá, tôm đặc biệt là nước mắm Phú Quốc. Nơi đây có nhà tù Phú Quốc, nhà tù Phú Quốc là một trong 8 nhà tù lớn nhất miền Nam thời kỳ trước 30/4/1975. Nhà tù Phú Quốc còn được mệnh danh là địa ngục trần gian. Trong 8 năm (1967-1975) kẻ thù đã giết hại hàng trăm chiến sỹ ta, chúng tra tấn tù nhân cho đến chết hoặc sống cũng mang nhiều thương tật. Khi nghe kể lại của các nhân chứng, của hướng dẫn viên và tận mắt thấy các công cụ cực hình tra tấn giã man như biệt giam, chuồng cọp, kẽm gai, lộn vỉ sắt, đánh vồ vào đầu gối, vào ngực, đánh bằng gậy 3 cạnh, roi cá đuối, đánh thùng phi, đục răng, lột móng tay, móng chân, đóng đinh 8 phân vào đầu gối vào đầu, đục lấy xương bánh chè, bỏ người vào chảo nước sôi, nướng người trên lửa, rà điện cho mù mắt, đốt miệng, đốt bộ hạ, chôn sống và xả súng vào trại.vv…

Nhân chứng là những người chiến sỹ vượt ngục còn sống hoặc được trao trả năm 1973 sau hiệp định Pari. Tên cai ngục ở ngay trên đảo như Thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu nổi tiếng ác ôn hiện còn sống ở Phú Quốc tự nhận một phần nhỏ tội lỗi về việc tra tấn, bẻ răng đục răng nhiều người “theo lệnh cấp trên”. Tên Nhu còn nói “một ngày không đục được từ 10 cái răng trở lên thì ăn không ngon ngủ không yên”.

Có thể nói gần 3.000 ngày nhà tù Phú quốc là ngần ấy ngày đẫm máu, tang tóc…Tội ác của kẻ thù ở Phú Quốc ai nghe thấy cũng rợn người. Nhà tù bị kìm kẹp, tra tấn, khổ sai đến như vậy nhưng chi bộ Đảng Nhà tù vẫn hoạt động, vẫn lãnh đạo, vẫn sinh hoạt một cách hết sức chặt chẽ để đấu tranh với địch, học tập văn hóa, chính trị, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không để cho địch chia rẽ, mua chuộc, xây dựng kế hoạch vượt ngục để tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Đến thăm di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, ai cũng căm thù, cũng xúc động và khâm phục tinh thần cách mạng của chiến sỹ ta.

Đoàn đến thăm một số địa danh ở Phú Quốc. Phú Quốc hôm nay đẹp, giàu có. Mấy anh em chúng tôi được gia đình anh Lê Văn Thọ – người Quảng Xương – tiếp đón. Ông cụ sinh ra anh Thọ, Lê Văn Lầu là một cán bộ hưu trí ngành xây dựng vào Phú Quốc khai hoang “lập ấp”, được gần 15 ha. Hiện gia đình đang làm vài ba chục nhà trọ cao cấp cho thuê, có cả hàng phở ở khu trung tâm để kinh doanh ăn uống, bán bách hóa, spa …Theo anh Thọ cho biết: Người Thanh chúng ta trong này làm ăn tốt, nhiều người giàu có, đoàn kết lắm, hàng năm sinh hoạt Hội đều đặn, chúng tôi ai cũng mừng cho đồng hương “Hoa Thanh Quế” ở Phú Quốc.

Rời Phú Quốc tôi cứ nghĩ là mình còn may được đi lần này, nay mai Phú Quốc trở thành đặc khu, chắc đẹp hơn, giàu có hơn, nhưng mình già rồi làm chi đủ tiền, đủ sức khỏe ra thăm lần nữa…Nhưng giàu đẹp là mục tiêu Việt Nam vươn tới, nếu Phú Quốc được như thế là mình mừng vui hơn.

*Một địa danh không thể bỏ qua:

Đúng vậy- nếu ai còn đủ sức khỏe mà chưa đến được Cà Mau thì cố gắng đến, bằng không tìm sách báo, tranh ảnh, tài liệu để biết một vùng đất trên tuyệt đẹp, nơi đánh thức mọi sở thích của du lịch nơi phương nam xa vời của Tổ quốc. Cách đây hơn 50 năm hồi học lớp 8 tôi đọc thơ Xuân Diệu mà ước mong mãi, hôm nay mới thấy được Cà Mau “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” đẹp thật, đẹp đến mê hồn, hiên ngang trước sóng, gió biển Đông. Đước và tràm thành rừng, thành hàng. Dưới gốc cây đước, cây tràm tôm, cá lao xao. Đất mũi Cà Mau là “khu dự trữ sinh quyển thế giới”, “vườn quốc gia Việt Nam”, “công viên văn hóa du lịch”, ngay giữa thành phố Cà Mau có cả vườn chim. Biển Cà Mau có hòn Khoai, hòn Đá Bạc. Đứng ở điểm chót của mũi Cà Mau, km cuối của đường mòn Hồ Chí Minh trên đất mũi, nhìn ra biển Đông mà bờ bên kia là In-đô-nê-si-a, Ma-lai si-a, Phi-lip-pin, Singapo, Thái Lan. Nước biển lúc nào cũng ngầu phù sa của sông Tiền, sông Hậu bồi nên đất Mũi có thể nói đẹp không kể hết, thích không nói hết, mê không tả nổi và tự hào. Thật là một địa danh lịch sử văn hóa tuyệt vời trong mỗi lần nghĩ về mũi Cà Mau, “mũi con tàu” Việt Nam. Đoàn ngược về Cần Thơ “gạo trắng nước trong” để lên chiến khu kháng chiến

* Căn cứ Trung ương cục Miền Nam

Từ thành phố Tây Ninh đi về huyện Tân Biên khoảng 60km, chúng tôi đến khu căn cứ Trung ương cục miền Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 ta và Pháp ký hiệp định Giơ ne vơ tạm thời chia đất nước làm 2 miền, để chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Nhưng hiệp định chưa ráo mực Mỹ nhảy vào thay Pháp lập nên Chính phủ bù nhìn chia cắt đất nước ta làm 2 miền Nam – Bắc. Sau đó Bác Hồ và Đảng ta đã thành lập Trung ương Cục miền Nam[i], đóng trên địa phận Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách biên giới đi đường bộ Cămpuchia hơn 1km, cách Sài Gòn hơn 170km.

Khu căn cứ Trung ương cục gồm các cơ quan đầu não của các lực lượng kháng chiến, cơ quan chỉ huy giải phóng miền Nam Việt Nam.Căn cứ Trung ương cục miền Nam được phục chế làm địa danh giáo dục truyền thống, lưu giữ những hiện vật, hình ảnh tư liệu nhằm phục vụ du lịch. Tận mắt xem, nghe, giới thiệu chúng tôi càng khâm phục sự tài tình của Đảng, của Bác Hồ.

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đồi 82

Cách thành phố Tây Ninh 70km, nơi đây an nghỉ của 14.000 chiến sỹ quân giải phóng, cũng là nơi tập kết của 850 hài cốt liệt sỹ TNXP được tìm bốc ở các nơi thuộc các tỉnh Tây Nam Bộ-Tây Nguyên và Căm pu chia đưa về.

Nghĩa trang rộng 26ha, khác với nơi khác ở chỗ cứ 10-15 mộ lại có 1 bồn hoa ở giữa như khi sống các chiến sỹ đoàn kết chung sống sinh hoạt trong một tiểu đội, trung đội.

Ở đây tiểu đoàn TNXP được giao nhiệm vụ phối hợp với quân giải phóng miền Nam đã chiến đấu với 1 trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ và 2 trung đoàn VNCH trong chiến dịch bao vây khu trung ương cục. Quân địch ném bom, pháo kích, càn quyét, đánh giáp lá cà suốt trong 2 ngày đêm. Cuối cùng chúng phải rút lui. Bộ đội và TNXP hy sinh nhiều để bảo vệ vòng ngoài khu Trung ương cục miền Nam.

Những nén hương thơm, những ngọn nến trong đêm của hơn 1 vạn TNXP, bộ đội, thanh niên địa phương cùng với hơn 300 đại biểu của TNXP cả nước tri ân những người ngã xuống cho độc lập tự do thống nhất đất.

Một giờ đêm hôm đó trở về nhà nghỉ của Ban An ninh Trung ương cục, tôi không sao ngủ được phần vì quá giấc, phần vì ngủ tăng võng để nhớ lại kỷ niệm xưa và muỗi rừng vo ve, phần vì khâm phục sự chiến đấu hy sinh của bao chiến sỹ cùng thời đánh Mỹ nay không còn nữa, vĩnh viễn hòa mình trong lòng đất mẹ, phần vì băn khoăn thao thức vì thấy cảnh nhiều thanh niên, nhiều người họ được hưởng tự do sung sướng như hôm nay mà họ lại vô cảm hoặc cố lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc. Một số người tham ô vụ lợi làm giàu trên máu mồ hôi nước mắt của nhân dân. Mai đây rồi sẽ ra sao? Nhưng tôi vẫn một mực tin rằng số người quên sự hy sinh mất mát, quên người có công hoặc bị bọn xấu lợi dụng chỉ là nhỏ bé, đến lúc nào đó họ sẽ hiểu và trân trọng quá khứ hào hùng. Tôi tuyệt đối tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta tiếp tục hùng mạnh và tươi đẹp.

Suy nghĩ miên man đến lúc rạng đông, thu dọn võng bạt để chuẩn bị tiếp tục hành trình. Sáng hôm đó chúng tôi hành quân về thành phố Hồ Chí Minh để bay về quê Thanh kết thúc- một chuyến hành trình phương nam đầy ấn tượng.

        Mỹ Dung

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa


[i] Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) Đảng Lao động Việt Nam, họp ngày 23 tháng 1 năm 1961 đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, được thành lập tháng 10 năm 1954. Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại chiến trường miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ “…căn cứ vào nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo cụ thể ở miền Nam”[1]. TƯCMN có các phiên hiệu là B2, R, Ông Cụ, dùng để bảo mật trong chiến trường. Địa bàn chỉ đạo lúc đầu là cả miền Nam Việt Nam, tức từ vĩ tuyến 17 trở vào. Tháng 10 năm 1961 tại căn cứ Mã Đà, miền Đông Nam Bộ – vùng Trị An ngày nay – Trung ương Cục miền Nam họp phiên đầu tiên gồm có các ông: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Võ Toàn (Võ Chí Công, Năm Công), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Trần Lương (Trần Nam Trung, Hai Hậu), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Đôn, Trần Văn Quang (Bảy Tiến), Trương Chí Cương (Tư Thuận), Lê Quang Thành (Tư Thành).