9 bí quyết chữa lành ung thư của 1500 người sống sót kỳ diệu: 3 điều thuộc về cảm xúc!

Đăng lúc: 15-08-2018 9:53 Sáng - Đã xem: 142 lượt xem In bài viết

“Hãy tiến lên, ngay từ hôm nay, trợ giúp cho hệ miễn dịch bằng cách điều khiển cảm xúc của bạn. Và để bắt đầu, bạn chỉ cần làm được điều đó trong 5 phút – chỉ cần 5 phút thôi!”.

Tiến sĩ Kelly Turner, tác giả cuốn sách best seller của The New York Times (sách: Radical Remission: Surviving Cancer Against All Odds) đã có bài viết trên trang Livestrong.com, nói về cách mà niềm hạnh phúc tác động lên sức khỏe của một người, bao gồm cả việc tác động đến quá trình điều trị loại bệnh vô cùng khó chữa – ung thư.

Tất nhiên, Kelly Turner không ngây thơ mà tin rằng chỉ riêng “niềm hạnh phúc” sẽ giúp đánh bại ung thư, đó phải là một liệu pháp tích hợp, nhưng “niềm hạnh phúc” đóng vai trò vô cùng đặc biệt: rất đơn giản, ai cũng có cơ hội như nhau, nhưng rất khó nắm bắt – và khi một người không “hạnh phúc” thì không có “thuốc” nào chữa được ung thư.

Dưới đây là nội dung được chúng tôi chuyển ngữ cho phù hợp với độc giả tiếng Việt.

Đã qua lâu rồi cái thời chúng ta phải tranh luận rằng: tâm trí và thân thể của một con người là tách biệt hay liên quan đến nhau. Hơn 50 năm qua, các nhà khoa học càng ngày càng có nhiều hơn các bằng chứng thuyết phục để khẳng định: đối với sức khỏe con người, mối quan hệ giữa thân thể và tâm trí là vô cùng bền chặt, không thể tách rời, chi phối nhau.

Bối cảnh này là nền tảng để cho ra đời ngành Psychoneuroimmunology (PNI hoặc PENI), một lĩnh vực mới của khoa học. Hiểu một cách chung nhất, PNI là những nghiên cứu về sự tương tác giữa tâm trí, não bộ và hệ thống miễn dịch của con người. [1]

Nghiên cứu đầu tiên của lĩnh vực PNI đã được xuất bản trên tạp chí hàng đầu thế giới, New England Journal of Medicine năm 1991. [2]

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học trước tiên đưa ra bảng hỏi về đời sống tâm lý dành cho một nhóm khá lớn những người tham gia khảo sát, và nhận câu trả lời của họ.

Sau đó, các nhà khoa học chuẩn bị các lọ xịt mũi gồm 2 loại: loại thứ nhất được cấy virus cảm lạnh thông thường, loại còn lại là nước muối sinh lý. Mỗi người tham gia nghiên cứu sẽ được xịt ngẫu nhiên một trong 2 loại này, bản thân họ cũng không hề biết mình được xịt loại nào.

Theo dõi diễn biến sức khỏe của nhóm đối tượng nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy:

– Những người kể rằng hay bị stress thì bản thân họ biểu hiện các triệu chứng điển hình của bệnh cảm lạnh thông thường trong quá trình nghiên cứu.

– Những người kể rằng họ ít bị stress trong cuộc sống thì sức khỏe họ có khả năng tốt hơn dập tắt virus cảm lạnh và không bị bệnh.

– Kết quả nêu trên là như nhau ở tất cả các nhóm tuổi, cân nặng, bất kể người đó có chế độ ăn hay đặc điểm di truyền ra sao.

Hình ảnh mô phỏng khối u ung thư vú. Nguồn ảnh: medicalxpress.com.

Trong 15 năm qua, các nhà nghiên cứu đã tiến rất nhanh trong việc tìm ra câu trả lời rằng: Vì sao stress khiến chúng ta ốm?

Stress là gì?

Trên website của BV Tâm thần Mai Hương cho biết: Stress gồm rất nhiều biểu hiện về cảm xúc, hành vi, thể chất – trong đó tự mỗi người dễ nhận thấy stress qua cảm xúc của mình, như:

– Cảm thấy khó chịu

– Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng

– Cảm thấy buồn bã

– Cảm thấy chán nản, thờ ơ

– Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân

Nguồn: BV Tâm thần Mai Hương

Vậy thì stress khiến chúng ta đổ bệnh theo cơ chế nào?

Các nghiên cứu trong lĩnh vực PNI đã chỉ ra rằng: những trạng thái cảm xúc như stress, sợ hãi hay tức giận đều gửi tín hiệu đến các tuyến chính của cơ thể khiến giải phóng một số loại hormone chẳng hạn như cortisol, adrenaline và epinephrine. [1,3]

Những hormone này “nói” với các tế bào của chúng ta rằng, đây là thời điểm chiến đấu hoặc bỏ chạy – không phải lúc nghỉ ngơi và sửa chữa.

Kết quả là, cơ thể của bạn đáng lẽ tập trung làm những việc cơ bản (như chuyển hóa chất dinh dưỡng, chống lại bệnh tật…), thì lại khiến huyết áp tăng lên – giống như bạn đang chạy bán sống bán chết vì bị một con hổ đuổi theo vậy!

Vấn đề ở chỗ, thật sự chẳng có con hổ nào rượt đuổi chúng ta cả. Bản chất là chúng ta đã trải qua một chuỗi những rối loạn cảm xúc như là sợ hãi thất bại, giận dữ… liên tục, liên tục.

Khi quá trình rối loạn này diễn ra, cơ thể của chúng ta bị bứt khỏi trạng thái “chiến đấu để chiến thắng” – đáng lẽ như nó vốn là thế. Điều gì sẽ xảy ra?

Chúng ta đổ bệnh!

Bạn đổ bệnh là vì khi bạn “chạy trốn khỏi con hổ” nghĩa là cơ thể bạn đã cố tình bỏ qua sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn (mà không dám kháng cự), cho đến khi cơ thể bạn hoặc là có cơ may nào đó khiến virus, vi khuẩn phát triển chậm lại, hoặc là thỏa hiệp với chúng. [4]

Thật không may, than ôi, đây chính là cuộc đầu hàng của bạn!

Tế bào ung thư – ảnh minh họa. Nguồn ảnh: cancercenter.com

Ngược lại, cách mà niềm hạnh phúc giúp chúng ta khỏe mạnh là gì?

Chúng ta có thể làm gì – trong trường hợp trên?

Ok, thật may mắn cho bạn! Vì, cơ thể bạn có thể giải phóng ra các hormone đàn áp hệ miễn dịch khi bạn stress hay lo lắng, thì cũng chính cơ thể bạn hoàn toàn có khả năng giải phóng ra các hormone thúc đẩy hệ miễn dịch – hễ khi bạn cảm thấy hạnh phúc hoặc thư giãn.

Đó là những thứ “thuốc” tự sản xuất của chính cơ thể con người!

Các loại hormone này bao gồm serotonin, dopamine, relaxin và oxytocin. [5]

Khi “đội quân” hormone tràn đầy năng lượng này lan tỏa vào huyết mạch, chúng gửi những tín hiệu tới cơ thể để sản xuất nhiều hơn nữa các tế bào miễn dịch. [6]

Thậm chí, chỉ với 5 phút chúng ta cười, hoặc cảm thấy hạnh phúc, đã có thể làm tăng đáng kể số lượng tế bào bạch cầu và tế bào NK. [6-8] (NK = Natural killer cells: tế bào sát thủ tự nhiên, một loại tế bào được các nhà khoa học theo trường phái miễn dịch cho rằng là một trong bài ‘chiến binh’ quan trọng nhất tiêu diệt tế bào ung thư – người dịch).

Nguồn: finerminds.com

Những người sống sót đã sử dụng cảm xúc để chữa lành ung thư

Trong một thập kỷ qua, tôi đã nghiên cứu hàng ngàn trường hợp thuyên giảm ung thư một cách căn bản, họ là những người đã sống sót khỏi ung thư một cách kỳ diệu.

Tôi tìm ra rằng những người sống sót này có 9 “chìa khóa” chung trong phương pháp chữa lành ung thư, 3 trong số đó trực tiếp liên quan đến cảm xúc của họ, gồm:

– Giải phóng các cảm xúc bị đèn nén,

– Tăng cường cảm xúc tích cực,

– Tham gia hoạt động cộng đồng

Họ giải phóng cảm xúc tiêu cực bằng các bài tập, hoặc xem các video vui vẻ trên Youtube, chăm sóc vuốt ve thú cưng… Dù là cách nào thì những người sống sót này đều đã thu được một liều oxytocin mỗi ngày – tác dụng tốt tương đương với việc bổ sung dầu cá hoặc uống thuốc chuẩn theo đơn.

Trong cuộc chiến chống ung thư, thúc đẩy hệ miễn dịch là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm!

Thúc đẩy hệ miễn dịch là nguyên nhân giúp những người mà tôi nghiên cứu sống sót, và họ làm điều đó bằng mọi cách có thể.

Như chúng ta đã biết hiện nay (nhờ các thành tựu của ngành khoa học PNI), điều khiển cảm xúc một cách chủ động sẽ giúp thúc đẩy hệ miễn dịch. Phát hiện này thật tuyệt vời, có ý nghĩa không chỉ với bệnh nhân ung thư, mà với tất cả những ai muốn cơ thể mình luôn mạnh khỏe.

Hãy tiến lên, ngay từ hôm nay, trợ giúp cho hệ miễn dịch bằng cách điều khiển cảm xúc của bạn.

Và ban đầu, bạn chỉ cần làm được điều đó trong 5 phút – chỉ cần 5 phút thôi! Sau đó sẽ “nâng cao” hơn.

Hạnh phúc luôn hiện hữu! Bạn! Bắt đầu với 5 phút mà thôi!

Vài nét về tác giả bài viết

Kelly Turner tốt nghiệp Đại học Harvard và bảo vệ tiến sĩ tại Đại học California – Berkeley. Bà vừa là nhà nghiên cứu vừa là diễn giả về liệu pháp tích hợp trong điều trị ung thư, thường xuyeen góp mặt trong chương trình talk show The Dr. Oz để nói về cuốn sách của mình.

Cuốn sách của Kelly Turner có tên Radical Remission: Surviving Cancer Against All Odds (tạm dịch: Nguyên lý căn bản từ những người bị ung thư sống sót kỳ diệu) thuộc vào hàng best seller của Báo The New York Times, đến nay đã được dịch ra 20 ngôn ngữ trên thế giới (chưa có bản tiếng Việt).

Sách là thành quả nghiên cứu của bà về nguyên lý cơ bản giúp thuyên giảm bệnh ung thư – với dẫn chứng là những người chữa lành bệnh ung thư của mình mà không dùng “thuốc Tây” (có thể hiểu là liệu pháp điều trị chính thống được thừa nhận là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…), hoặc khi “thuốc Tây” không thể giúp được họ. Hơn 10 năm qua, bà đã tiến hành nghiên cứu ở 10 quốc gia khác nhau, phân tích hơn 1500 ca bệnh “thoát án tử”….

Tài liệu tham khảo của tác giả: 

  1. Kusnecov AW, Anisman H. The Wiley-Blackwell Handbook of Psychoneuroimmunology. West Sussex, UK: Wiley-Blackwell; 2014.
  2. Cohen S, Tyrrell D, Smith A. Psychological stress and susceptibility to the common cold. N Engl J Med. 1991;325(9):606-612.
  3. Segerstrom SC, Glover DA, Craske MG, Fahey JL. Worry affects the immune response to phobic fear. Brain, behavior, and immunity. Jun 1999;13(2):80-92.
  4. Segerstrom SC, Miller GE. Psychological stress and the human immune system: a meta-analytic study of 30 years of inquiry. Psychological bulletin. Jul 2004;130(4):601-630.
  5. Burgdorf J, Panksepp J. The neurobiology of positive emotions. Neuroscience and biobehavioral reviews. 2006;30(2):173-187.
  6. Berk LS, Felten DL, Tan SA, Bittman BB, Westengard J. Modulation of neuroimmune parameters during the eustress of humor-associated mirthful laughter. Alternative therapies in health and medicine. Mar 2001;7(2):62-72, 74-66.
  7. Berk LS, Tan SA, Fry WF, et al. Neuroendocrine and stress hormone changes during mirthful laughter. The American Journal of the Medical Sciences. Dec 1989;298(6):390-396.
  8. Bennett MP, Lengacher CA. Humor and laughter may influence health. I. History and background. Evidence-based complementary and alternative medicine : eCAM. Mar 2006;3(1):61-63.

Đức Giang, dịch từ Livestrong.com 

Theo cafef.vn