Cựu TNXP Bùi Thị Thạo, ngụ ấp 5, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cùng chồng canh tác 7 ha đất vườn để lo cho 4 con ăn học. Vất vả trong lao động sản xuất, nhưng niềm vui, hạnh phúc của bà và chồng được đáp ứng, là bốn người con đã trưởng thành, 3 đại học công an và một cháu là học cao đẳng tin học.
Người có 2 phiên hiệu TNXP
Bà Thạo sinh năm 1950, tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1970, Bùi Thị Thạo tham gia lực lượng TNXP chống Mĩ, cứu nước và cho đến cuối năm 1972 thì ra quân. Trong hồ sơ chứng nhận TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mĩ của bà Thạo có ghi phiên hiệu của hai đơn vị. Những tháng đầu, bà thuộc đơn vị C585, Đội 58, P37 Thanh Hóa. Sau đó đơn vị bà được điều vào phục vụ trên Đường 20 Quyết Thắng và có phiên hiệu C2355, N235, P31.
Bà Thạo nhớ lại: “Đại đội chị hoạt động trên Đường 20 Quyết Thắng thuộc địa bàn của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1971 đến cuối năm 1972, đường 20 Quyết Thắng vẫn còn là trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mĩ. Chúng thả bom mù khoảng 15, 20 phút sau là phản lực đến thả bom. Sau loạt bom, đơn vị chị ra san lấp lại đường. Đơn vị may mắn không một ai bị thương hoặc hy sinh, tất cả đã kịp vào hang lèn tránh bom”. Năm 1973, bà Thạo lấy chồng thuộc bộ đội lái xe Đoàn 559.
Nghỉ công nhân cạo mủ, tập trung làm vườn phát triển kinh tế gia đình
Bà Thạo thăm vườn điều tơ của nhà sau buổi sinh hoạt Hội Cựu TNXP xã về
Gia đình bà Thạo đi xây dựng kinh tế mới. Hai vợ chồng vừa làm công nhân cạo mủ cao su thuộc Nông trường 11(Công ty cao su Phú Riềng), vừa tranh thủ phát rẫy để có đất lập vườn. Thời gian đầu gian nan lắm, con còn nhỏ chưa quen với khí hậu ở trong này nên thường bị sốt rét. Như bà Thạo và chồng từng phục vụ trên các tuyến đường rừng miền Trung, đã chịu bao trận sốt rét vẫn phải vật vã với những cơn sốt rét ở tỉnh Sông Bé (cũ). Nhiều gia đình không vượt qua được đã trở về quê cũ sinh sống. Bà Thạo và chồng vẫn bám trụ tập trung làm kinh tế vườn. Diện tích đất nhiều, bà xin nghỉ công nhân cạo mủ cao su để có thời gian chăm sóc vườn. Đến khi chồng bà nghỉ hưu thì hai vợ chống cùng làm rẫy mà không thuê người làm thêm. 7 ha vườn vừa trồng cao su và điều mỗi năm thu vào gần 300 triệu đồng, đã giúp các con bà ăn học thành đạt. Ba người con đều đã qua chương trình đại học công an và đang công tác tại tỉnh Bình Phước. Người trai út đã học hết chương trình cao đẳng tin học.
Bà Thạo tâm sự: “Anh chị vẫn vất vả nhiều trong những năm điều mất mùa, mủ cao su hạ giá. Các cháu đang mùa học, chi phí tốn kém nhiều. Chị phải đi vay ngoài thêm cho các cháu học hết chương trình. Thấy bố mẹ cực khổ, lo lắng nhiều, các con không an tâm. Nhưng anh chị luôn động viên các con học giỏi, sớm ra trường công tác phục vụ đất nước...”.
Ông Lê Văn Năng, sinh năm 1952, chồng bà Thạo là bộ đội lái xe Đoàn 559. Ông tham gia bộ đội Trường Sơn năm 1972 và xuất ngũ năm 1975. Ông bà quen biết và yêu nhau trong những năm chống Mĩ, phục vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Năm 1973, chấm dứt chiến tranh phá hoại bằng không quân, tàu chiến Mĩ trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cũng là năm bà Thạo và ông Năng cưới nhau.
Bà Lê Thị Đào, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Đồng Tâm cho biết: “Cựu TNXP Bùi Thị Thạo là gương điển hình làm kinh tế vườn giỏi. Hằng năm, bà đều cho hội viên mượn tiền nhằm vào sản xuất, chăn nuôi, ổn định phát triển kinh tế mà không lấy lãi. Chỉ khi số tiền tương đối nhiều bà Thạo mới lấy lãi thấp theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trong công tác Hội, bà luôn gương mẫu chấp hành đóng góp đầy đủ. Bà Thạo còn là một nhân tố tích cực của Hội trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh…”
DUY HIẾN