Lịch sử ra đời và truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam luôn gắn liền với sự quan tâm giáo dục của Đảng và Nhà nước, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), cùng với cả nước, Tỉnh uỷ Bắc Ninh phát động phong trào thi đua “Diệt nhiều sinh lực địch trên quê hương” với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, lớp lớp thanh niên của tỉnh đã hăng hái xung phong vào bộ đội, tham gia lực lượng TNXP trực tiếp đánh giặc, phục vụ các chiến dịch, tải thương, vận chuyển vũ khí, thực phẩm, đạn dược, đảm bảo giao thông thông suốt… góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ- Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Cụ Nguyễn Minh Ca, nguyên đại đội trưởng 406 TNXP thuộc Đội 40 đảm bảo giao thông chiến dịch Điện Biên Phủ
Vào đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang chuyển sang giai đoạn mới, thế và lực của ta ngày càng mạnh, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc kháng chiến, gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất cho các chiến trường. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/7/1950, Đội TNXP công tác đầu tiên thuộc Trung ương Đoàn (mật danh Đội 50) được thành lập, với 225 cán bộ, đội viên, do đồng chí Nguyễn Bích Vượng – ủy viên Trung ương Đoàn làm đội trưởng, tỉnh Bắc Ninh có 30 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ưu tú tham gia.
Tháng 10 năm 1950, Tỉnh đoàn Bắc Ninh tuyển chọn TNXP đợt 2 thuộc các huyện: Quế Dương, Võ Giàng, Gia Bình, Lang Tài và thị xã Bắc Ninh để thành lập Liên phân đội TNXP 307 Trần Phú, gồm 120 cán bộ, đội viên. Đơn vị có nhiệm vụ sửa cầu đường từ Mẹt về Đèo Cả, Giếng Ống và phục vụ chiến dịch Biên Giới. Cuối năm 1952, do yêu cầu phục vụ chiến trường, Liên phân đội TNXP 307 Trần Phú được bổ sung quân số từ 120 lên 160 hội (đội) viên, chia thành 9 phân đội. Tại hội nghị tổng kết mừng công năm 1952 Liên phân đội 307 Trần Phú được lựa chọn bầu 5 đồng chí tiêu biểu gồm: Đặng Thuật, Minh An, Nguyễn Trương, Công Ngoạn, Nguyễn Hành được bầu là chiến sỹ thi đua toàn Đội được đi dự hội nghị chiến sỹ thi đua toàn quốc. Tháng 12/1953 cả 5 đồng chí được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Theo quyết định của Trung ương Đoàn, ngày 28 tháng 8 năm 1951, Liên phân đội TNXP 302 Tô Hiệu được thành lập, gồm 300 cán bộ, đội viên thuộc các huyện: Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du, Quế Dương, Lang Tài, Gia Lâm… với nhiệm vụ bảo vệ giao thông từ ngã ba Cò Nòi đi Điện Biên. Tiếp đó, 700 cán bộ, thanh niên ưu tú Bắc Ninh được điều động tham gia các Liên phân đội Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Liên khu 3 phục vụ chiến dịch Quảng Hồng và chiến dịch Điện Biên.
Tháng 1 năm 1954, lực lượng TNXP được thống nhất mang tên mới là Đoàn TNXP Trung ương (mật danh Đoàn XP). Các Liên phân đội của Bắc Ninh như: 307 Trần Phú, 302 Tô Hiệu, Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Liên Khu 3 đều được biên chế vào Đoàn TNXP Trung ương để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đảng và Nhà nước đã giao cho các Đại đội thanh niên xung phong Đoàn XP mở con đường 1B dài 140 km từ thị xã Thái Nguyên đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan.
Đơn vị 302 Tô Hiệu tức Đại đội 406 thuộc Đoàn XP được lệnh vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, do đồng chí Nguyễn Minh Ca (quê Gia Lâm) là đại trưởng trực tiếp chỉ huy, với nhiệm vụ cùng bộ đội kéo pháo vào, kéo pháo ra và đảm bảo giao thông 29 km từ ngã ba Cò Nòi đến đèo Pha Đin, địa bàn trọng điểm bị địch thường xuyên đánh phá. Trong chiến đấu và phục vụ chiến dịch nhiều đồng chí có cống hiến xuất sắc như: Đồng chí Nguyễn Tiến Thụ (quê Nội Duệ, Tiên Du) chiến sĩ phá bom nổ chậm đầu tiên; đồng chí Nguyễn Thị Thảo (quê huyện Quế Võ) bán cả kỷ vật là một đôi khuyên tai để cứu đói đồng đội; chiến sĩ Phan Khắc Ý (quê Chi Hồ), Nguyễn Sĩ Tảo (quê Phù Đổng) hi sinh ngay trên mặt đường vì bom và phá bom địch.
Từ chiến dịch Biên Giới cho đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), hưởng ứng chủ trương của Bác Hồ, tỉnh Bắc Ninh đã có 1.956 cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng TNXP phục vụ các chiến dịch; hàng trăm cán bộ, đội viên TNXP đã trưởng thành, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo các cấp của Đảng, chính quyền và các đoàn thể; hơn 900 đồng chí được khen thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến của Đảng và Nhà nước; 1.200 cán bộ, đội viên trở thành đảng viên. Năm 2010, Đại đội 406 (tiền thân là 302 Tô Hiệu) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2014, đồng chí Nguyễn Tiến Thụ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Vua phá bom nổ chậm Nguyễn Tiến Thụ kể chuyện cho thế hệ trẻ
Thanh niên xung phong thực sự đã trở thành một trường học lớn của tuổi trẻ như lời Bác Hồ dạy. Lực lượng TNXP Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950- 1954) luôn tự hào với những cống hiến xuất sắc của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Thế hệ TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là thế hệ mở đầu cho truyền thống vẻ vang của TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời bình, trở về với đời thường, các cựu TNXP tiếp tục phát huy truyền thống của lực lượng với phương châm hành động “Khi trẻ xung phong, về già gương mẫu. Thời chiến dũng cảm, thời bình cuộc sống mẫu mực”, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tháng 7 năm 2005, Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Ninh được thành lập. Đến nay, tổ chức Hội đã được thành lập ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 126 xã, phường, thị trấn, thu hút 11.000 hội viên tham gia. Sau 13 năm hoạt động, Hội Cựu TNXP các cấp thực sự trở thành một tổ chức nhân chứng lịch sử, giúp Đảng, Nhà nước giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP. Đến nay, các cựu TNXP trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội cơ bản được giải quyết chế độ, chính sách. Các cựu TNXP còn sống được hưởng bảo hiểm y tế; khi từ trần gia đình và người thân được hưởng chế độ mai táng phí.
Tăngj quà cho cựu TNXP chống Pháp
Công tác xây dựng tổ chức hội mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Hội CTNXP các cấp và các cựu TNXP đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước đồng đội, trước lịch sử, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, trở thành ngôi nhà chung sưởi ấm nghĩa tình đồng đội, tạo lên sức mạnh tinh thần cho các cựu TNXP, góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những kết quả đó không chỉ là những giá trị vật chất, tinh thần trong việc giúp đỡ, động viên đồng đội, đồng chí mà còn mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc về giá trị đạo đức truyền thống, về nền tảng văn hoá đối với thế hệ trẻ.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh