Cựu TNXP huyện Tuy An “trẻ xung phong, già mẫu mực”

Đăng lúc: 21-01-2019 2:58 Chiều - Đã xem: 61 lượt xem In bài viết

Ngày 14/01/2019 tại Hội trường Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Tuy An, Hội Cựu TNXP đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Đến dự có Phó Trưởng phòng Nội vụ, Phó Bí thư Huyện đoàn, các đồng chí trong Ban chấp hành Hội và Chủ tịch, Phó Chủ tịch 9 Hội cấp xã.

Huyện Tuy An nằm ven biển ở phía Đông tỉnh Phú Yên, phía bắc giáp thị xã Sông Cầu và huyện miền núi Đồng Xuân, phía Tây giáp huyện Sơn Hòa, phía Nam là Thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa, diện tích 435km2 và dân số là 133.000 người, huyện lỵ là thị trấn Chí Thạnh nằm trên Quốc Lộ 1A, cách thành phố Tuy Hòa 30km về phía Bắc.Huyện cũng là nơi có đường sắt Bắc – Nam đi qua.

So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Tuy An có nhiều di tích, danh thắng: Địa Đạo Gò Thì Thùng[i], nơi xảy ra vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh[ii]; mộ và đền thờ Lê Thành Phương[iii]; Chùa Đá Trắng – Từ Quang[iv]; thành An Thổ[v]; gành Đá Đĩa[vi]; đầm Ô Loan[vii].

Hội Cựu TNXP huyện Tuy An được thành lập năm 2011, hiện có 254 hội viên, trong đó có 99 nữ, thuộc 9 Hội cấp xã trên tổng số 16 đơn vị, cấp xã, thị trấn. Trong đó có 5 xã được UBND xã hỗ trợ lương cho Chủ tịch và cấp kinh phí hoạt động là: An Hiệp, An Chấn, An Cư, An Hòa, An Mỹ, 4 xã chưa được hỗ trợ thù lao cho Chủ tịch Hội các xã An Định, An Hải, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh nhưng các đồng chí Chủ tịch hội vẫn tích cực hoạt động. Bà Đặng Thị Xuyến (ảnh dưới), Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã An Định phát biểu: “Tuy không được hỗ trợ lương của xã, tôi vẫn tích cực vì đồng đội để hoạt động! ”

Trong năm 2018 Thường trực Huyện hội:

– Luôn quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nên cán bộ, hội viên cựu TNXP tư tưởng ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Huyện ủy, Ủy ban, chấp hành tốt các chủ trương chính sách, chỉ thị Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội viên phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không có hội viên nào thoái hóa biến chất hay vi phạm pháp luật.

– Tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II (2017 – 2022) cho 7/9 hội cấp xã, lập thủ tục đề nghị UBND huyện cho phép tổ chức đại hội bất thường để miễn nhiệm 3 ủy viên Ban chấp hành vì lý do sức khỏe và bầu bổ sung 3 ủy viên Ban chấp hành mới theo đúng Điều lệ Hội.

– Là nhân chứng lịch sử giúp cho Ủy ban và các phòng ban của huyện thực hiện chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cho hội viên.

– Xây dựng, hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhà “Nghĩa Tình đồng đội” cho hai hội viên nghèo Phạm Thị Sính và Tống Thị Hồng Vui ở xã An Dân.

– Trong các ngày lễ, tết tặng 122 suất quà, sổ tiết kiệm trị giá hơn 60 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2019 Hội tiếp tục phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 – 2021) với chủ đề “Tuy An đoàn kết sáng tạo, tích cực thi đua xây dựng bảo vệ Tổ Quốc”, theo Nghị quyết lần thứ 17 của đại hội Đảng bộ huyện Tuy An.

Hội viên TNXP huyện Tuy An tuy tuổi cao sức yếu nhưng luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, nêu gương sáng cho con cháu noi theo, phát huy truyền thống TNXP: “TRẺ XUNG PHONG, GIÀ MẪU MỰC”

Năm Thử


[i] Địa đạo Gò Thì Thùng thuộc địa phận xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thị trấn Chí Thạnh chừng 15km về phía Tây, có độ cao khoảng 400m so với mực nước biển. Địa đạo này được thiết kế và xây dựng từ năm 1964 với tổng chiều dài gần 2 km, sâu tới 4,5m so với mặt đất, chiều rộng 0,8 m, cứ 20 m sẽ có một cửa nhỏ bên hông được ngụy trang cẩn thận, bên trên cũng được xây thêm vọng gác có đài quan sát. Trong toàn bộ chiều dài địa đạo có tới 486 giếng, ở các miệng giếng đều có các thanh tre, gỗ đặt làm rầm. Bao bọc xung quanh là hệ thống giao thông hào chằng chịt như mê cung với tổng chiều dài lên tới 10 km. Địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ văn Hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2009.

[ii] Di tích lịch sử vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh: Ngày 7/9/1954, ba đại đội thuộc tiểu đoàn 10 quân đội Quốc gia Việt Nam đến Ngân Sơn tiếp quản. Đại đội 1 đóng trên quốc lộ, đại đội 2 đóng ở phía đông trường tiểu học, đại đội 3 do đại úy Đê chỉ huy đóng tại trường học. Đại úy Đê đi ra sau trường, vào nhà ông Bành Liến thấy trên bàn thờ có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh liền giật xuống. Vợ ông Bành Liến lúc bấy giờ đang quét sân, dùng chổi đánh viên sĩ quan này. Anh ta quay ra xô xát với chủ nhà. Cả nhà cùng tri hô. Nhiều người chạy đến, một lúc sau nhân dân các vùng Ngân Sơn, An Thạch, An Dân… kéo đến phản đối lính Quốc gia Việt Nam. Bất ngờ, đại úy Đê (sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chí Thạnh viết là tên Võ Duy Đệ) ra lệnh cho lính bắn thẳng vào đám đông trong sân trường. Chín người trúng đạn chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương. Dân chúng vô cùng căm phẫn khiến lính Quốc gia Việt Nam vội vã rút vào Chí Thạnh. Cơ sở Đảng Lao động Việt Nam hoạt động bí mật ở Ngân Sơn vận động nhân dân khiêng những người chết, bị thương đi vào Chí Thạnh tiếp tục đấu tranh với chính quyền Quốc gia Việt Nam. Lúc này nhân dân các xã An Ninh, An Định, An Cư… cũng rầm rộ kéo đến ủng hộ cuộc đấu tranh. Từ dốc Nhà Thương (nay là phía bắc khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh), lính Quốc gia Việt Nam đặt súng đại liên bắn thẳng vào đoàn người từ hướng An Ninh lên. Hàng loạt người đổ gục xuống ruộng. Nhân dân từ phía An Định kéo xuống cũng bị lính bắn chết, nhiều người khác cũng gục ngã tại chùa Trường Giác (nay thuộc khu vực sân vân động huyện Tuy An). Trong buổi chiều 7/9/1954 có 79 người chết, 76 người bị thương.

[iii] Lê Thành Phương quê ở Tuy An. Năm 1885, ông cắt máu ăn thề cùng hơn ngàn binh sĩ, tổ chức ra đạo quân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của người Pháp. Sau khi đánh bại và bắt được viên Tổng Binh tại Tuy Hòa, Thống soái Lê Thành Phương chia tỉnh làm 2 phân khu: Phân khu Bắc từ đèo Cù Mông đến đèo Tam Giang do ông chỉ huy và Phân Khu Nam từ đèo Tam Giang cho đến đèo Cả do Phó tướng Bùi Giảng chỉ huy. Với khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả” cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, nghĩa quân nhanh chóng trưởng thành, liên tiếp hạ các đồn bốt của Pháp, triệt hạ bộ máy tay sai, làm chủ toàn bộ vùng nông thôn trong tỉnh. Lúc này địch chỉ còn nắm được các vị trí ở các huyện lỵ trung tâm. Ngày 5 tháng 2 năm 1887, quân Pháp đổ bộ lên vịnh Xuân Đài. Với vũ khí vượt trội, Pháp nhanh chóng đánh chiếm được nhiều vùng lân cận, chọc thủng phòng tuyến của nghĩa quân tại Tân Thành, Xuân Đài và thành An Thổ. Đại Đồn Định Trung do Bùi Giảng chỉ huy cũng rơi vào tay địch. Quân Lê Thành phương chiến đấu anh dũng trong các trận phục kích tại đèo Quán cau, núi Một, đánh giáp lá ở Tuy Hòa song vẫn không cản nổi bước tiến của địch. Ngày 8 tháng 2 năm 1887, Lê Thành Phương lọt vào tay quân Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1887, quân Pháp xử chém ông tại bến đò Cây Dừa.

[iv] Chùa Đá Trắng nằm trên đỉnh núi Xuân Đài, sát Quốc Lộ 1A. Nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển, tọa lạc ngay trên đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển đông, địa thế chùa Đá Trắng thật hiếm có, tên chữ của chùa là Bạch Thạch Tự hoặc Từ Quang Tự và Linh Quang Tự được tạo lập từ năm Đinh Tỵ – 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn.

[v] Thành An Thổ được xây dựng vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 19 dưới Triều vua Minh Mạng, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên thời bấy giờ. Đặc biệt, Thành An Thổ là nơi sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đàu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Địa điểm này gắn với tuổi thơ của đồng chí Trần Phú từ năm 1904 – 1907. Năm 2005 Bộ Văn hóa thông tin ra Quyết định công nhận Thành An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là di tích khảo cổ cấp quốc gia.

[vi] Ghềnh Đá Đĩa hay còn gọi là Gành Đá Dĩa là một địa danh nổi tiếng bậc nhất của du lịch Phú Yên nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km. Ghềnh Đá Đĩa nổi bật với những cột đá được xếp chồng lên nhau mà không hề có bàn tay con người đụng vào.

[vii] Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm nằm về phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên. Đầm rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Trong đầm có nhiều loại hản sản quý như cá mú, sò huyết, ghẹ,…  Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.