Như chúng ta đều biết, chiều ngày 28-3-1951[i], tại khu rừng cầu Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn, Bác Hồ trên đường đi chiến dịch biên giới – một chiến dịch đầu tiên và rất quan trọng để khai thông việc phong tỏa nước ta với hậu phương quốc tế rộng lớn ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tại cầu Nà Cù, tỉnh Bắc Cạn, Bác Hồ đã ghé thăm phân đội TNXP 312 đang công tác và đơn vị TNXP này đã vinh dự nhận lấy 4 câu thơ nổi tiếng của Người dành cho TNXP.
Ảnh tư liệu
Người nói:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí, ắt làm nên”
Nhưng lại có nhiều tư liệu thay chữ ắt thành chữ cũng. Gần đây, trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vấn đề chữ ắt và chữ cũng bỗng nổi lên những cuộc trao đổi ý kiến khá sôi nổi.
Để xác định từ này, từ năm 1982, tôi đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người đã viết bài hát cho TNXP sớm nhất và đã dùng chữ cũng thay cho chữ ắt. Anh Nguyễn Văn Tý đã cho tôi biết là về thanh âm chữ “ắt” dễ bị nghẽn âm còn chữ “cũng” dễ hát cho một tập thể mà ý nghĩa không có gì thay đổi. Do đó, anh đã chuyển chữ ắt thành chữ cũng. Qua bài hát này, chữ cũng đã phổ biến khá rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, chữ ắt vẫn còn tồn tại trong ký ức số đông cán bộ và TNXP thời kỳ kháng chiến chống Pháp trước năm 1954.
Để giữ đúng nguyên bản lời thơ của Bác, tôi đã cố gắng sưu tầm được một số tư liệu sau đây để chứng minh cho chữ ắt là nguyên ngữ của Bác Hồ.
Trong bài nói chuyện với hội nghị cán bộ cung cấp (xem Báo QĐND số 31 ngày 2-9-1950), Bác Hồ nói “cán bộ cung cấp tiến bộ thì cán bộ chỉ huy ắt cũng tiến bộ…”.
Trong thư chúc mừng năm mới Xuân Ất Tỵ 1965, câu kết của bài thơ “ Chúc mừng Ất Tỵ Xuân năm mới”, Bác viết: “Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công”. Sau đó, năm 1968 (theo Báo Nhân Dân số 5013, ngày 1-1-1968), chúc mừng xuân mới, Bác lại có thơ và dùng chữ ắt ở phần kết:
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta”.
Khi nói về vị trí quan trọng của nông dân, từ năm 1950, Người đã nói: “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào quần chúng nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ… (theo Hồ Chí Minh toàn tập, tr.256).
Cựu TNNXP Mạc Đường tại buổi gặp mặt các cựu chiến bình, cựu TNXP tại Phủ Chủ tịch nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1999, tr.59 có ghi từ mục ắt và chú thích “ắt là phó từ có nghĩa là chắc chắn, nhất định” như: quyết chí ắt làm nên. Chữ cũng theo đại từ điển này ghi như sau: Cũng là phó từ có nghĩa là không khác, tương tự như những trường hợp khác… Ví như, tôi cũng nghĩ thế, bức tranh này cũng đẹp, kiến tha lâu cũng đầy tổ… (tr.486).
Như vậy, ắt và cũng là hai từ ngữ không hoàn toàn đồng nghĩa 100% với nhau. Ắt là sự khẳng định chắc chắn, mạnh mẽ, dứt khoát và cũng chỉ là điều khẳng định chưa chắc chắn lắm hoặc khẳng định một cách yếu ớt hơn ắt rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, chữ cũng là không đúng với ý Bác trong bài thơ tuyệt tác mà Bác đã tặng cho 200 TNXP ở Nà Cù.
Gần đây nhất, trong sách “TNXP 60 năm làm theo lời thơ Bác Hồ dạy” do Hội Cựu TNXP Việt Nam công bố và Nhà xuất bản QĐND ấn hành vào cuối năm 2010 có bài hồi ký của cựu TNXP Lê Xuân Quát, nguyên là cán bộ Phân đội 312 công tác ở cầu Nà Cù thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn lúc ấy. Đó là một nhân chứng lịch sử trong 200 TNXP trực tiếp được gặp Bác vào chiều ngày 28-3-1951 trên một “quả đồi thấp ở phía Nam cầu Nà Cù, gần đường quốc lộ số 3”. Tại đây, Bác Hồ đã tặng cho tuổi trẻ TNXP 4 câu thơ như mọi người đều biết và câu cuối cùng là “Quyết chí ắt làm nên”.
Kết luận, quyết chí ắt làm nên trong bài thơ 4 câu Bác tặng cho TNXP ở cầu Nà Cù tỉnh Bắc Cạn là nguyên ngữ của Bác Hồ. Chúng ta cần nghiêm túc gìn giữ nguyên ngữ của Bác như là một di sản lịch sử văn hóa. Vậy từ nay, chúng ta không nên dùng chữ cũng nữa.
GS.MẠCĐƯỜNG
Hội Cựu TNXP TPHCM
Theo.sggp.org.vn/
[i] Nhiều tài liệu, sử sách của Bảo tfng HCM và TW Đoàn thì ghi là ngày 20/3/1951