Ai đã đặt tên đường “Thanh Niên” ở Thủ đô?

Đăng lúc: 18-08-2023 8:55 Sáng - Đã xem: 144 lượt xem In bài viết

Hà Nội có nhiều đường phố mang tên các danh nhân. Nhiều đường phố mang tên sản phẩm hàng hóa đất Kẻ Chợ. Chỉ riêng một con đường thơ mộng mang tên đường Thanh Niên.

Trưa trên đường Thanh Niên. Ảnh: Hồng Vĩnh

Và không mấy người biết Bác Hồ kính yêu đã đặt tên cho con đường này.

Sau ngày thành phố được giải phóng (10 – 10 – 1954), Hà Nội bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Tối thứ bảy tuần nào nhân dân các đường phố cũng tấp nập ra quét dọn vỉa hè, cống rãnh, làm tổng vệ sinh.

Chủ nhật là “ngày lao động kiến thiết tổ quốc”, các tầng lớp nhân dân đặc biệt anh chị em thanh niên, học sinh từ sáng sớm đã nô nức kéo nhau đi san nền, đào móng xây dựng các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống…

Thời kỳ này, mọi người làm việc 6 ngày trong tuần, chỉ được nghỉ chủ nhật… Nhưng trên công trường xây dựng công viên Thống Nhất, nạo vét sông Tô Lịch mỗi ngày có hàng nghìn người lao động. Riêng việc sửa sang, tôn cao, mở rộng con đường đi giữa Hồ Tây, hồ Trúc Bạch được giao cho thanh niên Hà Nội “độc quyền”.

Đây là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch lúc đầu mang tên “Cố Ngự” (giữ vững). Sau người dân đọc chệch thành “Cổ Ngư”. Đường dài gần 1 km, từ dốc Yên Phụ đến phố Quán Thánh. Đoạn giữa có đảo Cá vàng nhô ra Hồ Tây với chùa Trấn Quốc nổi tiếng. Bên hồ Trúc Bạch có một gò nổi trên có đền Cẩu Nhi xây dựng từ đời nhà Lý. Cuối đường là đền Quán Thánh có pho tượng đồng lớn, thờ một vị trong Tứ trấn của Thăng Long thành.

Thanh niên Hà Nội đã đổ đất mở cho đường rộng, đẹp hơn, nhất là đoạn giữa, nơi có các hàng bánh tôm Hồ Tây ngon nổi tiếng. Đoạn dốc Yên Phụ được nắn thẳng, thoai thoải dễ đi. Phía trước đền Quán Thánh cũng được cạp rộng thêm tạo thành một vườn hoa.

Những chàng trai cô gái Hà Nội phấn khởi gánh, xúc, đẩy xe chở đất… Họ vui vì được trực tiếp góp phần làm đẹp Thủ đô, còn vui hơn vì được gặp Bác Hồ. Vì công trường ở ngay gần Phủ Chủ tịch nên hai lần Bác Hồ đi công tác về qua, đã dừng xe xuống thăm.

Các cháu thanh niên, học sinh đang giờ lao động, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chợt ngửng đầu thấy Bác Hồ đứng trước mặt thì ngạc nhiên đến sửng sốt. Họ reo to: Bác Hồ! Bác Hồ! Thế là tất cả mọi người vứt bỏ quang gánh, chân đầy bùn đất ùa tới vây quanh Bác.

Bác Hồ hiền từ hỏi các cháu làm có mệt không? Bác dặn dò phải giữ an toàn lao động. Rồi Bác lên xe, vẫy chào các cháu thanh niên. Cả hai lần, Bác đều đến thăm đột xuất. Khi các đồng chí lãnh đạo thành phố được tin, phóng ôtô đến thì Bác đã rời công trường.

Ngày 19/5/1959 là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Thanh niên công trường đường Cổ Ngư nảy ra ý định tổ chức một cuộc diễu hành dương cao biểu ngữ có trưng những con số thành tích tăng năng suất và dòng chữ “Kính chúc Hồ Chủ tịch sống lâu muôn tuổi” đến trước cổng Phủ Chủ tịch.

Khu vườn hoa nhỏ với những cây xanh vốn yên tĩnh, chiều hôm ấy bỗng trở nên tưng bừng. Tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang lên không ngớt. Đồng chí bộ đội cảnh vệ vào báo cáo với văn phòng Phủ Chủ tịch nguyện vọng của các đoàn viên thanh niên. Một lát sau, đồng chí thư ký của Bác Hồ ra gặp, chuyển lời cảm ơn của Bác tới các cháu thanh niên. Bác chúc các cháu lao động tốt, học tập tốt hơn nữa.

Cuối năm 1959, công việc sửa chữa, mở rộng con đường đã xong, các đồng chí lãnh đạo thành phố, thành đoàn thanh niên Hà Nội bàn nên đặt cho con đường một tên mới. Cái tên “Cổ ngư” nghe nó “cổ” quá. Một số đồng chí đề nghị đổi là đường Lý Tự Trọng, tên một đoàn viên thanh niên cộng sản tiêu biểu.

Một nhà văn hóa đề nghị nên đặt tên là đường Hồ Xuân Hương vì con đường thơ mộng này gắn liền với Bà Chúa thơ Nôm, nữ thi sĩ lãng mạn ở phường Khán Xuân, Thăng Long thành.

Bác sĩ Trần Duy Hưng, khi đó là chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội được giao nhiệm vụ lên báo cáo và xin ý kiến Bác Hồ.

Phải nói rằng việc đặt tên phố phường Hà Nội không đơn giản. Hiện nay có cả một Hội đồng nghiên cứu, xem xét việc này. Thăng Long kẻ Chợ ngày xưa chỉ có tên Hàng Cá, Hàng Nâu, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã… Pháp cai trị nước ta cho mở rộng Hà Nội và các đường phố mới mang tên các đô đốc, tướng, tá, quan cai trị thực dân.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, dân Hà Nội kéo đổ tượng “ông Pôn – be[1], bà đầm xòe[2]” và thay một số tên đường phố mang nỗi nhục đất nước. Nhưng phải tới sau cách mạng tháng Tám thành công, tên các đường phố Hà Nội mới được xét, đổi một cách cơ bản. Người làm tờ trình đổi tên các đường phố Hà Nội khi đó là chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng[3].

Đúng 14 năm, lại chính bác sĩ Trần Duy Hưng lên gặp Bác Hồ về việc đặt tên cho một đường phố mới của Thủ đô Hà Nội. Sau khi nghe trình bày, Bác Hồ hỏi lại:

– Những ai là người xây dựng con đường này?

Bác sĩ Trần Duy Hưng trả lời:

– Thưa Bác, thanh niên Thủ đô.

Bác nói giản dị:

– Thế thì nên đặt tên là đường Thanh Niên!

Đường Cổ Ngư mang tên Thanh Niên từ đấy, tên do chính Bác Hồ đặt cho. Ở đầu đường, còn có một cây đa do Bác trồng, trong vườn hoa Tây Hồ, bên tượng Lý Tự Trọng. Đây là một trong những đường phố đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội.

Con đường đi giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, nước trong xanh, có hàng liễu rủ mát, những cây phượng hoa đỏ tươi trong nắng hè. Đường Thanh Niên là con đường, nơi tâm sự của những đôi bạn trẻ, nơi giao lưu, gặp mặt, vui chơi của thanh niên.

Người Hà Nội đi xa mỗi lần trở về chốn cũ đều tranh thủ dạo một vòng trên đường Thanh Niên, ngồi chơi, thưởng thức bánh tôm, ngắm nhìn Hà Nội hôm nay đang ngày càng lộng lẫy.

Cái tên đường Thanh Niên tuyệt đẹp đã trở thành ký ức của bao lớp người, cần được gìn giữ cho mai sau.

Theo tienphong.vn


[1] Paul Bert (17 tháng 11 năm 1833 – 11 tháng 11 năm 1886, ở Việt Nam có khi viết là Pôn Be) là một nhà động vật học, sinh lý học, và chính trị gia người Pháp.làm thống sứ An Nam và Bắc Kỳ năm 1886

[2] Bức tượng bà đầm xòe là tên người dân Hà Nội thường gọi một bản sao của tượng Nữ thần Tự do được đặt tại Hà Nội từ năm 1887 cho đến khi bị giật đổ ngày 1 tháng 8 năm 1945. Bản chính của tượng Nữ thần Tự do tại thành phố New York của Hoa Kỳ có chiều cao là 46 m; bản sao tại Hà Nội có kích cỡ khoảng 2,85 mét; một bản sao khác có kích cỡ 11 mét được đặt tại đảo Thiên Nga trên sông Seine, thành phố Paris.

[3] Tờ trình về việc đặt tên phố ở Hà Nội do Chủ tịch ủy ban nhân dân Trần Duy Hưng ký duyệt ngày 1/12/1945. Tờ trình ghi rõ tên 289 đường, phố, ngõ và 17 vườn hoa. Nguồn: Việt Nam dân quốc công báo của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trang 287.