B20 – một thời để nhớ

Đăng lúc: 19-03-2020 9:30 Sáng - Đã xem: 92 lượt xem In bài viết

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian đoạn năm 1965-1975  diễn ra ngày càng gay go ác liệt, thực hiện Chỉ thị số 71/TTg – CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ, hàng  chục vạn thanh niên trong cả nước đã gia nhập lực lượng TNXP  góp phần cùng bộ đội và toàn dân chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược trên các chiến trường…

Hồ Tiền Phong (ảnh Internet)

Tháng 9/1972 Ủy ban nhân dân tỉnh, giao Tỉnh đoàn Sơn La tuyển chọn thanh niên tình nguyện (TNTN) đi xây dựng vùng kinh tế mới, thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mai Sơn và Yên Châu; nhằm phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ chiến đấu và xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi. Đơn vị gồm 300 đồng chí, cả nam và nữ, do đồng chí Hoàng Bính làm Đội trưởng, đồng chí Lò Văn Lượng làm Đội phó. Dưới đội có các Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng. Đội TNTN[i] được UBND tỉnh giao cho Ty Thủy lợi (nay là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) quản lý và giao nhiệm vụ.

Tháng 9 năm 1972, Đội TNTN của Sơn La gồm 300 đồng chí cùng với hơn 500 người của Công ty Xây lắp tỉnh Thái Bình và Nam Hà thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ Tiền Phong[ii]. Trong lúc công trình đang thi công thì đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc trở lại, máy bay Mỹ thường xuyên oanh tạc bắn phá khu vực sân bay Nà Sản, cách hồ Tiền phong 2 km. Để bảo toàn lực lượng, tránh máy bay địch phát hiện, bắn phá, ngay trong đêm tháng 12/1972 trời tối đen, rét đậm, Ban chỉ huy công trường B20 quyết định điều động đội TNTN hành quân hơn 70 km đến xã Phiêng Lanh huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La nhận nhiệm vụ mở đường giao thông Pắc Uôn – Pắc Ma, nối liền với huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu. Đây là tuyến đường chiến lược hết sức quan trọng, cơ động nhanh, không những nhằm bảo vệ vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc, tuyến đường còn góp phần phân bố lại dân cư, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Bắc…Địa hình rất hiểm trở, núi đá dựng đứng, vực sau, thi công con đường hoàn toàn bằng xà beng, cuốc xẻng, búa, choòng, phá đá mở đường. Ngoài thời gian ở công trường, đơn vị còn tổ chức cho toàn đội học tập văn hóa, luyện tập quân sự để nâng cáo trình độ và sẵn sàng chiến đấu…Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ  “Quyết tâm mở đường đi cứu nước…mà lòng phơi phới dậy niềm tin” toàn đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ …

Sau này được Sư đoàn 391 tiếp tục đảm nhiệm mở mới, nâng cấp con đường thành Quốc lộ 279 nối liền ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hoàng Liên Sơn.

Tháng 7/1973 Đội TNTN tiếp tục trở về xây dựng Hồ Tiền phong, có nhiều đêm mưa phùn, rét lạnh cắt da, cắt thịt, nhiệt độ dưới 5 độ, chân ngâm dưới bùn tê buất mà trán vẫn đổ mồi hôi. Nhưng với lòng quyết tâm “Gan không núng, chí không mòn…” đơn vị vẫn làm ngày, làm đêm theo từng ca, từng ca, đã đào đắp vận chuyển được hàng trăm nghìn m3 đất đá, nạo vét hơn 10.000 m3 bùn phục vụ cho việc đắp đập, tích nước, xây dựng các tuyến mương dấn nước tưới tiêu cho sản xuất…

Sau gần 3 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành với chiều dài mặt đập 120m, cao 23m, tạo nên một hồ nước mênh nông, góp phần quan trọng trong việc giải quyết chống hạn cho hàng 1.000 ha đất nông nghiệp toàn xã Mường Bon và những vùng lân cận; không những tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thủy sản, thâm canh tăng năng suất cây trồng, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân. Hồ Tiền phong còn là nơi thu hút khách tham quan, du lịch, sinh thái, là lá phổi điều hòa không khí trong khu vực…

Những bông hoa cải vàng đặc trưng giản dị bên hồ (ảnh Internet)

Khi mới nhập ngũ tuổi đời còn rất trẻ, có những đồng chí ở tuổi trên dưới đôi mươi, trình đội văn hóa chỉ lớp 4/10, có những người chưa biết đọc, biết viết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ có nhiều đồng chí được đơn vị chọn cử đi học các lớp lái xe, các trường dạy nghề… Nhiều đồng chí đã trưởng thành có trình độ Đại học, chuyên ngành, lý luận chính trị cao cấp, tiếp tục phấn đấu, công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước. Còn đại đa số anh chị em trở về địa phương, bắt đầu xây dựng cuộc sống với muôn vàn khó khăn, thách thức, luôn phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng TNXP, thực hiện lời Bác dạy “Đau cần thanh niên có, đau khó có thanh niên…” hăng hái tham gia sản xuất, nêu gương cho con cháu noi theo. Có những đồng chí tiếp tục tham gia công tác xã hội, đảm nhiệm cương vị chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền địa phương, là Bí thư, Chủ tịch cấp xã, phường…

Tòng Văn Ùi         

  Ủy viên thư ký Hội Cựu TNXP tỉnh Sơn La, nguyên Tiểu đội trưởng, đơn vị TNXP B20


[i] Thực hiện Thông tư số 18/2014/TT-BNV ngày 25/11/2014 của Bộ Nội vụ, ngày 04/8/2015 Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 1705/QĐ-UBND chính thức công nhận phiên hiệu đơn vị TNXP B20 chống Mỹ cứu nước tập trung giai đoạn 1972-1975 cho Đội TNTN của Công trường B20

[ii] Hồ Tiền Phong thuộc Xã Mường Bon, Huyện Mai Sơn, nằm sát trục đường quốc lộ 6 cách Thị xã Sơn La 23 km, cách thị trấn Hát Lót 7 km và cách sân bay Nà Sản 2 km