Ba cô gái tổng đài Ba Vì

Đăng lúc: 21-09-2018 8:40 Sáng - Đã xem: 132 lượt xem In bài viết

Không cưỡng nổi lòng mình, tôi lững thững đi bộ dọc trên bờ kè theo triền con sông Đáy để được hòa mình vào sắc vàng của buổi chiều cuối thu quê mình. Bài hát: “Tựa ánh trăng ngà” theo điệu đào liễu phát từ đài phát thanh Hà Nam buổi 17h với những ca từ mượt mà, trữ tình: “Phụ nữ Việt Nam tình nhà, nghĩa nước vun đắp song toàn, trung hậu đảm đang….” do nghệ sĩ nhân dân Lương Duyên cất lên làm sao động lòng tôi- kỷ niệm của một thời con gái, một thời chiến chinh lại ùa về…!

… Ba Vì! Ba Vì đâu?

Chiếc nắp báo cửa của tổng đài hữu tuyến 50 cửa bật mở. Tiến vội cắm phích nghe.

– A lô! Ba Vì đây ạ!

– Đồng chí cho tôi gặp ban tham mưu tác chiến … (Tiếng binh trạm trưởng Hoàng Trá vang lên ở đầu dây đằng kia).

Tiến cắm phích cho thủ trưởng liên lạc với ban tham mưu. Nắp cửa danh bạ tiểu đoàn xe 52, 781, tiểu đoàn công binh 33, 35, kho NH lại đổ… nhanh thoăn thoắt cô tổng đài viên cứ cắm, lại đậy…

Ảnh có tính chất minh họa (Internet)

Đêm nay tôi không ngủ được tôi khum người nép mình vào cửa hầm trực chiến, ngắm nhìn Tiến cô bạn gái (quê Thị xã Phủ Lý) nhỏ bé nhất trong 3 chúng tôi song lại có đôi mắt tròn, to và đen với các miệng cười rất tươi, trông Tiến già dặn hơn tôi nhiều.

Ba đứa chúng tôi làm việc theo ca, mỗi ca trực 8 tiếng (24 tiếng/ngày đêm). Niềm vui sáng lên qua ánh mắt, nụ cười lúc giao ca: Đêm nay đường thông xe lên phía trước vượt cung, tăng chuyến, an toàn…. Nỗi buồn, nước mắt lưng tròng: Đêm nay đồng đội hy sinh, kho, xe thiệt hại nặng… Chúng tôi thương nhau, lo cho nhau như chính cho mình lúc bom đánh mất liên lạc một trong ba đứa lao ra dưới làn bom đạn để nối dây dựng cột…

Tối nay ngày 22/2/1967 đồng chí Bấy tiểu đội phó trực tổng đài, sau bữa cơm tối chúng tôi cùng các đồng chí đoàn viên chi đoàn binh trạm bộ về nhà hầm (lớp học dã chiến tại làng Cỏ Giang huyện Bố Trạch)[i]* duyệt văn nghệ để ngày mai phục vụ hội nghị quân chính của trung đoàn…Ánh trăng sáng mờ, gió biển mang hơi nước mát làm dịu lòng người, chưa duyệt văn nghệ mọi người đều đứng ở ngoài sân… Mỗi người một tâm trạng: Chỗ này kể chuyện trong tuyến, chỗ kia mấy anh lính thống kê đang trêu đùa mấy bạn nữ hậu cần… Tôi, Tiến và Chanh không ra ngoài sân chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau ở hàng ghế đầu cách chiếc bảng đen gần 3m.

– Thêm ơi! Ra xem pháo sáng đi! Tôi nghe tiếng cô bạn Tính cùng quê gọi.

Máy bay phản lực rít trên đầu, pháo sáng thả sáng trời Khương Hà, Cự Nẫm tôi chẳng màng tới. Tự nhiên tôi nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Tiến tôi lẩm bẩm:

– Mẹ kiếp! nó bỏ pháo sáng, gầm rít quá trời, chưa biết sẽ đánh vào đâu… Pháo sáng lạ gì mà phải xem!

Tiếng tốp máy bay F4 ầm ầm ngay trên đầu tôi, chúng rít lên rồi vòng từ phía Khương Hà lại làm trời đất rung chuyển. Bỗng một tiếng nổ ục rất nặng từ trong lòng đất phát ra, tôi thấy đất đá trong chốc lát đã vùi tới tận cổ. Tiến và Chanh bắn ra khỏi tôi. Người tôi chết cứng trong đá đất tới cổ… chưa kịp gọi Tiến và Chanh thì một loạt bom bi lại nổ chúa chát trước mặt bi bung ra rào rào “Mình không chết bom phá, chắc sẽ chết bom bi…” tôi nghĩ vậy.

Sau loạt bom bi sát thương mặt đất như vỡ ra, cái màu đen của đất quyện với mùi khét lẹt của bom đạn, mùi tanh của máu làm tôi rùng mình, lặng người, tôi lắc đầu, định thần lại mình khi nghe tiếng Chanh, Tiến gọi:

– Thêm! Thêm ơi! Mày đâu rồi?

– Mình đây! đất đá vùi mình không lên được.

Tiến và Chanh vừa kêu cứu, vừa bới đất, một chốc sau tôi thấy các đồng chí cán bộ ban tham mưu, ban cơ yếu soi đèn pin tìm chúng tôi, người bới đất bằng tay, người lấy cây gỗ làm nhà hầm bị bới tung do bom đào đất cho tôi lên. Trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn phòng không chúng tôi đứng ngay trên miệng hố bom tấn sâu, rộng như một cái giếng làng thật to. Ba chúng tôi ôm lấy nhau khúc khích cười khi thấy mặt mũi, đầu tóc của nhau nấm lem…

Nhận lệnh chỉ huy của binh trạm, các cơ quan binh trạm bộ di chuyển địa điểm đóng quân. Tiến và Chanh nhanh chóng về thu dọn máy móc chuyển tổng đài về Khương Hà, tôi áp tải thương binh…

Sau trận bom ấy “Ba Vì” chúng tôi được binh trạm trưởng biểu dương ngay tại hội nghị toàn cán bộ binh trạm bộ: “Ba chiến sĩ gái TNXP dũng cảm, hợp đồng tác chiến nhanh, truyền lệnh chỉ huy chính xác…”. Tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam (28/3/1967). Và ngày 1/7/1967 chúng tôi được nhập ngũ, được đội mũ có sao tròn, trở thành anh lính cụ Hồ, điều mà chúng tôi không hề nghĩ tới…

“Coi dây như ruột, coi cột như xương” chúng tôi cùng bao cán bộ chiến sĩ gái thông tin trên nhiều ngả đường của các binh trạm vận tải, bám trụ qua bao mùa khô, mùa mưa. Một điều hạnh phúc không có gì so sánh được là tên tuổi của họ đã gắn với những mật danh của các tổng đài dã chiến: “Ba Vì”, “Hải Vân”, “Sông Mã”, “Sông Lê…” họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc chính xác, thông suốt trong mọi tình huống, góp phần làm nên huyền thoại Trường Sơn, huyền thoại đường Hồ Chí Minh Việt Nam anh hùng.

Đồng đội của tôi có người đã làm thơ để tặng tổng đài Ba Vì chúng tôi- những vần thơ mà đến giờ ba chị em vẫn đọc cho nhau nghe rồi lại cười khúc khích: “Sau trận B52 anh nghe tiếng Ba Vì/ Truyền lệnh chỉ huy chiến dịch/ Nơi tháo dỡ kho hàng/ Nơi phá bom thông tuyến/ Các tiểu đoàn xe chuẩn bị xuất quân…”, “Ba cô gái tổng đài binh trạm bộ/ Hà Nam quê mình các em nghe thấy không/ ôi những tiếng cười con gái rất trong/ Làm lòng anh xốn sang bao kỷ niệm…”

Năm 1972 Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tiến, Chanh và tôi được chuyển về hậu phương ăn dưỡng rồi chuyển ngành đi học. Chanh về công tác tại Xí nghiệp may 10 Quân đội, Tiến về công tác tại văn phòng Đảng ủy mỏ than Uông Bí Quảng Ninh. Tôi về quê làm giảng viên trường Đảng huyện…

Cứ ngày 8/3 hàng năm chúng tôi lại hẹn gặp nhau, ở với nhau 1 ngày, 1 đêm. Nếu vì một lý do đặc biệt không gặp được nhau thì gọi điện cho nhau. Tiến sâu sắc ít biểu lộ tình cảm, còn Chanh cứ bô bô trên máy:

– Lần sau gặp hai đứa cho tao ăn cơm với tôm rang nhé! Còn nhớ rá tôm chúng mình lấy vải xô phòng không làm vó kéo ở chỗ cầu Cổ Giang không? Bữa đó cả binh trạm bộ được ăn một bữa tiểu táo[ii] đó

        – Nhớ chứ! (tôi và Tiến lại nhìn nhau cười)

Thế đó chúng tôi luôn nhớ “Ba Vì”, nhớ về nhau, trao cho nhau những kinh nghiệm sống, những kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, chính quyền phân công: Bí thư chi bộ, xóm trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, kinh nghiệm vận động hội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hội cựu TNXP, hội truyền thống Trường Sơn các cấp, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, bác Giáp kính yêu; nhắc nhau giữ gìn phẩm chất TNXP, phẩm chất anh lính cụ Hồ tiếp gương bà Triệu bà Trưng góp phần thực hiện đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và đổi mới “Tự tin, trung hậu, bất khuất, đảm đang”.

Tạ Thị Hoán

 

*

 

 

 


[i] Trận bom Mỹ đánh vào làng Cổ Giang huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình 19h30’ ngày 22/2/1967 có 7 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh.

[ii] Chế độ tiểu táo là chế độ ăn của các thủ trưởng binh trạm và thượng khách)