Bác Hồ ghé thăm đơn vị chúng tôi

Đăng lúc: 25-02-2020 9:15 Sáng - Đã xem: 132 lượt xem In bài viết

Hai huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang) là An Toàn Khu của Chiến Khu Việt Bắc, gọi tắt là ATK, nơi “định đô” của Chính phủ Kháng chiến Hồ Chí Minh suốt từ năm 1947 đến 1954. Dãy núi Hồng sừng sững ngăn cách hai huyện – cũng là hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Năm 1934 thực dân Pháp đã cho mở đường khác từ chợ Chu (Định Hóa) qua Đèo Muồng Keo Náng sang xã Hùng Lợi Sơn Dương, nhưng bị bỏ dở.  Thành thử, hai bên qua lại vẫn vượt Đèo Nhe từ Tỉn Keo.

Tác giả (phải) cùng ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Đội trưởng Đội 38 phục vụ Tây Bắc

Năm 1953 ta chủ trương mở tiếp đường Đèo Muồng. Thanh niên xung phong là lực lượng bán vũ trang do Bác Hồ sáng lập từ năm 1950 để rút kinh nghiệm làm lực lượng phục vụ chiến trường có thể thay bộ đội ngoài chiến trường cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi TNXP là “anh em sinh đôi” với bộ đội. Đến năm 1953 rút kinh nghiệm không tuyển nữ, Bác Hồ “xuất hai tướng” là ông Vũ Kỳ[i] làm Đoàn trưởng Đoàn TNXP, ông Tạ Quang Chiến[ii] làm Đội trưởng chỉ huy Đội 36 trực tiếp phục vụ ATK. Đội gồm nhiều Đại đội. Đội 38 lo việc vận chuyển hàng viện trợ. Đội 48 phụ trách chiến trường Tây Bắc. Đội 44 ở Liên khu V v.v…

Bác gọi về ông Vũ Kỳ đang phụ trách binh vận và trí thức vận khu vực Hà Nội, ông Tạ Quang Chiến phụ trách an ninh khu Tây Bắc, Việt Bắc, giao công việc Đoàn, Đội TNXP chứng tỏ công cuộc kháng chiến đã gần tới ngày toàn thắng.

Quả vậy! Từ Đội thí điểm ngày 15/7/1950, tới ngày thành lập Đoàn TNXP là tháng 1/1953, các cuộc tuyển quân bắt đầu tại các tỉnh miền Bắc. Chúng tôi đi kén lính 3 lần không đạt vì bệnh tật, nhờ làm Phó Bí thư Xã đoàn TN cứu quốc được lấy đi luôn, làm văn thư Đại đội. Anh Trịnh Văn Trợ huyện ủy viên Nga Sơn làm Đại đội trưởng Đại đội 270 kéo quân ra thẳng Đồng Chùa (Tuyên Quang) hội quân, rồi vào Bảo Trang, Đông A nhân việc mở rộng đường, rải cấp phối, rộng 8 mét. Đúng là xẻ núi, xuyên rừng… “Đào núi và lấp biển” Đơn vị sinh hoạt chính trị, củng cố tổ chức. Tôi thôi làm văn thư, được bầu làm cán bộ Trung đội 3.

Công việc làm đường thật không đơn giản: Phát quang, cây to phải đào cả gốc rễ. Bạt núi, gặp đá phá đá, sau đường bằng phảng, đảm bảo ta-luy hai bên đúng kỹ thuật, chuyên môn hóa các bộ phận đi lấy cát sỏi, pha trộn cấp phối… Tất cả đều có cán bộ kỹ thuật trên đội xuống hướng dẫn. Vượt tiêu chuẩn được khen…

…Đêm hôm qua có cơn mưa đầu mùa kèm theo gió lốc địa phương làm đổ một số lán trại. Đại đội phó Lê Hùng Ca và tôi phải ở nhà sửa lại doanh trại, không ra mặt đường. Gần trưa, anh em đang sửa lán bỗng thấy mấy người lạ dưới suối đi vào khu lán chỉ chỉ chỏ chỏ. Anh em sinh nghi, vội ngừng việc nhìn ra theo dõi mấy người lạ đang như quan sát khu vệ sinh và các luống rau. Tôi bảo một anh vào báo cáo anh Ca và mọi người đi lấy súng chuẩn bị sẵn. Thấy chúng tôi đông, súng ông như cảnh giác lắm, một người trong toán đi đầu giơ tay: Chào các đồng chí! Chúng tôi vào thăm các đồng chí đây!

Chúng tôi tản ra hai bên đón chào và phát hiện người đi lẫn trong toán người lạ là Bác Hồ đội mũ cát, khăn mặt che bộ râu. Cảm giác mọi người thật bất ngờ, khó tả. Bác cũng ăn mặc như mọi người, quần xắn cao quá gối để lội suối, người  gầy khô. Anh Ca định hô: Hồ Chủ Tịch…thì người đi đầu và Bác cùng xua tay ngăn lại. Anh em chẳng ai bảo ai vội chạy lại vây quanh Bác.

Bác hỏi:

– Ở đây ai chỉ huy?

– Thưa Bác, cháu ạ! Cháu là Ca, Lê Hùng Ca. Đại đội phó ạ! Thưa Bác, trận mưa gió bất chợt đêm qua làm hỏng một số lán, một số anh em phải ở nhà sửa chữa, còn tất cả ra mặt đường ạ!

Anh em không xa lạ, mà vây quanh Bác, chẳng ai nói được lời nào. Tranh nhau đến gần Bác. Tiếc là ngày ấy không ai có máy ảnh. Bác đi quan sát một vòng trước sân lán trại, khen đơn vị chọn được nơi làm lán kín đáo, cây cao bóng cả, hầm hào đầy đủ. Bác tới khu nhà bếp cạnh suối xem qua rồi trở lại lán đại đội bộ hỏi chuyện.

– Bây giờ Bác hỏi chú chỉ huy đây: các cháu ăn có đủ no không?

– Thưa Bác! Đầy đủ lắm ạ!

– Hừm, đầy đủ lắm! Chú trả lời hay lắm! Các cháu có đồng ý không?

Mọi người nhìn nhau định vỗ tay

Bác giơ tay nói:

– Cháu chỉ huy nói hay lắm. Nhưng là nói dối cấp trên. Chứ các cháu đang tuổi ăn ngủ mà công việc lại rất nặng nhọc thì 20 cân gạo mỗi tháng là cơm không cũng chưa đủ nói chi đầy đủ lắm. Đúng không các cháu!

Chúng tôi vỗ tay rầm rập

– Bác đã xem khu đất tăng gia của các cháu dọc bờ suối. Như thế là tốt. Nhưng đất còn nhiều. Các cháu xem có trồng thêm được không, đã bắt đầu mùa rau muống. Bà con chưa có thói quen trồng rau. Anh em ta trồng rồi đi, để lại cho bà con…

Anh Ca báo cáo với Bác về công việc làm đường, về văn nghệ, thể thao của đơn vị…Anh Tiệc nuôi quân giơ tay xin báo cáo về việc “ông ba mươi” đêm hôm mò vào bếp ăn trộm nửa con lợn…Bác cười, rồi bảo để Bác đề nghị chú Chiến Đội trưởng trả thịt “ông ba mươi” ăn trộm cho các cháu. Bác nhớ! Sau đó, chúng tôi đã nhận được 100kg mỡ đóng thùng hàng ngoại viện.

Chúng tôi rất mừng còn được biết Đội sẽ cho anh em, sang bên xóm Cóc quan đèo Keo Náng xem phim. Ai cũng náo nức, nhớ mãi bộ phim mầu “công phá Berlin” chiếu giữa bãi chân núi vào xóm Cóc. Bõ công chúng tôi chèo đèo lội suối mất một ngày đường. Có tin phim đang chiếu thì Bác tới xem. Bây giờ chúng tôi hỏi anh Tạ Quang Chiến, thì được biết Bác thường sinh hoạt hòa đồng trong nhân dân, không cách biệt tốn kém…

Trịnh Tố Long

Cựu cán bộ Đội 36 – đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – phục vụ ATK Việt Bắc


[i] Vũ Kỳ (1921-2005), Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.

[ii] Trong số 8 người tháp tùng gần gũi, được Bác Hồ đặt lại tên “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” ông Tạ Quang Chiến là người duy nhất dến bây giờ còn sống.