Bài học gần dân của chính ủy Hồ Nghinh với Đội TNXP Khu 5 hoạt động tại mặt trận Đà Nẵng

Đăng lúc: 02-03-2020 10:37 Sáng - Đã xem: 61 lượt xem In bài viết

 

Vào tháng 4 cách nay 50 năm, với trọng trách chỉ huy Đội TNXP vũ trang khu 5, tôi được Bí thư kiêm Chính ủy Đặc khu Quảng Đà Hồ Nghinh[i] tiếp để tôi truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công về chủ trương đẩy mạnh phong trào 5 xung phong vào sâu trong các đô thị, vùng địch kiểm soát.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh (phải) vui mừng được báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
về những chiến công của Đảng bộ, quân, dân Quảng Nam – Đà Nẵng sau ngày giải phóng 1975.

Tôi hết sức bất ngờ, nơi Bí thư kiêm Chính ủy đặc khu tiếp tôi lại diễn ra trong căn hầm tránh pháo, cối tại vùng lõm da báo giữa Gò Nổi, Điện Bàn, nơi địch cày ủi, chà đi xát lại. Rồi sau đó, mỗi khi nghe dứt loạt súng của bọn Mỹ ở khu vực lân cận đi càn, tôi lại được Chính ủy phổ biến tư tưởng chỉ đạo, chỉ huy các Đội TNXP vũ trang: “Muốn đánh được Mỹ, phải cùng Dân lập vành đai diệt Mỹ và nắm thắt lưng chúng mà diệt“. Bí quyết đó, tôi đã được quán triệt đi, quán triệt lại nhiều lần từ khi quân viễn chinh Mỹ mới ồ ạt nhảy vào miền Nam, từ khi cả thế giới lo sợ cho Việt Nam không thể nào chống lại được Mỹ nên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hùng hồn tuyên bố: “Việt Nam hoàn toàn không hề sợ Mỹ, Việt Nam có đủ quyết tâm đánh Mỹ và biết cách thắng Mỹ. Nhân dân Việt Nam sẽ lập vành đai diệt Mỹ và nắm thắt lưng Mỹ mà diệt“.

Sau một thời gian được gần Chính ủy, tôi mới thấy sự quán triệt của tôi chỉ ở lý thuyết, tinh thần, còn thực tiễn diễn ra trên mặt trận thì tôi vẫn như đang ở trên căn cứ, chứ chưa phải đã có mặt giữa chiến trường. Hơn nữa, là tôi chưa có một phần trăm nào, về “biết cách thắng Mỹ” như lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi đang ôm đầu vắt óc để suy nghĩ thì được Chính ủy trao truyền: Tinh thần quyết tâm là điều cần phải có, nhưng tai không nghe, mắt không thấy, tay không sờ thì không thể biến quyết tâm thành thắng lợi được.

Ngay lập tức, trong đầu tôi sáng ra lý do vì sao một cán bộ lãnh đạo cấp cao: Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Bí thư kiêm Chính ủy Đặc khu mà vào nằm sâu trong vùng địch kiểm soát. Trước đây tôi có nghe một số cán bộ kể lại là Chính ủy cho biết nếu cán bộ lãnh đạo mà không sát dân, sát chiến sĩ và sát cả địch… thì làm sao lãnh đạo, chỉ huy được. Chính ủy thường nhấn mạnh: Khi nào cán bộ, đảng viên sâu sát, gần dân và thực lòng vì dân thì dân dù ở trong vùng kìm kẹp của địch cũng sẽ hết lòng với Đảng. Gần Chính ủy tôi còn biết thêm: Muốn “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” như ông cha ta đã dạy thì tai phải nghe, mắt phải thấy, nghe thấy cả ta và cả địch.

Gần Chính ủy tôi còn sáng hơn về cách tiếp cận chủ trương, mệnh lệnh của cấp trên như thế nào để biến thành hành động một cách sáng tạo nhất và đạt mục tiêu cao nhất. Tôi tìm gặp Bí thư Quận 1, Năm Dừa – một “cục cưng” của Chính ủy Hồ Nghinh, được Chính ủy huấn thị và huấn luyện biến thành Tư lệnh biệt động, một “Phù thủy xuất quỷ nhập thần vào ra sào huyệt của địch như đi chợ” –để nghe thuyết giảng về chiến tranh cho các chiến sĩ TNXP vũ trang. Năm Dừa truyền đạt tinh thần của Khu ủy và Đặc khu ủy về chủ trương đẩy mạnh phong trào 5 xung phong và hoạt động của các Đội TNXP vũ trang tuyên truyền vào tận sào huyệt của địch bằng một câu nói độc đáo : “Phải làm cho Mỹ sợ chiến tranh chứ không phải Việt Nam sợ. Phải đưa chiến tranh vào giường ngủ của địch, để chúng nó phải khiếp sợ chiến tranh ngay cả lúc nó đang ngủ với vợ hoặc người tình của chúng. Nếu các bạn làm được như thế thì chúng ta chưa đánh, chúng đã bị tiêu diệt hoặc phải đầu hàng“. Chỉ một câu ngắn gọn đó mà mấy chục chiến sĩ TNXP vũ trang tuyên truyền chúng tôi nhận rõ nhiệm vụ, mục tiêu và “biết thắng Mỹ” như thế nào.

Từ đó, các Đội TNXP vũ trang chúng tôi tìm cách diệt một tên địch thì phải làm cho cả trăm tên khác sợ; một người hành động, phải làm cho địch thấy như cả trăm “Việt cộng[ii]” đang chĩa súng vào đầu chúng. Đặc biệt là phải làm cho Mỹ và bọn đầu sỏ ác ôn sợ cả cấp dưới, lúc nào cũng thấy tay sai là con dao hai lưỡi, là rắn độc trong nhà, ong trong tay áo.

Chúng tôi còn học được bài học của Chính ủy dạy chiến sĩ về công tác dân vận, binh địch vận bằng hành động nhân văn: Trong khi cuộc chiến đấu cực kỳ khốc liệt, anh em biệt động bắt được Lê Phước Lý, cầm đầu Quốc dân Đảng ở địa phươngg, một số cán bộ muốn xử ngay để khỏi bị hậu họa. Nhưng Chính ủy Hồ Nghinh ngăn lại: Ông ta cũng cũng đã già rồi, giết chết chỉ gây thêm mối thù thôi. Nên thả ông ta về, con cháu, họ hàng của ổng sẽ mừng, sẽ cảm ơn cách mạng và có khi họ còn hiểu rõ cách mạng, sẽ cảm tình, giác ngộ, đi theo cách mạng cũng nên.

Sau ngày thống nhất 1975, Hồ Nghinh làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng với phong cách gần dân, tin yêu dân, hết lòng vì dân nên bước vào giai đoạn cách mạng mới, Bí thư Hồ Nghinh đã cùng tập thể lãnh đạo tiếp tục phất cao ngọn cờ đổi mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, ông có công lớn trong việc chỉ đạo cải tạo công thương nghiệp không hoàn toàn theo công thức rập khuôn, giáo điều như nhiều nơi khác và đạt được những thành tích lớn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã thuyết phục được những người lãnh đạo ngành thủy lợi và những quan chức lãnh đạo kinh tế trung ương cho phép xây dựng đập Phú Ninh để giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh Quảng Nam trong điều kiện nguồn vốn xây dựng cơ bản còn rất eo hẹp. Nhờ đó mà nửa tỉnh đất đai cằn cỗi ở phía nam, rộng 25.000 ha, từ một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp thành cánh đồng lúa hai vụ xanh tươi.

Khi gặp lại tôi nguyên Chính ủy Hồ Nghinh vẫn không quên nhắc lại hai bài học tâm huyết mà những năm tháng chiến tranh, hai anh em, hai thầy trò  thường tâm sự, dặn dò nhau: Mặc dù cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới, tình hình, nhiệm vụ, mục tiêu đã khác, nhưng người cán bộ, đảng viên trước sau phải hết lòng vì dân, yêu dân, gần dân thì dân mới tin Đảng, yêu Đảng. Mà khi Đảng có lòng Dân thì có tất cả. Khi mất lòng Dân thì Đảng mất sạch trơn. Bài học thứ hai là phải tin yêu và ra sức chăm trồng thanh niên, để “Đâu Tổ quốc cần, thanh niên có. Việc gì khó thanh niên xung phong”.

 Nguyễn Anh Liên

                                                          Nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Khu ủy, chỉ huy các Đội TNXP Vũ trang Khu 5


[i] Hồ Nghinh (1915 – 2007) là nhà cách mạng Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông tham gia cách mạng năm 1929. Cả cuộc đời cách mạng của ông luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, là Bí thư Tỉnh ủy gần như liên tục suốt 19 năm (1963 -1982). Trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, và ở Đại hội khóa V ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

[ii] Việt Cộng là tên gọi do Hoa Kỳ và chế độ Việt Nam Cộng hòa dùng để chỉ những người cộng sản, thành viên Đảng Lao động Việt Nam chiến đấu chống lại Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa vào thời kỳ Chiến tranh Việt Nam[1]. Tuy nhiên, trong thực tế thì tên gọi này được Hoa Kỳ dùng để chỉ tất cả những người miền Nam chiến đấu chống lại Hoa Kỳ, không phân biệt người đó có phải là đảng viên cộng sản hay không.