Ban Công tác nữ Hội Cựu TNXP Quận 8 tổ chức về nguồn

Đăng lúc: 03-11-2024 4:16 Chiều - Đã xem: 32 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 13 tháng 10 năm 2024, Ban Công tác nữ Hội Cựu TNXP Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức đoàn 30 cán bộ, hội viên thăm Di tích lịch sử chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút[1]; quần thể khu di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực[2], Công viên Tượng đài[3];

Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một trận chiến lớn trên sông diễn ra vào đêm 19 rạng sáng ngày 20 tháng 1 năm 1785 giữa liên quân XiêmNguyễn và quân Tây Sơn tại khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút, thuộc tỉnh Tiền Giang. Chỉ trong nửa ngày, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã dùng chiến thuật phục kích tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 300 chiến tuyền bị tiêu hủy. Với chiến thắng này, quân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược Xiêm, giữ yên bờ cõi phía Nam của Tổ quốc.

Là nơi giao hội giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, Vàm Nhựt Tảo là là nơi ghi dấu chiến công vang dội đốt tàu chiến L’Esperance của thực dân Pháp xâm lược của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ngày 10/12/1861. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong phong trào vũ trang kháng Pháp cuối thế kỉ XIX, nghĩa quân đánh chìm được một tàu chiến của địch. Chiến công “hỏa hồng Nhựt Tảo” là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, sự thông minh, mưu trí của nghĩa quân chỉ với vũ khí thô sơ mà đánh bại được tàu to súng lớn. Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo được chính thức xây dựng vào năm 2003 và hoàn thành vào tháng 10/2010 với tổng diện tích rộng 6,1ha. Toàn bộ khu di tích tọa lạc tại địa chỉ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Bên trong là nhiều hạng mục chính như Nhà văn bia, nhà trưng bày, công viên đá xanh, đền tưởng niệm, đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Công viên Tượng đài Long An được khánh thành năm 2010, nổi bật là “Quần thể tượng người chiến sĩ và người mẹ Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần nền tảng quá khứ oai hùng mà nhiều thế hệ nhân dân và chiến sĩ Long An đã tạo ra. Ngoài quần thể tượng đầy ý nghĩa và có giá trị nghệ thuật cao, còn có các khu vực nhà trưng bày hiện vật chiến tranh và hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học,… để nêu bật sự sáng tạo, tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân và dân Long An trong phong trào Đồng Khởi (1960 – 1961), trong cao trào phá ấp chiến lược (1961 – 1964), trong phong trào toàn dân đánh Mỹ, diệt ngụy (1965 – 1967), tham gia tổng công kích tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Hành trình về nguồn đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng cán bộ, hội viên cựu TNXP Quận 8 về truyền thống lịch sử, đấu tranh của dân tộc ta, trân trọng nghĩa khí, tinh thần chiến đấu, dũng cảm hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và quân, dân Long An “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”; là dịp giáo dục truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, giúp mỗi cán bộ, hội viên thêm nỗ lực góp phần xây dựng hội vững mạnh, Quận 8 văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Một số hình ảnh

Nguyễn Thị Ngọc Thanh-Q8

 


[1] Tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km

[2] Tại ấp 2, xã An Nhựt Tân (nay là xã Tân Bình), huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1996, khánh thành ngày 14 tháng 10 năm 2010.

[3] “Công viên tượng đài” là cách gọi quen dùng của người dân dành cho Công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Được khánh thành vào năm 2010, CVTĐ trở thành biểu tượng của Long An.