Ban công tác nữ Hội Cựu TNXP Quận 8  viếng Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định

Đăng lúc: 31-10-2023 8:33 Sáng - Đã xem: 201 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2023, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 và 13 năm ngày Phụ nữ Việt Nam, Ban công tác nữ Hội Cựu TNXP Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức oàn tham quan 30 người đến viếng Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định[1].

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và một bài văn tế điếu ông. Trích giới thiệu một bài:

Trong Nam, tên họ nổi như cồn

Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn

Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ

Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng Môn

Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ

Quả ấn Bình Tây đất vội chôn

Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ

Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.

Chuyến về nguồn viếng Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định đã để lại những cảm xúc sâu sắc trong suy nghĩ của cán bộ, hội viên cựu TNXP về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, của những anh hùng dân tộc kiên cường dũng cảm, thà hy sinh, nhất định không chịu đầu hàng quân giặc.

Phát huy truyền thống yêu nước và tấm gương dũng cảm của người anh hùng dân tộc Trương Định, mỗi cán bộ,hội viên cựu TNXP Quận 8 càng phải ra sức, nỗ lực nhiều hơn nữa, tích cực đóng góp, xây dựng hội và đồng hành xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh “Văn minh – hiện đại – nhân ái – nghĩa tình”./.

Nguyễn Ngọc Thanh

Quận 8


[1] Trương Định sinh năm 1820, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 1844, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và sinh sống tại huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông). Trương Định là người đứng đầu trong việc khai hoang lập ấp và được triều đình phong cho chức Quản cơ. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định, đại đồn Chí Hòa bị thất thủ, Trương Định đưa quân về trấn giữ vùng đất Tân Hòa và xây dựng nơi đây là căn cứ chống Pháp. Năm 1863, quân Pháp tấn công dữ dội, Ông cùng nghĩa quân phải di chuyển lập căn cứ mới tại “Đám lá tối trời” (nay ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Giặc Pháp tiếp tục truy kích, ông đưa quân sang Lý Nhơn lập căn cứ mới, giặc Pháp phát hiện tấn công, Ông đưa quân trở lại Gò Công. Đêm 19/8/1864, do biết chỗ ở của Ông, tên phản bội Huỳnh Văn Tấn dẫn một toán lính bí mật bao vây ngôi nhà Ông ở, đến sáng ngày 20/8/1864 chúng ập vào nhà, sau một hồi giáp lá cà, Trương Định bị thương nặng. Để không bị bắt, rơi vào tay giặc, Ông rút gươm tuẫn tiết tại Ao Dinh (nay thuộc Ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Hơn 5 năm chiến đấu chống giặc Pháp, Ông đã cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa và bao phen làm giặc khiếp sợ, nổi bật là trận phục kích giết tên đại úy Barbe của Pháp ngày 07/12/1860.

Sau khi mất, vợ ông – bà Trần Thị Sanh – đã chôn cất ông tại thị xã Gò Công. Mộ Trương Định được xây bằng đá ong với hồ ô dước trên diện tích 67m2. Mặt bia có khắc dòng chữ “Đại Nam Phấn Dõng Đại Tướng Quân, Truy Tặng Ngũ Quân, Quận Công, Trương Định Chi Mộ”. Sau bao lần bia mộ bị chính quyền Pháp đập phá, năm 1964, nhân dân đã tu bổ khang trang. Để tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc năm 1972 một ngôi đình khang trang giữa một khu đất rộng, có võ ca, 2 khẩu thần công phục chế và một hồ nước rộng hơn 1.000m2 tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Để che mắt địch, nhân dân gọi là đình Gia Thuận. Hàng năm, đến ngày giỗ ông (20 tháng 8 Dương lịch) nhà nào cũng lập bàn thờ ngoài trời và làm lễ tại đình. Lễ giỗ ông nay trở thành ngày hội của nhân dân trong huyện. Tại quê ông – xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi- cũng có đền thở anh hùng dân tộc Trương Định. Đền được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014, và công nhận là di tích lịch sử ngày 24 tháng 2 năm 2023.