Bàn giao căn nhà tình thương đầy nước mắt

Đăng lúc: 10-05-2018 8:13 Sáng - Đã xem: 89 lượt xem In bài viết

Nhiều năm làm từ thiện, đi tặng quà, trao tiền, bàn giao nhà tình nghĩa, tình thương đều để lại trong ký ức mỗi người những kỷ niệm riêng, vui buồn xen lẫn.

Từ ngày về Hội Cựu TNXP Thành phố, được đi nhiều nơi, gần có, xa có, nhưng phần nhiều là bàn giao nhà ở những vùng sâu, vùng xa, những vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Hàng mấy chục căn nhà tình nghĩa, tình thương của ba năm qua Thành hội trao tặng từ nguồn quỹ của Hội tạo ra, từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các đoàn thể, các mạnh thường quân. Nhiều nơi tài trợ trọn gói cho một căn nhà, có nơi tài trợ khoảng 50%, còn lại là quỹ Hội. Có đơn vị tài trợ không đủ xây dựng phần thô, Thành hội tìm nguồn cố gắng xây dựng cho đồng đội một căn nhà tình thương trên 40 triệu đồng, hay 50 triệu đồng theo mức chuẩn của Thành phố quy định. Qua đó, đã giúp nhiều cựu TNXP và hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có mái ấm tình thương, có nơi sinh hoạt và có chỗ ở cuối đời, cho các cháu có nơi học tập, có nơi đặt bát nhang thờ cúng ông bà tổ tiên, có nơi treo tờ lịch, đồng hồ coi ngày, xem giờ. Một số hội viên nhận được nhà không dám tin cuộc đời mình có căn nhà được đồng đội góp vốn xây cho; còn có người khác thì bảo: cả đời không dám mơ đến căn nhà xây của Thành hội tặng cho như thế này.

Hội Cựu TNXP Thành phố nhiều năm qua thực hiện chương trình “đi tìm đồng đội”, đã tìm và quy tập trên một ngàn hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang các Tỉnh, Thành phố và nghĩa trang quê nhà; xây dựng hàng trăm nhà tình thương, tình nghĩa, tặng hàng trăm sổ tiết kiệm có giá trị, hàng ngàn sổ BHYT, hàng trăm ngàn phần quà và nhiều tỷ đồng tiền mặt. “Thanh niên xung phong – Một thời và mãi mãi” là hoài bão lớn lao, tâm niệm thiết tha của những người cùng chí hướng, cùng đồng đội TNXP. Lo cho hội viên cựu TNXP có cuộc sống ổn định là như lo cho chính mình.

Lần này, nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2018), Thành hội phối hợp với đơn vị tài trợ đi về Đất Mũi bàn giao căn nhà tình thương cho một người đồng đội Phạm Văn Nguyên, cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ. Có thể nói, cuộc bàn giao nhà đầy xúc động, nghĩa tình. Căn nhà “tình thương và đầy nước mắt”, đã để lại trong lòng mỗi người có mặt hôm đó những ký ức khó quên, những tình thương lắng đọng.

Âu cũng là số phận! Như tâm nguyện khi đi TNXP theo cách mạng năm 1968, người thanh niên Phạm Văn Nguyên lúc bấy giờ đã hứa: “Cuối đời con sẽ về với quê hương”. Cứ tưởng lời nói, gió bay nhưng nào ngờ hơn 35 năm sau, ở tuổi ngũ tuần anh trở về lại với nơi chốn nhau cắt rốn – xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Chiếc xuống máy đưa chúng tôi theo con kênh nhỏ ngoằn nghoèo xa tắp về nhà anh Phạm Văn Nguyên (ảnh trên) trong mưa nhẹ hạt. Ai cũng hồ hởi, vui vẻ để mong gặp người đồng đội cũ. Đến nơi, không thấy chủ nhà, còn căn nhà tình thương không như thiết kế, không thi công theo ý tưởng của Thành hội ban đầu. Đó là căn nhà không xây tường để có chỗ gắn biển “nhà tình thương” mà các đơn vị tài trợ thường làm; mặt trước không có độ cao cần thiết để treo tấm băng rôn có nội dung chính của buổi lễ và còn nhiều chi tiết khác nữa chưa được đầu tư.

Như hiểu được tâm tư, bức xúc của nhiều người, người đồng đội hiện Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau phát biểu nói rõ lý do và giá trị thực của căn nhà. Khi biết rõ ngọn ngành thì mọi người mới vỡ lẽ, có người không cầm được nước mắt, ngậm ngùi. Nhiều người thương và tiếc cho Nguyên, một con người từng xông pha trong lửa đạn, dày dạn kinh nghiệm và từng trãi trên những nẻo đường Tổ quốc. Nay chịu chấp nhận với số phận tai biến, cô đơn và nổi bất hạnh chưa có hồi kết.

Anh Nguyên sống một mình, cơm cháo nhờ đứa em nhà bên nấu và đưa tới tận chỗ ngồi mới ăn được. Bản thân Nguyên không có một nguồn tiền nào khác, lấy đâu mà tự lo cho đến lúc nằm một chỗ. Nằm một chỗ chỉ còn là thời gian, bây giờ đi lại đã khó, mai mốt sẽ khó hơn. Bốn mươi triệu đồng Thành hội và Công ty Cầu Tre cho, chúng tôi bàn nhau trích ra một nửa mua các vật tư thiết yếu để dựng căn nhà, tiền công đứa em ruột cho. Còn lại hai mươi triệu đồng gửi lấy lãi suất tiết kiệm lo cho bữa ăn hàng ngày của Nguyên. Đối với Huyện Hội Đầm Dơi không có tiền cho, nhưng còn nghĩa, còn tình và còn đầy đủ, trọn vẹn sự thủy chung đồng đội. Bây giờ, cho đến lúc Nguyên nằm xuống Huyện hội theo dõi, quản lý nguồn tiền hiện có giúp Nguyên có mà sống.” Nói rồi, Tư Hồng giới thiệu chị Mỹ Thu, Phó Chủ tịch Huyện hội Đầm Dơi thông tin về số tiền lãi tiết kiệm ít ỏi vừa rút từ ngân hàng “khoe” với mọi người trong không gian im ắng.

Anh Phan Hữu Thiện, người Chính trị viên đại đội 198 Sài Gòn – Gia Định TNXPGPMN, thủ trưởng cũ của anh Nguyên – không nén được xúc động, anh trao cho nhủ nhân một bì thư tiền của anh và đồng đội gửi tặng và nói cho mình anh Nguyên vừa đủ nghe: Tủ lạnh này là quà của anh chị em 198 cho mày, nếu em thấy không sử dụng thì quy ra tiền để nhờ Tư Hồng thêm tiền gửi tiết kiệm mà có sống qua ngày.

Việc bàn giao chưa tới hồi kết, nhưng một số thành viên trong đoàn đã dần dần rời đi khỏi chỗ ngồi. Nhiều người tiếp tục tặng tiền, tặng quà cho chủ nhân và có một số người đứng đằng xa để không ai thấy mình đang đượm buồn.

Trưởng đoàn vỗ nhè nhẹ vào vai của Nguyên và nói: “Cuộc gặp này và khi có điều kiện sẽ gặp lại nữa”. Đó là lời phát biểu để kết thúc việc bàn giao nhà của chị Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thành phố (ảnh trên) và chị bổng ngừng hẵn lại. Thì ra, chị đang nghẹn ngào, xúc động. Phạm Văn Nguyên đang khóc, anh khóc như đứa trẻ lên ba, làm cho mọi người không cầm được nước mắt. Lâu nay, tôi chưa bao giờ thấy chị Năm yếu lòng đến thế, nhưng có lẽ chị đang buồn thương cho người đồng đội năm xưa vốn gan dạ, quyết liệt, yêu đời mà giờ đây ốm yếu, tàn tạ.

Ngôi nhà tình thương và chủ nhân Phạm Văn Nguyên sẽ là những câu chuyện theo mãi với những người bạn cùng chiến hào một thời đạn bom, một thời oanh liệt. Và hơn thế nữa, tình bạn của họ như càng gắn bó, thắm đợm hơn, chưa nhạt nhòa và tình cảm không bao giờ vơi cạn. Thời gian qua đi, con người sẽ già đi, nhưng tâm trí, bóng hình, tình yêu đồng đội TNXP của họ vẫn mãi mãi còn.

Đối với Thành hội, những tháng đầu năm ra quân thi đua được cộng thêm điểm. Điểm của bàn giao một căn nhà tình thương; điểm chung tay cùng Thành phố chăm lo cho người nghèo; điểm vì nghĩa tình đồng đội; điểm dành dụm tiền từ nguồn quỹ Hội chia sẻ cho người nghèo. Nước mắt không chỉ dành cho những nổi buồn, mà tình thương mới nâng tầm lẽ sống chân thực và làm người có ích cho đời./.

Nguyễn Thành Chinh

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hồ Chí Minh