Ban xây dựng 67 góp phần làm nên lịch sử đường Trường Sơn

Đăng lúc: 19-06-2024 1:58 Chiều - Đã xem: 55 lượt xem In bài viết

Ngày 05/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm[1] tổ chức Đoàn công tác đặc biệt, làm nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất, súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Quân số biên chế như 1 sư đoàn, gọi là Đoàn 559. Tiểu đoàn 301 là đơn vị đầu tiên bí mật xuất quân mở tuyến giao liên bằng gùi thồ “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức băng rừng lội suối, vượt Trường Sơn theo phương thức tuyệt đối bí mật. Sau 8 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã bàn giao hàng hóa (chủ yếu là vũ khí) cho Khu 5. Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã mang vác, chuyển cho Khu 5 và Mặt trận Trị-Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng vạn viên đạn, hàng nghìn quân cụ thiết yếu, đồng thời đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường. Từ đó tuyến chiến lược này đã được khơi thông Nam – Bắc. Sau 4 năm, bằng mang vác, gùi thồ đến cuối năm 1963 đã đưa được 4.400 tấn vũ khí và 3 ngàn cán bộ, chiến sỹ vào chiến trường.

Tác giả (người cầm máy quay) trong đoàn về nguồn của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và Ban liên lạc Ban Xây dựng 67 viếng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày 19/4/2019. Ảnh: Đồng Sỹ Tiến 

Bị thất bại tại chiến trường, ngày 05/8/1964 Mỹ đã gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lấy cớ mở rộng chiến tranh, đánh phá miền Bắc, hòng ngăn chặn hậu phương chi viện cho miền Nam. Thực hiện Nghị quyết 12 BCHTW tháng 12/1965 xác định phương châm tác chiến chiến lược, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 30/4/1965, Quân ủy Trung ương đã ra Quyết định 54-QU/TW nâng cấp Đoàn 559 thành Quân đoàn và cử Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ[2], Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí Vũ Xuân Chiêm làm Phó Chính ủy, đồng chí Võ Bẩm làm Phó tư lệnh và điều 2 Thứ trưởng Bộ GTVT là Nguyễn Tường Lân và Nguyễn Nam Hải làm Phó tư lệnh 559, đồng chí Phan Trầm, Cục phó Cục kiến thiết cơ bản làm tham mưu cầu đường.

Ngày 27/12/1962, Chính phủ giao Bộ GTVT thành lập các Ban Xây dựng trong đó có Ban 64, Ban miền Tây và Cục đảm bảo giao thông tiền phương. Bộ điều động các Công ty đường 8, Công ty Đường sắt 2 vào đảm bảo giao thông đường 15C, công trường 4 và mở đường 21, 22A, 22B. Đến năm 1965 thì đổi tên Cục này thành Cục Công trình 1. Giữa năm 1965, phần lớn quốc lộ 1A, 15A bị địch đánh phá ác liệt. Chúng quyết cắt Đèo Ngang cùng với vùng Đại Lợi – Chu Lễ, đường 15A. Để tăng cường cho Cục 1, Bộ GTVT điều động từ Ban miền Tây các Công trường 111, 113, 117, 116, 115, 120, sân bay Vĩnh Phúc, Yên Bái và 13C, 12C của Ban 64 bổ sung cho Cục 1. Ngoài ra còn bố trí 20 ngàn TNXP ở tuyến đường 21 gồm N35, N53; tuyến 22A có N37, N41, N43; tuyến 22B có N39. Tổng số cán bộ công nhân viên, TNXP của Cục 1 lên đến 35 ngàn người.

Năm 1966, để mở tuyến đường đặc biệt (đường 10) nối quốc lộ 15A từ Lệ Ninh (Quảng Bình) đến đường 9 (miền Nam) Bộ Giao thông vận tải giao Cục công trình 1 huy động 6.000 người, 40 máy ủi loại C100, T100, ĐT 54 mở rộng đường mòn thành đường ô tô; giao cho 5 công trường 7A, 7B, 7C, 7E, 7G và 2 đội cơ giới thi công. Đến tháng 1/1969 đường 10 đã thông toàn tuyến đến Xê Băng Hiên.

Cùng lúc đó Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh 559 khảo sát, thiết kế mở đường 20 để phá thế độc tuyến. Tuyến đường vượt Trường Sơn này đi từ Phong Nha qua A Ki, Ta Lê, Đèo PuLaNhich dài 125km (có 41km đá tai mèo), phải hoàn thành trong 105 ngày. Ngày 30 Tết Bính Ngọ (27/1/1966) vào hồi 17h30, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân, Phó Tư lệnh 559 đã thay mặt Tư lệnh và Bộ trưởng Bộ GTVT phát lệnh toàn tuyến nổ bộc phá, mở màn chiến dịch thi công. Có 4.800 cán bộ, chiến sỹ TNXP gồm: Lực lượng xe máy, thiết bị; Đội TNXP 25 Nam Hà, Đội 3 Nghệ An, Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 33 ông Lam Chi, Đội 6 ông Hoàng Đạc, C7 Quảng Bình… Trung đoàn 10 công binh, Trung đoàn 4 và 5 bộ binh trên đường vào Nam chiến đấu, được lệnh dừng lại mở đường. Chỉ trong 77 ngày đêm, ta mở thông toàn tuyến từ Phong Nha đi A Ki.

Từ cuối năm 1965, địch đánh phá ngày càng ác liệt miền Bắc, nhiệm vụ của Bộ GTVT ngày càng nặng nề, đồng chí Phan Trọng Tuệ thôi kiêm Tư lệnh và Chính uỷ Đoàn 559. Hai Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là Đại tá Hoàng Văn Thái, Vũ Xuân Chiêm được điều về làm Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559. Đầu năm 1967,  Đại tá Đồng Sỹ Nguyên (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương) được cử làm Tư lệnh thay Đại tá Hoàng Văn Thái.

Ngày 23/4/1967, Bộ GTVT đã quyết định điều động số cán bộ, kỹ sư và phần lớn là lực lượng làm đường 20 về thành lập Ban 67. Đồng chí Phan Trầm được bổ nhiệm làm Trưởng ban. Lực lượng phối thuộc Ban xây dựng 67 khi ấy là:

Binh trạm 14: Quản lý đường 20; 68km đường 15 từ Xuân Sơn đi Dân Chủ gồm: Đội TNXP 81 Hà Tây, Thái Bình, Đội TNXP 23 Nghệ Tĩnh, Đội 263 TNXP Thanh Hóa.

Binh trạm 12: Đường 12 từ Khe Ve đến Mụ Dạ 42 km, Đường 15 từ Tân Đức – Bắc Xuân Sơn. Lực lượng gồm các Đội TNXP 83 Nghệ An, Thanh Hóa, Đội TNXP 89 Thái Bình; Đội 29 Thanh Hóa, Đội 75 Quảng Bình ở Đèo Đá Đẽo, Đội 73 Quảng Bình và Tiểu đoàn công binh ở cửa khẩu Mụ Dạ – Lằng Khằng.

Binh trạm 16: Tổng đội 768, Đội 44 phụ trách từ Km0 đường 10 đến Bắc Ngầm Long Đại; Đội 39 (có thêm C271 Nghệ An, C394, C395 Thái Bình) phụ trách từ Nam ngầm Long Đại đến Km65 Đường 18, từ Km24 đường 10 đến Sê Pôn; Đội 73 phụ trách các đường ngang, Đường 10 từ Km65 đến ngã ba Dân Chủ, đoạn đường 15 từ Ngã ba Dân Chủ đến Bến Hải; Đường 16 từ Thạch Bàn đến Trà Lỳ 65km cùng các tuyến A, C, K qua sông Bến Hải vào Nam giao các Đội TNXP 34 Quảng Bình, Đội Quyết Thắng; Tiểu đoàn 33 công binh phụ trách phà Long Đại và trọng điểm Cổ Kiểng, bến Tiến.

Lực lượng giao thông có: Công trường thống nhất 12A, Công trường 25 (điều từ Cục 2 vào) phối thuộc Binh trạm 16, hạt giao thông Lệ Ninh; Công ty cầu 4 (có 4 đội cầu 8, 10, 12, 14). Cục đường bộ cũng chi viện tăng thêm đội cầu 9. Sau này Ban xây dựng 67 tách Công trường 25 thành 2 đội và thành lập 4 đội cơ giới phục vụ 4 tuyến vượt cửa khẩu (Đội 14, 16, 20, Đoàn 10) một xưởng sửa chữa ô tô 3/2 (sau này thành nhà máy Đại tu 500 xe); Đội khảo sát thiết kế, Đại đội thông tin, Bệnh viện 24, 26, bệnh viện điều dưỡng, trường bổ túc nghiệp vụ, trạm đưa quân T30 (Hà Nội) và trạm đón quân T50 (Hà Tĩnh) có thêm cả Đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom” do đồng chí Tô Huy Rứa làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Bích Liên làm đội phó. Sau sáp nhập với Đoàn văn công của Bộ. Cùng lúc đó Bộ GTVT, Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam còn giao cho Đoàn 559 lực lượng TNXP thuộc các tỉnh Hà Tây như Đội 303 trực thuộc Trung đoàn 98, K53 trực thuộc quân khu Trị Thiên Huế vào sâu các tỉnh phía Nam mở đường chiến lược. TNXP Thái Bình trực thuộc Binh trạm 15 như Tiểu đoàn D152, D153, N89 đảm bảo các trọng điểm đường 12 từ Khe Ve, qua Bãi Dinh đi Mụ Dạ đến O50 đi Khăm Muộn; Sê Băng Hiên vào Đường 9 phục vụ chiến dịch Khe Sanh Quảng Trị. Các đơn vị thông tin, xăng dầu Cục hậu cần tiếp nhận lực lượng TNXP để xây dựng đường ống xăng dầu, mạng lưới thông tin phục vụ các chiến dịch.

          Thành lập Trung đoàn 67: Đội TNXP 74, công trường 68, 69 chuẩn bị làm đường Rào Tre – Khe Trạ. Bộ điều động đồng chí Lê Ngọc Hoàn cùng một số kỹ sư, cán bộ về Đoàn 559 thành lập Trung đoàn 67 để làm đường. Sau Mậu Thân (1968) Hội nghị Paris đi vào đàm phán, Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc, nhu cầu vận tải cho chiến trường ngày càng tăng cao, Trung ương quyết định nâng cấp các tuyến đường Hồ Chí Minh, gọi là công trình 71. Ban Xây dựng 67 thành lập 4 công trường lớn: Công trường 10 với 7.500 quân, Công trường 20 với 7.000 quân, Công trường 16 với 3.500 quân, Công trường 12 với 3.000 quân. Lực lượng vận tải có Cục vận tải của Tổng cục Hậu cần, 2 sư đoàn vận tải 471 và 571 vào Tổng cục tiền phương.

          Mỹ lại tiếp tục đánh phá miền Bắc và chặn đứng các tuyến đường giao thông của ta. Chúng điên cuồng dùng B52, C130 và máy bay phản lực dội bom xuống mạng lưới đường Trường Sơn như “một sa mạc lửa”. Khí thế của cán bộ chiến sỹ của Bộ Tư lệnh 559 và Ban Xây dựng 67 lên cao. Trước đây ta có khẩu hiệu “mở đường mà tiến” thì đến năm 1970 có khẩu hiệu “Đánh địch mà đi”. Bộ Quốc phòng điều động cả 6 Trung đoàn cao xạ của Sư đoàn 377; 17 Trung đoàn Cao xạ và tên lửa độc lập vào tác chiến cùng 28 tiểu đoàn cao xạ của 25 Binh trạm. Kết quả ta đã bắn rơi 2.455 máy bay. Đường cùng Mỹ lại mở chiến dịch Linebacker II, dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972.

          Mỹ tập trung đánh phá ác liệt toàn tuyến Trường Sơn. Chiến sỹ và quân, dân Trường Sơn đã phải chịu 5,5 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học, hy sinh 20.000 bộ đội, TNXP, thương tật khoảng 30.000 người. Riêng các tuyến Ban 67 phụ trách địch cũng đã đánh rất ác liệt: từ 01/01/1968 đến 30/10/1968 Mỹ đánh 11.860 trận với 194.095 quả bom, bình quân 311 quả/km, chưa kể bom bi và pháo kích. Ban Xây dựng 67 hy sinh 1.401 cán bộ, chiến sỹ hiện đã yên nghỉ trên 3 nghĩa trang: Vạn Ninh 290 liệt sỹ, Thọ Lộc 560 liệt sỹ, Tân Ấp 320 liệt sỹ, nhiều địa chỉ điển hình như hang Tám Cô đường 20, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

          Tổng kết 16 năm (1959 – 1975), Bộ đội Trường Sơn (trong đó có Ban Xây dựng 67) đã thông đường Hồ Chí Minh từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Lộc Ninh (Tây Ninh) với chiều dài 17.000km: Gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, đường giao liên dài 3.000km, đường ống xăng dầu dài 14.000km, đường sông Sê Băng Hiên, đường sông Sê Pôn, Mê Kông…và 13.000km đường dây thông tin, bưu điện, tải ba; đã chi viện cho chiến trường 5,5 triệu tấn xăng dầu, đưa 1,1 triệu cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường, 560.000 cán bộ, chiến sỹ ra Bắc. Bắn rơi 2.455 máy bay địch, bắt sống 18.700 tên địch. Trong chiến thắng trên, có sự đóng góp đáng kể của cán bộ, chiến sỹ, kỹ sư, TNXP và lực lượng giao thông của Ban Xây dựng 67. Sau thắng lợi của ta ở các chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” Hà Nội, buộc Mỹ, VNCH phải ký hiệp định Paris về Việt Nam. Ta tập trung vận tải để giải phóng miền Nam và phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Kết thúc một thời kỳ oanh liệt của bộ đội, TNXP Đoàn 559 và Ban Xây dựng 67.

          Sau ngày giải phóng, Ban Xây dựng 67 đã chuyển thành CIENCO5; Bộ đội Trường Sơn chuyển thành Binh đoàn 12 (sau là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) tiếp tục thực hiện khôi phục giao thông vận tải sau chiến tranh và xây dựng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa.

          16 năm từ đường mòn Hồ Chí Minh trở thành đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh phục vụ kháng chiến chống Mỹ, đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ, chúng ta đã có những cán bộ chỉ huy xuất sắc như các đồng chí Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Hoàng Văn Thái, Vũ Xuân Chiêm, Đồng Sỹ Nguyên, Đặng Tính, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Nam Hải, Phan Trầm, Lê Ngọc Hoàn…, có đội ngũ tham mưu về cầu đường, công binh, thông tin, xăng dầu, hậu cần và vận tải xuất sắc cùng hàng vạn cán bộ, chiến sỹ bộ đội, TNXP, giao thông vận tải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NGÔ TUYẾN

Nguyên cán bộ C892, N89, D152, BT15, Đoàn 559  và Ban liên lạc Ban Xây dựng 67

[


1] Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008), Anh hùng LLVTND, nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam (1971-1978). Ông là người có công lớn trong việc mở đường Trường Sơn trên bộ, là tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559.

[2] Ông làm Bộ trưởng GTVT hai gia đoạn: 1960 – 28 tháng 3 năm 1974; 1976 – tháng 2 năm 1980.