Báo cáo kết quả cuộc hành hương về nguồn – tỉnh Quảng Trị nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng 1/5 (1972 – 2022)

Đăng lúc: 30-04-2022 8:48 Sáng - Đã xem: 192 lượt xem In bài viết

BÁO CÁO KẾT QUẢ CUỘC HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN – TỈNH QUẢNG TRỊ

NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG 1/5 (1972 – 2022)

 Nhật ký của Vũ Trọng Kim

Chuẩn bị Hành trình Về Nguồn

Hội nghị BCH TW Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) ngày 10 tháng 12 năm 2021 đã chủ trương tổ chức các hoạt động “Về Nguồn”, nhân kỷ niệm 50 năm – tỉnh Quảng Trị – tỉnh đầu tiên được giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược.

 “Có nơi đâu trên thế giới này

mỗi tất đất được đo bằng máu

 mỗi dòng sông đong đầy nước mắt

 chảy vào lòng thăm thẳm nỗi đau…”

(Trích bài dự thi của Hà Sáu – Quảng Nam)

Chỉ huy trưởng phổ biến kế hoạch hành quân

Đúng vậy, hành trình của chúng ta như theo nhịp đập trái tim, rầm rập theo bước chân người chiến sĩ năm xưa, không phải hôm nay mà đã khởi động từ mấy tháng nay rồi. “Tâm niệm-Tri ân và Học tập” – Đó chính là tấm lòng hướng về cội nguồn, rất sinh động. Tổng hợp bài viết dự thi của 3.974 người tham gia và có thể nhiều người dõi theo, hoặc ít nhiều có tham gia góp ý vào bài thi, chọn lựa những tấm ảnh đẹp để làm nổi bật dáng đứng người Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Giải phóng quân, khắc hoạ lên chân dung người Mẹ tiễn con lên đường ra mặt trận.

Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ

 Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi

 Ta kiêu hãnh trên tuyến đầu đánh Mỹ

 Có miền Nam anh dũng tuyệt vời!

 (Thơ Tố Hữu)

Trong thời kỳ kháng chiến, Bác Hồ kính yêu thường dạy: “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Trên đường hướng vào Quảng Trị, 24 tháng Tư chúng tôi có một đêm rất chi là vui, giao lưu với các cựu TNXP và Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Bình (ảnh dưới). Những câu chuyện, những bài ca sôi nổi, liên tục bay vút lên cao, những bài ca Quảng Bình quê ta ơi; “ Một tay Mẹ lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày” – Mẹ Suốt đưa chúng tôi vào một thế giới huyền thoại năm nào!

Sáng sớm ngày 25 tháng Tư

 Ô tô chúng tôi lăn bánh vào “ Vùng đất thép” Vĩnh Linh

 Đánh cho giặc Mỹ tan tành

 Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng

Trích thư khen quân và dân Vĩnh Linh (10-8-1968) của Bác Hồ

Anh hùng là đây! 6 đại đội dân quân tự vệ các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái, Vĩnh Thành vào tận Cửa Việt săn những chiếc tàu giặc; nhân dân che chở Trung đoàn 270 có mấy lần bất ngờ tấn công căn cứ hậu cần Cửa Việt làm cháy 5 nhà kho, phá huỷ 30 xe quân sự. Cho tới hôm nay, nhiều người trong chúng tôi chưa hề đến đây, chưa một lần thăm địa đạo Vịnh Mốc, hãy nhìn đây – Bàn tay trần với cuốc xẻng thô sơ, đào 16 ngàn mét khối đất đá, với trên 18 ngàn ngày công, 2 năm hoàn thành kỳ tích này khi trên đầu bom rơi đạn nổ, nhưng “một tấc không đi, một ly không rời; mỗi làng, mỗi xã là một pháo đài chống quân thù”.

Tham quan địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của một ngôi làng rất Việt Nam, được kiến tạo trong lòng đất, chiều sâu từ 20 đến 28 mét, tổng chiều dài lên tới 2034 mét, có những đường hầm ngang vắt qua trục đường chính dài 769 mét; 6 cửa hầm thông lên đồi như những lỗ thông hơi, 7 ca thông ra biển đón không khí điều hoà từ biển cả quê hương. Các tầng hầm có phân khu Bộ chỉ huy quân sự, hầm chứa vũ khí, quân trang quân dụng; có giếng nước, nơi sinh sống hàng ngàn người dân quê. Tại đây ra đời 17 em bé trong tổng số 60 em sinh sống ngày đêm trong hầm. Thô sơ bình dị nhưng vĩ đại, nơi đây được mệnh danh là “Vùng đất thép”, khách thập phương trên thế giới tới lui đều trầm trồ khen ngợi.

 Chia tay nơi đây, trong chúng tôi ai cũng lưu luyến. Nhìn qua phía bên kia cách con sông Bến Hải không xa là khu rừng rậm – Rừng Rú Lịnh che chở bao binh đoàn ra tiền tuyến; bằng những chiếc ghe nhỏ, cô gái, cụ già chèo chống qua bến đò A – ghi dấu ấn thầm lặng đường dây ra chiến trường. Những ai qua đây, cho tới bây giờ còn vẳng nghe tiếng ngâm thơ của Nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, cô sinh ra từ làng quê có luỹ tre Tùng Luật, bên con sông Bến Hải, có chiếc cầu Hiền Lương chứng tích đất nước bị phân đôi. Xe chúng tôi dừng lại, hướng lên phía Tây, mọi người trông rõ màu đất màu mỡ, phì nhiêu của vùng Nam Sơn 3 xã Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm. Đưa mắt lướt lên những đám mây trôi, in hình đại ngàn của vùng núi Vĩnh Ô tới Cù Bai Hướng Hoá – nơi có con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua thông suốt Bắc Nam.

Tiếp tục di chuyển trên chiếc cầu hiện đại mang tên “cầu Cửa Tùng”, nhìn ra cửa biển một màu xanh bao la, nơi ấy có “con cua đá là con cá đua”, lính Giải phóng và dân quân trên đảo Cồn Cỏ này bắt ốc, hái rau cải thiện bữa ăn. Thế đó, mà đánh giặc rất ngoan cường, 2 lần được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng. Nay là đảo Du lịch, TNXP ra đây xây dựng tiền đồn Tổ quốc, mang tên đảo Thanh niên, đồng thời mang tên là Huyện đảo từ một thôn của xã Vĩnh Quang, được Quốc hội thông qua theo kiến nghị của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị năm 2003. Trong các bài dự thi do Hội Cựu TNXP tổ chức lần này, có những bài viết về nơi đây oai hùng và cảm động lạ thường.

Tham quan cầu Cửa Tùng

Mặt trời tháng Tư lên cao, nắng nóng lắm rồi. Dưới chân chúng tôi đứng đây là chiếc cầu nhiều cơ duyên, bất chợt tôi thốt lên thành thơ:

Qua Cầu Cửa Tùng tôi bồi hồi nhớ lại

Bến Hải sông ơi, mấy dòng nước chảy qua đây

Giọt nào cay giọt nào mặn có ngọt ngào

Vui lắm thay, có mồ hôi ai đã dựng xây?

Từ chiếc cầu này phóng ra con đường ven biển từ Vĩnh Linh vào Gio Linh, Cửa Việt…,ai ai cũng có niềm hy vọng phát triển du lịch, dịch vụ và nghề biển, cải thiện vùng đất cát, bãi ngang vốn nghèo khó. Bây giờ cư dân ở đây nhường không gian cho công trình năng lượng mặt trời khổng lồ, chưa bao giờ thấy.

 11 giờ 30 trưa 25 tháng Tư

Chúng tôi về đến Khách sạn Đông Trường Sơn, khách sạn được xây ngay sau ngày giải phóng, nay được tu bổ, tân trang khá tiện nghi. Nhiều cánh quân cựu TNXP cũng vội vã kéo nhau về hội tụ. Tay bắt mặt mừng, đậm chất Thanh niên xung phong! (Gần 200 đồng chí TNXP cả nước).

Ngày 26, 27 tháng Tư

Chúng tôi đại diện cựu TNXP cả nước xin ghi lòng tạc dạ, tri ân những chiến sĩ đã hy sinh. Chúng tôi là những đồng chí, đồng đội của các anh, mới ngày nào bao khó khăn vất vả, TNXP chúng tôi vác súng đạn lên chiến hào, đốn cây làm cầu, đào đất làm đường, mang cơm nước lên các chốt, các điểm cao. Nhớ lại, chị Đoàn Thị Liên (sinh năm 1944) người anh hùng TNXP quê Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đã từng hô vang với đồng đội: “Không, không để cho các anh bị thương lần thứ hai nữa”.

 

Thỉnh chuông tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9

Thắp nén tâm nhang, cúi đầu tưởng nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang quốc gia Đường 9, nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Khai lễ tưởng niệm bằng 9 tiếng chuông vang lên xao động đến nao lòng. Có đồng chí ôm lấy tấm bia mộ, đọc dòng chữ…, thấy quê các anh ở khắp mọi miền. – Các anh chị vào đây khi nào, nằm lại đây không về với mẹ. Anh ở đồi cao, chị ở chiến hào, người hy sinh dưới con suối, người đã hy sinh tận bên nước bạn Lào, về cùng nhau ở đây nơi chín suối. Chúng tôi nhà xa lắm, chỉ đến thăm các anh một đến hai lần. Ở đây còn có bà con cô bác, các em thiếu nhi Đông Hà, Gio Linh – Quảng Trị sẽ đến bên các anh thường vào những ngày lễ ngày tết. Các Anh có đồng ý không? Tôi viết những con chữ này, đọc lại những dòng này, nước mắt chảy lưng tròng.

Dâng hoa tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn

Chúng tôi đến thăm di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tại huyện Cam Lộ, nhìn thấy những hình ảnh, kỷ vật tuy có phai màu theo năm tháng, những dấu son một thời oanh liệt, thể hiện sự độc đáo, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, sự tài tình của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chủ tịch TW Hội Cựu TNXP thay mặt anh chị em viết vào sổ lưu niệm, có dòng: “Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, mở cửa đón khách quốc tế năm 1973 tại đây là một chỉ dấu hiện thực sinh động; là biểu thị cho ý chí, khát vọng thống nhất non sông của đồng bào miền Nam, bao nhiêu năm bị chia cắt bởi giới tuyến 17”.

Viết lưu niệm tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Theo Đường 9 chúng tôi hướng lên phía Tây, qua cầu Rào Quán, đường đi có chút hiểm trở nhưng thích thú vô cùng, bởi đây là con đường vào ra quốc tế, “Con đường xuyên Á”. Đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, nghe kể chuyện Cù Bách, Khe Sanh, những năm sáu mươi chiến tranh trở nên căng thẳng. Chiến thắng 1968 vang dội cả trời Tây, Mỹ âm mưu tái chiếm bằng chiến dịch Lam Sơn 270, nhưng bị quân dân ta đánh cho tơi tả. Lần đầu xe tăng ta xuất kích, pháo hạng nặng trút lửa xuống đồn giặc. Địch muốn làm to chuyện, dự định ném bom hạt nhân xuống đây, nhưng làm sao khuất phục được khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc này.

 Xe chúng tôi chuyển bánh lên thăm Di tích Tà Cơn, Bảo tàng Chiến thắng Đường 9. Ôi! nơi đây sao mà đẹp thế, cây cối xanh tươi, rẫy cà phê bát ngát bao la. Bà con Vân Kiều, Pa Cô nơi đây đi làm nương bằng xe máy, ô tô, xe công nông xình xịch đầy ắp hàng hoá. Nghe hướng dẫn viên Tuấn Minh (ảnh trên) thuyết minh như thể một “sĩ quan cao cấp”, trình bày về chiến lược, chiến thuật của 5-6 sư đoàn quân giải phóng phối hợp tác chiến nhịp nhàng, cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích. Tâm trí chúng tôi giờ này ùa về, tua lại những thước phim, cuốn sách, hình ảnh về thời tuổi trẻ với chiến tranh, gợi mở nhân vật Pavel Korchagin hiển hiện trước mắt mình.

Tham quan di tích sân bay Tà Cơn

Các đồng chí 70 tuổi trở lên tranh nhau kể chuyện, hình như bao ký ức hồi tưởng chất cao như núi. Ở đó, phía bên kia hồ Thuỷ điện là núi – ấy là “đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy” trong bài hát của nhạc sĩ Huy Thục. Tôi không biết các đồng chí tuổi cao nghĩ gì, các đồng chí trẻ tuổi nghĩ gì? Thật khó đoán định. Có lẽ cảm nghĩ chung, tôi biết mọi người đang vui, đang xúc động với các thế hệ của thế kỷ 20 sao mà anh dũng quá, tự hào quá! Tới khi chúng tôi lên Khe Sanh-Hướng Hóa mới thấy hết tầm cỡ chiến thắng năm 1972. Đồng chí lãnh đạo huyện mời chúng tôi vào nghỉ chân, xơi nước. Chào hỏi xong đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hồ Văn Vinh “tuyên truyền ngay” về Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh, tại vị trí chúng tôi dừng chân là bãi chiến trường ngày xưa. Giờ đây là những công trình lớn, những cột điện trên núi, cao tận mây xanh, gió mạnh đến nỗi ngày trước Mỹ không dám tiếp viện bằng dù hàng, ngày nay gió mang lại cái lợi là năng lượng tái tạo. Một cây cột 200 tỷ đồng, một tháng cho ra 100 triệu đồng, huyện có 198 cây trụ như thế, hy vọng huyện thành “thủ phủ điện gió”, dần hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội miền Tây. Bây giờ tổng sản phẩm xã hội của huyện hàng năm súyt soát một ngàn tỷ đồng.

Các đại biểu tại buổi gặp mặt giữa Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa với đoàn Cựu TNXP Việt Nam

Đồng chí Vinh rất vui khi gặp lại Bí thư cũ, sôi nổi chia sẻ với chúng tôi về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Kinh, Vân Kiều, Pa Cô đều có mức sống được nâng cao; giáo dục truyền thống cho lớp trẻ được coi trong. Đồng chí nói: “Ngày trước, bản thân tôi đi từ nhà, xã Hướng Lập đến trường học tại thị trấn này mất hai ngày đi bộ – học tập tinh thần TNXP phải như thế…”. Chúng tôi thật cảm động, khi nói đến công lao TNXP đóng góp trên mặt trận này. Cựu TNXP chúng tôi nguyện rằng, tuy tuổi cao nhưng cũng cố gắng góp một tay vào sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, bởi đó là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh để lại.

Tại tượng đài giao bưu thông tin liên lạc ở Dốc Miếu

Về thăm Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu; chúng tôi mới hiểu tường tận hàng rào điện tử Mac-Na-Ma-Ra là như thế nào? Đô la Mỹ đổ vào đây vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại; nghe nói con chuột bò qua hàng rào cũng phát tin về cho sở chỉ huy, thế mà hàng chục ngàn mét rào điện tử vẫn bị phá sản, do ta vẫn có cách vượt qua. Sau giải phóng, đồng chí Tố Hữu vào đây có “Thơ Vào Nam” – mô tả cảnh rất hoang tàn, ông kêu gọi mau mau xây dựng lại.

“Ai về Quảng Trị Gio Linh

Trèo lên Dốc Miếu lắng nhìn Quán Ngang

Bời bời cỏ lút đồng hoang

Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn…”

Đây là nơi đối đầu lịch sử giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. Địch cố ý phá nát nền tảng cơ sở vật chất, làm ly tán con người, “Sông Bến Hải bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương…”, lại còn nghe chuyện “đấu cờ”, “đấu loa” biết là không ai chịu thua ai. Rốt cuộc, bên chính nghĩa nhất định sẽ thắng.

Lịch sử đã trao cho Quảng Trị sứ mệnh thiêng liêng, thề non hẹn biển. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi “- triệu người như một vâng lệnh Cụ Hồ.

Đoàn cựu TNXP Lạng Sơn bên vạch giới tuyến trên cầu Hiền Lương

Tại địa điểm chia cắt 2 miền, sau năm Giải phóng, nơi đây đã dần khắc họa những biểu tượng lòng dân như sắt đá: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền, xé mây cho sáng trăng vàng, khai sông nối bến cho nàng về anh…” Hình tượng sáu ngọn dừa vút lên trời xanh che chở Mẹ miền Nam và đứa con máu thịt luôn hướng về trái tim Thủ đô yêu dấu, với một ý chí, một khát vọng ngày Thống nhất non sông.

Trở lại đường vào Nam, chúng tôi theo Quốc lộ 1, dừng chân lại đầu cầu Ga – nơi đây có biểu tượng những chiếc nón lá trắng và những quả tim màu đỏ. Tìm hiểu kỹ mới biết tác giả điêu khắc muốn tỏ lòng với các chiến sỹ Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã chiến đấu, hy sinh tại đây khi thực hiện nhiệm vụ mang 100 kg bộc phá, thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) nhằm cắt đường viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà

Dâng hương ở Đài tưởng niệm Mai Quốc Ca

Đây chính là cầu Thạch Hãn, cây cầu lịch sử, chứng tích hai bên trao trả tù binh. Quay lên hướng tây chúng tôi nhìn rõ dòng nước trong xanh, trông nhấp nhô núi rừng hùng vĩ; theo tư liệu ghi chép và điều may mắn cho tôi có vài ba lần công tác lên đó, tôi mới kể cho đồng đội nghe. Rằng, trên ấy là Chiến khu Ba Lòng. Bài tham gia cuộc thi viết của cụ Văn Như Tước 94 tuổi (Thanh Hoá) rất tâm huyết, Cụ trình bày: Tại Ba Lòng đã sớm trở thành Chiến khu chống thực dân Pháp xâm lược, đóng vai trò quan trọng bảo vệ đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang; đây là căn cứ địa là trung tâm lãnh đạo công cuộc kháng chiến của Quảng Trị và khu vực Bình Trị Thiên, làm vai trò giao liên thông suốt Bắc Nam. Đây cũng là hậu phương bảo đảm cho 2 cuộc kháng chiến thành công.

 Sáng sớm hôm nay 27 tháng Tư

 Đoàn Cựu TNXP chúng tôi dâng hương hoa tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, tưởng nhớ tri ân những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong 81 ngày đêm năm 1972, kiên cường bảo vệ Thành Cổ trước âm mưu kẻ địch quyết liệt tái chiếm. Xương máu của các anh đã hoá thân vào từng tất đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ. Ngôi mộ chung được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái; bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu, trên mái đình là bình thái cực. Chúng tôi từ từ bước lên 81 bậc thang với tấm lòng trân trọng, bùi ngùi tiếc thương vô hạn. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

 “Mùa hè đỏ lửa” Thành Cổ năm ấy, có khoảng 328 ngàn tấn bom đạn Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, Quảng Trị đỏ rực một màu của máu lửa. Chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới, mảnh đất chưa đầy 3 km2, khiến đối phương huy động một lực lượng hải, lục, không quân rất đông và sử dụng dụng khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Khâm phục, trân trọng và mãi mãi biết ơn các anh hùng liệt sĩ, hôm nay đoàn chúng tôi tâm niệm dâng hương Bác Hồ; đặt bè hoa, hương khói gửi tới các anh hùng liệt sĩ theo dòng nước Thạch Hãn linh thiêng, tôi cảm nhận các anh hùng liệt sĩ linh nghiệm, sẻ chia tấm lòng thành kính của cựu TNXP chúng tôi hôm nay.

Thả bè hoa tưởng niệm trên sông Thạch Hãn

Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

Lê Bá Dương

 Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trong lần về thăm Thành Cổ Quảng Trị đã khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự – những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Dâng hoa ở Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Trong chúng ta ai cũng trân trọng lời nhận xét đó, bởi phẩm giá đích thực của người Việt Nam được nêu bật. Nghiêng mình tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, khi chúng tôi đến thăm dâng hương Nhà tưởng niệm đồng chí, thăm ngôi nhà ở giản dị, ẩn chứa một nhân cách lớn của lãnh tụ, chúng tôi và bao người khác trên mảnh đất làng Bích La, Triệu Phong hay ở đâu xa đều một lòng kính yêu đồng chí.

 Qua hoạt động hành trình tri ân lần này, đoàn cựu TNXP chúng tôi càng thấy rõ tầm cỡ lớn lao của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ của dân tộc ta. Thắng lợi 50 năm trước đây bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, luôn kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với quân sự và ngoại giao. Bàn đàm phán tại Paris nhờ đó mà ta thắng thế.

Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 với 2 đợt tấn công và nổi dậy mãnh liệt từ ngày 30/3 đến 1/5/1972, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã tiêu diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt sống 3.160 tên, phá huỷ và thu giữ phương tiện quân sự rất to lớn, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kèm kẹp tàn bạo của Mỹ- Nguỵ; giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam, mở ra cục diện mới cho quân và dân ta hướng tới chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Nửa thế kỷ đi qua sau ngày Giải phóng, Quảng Trị luôn khát vọng về một quê hương đổi mới không ngừng. Kể từ ngày tái lập tỉnh 1989 đến nay Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giành nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 7,8%; quy mô nền kinh tế tăng đáng kể, tổng sản phẩm địa bàn tỉnh tang 190 lần so với năm 1989. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp phát triển ổn định và khá toàn diện. Hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bạc. Nhiều công trình trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội được phát triển đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.. Dân dựa vào Đảng, Đảng nắm bắt và xử lý kịp thời các tâm nguyện của dân, nhờ đó đã giải quyết nhiều sự việc thấu tình đạt lý. Từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần, nền tảng văn hoá được phát huy.

 Đến nay Quảng Trị có 535 dự án án còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư 175,17 ngàn tỷ đồng. Hiện có 26 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD, đứng thứ 32/63 tỉnh thành phố. Dấu ấn lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài là Trung tâm điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Hải Lăng – giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Hiện nay đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nhiệt điện Quảng Trị, hướng phát triển tổ liên hợp điện khí hình thành khu phức hợp năng lượng kết nối với các nước Lào, Thái Lan; các dự án phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); khai thác mỏ khí tự nhiên ngoài khơi như Kèn Bầu, Báo Vàng tiếp vào bờ Quảng Trị sẽ cho hàng triệu MW; cùng với chế biến vật liệu xây dựng thuỷ tinh từ nguồn cát có trữ lượng lớn, hàm lượng silic cao…

 Đoàn cựu TNXP “ Hành hương Về Nguồn” lần này thu hoạch được nhiều kết quả trên phương diện tham quan, tìm hiểu, tri ân người có công với cách mạng. Đồng thời, còn mở ra phương thức tập hợp, đoàn kết anh chị em TNXP các thế hệ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ thông qua hình thức mở cuộc thi viết tìm hiểu lịch sử và thành tựu xây dựng một cách rộng rãi, bước đầu giành nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Các cấp Hội sẽ rút kinh nghiệm cho hoạt động sắp tới nhằm đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa.

 Thưa các đồng chí, đồng đội!

 Nhật ký về nguồn tôi viết vội

 xin đồng chí mình tha thứ, được thôi

 Kỷ niệm đẹp!

 Quảng Trị 50 năm Ngày Giải phóng

 Nào Good bey! Xin hôn lên

 đôi má “em Cửa Việt” đắm say!

 Đông Hà 27 tháng Tư năm 2022

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến