Biên niên sử về Bác Hồ đối với Thanh niên xung phong

Đăng lúc: 28-08-2022 3:46 Chiều - Đã xem: 212 lượt xem In bài viết

 Bác Hồ là người sáng lập tổ chức TNXP, Bác đã hết lòng chăm lo tổ chức, giáo dục TNXP, Người coi tổ chức TNXP là đội quân xung kích của Cách mạng, là một trong ba trường học lớn và tốt của thanh niên.

 Suốt cả cuộc đời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng bao giờ Bác cũng giành một phần tình cảm của Bác để chăm sóc thế hệ trẻ với tấm lòng của người cha chăm sóc con, người ông chăm sóc cháu.

 Qua biên niên sử về Bác Hồ đối với TNXP, chúng ta thấy rất rõ tư tưởng chiến lược nói trên của Bác.

 Ngày 15 tháng 7 năm 1950: Thành lập lực lượng TNXP

 Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, để phát huy vai trò xung kích cách mạng của thanh niên đối với cuộc kháng chiến, Bác chủ trương thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên của Việt Nam. Đội gồm 225 đội viên nam nữ, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, súng đạn, sửa chữa cầu đường, phục vụ chiến dịch Cao Bắc Lạng.

 Bác giao cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc lúc bấy giờ trực tiếp tổ chức và lãnh đạo Đội TNXP công tác.

 Ngày 15/7/1950 là ngày Ban Thanh Vận Trung ương họp ra quyết định thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên. Và ngày 15/7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của TNXP.

 Ngày 20 tháng 3 năm 1951

 Khi đi kiểm tra công tác cầu đường ở các tỉnh Việt Bắc, Bác đến thăm phân đội TNXP 312 thuộc liên đội 3 đơn vị TNXP đang làm đường tại khu vực cầu Nà Cù (Bắc Cạn).

 Tại đây trong khi nói chuyện với TNXP, Bác ứng khẩu tặng TNXP 4 câu thơ nổi tiếng:

 Không có việc gì khó

 Chỉ sợ lòng không bền

 Đào núi và lấp biển

 Quyết chí ắt làm nên

 Bốn câu thơ trên đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta.

 Ngày 28 tháng 3 năm 1953

 Sau ba năm hoạt động, các đội TNXP đã phục vụ nhiều chiến dịch, lập nhiều thành tích xuất sắc, nhưng cũng có nhiều khuyết nhược điểm về tổ chức và chỉ đạo nên chưa thực hiện đúng yêu cầu của Bác. Vì vậy Bác chủ trương chấn chỉnh lại. Bác giao cho đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, lập ra một đội TNXP mới, lúc đầu có 261 đội viên, sau phát triển lên 850 đội viên do đồng chí Vũ Kỳ trực tiếp làm đội trưởng.

 Ngày 15 tháng 8 năm 1953

 Nhận thấy trên một chiến trường lại có hai đội TNXP cùng tồn tại đều làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch: Một đội do TƯ Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập và trực tiếp lãnh đạo; Một đội do Bác giao cho đồng chí Vũ Kỳ thành lập trực thuộc Chính phủ, Bác chủ trương thống nhất lại và giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, đại diện Hội đồng cung cấp mặt trận, triệu tập các đồng chí lãnh đạo của hai đội để bàn và đã nhất trí hợp nhất hai đội, lấy tổ chức TNXP do Bác chỉ đạo thành lập làm “mẫu” đặt tên mới là Đoàn TNXP Trung ương, ký hiệu XP, do đồng chí Vũ Kỳ làm đoàn trưởng.

 Ngày 15 tháng 11 năm 1953

 Bác viết bài báo nhan đề: “Đội TNXP”, đăng báo Nhân Dân số 147 từ ngày 11- 15/11/1953 với bút danh CB.

 Trong bài báo Bác khen ngợi “Cán bộ, đội viên đã có thành tích về phục vụ chiến dịch và công tác cầu đường” và Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Đội TNXP là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của TNXP”.

 Ngày 30 tháng 4 năm 1954

 Bác lại viết bài báo nhan đề: “Những trường học lớn và tốt” (đăng báo Nhân dân số 180 từ ngày 26-30/4/1954, lấy bút danh CB).

 Nội dung có đoạn viết: “Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, cần một số cán bộ thật nhiều và thật tốt, toàn tâm, toàn lực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.

 Đội TNXP là một trong ba trường học lớn và tốt ấy. Bác viết: “Những trường học ấy vừa huấn luyện, vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc và công bằng của quần chúng thì người ấy chỉ tự trách mình. Nếu ai thắng lợi trong cuộc thử thách thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.

 Ngày 8 tháng 5 năm 1954

 Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954 Bác gửi thư khen ngợi bộ đội, chiến sỹ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm trọn nhiệm vụ một cách vẻ vang. 

Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ, TNXP, dân công và nhân dân không được vì thắng lợi mà kiêu, chủ quan khinh địch, Bác nhấn mạnh: “Cuộc chiến tranh còn phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

 Ngày 9 tháng 6 năm 1954

 Bác lại viết bài “Đoàn TNXP” đăng báo Nhân Dân số 194 từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 6 năm 1954, bút danh CB.

 Trong bài này Bác vừa khen ngợi thành tích vừa phê bình khuyết điểm của TNXP, Bác viết:

Bên bờ suối trong rừng sâu Việt Bắc, Bác Hồ kính yêu đang chăm chú
 nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo về công tác TNXP Ảnh: T.L

 “Nhờ lựa chọn cẩn thận và giáo dục chu đáo, lại được Đảng săn sóc cho nên Đoàn TNXP tuy mới xây dựng, nhưng đã có thành tích khá”. Bác cũng nhắc nhở một số cán bộ, đội viên còn có khuyết điểm: “Thích làm những việc gì oai, còn cho công việc cầu đường, công việc ở cơ quan là tầm thường quá. Thậm chí khi làm những việc ấy thì sợ xấu”.

 Ngày 10 tháng 2 năm 1955

 Bác viết bài “Đồng bào, dân công và TNXP” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 10/2/1955.

 Bài báo có đoạn viết: “Các đội TNXP Bắc Giang và Bắc Ninh trên công trường khôi phục đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan đã thực sự xung phong tăng năng suất gấp 5 và gấp 11 lần.

 Thế là đồng bào, dân công và TNXP đã dùng cách thiết thực đẩy mạnh công tác hàng ngày để chống âm mưu đế quốc Mỹ phá hoại Hòa Bình.

 Dân ta hăng hái thi đua

 Âm mưu của Mỹ chắc thua bẽ bàng”.

 Ngày 16 tháng 5 năm 1955

 Sau ngày Giải phóng Thủ đô, để tham gia công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục các tuyến đường sắt, Đội TNXP thủ đô đầu tiên được thành lập (21/3/1955) gồm 350 thanh niên lên đường khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Chưa đầy 2 tháng sau do đội lập được nhiều thành tích, Bác Hồ đã viết bài: “Đội TNXP Thủ đô” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 16/5/1955 bút danh: CB.

 Bài báo có đoạn viết: “Người ta thường nói: Thanh niên các thành thị, nhất là ở Hà Nội chỉ ham trau chuốt, thích chơi bời, ít hoạt động. Có một ít thanh niên như thế thật. Nhưng khi được tổ chức giáo dục và lãnh đạo thì thanh niên rất hăng hái hoạt động”.

 Sau khi điểm lại hoạt động của thanh niên Thủ đô trong cách mạng tháng 8, trong kháng chiến bảo vệ Thủ đô, trước và sau tiếp quản Thủ đô, Bác kết luận:

 “Ngày nay đội TNXP thủ đô là một tập thể lao động gương mẫu trên công trường đường sắt Vĩnh Phúc trong đợt thi đua từ 8/4 đến 23/4/1955 họ đã thi đua đạt nhiều thành tích. Họ còn giúp đồng bào địa phương gánh nước tưới ruộng, làm vệ sinh.  Thế là đội TNXP đã đưa lại vinh quang cho Thủ đô”.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh về GTVT
Nhà xuất bản GTVT Hà Nội 1990, trang 83-85
)

 Ngày 1 tháng 5 năm 1963

 Bác gửi thư cho đoàn viên, thanh niên ở Công trường đường sắt Thanh Hóa, Nghệ An. Trong thư có đoạn viết:

 “Trong kế hoạch 5 năm, Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng lại đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An.

 Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động đã thay mặt các cháu mà nhận công trường đó và xin đặt tên là “Công trường đường sắt Thanh niên”.

 Các cháu đã xung phong tình nguyện làm việc đó, thế là các cháu đã làm đúng khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Như thế là tốt.

 Bác tặng các cháu lá cờ làm giải thưởng luân lưu và chúc các cháu:

 – Vui vẻ mạnh khỏe

 – Hăng hái thi đua

 – Giành nhiều thành tích”

 Ngày 1 tháng 5 năm 1964

 Bác gửi điện cho công nhân, thanh niên, cán bộ làm đường xe lửa Thanh Hóa, Vinh.

 Bác viết:

 “Các cháu TNXP Thanh Nghệ đã căn bản làm xong con đường xe lửa Thanh Hóa, Vinh.

 Các cháu công nhân và cán bộ đã căn bản bắc xong cầu Hàm Rồng, như thế là tốt.

 Nhân dịp ngày 1/5, Bác thân ái gửi lời khen ngợi công nhân, cán bộ và các cháu Thanh niên, chúc các cháu tiếp tục thi đua để giành thành tích to lớn và nhiều hơn nữa”.

 Ngày 17 tháng 3 năm 1965

 Bác viết bài: “Thanh niên kiểu mẫu” đăng báo Nhân Dân, bút danh CB.

 

Người viết: “Đồng chí Trịnh Minh Huyền một bần nông ở Hà Tĩnh là một người kiểu mẫu của Đoàn TNXP với thành tích: “Từ 1951 đồng chí ấy đi dân công bao giờ năng suất cũng tăng từ 200-400%. Trong chiến dịch Tây Bắc đêm nào đồng chí cũng gánh 50 cân và có nhiều sáng kiến”. Rồi Bác kết luận:

 “Đồng chí Huyền thật xứng đáng với vinh dự là Thanh niên xung phong làm kiểu mẫu cho tất cả Thanh niên chúng ta”.

 (Hồ Chí Minh về GTVT – NXB GTVT Hà Nội trang 81 – 82)

Ngày 21 tháng 6 năm 1965

Sau khi Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung để phục vụ công tác đảm bảo GTVT góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 71 ngày 21/6/1965 quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung và quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách và trách nhiệm các cấp, các ngành đối với TNXP. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

 Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã đóng góp công lao, thành tích to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

 Ngày 12 tháng 7 năm 1965

 Chưa đầy một tháng sau khi có quyết định thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung, Bác đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Bí thư TƯ Đoàn, Trưởng ban chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước Trung ương, báo cáo tình hình thanh niên tham gia lực lượng TNXP. Bác nhắc nhở các cấp các ngành và Đoàn thanh niên phải quan tâm giáo dục chăm lo đời sống để thanh niên thực hiện tốt 3 nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu và học tập rèn luyện. Bác đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách đối với TNXP gái, chú ý đặc điểm riêng, có chế độ, chính sách riêng, phân công công tác hợp lý tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tương lai…

 (Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)

 Ngày 26 tháng 9 năm 1966

 Bác gửi thư khen TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung. Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ lập nhiều thành tích.

 Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

 Bác hôn các cháu

 Bác Hồ

 (Theo cuốn Tổ chức và chính sách đối với TNXP chống Mỹ, cứu nước – NXB Thanh niên 1970, trang 12)

 Ngày 19 tháng 10 năm 1966

 Phát biểu ý kiến tại buổi Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam, Bác nói:

 “Trong phong trào TNXP chống Mỹ cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu. Nhiều thanh niên gái Vĩnh Linh vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu giỏi. Tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và tiêu biểu là tiểu đội 9 – Đại đội 814 đã đảm bảo giao thông dưới làn bom đạn”.

 (Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Sự thật Hà Nội 1989, tập 10 trang 417)

 Ngày 1 tháng 1 năm 1967

 Tại Đại hội liên hoan Anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 4 tại Hà Nội ngày 1-1-1967, Bác Hồ hết sức phấn khởi, khen ngợi cán bộ, công nhân và TNXP lập nhiều thành tích trong công tác đảm bảo GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

 Đặc biệt Bác khen ngợi, tặng hoa và chụp ảnh riêng với nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế.

 Ngày 12 tháng 1 năm 1967

 Bác Hồ đến dự và nói chuyện với Đại hội thi đua của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất do TƯ Đoàn TN LĐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

 Trong bài nói chuyện của Bác có đoạn:

 “Bác rất vui lòng vì Thanh niên ta đã lập được nhiều thành tích tốt, xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

 Sau khi nêu bật thành tích của TNXP chống Mỹ cứu nước, nêu rõ nguyên nhân đạt thành tích, nêu rõ vai trò lãnh đạo giáo dục của Đảng, của Đoàn thanh niên, Bác căn dặn:

 “… Các cháu nào đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa là anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành anh hùng… ”.

 Ngày 27 tháng 1 năm 1969

 Bác gửi thư khen Đội TNXP số 333

 Trong thư Bác viết:

 “Suốt bốn năm nay, Đội TNXP số 333 nhận nhiệm vụ làm đường, sửa cầu ở một nơi địch thường đánh phá ác liệt, có nhiều khó khăn gian khổ.

 Đội phần lớn là các cháu gái đã dũng cảm chiến đấu, tích cực lao động, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm cầu đường được thông suốt luôn.

 Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu.

 Bác cũng khen ngợi tất cả các cháu TNXP đang hăng hái thi đua, công tác ở các nơi khác trên đất nước ta. Bác cũng gửi lời khen ngợi và cảm ơn đồng bào và cán bộ các địa phương đã thương yêu giúp đỡ các cháu.

 Bác mong các cháu mạnh khỏe, vui vẻ, lập nhiều thành tích mới”.

 Bác hôn các cháu 

 Bác Hồ

 Đây cũng là bức thư và lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ đối với TNXP trước lúc Người đi xa. Bác chu đáo, không chỉ khen Đội TNXP 333 là con cháu quê hương Bác hoạt động tại trọng điểm cầu Cấm Nghệ An, mà Bác còn khen ngợi chung lực lượng TNXP cả nước và gửi lời cảm ơn đồng bào, cán bộ nhân dân cả nước đã thương yêu giúp đỡ TNXP.

 Nguyễn Văn Đệ (sưu tầm)

Theo bqllang.gov.vn